Mittwoch, 2. Juni 2010

Phòng chống tham nhũng trong lãnh vực giáo dục

Đỗ Hiếu, RFA

2010-06-02-Thanh Tra chánh phủ và ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng tuần qua phối hợp với sứ quán Thuỵ Điển tại Hà Nội tổ chức cuộc đối thoại với chủ đề “phòng chống tham nhũng trong lãnh vực giáo dục”. Hội thảo quy tụ đại diện ngoại giao đoàn, các định chế quốc tế, quan chức chánh phủ và chuyên gia.

Theo nhận định của một số đại diện các bộ ngành thì những vụ tham nhũng, tai tiếng , tiêu cực xảy ra trong lãnh vực giáo dục gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo, tổn hại đến nếp sống đạo đức và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì sao tham nhũng lan tràn nơi học đường, mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết về hiện tượng khá phổ biến này.

Ảnh hưởng tham nhũng hối lộ trong giáo dục

Lên tiếng tại hội thảo, ông Rolf Bergman, đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam cho rằng, tham nhũng trong giáo dục, ở học đường, ảnh hưởng đến mọi người dân và đe doạ cho sự phát triển bền vững của đất nước và xã hội.

Đại diện chương trình phát triển của liên hiệp quốc cũng nói là lòng tin của người dân đối với hệ thống giáo dục Việt Nam bị xói mòn vì có đến 7 trong số 10 người được hỏi đều cho biết , tại các trường có dấu hiệu tham nhũng từ mức độ nhỏ đến lớn và mức độ tham nhũng, nhận hối lộ ổ cấp đại học cao hơn mức tiểu học và trung học.

Lòng tin của người dân đối với hệ thống giáo dục Việt Nam bị xói mòn vì có đến 7 trong số 10 người được hỏi đều cho biết , tại các trường có dấu hiệu tham nhũng từ mức độ nhỏ đến lớn và mức độ tham nhũng, nhận hối lộ ổ cấp đại học cao hơn mức tiểu học và trung học.

Giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, người dân buộc lòng phải chấp nhận tham nhũng, họ coi đó như một hiện tượng tiêu cực trong xã hội mà mình phải làm theo và điều đó khiến tình trạng tham nhũng trong ngành giáo dục Việt Nam càng thêm trầm trọng và chưa có lối thoát trước mắt.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Peter Lysholt Hansen cho rằng, giáo viên nhận hối lộ là vì lương của họ quá thấp, không đáp ứng được chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày. Theo ông, một trong những cách thức phòng chống tham nhũng hữu hiệu là cho họ hưởng mức lương ổn định, bảo đảm cuộc sống từ đó nhà giáo mới an tâm, dồn mọi nỗ lực cho việc giảng dạy học trò và nghiên cứu chuyên môn.

Đại diện các đại sứ quán Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc và tổ chức liên hiệp quốc nêu lên sự cần thiết trong việc thiết lập một hệ thống đánh gía tham nhũng trong khuôn khổ hoạt động của ngành giáo dục, đào tạo tại Việt Nam.

Đại diện ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhận định rằng, tham nhũng trong hai ngành chủ yếu là y tế và giáo dục ở Việt Nam là chuyện xảy ra hàng ngày, dưới đủ mọi hình thức, được dư luận gọi là “tham nhũng vặt”. ADB đánh giá đây chính là sự tác động do nhận thức, cách cư xử, hành vi của người dân trước những hiện tượng tiêu cực, đã ăn sâu vào cuộc sống , thói quen trong xã hội xưa nay.

Nguyên nhân và yếu tố kinh tế

Lên tiếng với Ban Việt Ngữ, giáo sư Văn Như Cương, hiệu truởng trường trung học dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội trình bày những suy nghỉ của ông về chuyện tham nhũng trong giáo dục:

Tôi thấy mấy hôm nay có hội thảo với sự tham dự của người nước ngoài, về chống tham nhũng trong giáo dục, tôi khẳng định, tham nhũng trong giáo dục là nhỏ, thứ hai là không thể nói tham nhũng trong giáo dục là dính líu đến tất cả mọi người, ai cũng thực hiện được. Người giáo viên thì không có điều kiện gì để tham nhũng cả, chỉ có việc dạy thêm cho học trò để kiếm tiền, không biết cái đó có nên gọi là tham nhũng không? Chỉ dạy học trò kiếm thêm chút ít thôi, giáo viên thì chỉ làm tiền được bằng cách đó thôi. Các ông hiệu trưởng hay quan chức về giáo dục mới có thể tham nhũng. ”

