Montag, 7. Juni 2010

Di dân Việt và Miến 'bạo loạn' ở Malaysia

Công nhân nhập cư ở Malaysia-hình minh họa

Cảnh sát Malaysia nói gần hai trăm 'người nhập cư trái phép' từ Việt Nam và Miến Điện đã gây 'bạo loạn' tại một trung tâm tạm giam chờ trục xuất.

Hãng AP ngày 7 tháng 6 trích lời ông Shukri Dahlan, cảnh sát trưởng của tiểu bang Terengganu, mạn Bắc Malaysia, nói với truyền thông rằng có tám người Việt Nam bị thương trong vụ xảy ra hôm thứ Bảy.

Một nguồn tin khác của cảnh sát Malaysia nói "những người bị tạm giam tìm cách phá cổng trung tâm và đe dọa sẽ đốt cả khu".

Nhưng cảnh sát chống bạo động đã đẩy họ vào lại phía trong.

Nguồn tin này không nêu danh tính vì ông ta "không được giao nhiệm vụ ra tuyên bố công khai".

Còn theo hãng tin Malaysia, Bernama giám đốc cơ quan di trú của bang Terengganu, ông Mahasan Mustapa nói vụ việc xảy ra vào lúc 9:30 tối thứ Bảy.

'Người Việt đánh nhau?'

Vụ việc xảy ra khi hai người Việt Nam đánh nhau và những người khác đã vào cuộc...
Quan chức Malaysia

Ông cho hay rằng "vụ việc xảy ra khi hai người Việt Nam đánh nhau và những người khác đã vào cuộc" trong khu trại Ajil.

Bernama đưa tin một xe cứu hỏa của trạm Kuala Berang được cử đến trực ngoài trung tâm tạm giam để phòng khi có hỏa hoạn.

Cho đến trưa ngày 7 giờ London, BBC Tiếng Việt chưa liên lạc với được ai trong số di dân Việt Nam bị giữ trong vụ việc để hỏi chuyện.

Cùng lúc, các báo của người Miến Điện hải ngoại như trang Tiếng nói Dân chủ Miến Điện (DVB) thì nói vụ việc giống như cuộc bạo loạn tháng 7 năm 2009 của 700 người Miến Điện bị tạm giam trại Semenyih của Malaysia.

Trong vụ việc đó, người Miến Điện "nổi loạn sau khi đã tuyệt thực để phản đối việc cấm họ tiếp xúc đại diện Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc."

Báo Miến Điện ở nước ngoài cũng nói có "quan chức di trú Malaysia dính líu vào việc buôn người là công dân Miến Điện".

Tờ báo cũng bày tỏ sự bất bình trước việc, theo họ là Malaysia trục xuất chỉ mới tuần trước năm trẻ em Miến Điện về nước.

Nhưng vụ rối loạn ở Terengganu không phải là đơn lẻ vì ngoài vấn đề dân nhập cư trái phép, Malaysia còn phải đối mặt với các cáo buộc rằng công nhân nước ngoài đến làm thuê "bị đối xử tệ".

Hồi tháng 3 năm nay, Ân xá Quốc tế (AI) nói lao động nhập cư vào Malaysia vừa bị chủ lẫn cảnh sát bóc lột.

Ân xá Quốc tế nói lao động di dân ở Malaysia, chiếm 1/5 lao động cả nước, thường phải "làm việc trong tình trạng bị cưỡng bức, bị bóc lột bằng cách này cách khác".

Luật di trú của Malaysia cũng bị phê phán, bên cạnh các thông lệ như chủ giữ hộ chiếu của công nhân nước ngoài.

Theo Hồng Nga, phóng viên BBC Tiếng Việt trong một chuyến công tác đến Malaysia hồi tháng 3 vừa qua thì lao đ̣ông nữ người Việt tại đây sống trong tình cảnh "nhiều cô mới chỉ sang đây mấy tháng đã nghĩ tới chuyện trở về".

Một số công nhân nói họ gặp cảnh "bất công chủ thợ, thậm chí có trường hợp bị ngược đãi, khó biết kêu ai".

Hồi tháng 12 một tòa án ở Malaysia nhận đơn của tổ chức CAMSA và sẽ quyết định về Bấm vụ kiện bồi thường lao động cho lao động Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc của tổ chức BPSOS, một thành viên của CAMSA, nói với BBC khi đó rằng ông hy vọng vụ kiện sẽ góp phần gây sức ép để cải thiện quyền lợi của công nhân Việt Nam.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/06/100607_viet_burmese_malaysia.shtml