Một người giơ cao hai ngón tay thành hình chữ "V" biểu tượng của "Chiến thắng" nhân một cuộc biểu tình chống Tổng Thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tại Téhéran. David W Cerny/Reuters
Chắc chắn là bạn đã nhiều lần nhìn thấy qua phim ảnh, truyền hình, trong các cuộc biểu tình mít tinh người ta giơ cao tay, ngón chỏ và ngón giữa tách ra tạo thành chữ V biểu tượng cho chiến thắng.
Một trong những bức hình đi vào lịch sử là ảnh thủ tướng Anh Winston Churchill, tay giơ cao với biểu tượng chữ V, được chụp thời đệ nhị thế chiến. Vậy, việc dùng biểu tượng này có từ bao giờ hay nói cho đúng hơn là nó được sử dụng một cách phổ biến từ lúc nào?
Vừa qua, nhà ngôn ngữ học người Pháp Jean Veronis cho biết là ông đã tìm thấy câu trả lời đầy sức thuyết phục trong cuốn Đài phát thanh Luân Đôn: Những tiếng nói của tự do (1940-1944) của sử gia Aurelie Luneau. Sách nói về vai trò của thông tin, cụ thể là đài BBC và tiếng nói của các lực lượng kháng chiến chống phát xít của nhiều nước được phát đi từ Luân Đôn.
Về nguồn gốc của việc dùng chữ V biểu tượng cho chiến thắng, Aurelie Luneau cho biết, ngày 14 tháng giêng năm 1941, từ Luân Đôn, Victor de Laveye, phát thanh viên người Bỉ thuộc đài BBC, đã kêu gọi người dân nước mình hãy viết chữ V khắp nơi trên đất nước Bỉ. Bởi vì chữ V có hai biểu tượng : theo tiếng Pháp, V là Victoire, Chiến thắng, còn theo tiếng Flamand, V là Vrijheid, có nghĩa là Tự do.
Lời kêu gọi này đã được hưởng ứng mạnh mẽ, không chỉ tại Bỉ, mà còn ở Hà Lan và phía bắc nước Pháp. Chiến dịch kêu gọi viết chữ V sau đó đã được ban tiếng Pháp đài BBC tiếp sức và hình tượng chữ V lan rộng ra khắp nước Pháp cũng như phần còn lại của châu Âu.
Từ trước đến nay, một số sử gia cho rằng nhạc hiệu mở đầu chương trình tiếng Pháp đài BBC, trong thời kỳ kháng chiến chống phát xít Đức có nhịp điệu trùng với đoạn khởi đầu hùng dũng của bản giao hưởng số 5 của Bethoveen, thường được diễn tả như là « Số phận đến gõ cửa ».
Tuy nhiên, ở đây có một phát hiện lý thú là nhịp điệu ba ngắn một dài lại chính là ký hiệu đánh morse của chữ V. Trước sự hưởng ứng của phong trào viết chữ V, ông Douglas Ritchie, một chuyên gia về tuyên truyền thuộc đài BBC, với biệt danh là « Đại tá Britton » đã có sáng kiến quảng bá biểu tượng chữ V dưới dạng âm thanh theo ký tự đánh morse: nhân viên hỏa xa kéo còi theo nhịp điệu đánh morse chữ V khi tàu vào sân ga, tài xế bấm còi, công nhân gõ búa, người dân huýt sáo theo nhịp điệu này bày tỏ lòng tin vào chiến thắng.
Biểu tượng chữ V sau này đã được sử dụng một cách « sáng tạo » hơn. Ví dụ, trong nhiều cuộc meeting trước đây, tướng Pháp De Gaulle giơ cả hai tay lên trời, chéo hình chữ V, thay vì chỉ dùng hai ngón tay.
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20100603-lich-su-dung-chu-v-bieu-tuong-cho-chien-thang