Nhà máy Foxconn tại Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Foxconn, tập đoàn điện tử ở Thẩm Quyến thông báo tăng lương 70% cho công nhân sau 11 vụ tự tử trong năm nay. Các nhà máy liên doanh của Honda cũng phải nâng lương thêm 24% sau gần hai tuần bị tê liệt. Chính phủ Trung Quốc cũng thông báo tăng mức lương căn bản lên 960 nhân dân tệ, tương đương với 20% kể từ tháng 7 trong bối cảnh làn sóng bất mãn của thành phần lao động đang dâng cao.
Chỉ trong vòng một tuần lễ công ty gia công điện tử Foxconn tại Thẩm Quyến hai lần đề nghị tăng lương : 30% rồi 70%. Kể từ ngày 1/10 lương trung bình của công nhân Foxconn là 260 đôla mỗi tháng .Theo ban lãnh đạo, biện pháp này sẽ cải thiện đời sống, bớt phải làm giờ phụ trội giúp cho công nhân có thêm thời gian giải trí.
Những lời tuyên bố chính thức này đã gián tiếp xác nhận đời sống công nhân tại Trung Quốc, nơi được xem là xưởng máy của kinh tế thế giới,cực kỳ vất vả.
Hãng tin trên mạng AsiaNews.it , trong bài « Giai cấp công nhân mới tại Trung Quốc thà tự sát hơn là cúi đầu trước đàn áp » nhắc lại là từ đầu năm đến nay chỉ riêng trong cơ sở của Foxconn tại đặc khu công nghiệp Thẩm Quyến đã có 11 vụ nhân viên trẻ ở tuổi đôi mươi nhảy lầu tự sát. Mặc dù công ty mới trang bị một hệ thống lưới chận nhưng cũng không ngăn cản được hành động tuyệt vọng của công nhân.
Giới chuyên gia kêu gọi chính quyền phải chấp nhận xét lại toàn bộ tổ chức lao động tại Trung Quốc, nơi mà điều kiện làm việc của giai cấp công nhân được mô tả là « phi nhân » hy sinh cho « lợi nhuận cho các tập đoàn tư bản Tây phương và quyền lợi của đảng Cộng sản Trung Quốc».
Theo nhận định của một chuyên gia Đài Loan trên báo South China Morning Post, thì đa số thành phần công nhân hiện nay tại Trung Quốc có học thức hơn thế hệ cha anh. Thế hệ trước vì miếng cơm manh áo, chấp nhận nhịp độ làm việc ở các xưởng máy 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày, dưới sự giám sát của cán bộ như trong quân đội. Thế hệ trẻ hiện nay đòi hỏi phải có việc làm cộng thêm không khí tự do và dân chủ.
Hành động tự tử của 11 nhân viên Foxconn đã làm cho công ty này mới nhượng bộ về mặt lương bổng. Chưa biết họ sẽ có biện pháp gì cải thiện đời sống công nhân hay không. Tuy nhiên việc tăng lương đã tạo ra ảnh hưởng dây chuyền và cuộc tranh đấu của công nhân không giới hạn tại Thẩm Quyến.
Foxconn chỉ là một trong số 22 công ty con của tập đoàn điện tử Hồng Hải của Đài Loan đầu tư khắp Hoa Lục, cung cấp linh kiện điện tử cho nhiều hãng điện thoại di động và vi tính của Tây phương với tổng số nhân viên lến 800 ngàn người. Cùng lúc với cuộc đấu tranh quyết liệt của công nhân Foxconn, nhân viên của 5 nhà máy Honda liên doanh với Trung Quốc cũng đình công làm tê liệt toàn bộ hệ thống lấp ráp xe hơi của Honda. Cho đến cuối tuần qua, ban giám đốc chấp thuận tăng 24% lương trong lúc yêu sách của nhân viên là tăng 50% mới tạm bù đấp cho đời sống đắt đỏ.
Theo thông tin của giới bảo vệ người lao động thì hôm nay tại Thẩm Quyến cũng như ở ba tỉnh lớn khác là Hà Nam, Cam Túc và Vân Nam cũng xảy ra đình công trong các ngành dệt và chuyên chở công cộng với tổng cộng 10 ngàn người tham gia.
Các cố gắng thành lập công đoàn tự do như công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan trong thập niên 80 luôn bị Bắc Kinh trấn áp. Thái độ quyết tử của 12 nhân viên Foxconn , trong đó có một người tự tử hụt cho thấy tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi người lao động rất khó khăn. Ban giám đốc cài « gián điệp » để cảnh cáo mọi toan tính tổ chức công đoàn. Nhưng qua cách thức tranh đấu khôn khéo của công nhân Honda, chỉ đánh vào « yếu huyệt » là giây chuyền ráp « hộp số » đã làm toàn bộ 4 nhà máy khác phải ngưng hoạt động.
Nhân công tại Foxconn và Honda đã làm cho chính quyền không thể làm ngơ. Theo báo chí Trung Quốc, kể từ đầu tháng 7 lương căn bản trong mọi ngành nghề sẽ tăng thêm 20% và sẽ làm chỉ số tăng trưởng giảm 2 điểm.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100607-the-he-cong-nhan-tre-dau-tranh-quyet-liet-khien-gioi-chu-va-chinh-quyen-nhuong-bo