Trung Quốc đã cử hai tàu tuần ngư tới vùng quần đảo Trường Sa
02.06.2010-Báo Trung Quốc trích lời lực lượng tuần tra ngư nghiệp nói chỉ trong 10 ngày có gần 30 ngư dân nước này bị hải quân “láng giềng” bắt giữ.
Tờ Quảng Châu thời báo vừa có bài nói về hoạt động của các tàu ngư chính mà Trung Quốc điều tới khu vực Biển Đông quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) để “bảo vệ ngư dân và chống cướp biển”.
Báo này trích lời người có trách nhiệm của lực lượng ngư chính Nam Sa nói trong khoảng thời gian từ 12/05-21/05, ba tàu đánh cá với 28 ngư dân Trung Quốc khi hoạt động trong “ngư trường truyền thống” của mình đã bị “lực lượng vũ trang của nước láng giềng bắt giữ một cách vô lý”.
Sau khi có can thiệp của tàu tuần tra và cơ quan ngoại giao Trung Quốc, số ngư dân này đã được trả tự do.
Bài trên Quảng Châu thời báo không nói tên quốc gia láng giềng mà chỉ viết đây là một nước Đông Nam Á, tuy không khó khăn gì có thể suy đoán bài báo ám chỉ quốc gia nào.
Hôm 01/04, Bắc Kinh điều hai tàu ngư chính thuộc loại hiện đại nhất tới vùng biển còn tranh chấp với Việt Nam, bắt đầu “chương mới” trong chiến lược tuần tra nghề cá của Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói đợt tuần tra kéo dài một tháng, nhưng “có khả năng kéo dài hơn tùy hoàn cảnh thực tế”.
Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối hành động này.
Bà Nguyễn Phương Nga tuyên bố: “Việc Trung Quốc cử tàu ngư chính đi tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.”
“Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này, không tiếp tục có các hành động gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông, làm ảnh hưởng đến việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.”
Bắt ngư dân
Quảng Châu thời báo mô tả tỉ mỉ các diễn biến liên quan tàu đánh cá Trung Quốc tại vùng biển Trường Sa.
Báo này viết rằng 8 giờ tối hôm 12/05, tàu hải quân của “một quốc gia Đông Nam Á” đã nổ súng xua đuổi tàu cá Trung Quốc với tổng cộng 34 phát đạn. Một số viên đạn trúng tàu Trung Quốc nhưng không ai bị hề hấn gì.
“Hai tàu tuần tra số 301 và 302 sau khi nhận tín hiệu báo động đã nhanh chóng đến hiện trường”, bảo vệ ngư dân.
Ngày 15/05, vào buổi sáng ba tàu hải quân của “quốc gia Đông Nam Á” nói trên đã vào “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc, bắt 9 ngư dân và tài công trên một tàu cá Trung Quốc.
Cách đó không xa, hai tàu cá khác của Trung Quốc cũng bị bắt và 9 tàu bị xua đuổi.
Tổng cộng số người bị bắt là 28 người.
Thương lượng sau đó đã diễn ra giữa lực lượng tuần tra ngư nghiệp và cơ quan ngoại giao hai nước. Tới chiều hôm đó, toàn bộ số ngư dân Trung Quốc được trả tự do vô điều kiện.
Bài báo trích lời cơ quan ngư chính nói ‘vùng biển Nam Sa giờ không còn bình lặng nữa” và thiếu hỗ trợ của tàu ngư chính, ngư phủ Trung Quốc sẽ không yên tâm làm ăn.
Báo này không giải thích tại sao tàu thuyền Trung Quốc vẫn hoạt động đánh bắt cho dù từ 16/05, Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm đánh cá tại các vùng biển mà nước này coi là của mình, trong có Biển Đông.
Kể từ năm 1985, khi Trung Quốc bắt đầu chương trình khôi phục nghề cá ở Trường Sa, hải đội của nước này tại đây tăng từ 13 lên tới hơn 600 tàu thuyền vào năm 2009, có lúc tới 900 tàu, sản lượng hải sản đánh bắt được tới 50.000 tấn.
Về phần mình, Việt Nam cũng khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi tại các khu vực đánh cá truyền thống, coi đó là một hình thức khẳng định chủ quyền.
Nhiều tàu cá và ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt.
Nguồn: BBC