Mittwoch, 2. Juni 2010

Người Việt miễn dịch cao với… bẩn

“Tất cả những người nước ngoài uống nước mía đều bị ngộ độc. Người Việt Nam uống nước mía không việc gì vì đã miễn dịch cao với những vi sinh vật thường gặp” - đại biểu Nguyễn Lân Dũng khái quát thực trạng vệ sinh àn toàn thực phẩm…

Không nước nào có “cơm bụi” như Việt Nam

Đảm bảo an toàn với thức ăn đường phố nhức nhối với con số trích báo cáo của đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long), hàng năm Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị ngộ độc thực phẩm, gây thiệt hại 4000 tỷ đồng.

Bà Hằng đánh giá, nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra ở tất cả các khâu chế biến, bảo quản, phân phối. Nếu không thể truy xuất nguồn gốc thì không thể xử lý triệt để.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) “tấn công” ngay vấn đề “cơm bụi” – một khái niệm theo đại biểu là không nước nào có. “Tôi không thể hiểu được tại sao lại chấp nhận cơm ăn với bụi. “Cơm bụi” là cơm ở ngoài đường, không có nước nào bán cơm ở ngoài đường. Cơm bình dân, giá rẻ nhưng phải bán trong nhà” - ông Dũng đề nghị xóa khái niệm “cơm bụi”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): “Mừng vì Bộ Y tế được giao làm "nhạc trưởng" quản lý ATTP nhưng ông "nhạc trưởng" này phải nhận thêm trách nhiệm "kéo violon" và thổi kèn thì không thể làm được?

Giải pháp lập đoàn liên ngành là không ổn. Liên ngành là dung dăng, dung dẻ đi nhưng không giải quyết được vấn đề gì. “Ban chỉ đạo" theo kinh nghiệm cũng không giải quyết được vấn đề, cứ giao hẳn cho một người để có thể có chỗ quy trách nhiệm”.

Đại biểu cũng kiến nghị Bộ Y tế cho phép có một đề tài công bố các vi sinh vật có trong thực phẩm đường phố và khẳng định kết quả sẽ rất bất ngờ. Lấy ví dụ nước mía, ông Dũng mô tả các công đoạn, mía chặt từ ruộng, nông dân đã đem ngâm xuống ao để cho có nước nhiều.

Người quay nước mía cạo vỏ xong dựng ở gốc cây, vỉa hè, ruồi bâu, rồi ép lấy nước uống. Cốc tách khách vừa uống xong được nhúng vào một chậu nước nhỏ rồi lại “quay vòng” cho người khác uống.

Ông Dũng quả quyết, tất cả những người nước ngoài uống nước mía đều bị ngộ độc. Người Việt Nam uống nước mía không việc gì vì theo quan niệm “ăn bẩn sống lâu”, đã miễn dịch cao với những vi sinh vật thường gặp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đi vào 2 điều kiện áp cho thực phẩm đường phố: đủ nước sạch trong quá trình kinh doanh và dụng cụ rửa sạch. Bà Hòa cảnh báo quy định khó có thể kiểm soát, thực hiện.

Đại biểu phân tích trong trường hợp những người bán hàng rong. Nhóm đối tượng bán đồ ăn này di động, không cố định một chỗ, khi kiểm tra họ có thể chạy từ phường này sang phường khác, sẽ có tình trạng đối phó. Đây cũng là đối tượng không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tôi cũng thấy chưa thể bỏ ngay được thức ăn đường phố nhưng quy định lại khó quá với trường hợp thức ăn bán rong này” - bà Hòa than vẻ bất lực.

Truy ra rau, thịt gây ngộ độc cũng không quy được trách nhiệm

Nội dung quy định dán nhãn, bao gói thực phẩm cũng gây không ít hoang mang trong hội trường. Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) phân tích quy định cấm thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không sạch bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển.

Theo bà Mai quy định như vậy chưa đủ mà phải “cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm, gây độc hại cho thực phẩm, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.

“Thực ra thì chúng ta chỉ chú trọng đến chất lượng của thực phẩm mà không quan tâm đến hình thức vấn đề bao bì chứa đựng thực phẩm thì đó là thiếu sót. Vừa rồi chúng ta mới giật mình khi có cảnh báo bao bì thực phẩm của một số nước nhập vào Việt Nam có chất độc” - bà Mai liệt kê hàng loạt sản phẩm chai, lọ, hộp xốp, túi nhựa nilông… không đảm bảo điều kiện để chứa dựng thực phẩm.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) lại nhấn mạnh “kẽ hở” thực phẩm không bao gói sẵn lại không có yêu cầu ghi nhãn. Đi từ các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, gây nguy hiểm cho nhiều người thời gian qua, bà Hương đặt vấn đề, việc cứu chữa tốn tiền, phức tạp, sau đó lại phải xét nghiệm xác định nguyên nhân, khi truy ra được “tội đồ” là rau hay thịt thì lại bế tắc vì không biết thực phẩm tươi sống nguồn gốc ở đâu.

“Trách nhiệm của Bộ Y tế phải làm sao đảm bảo việc quản lý, đừng để báo chí nêu ra rồi mới bắt đầu vào cuộc và vào cuộc hết sức chậm chạp như các vụ sữa nhiễm melamin, hộp xốp gây ung thư, nước uống đóng chai bẩn, kẹo mút phát sáng…” - Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam)

Bà Hương đề nghị quy định mọi loại thực phẩm đều phải ghi nhãn chứ không chỉ sản phẩm đã bao gói. Việc ghi nhãn được nhấn mạnh sẽ nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, nuôi trồng, đảm bảo an toàn người tiêu dùng.

Đại biểu Trương Thị Thu Hà (Đồng Nai) đề cập chế tài xử lý với mức phạt tiền được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ là chưa đủ sức răn đe.

Bà Hà cho rằng, thực tế thời gian qua do mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận nên nhiều cá nhân, tổ chức sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều cơ sở sản xuất cung cấp thực phẩm mùa trung thu, mùa tết năm nay bị xử phạt, mùa trung thu, mùa tết năm sau lại cứ vi phạm y như thế.

Đại biểu đề xuất nâng mức xử phạt tối thiểu lên gấp 10 lần và mức tối đa thật cao, thậm chí gấp hàng trăm lần giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ nếu thiệt hại gây ra khó mà bù đắp được như nguy cơ tử vong hoặc gây hại tới thai nhi với phụ nữ có thai.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) cũng phân tích, mức phạt 100 - 500 triệu đồng đối với các hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, nhiễm bẩn, có tạp chất lạ, nhiễm các chất độc hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người khá mạnh tay.

Tuy nhiên, cần làm rõ thêm khái niệm ảnh hưởng nghiêm trọng, ví dụ như gây ngộ độc dẫn đến tử vong, ngộ độc tập thể có người mức độ cao, ngộ độc gây sẩy thai…
 
Nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-399476/nguoi-viet-mien-dich-cao-voi-ban.htm