Theo thầy hiệu trưởng Văn Như Cương thì việc quà cáp cho giáo chức là vấn đề khá phổ biến, nhưng không ở tầm vóc lớn:

“Phụ huynh có thể đóng góp tiền trái với quy định, khi trường thu thêm khoản này , khoản khác như là hội cha mẹ học sinh của trường, rồi mỗi lớp cũng có hội riêng, kêu gọi đóng tiền để thực hiện những việc như: đến ngày lễ, Tết, mua biếu thầy cô bó hoa, hay tặng một phong bì...


Người giáo viên thì không có điều kiện gì để tham nhũng cả, chỉ có việc dạy thêm cho học trò để kiếm tiền, không biết cái đó có nên gọi là tham nhũng không? Chỉ dạy học trò kiếm thêm chút ít thôi, giáo viên thì chỉ làm tiền được bằng cách đó thôi.


Tôi cho đó cũng là hình thức tham nhũng, nhưng mà phụ huynh tự nguyện làm việc đó, vì họ biết rằng đời sống giáo viên có khó khăn, nên có chút ít để cải thiện đời sống giáo chức thì đó là chuyện khiến họ không phản ứng gì cả, trừ phi những trường làm chuyện gì lớn, bắt đóng góp nhiều thì họ mới phản ứng.”

Kế đó, cô Trần Thị Hảo, giáo viên trường trung học Nguyễn Minh Hoàng, Saigon, cũng nhìn nhận có chuyện chạy chọt để gởi con vào trường danh tiếng, cô cũng nói về việc dạy thêm , kiếm tiền hầu bù đắp cho đồng lương eo hẹp của đa số nhà giáo:

“Có những trường điểm, thì người ta hay chạy tiền cho con vô học, còn các trường bình thường thì không đến đổi, những trường điểm thì toàn là con các ông tai to, mặt bự dạy không, nghèo khổ như mình đâu có lọt vô đó được. Nếu có tham nhũng thì cũng dạt đâu mất rồi, dễ gì tới tay mình đâu. Khi nào báo chí phanh phui thì mới đến tai mình, chứ chuyện tham nhũng trong nhà trường là có thật.


Giáo viên thường mở lớp dạy thêm, một đứa học trò thì thu được 200 ngàn đồng, một tháng, mở lớp dạy vài chục đứa. Có người cũng đâu có tiền cho con học thêm, đóng tiền học thông thường là quá khó khăn, trần ai rồi, chứ đừng nói đến chuyện học thêm. Lương nhà nước thì không đủ sống, cần dạy thêm bên ngoài, ăn bản thân chưa đủ, đừng nói nuôi cha mẹ. Thật sự thì người cũng lơ cho mình kiếm sống, chứ dạy thêm có thể bị cấm đó.”

Các chuyên gia và nhà nghiên cứu đều nhìn nhận, tại Việt Nam giáo dục là “miếng mồi ngon” cho tham nhũng với những hiện tượng khá phổ biến như chạy tiền để cho con em vào trường điểm, mua bán chứng chỉ, văn bằng, bán điểm, buộc em sinh phải học thêm ngoài giờ, buộc phụ huynh phải nộp đều đặn nhiều khoản thu không đúng quy định cho quỹ trường, quỹ lớp.

Mặc dù biết những món tiền đó không hợp lệ nhưng phụ huynh cứ nhắm mắt đóng góp để được sự ưu ái của các thầy cô, tức là vô tình tiếp tay cho tham nhũng lan tràn chốn học đường.

Trong giai đoạn tới, để sớm khắc phục những hiện tượng tiêu cực tồn tại, dễ đưa tới tham nhũng, bộ giáo dục, đào tạo đưa ra giải pháp cùng lộ trình cụ thể như: thực hiện công khai, minh bạch, rà soát những phần hành, công việc nảy sinh tiêu cực, tham nhũng hầu đề ra biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, hữu hiệu và đồng bộ. Đó là cũng là nguồn hy vọng của mọi người dân Việt mong muốn nhà trường là nơi nêu gương trong sạch, liêm khiết về đạo đức, tri thức và nhân phẩm.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Corruption-in-the-educational-field-in-Vietnam%20-06022010064827.html