Freitag, 4. Juni 2010

Viết sử hay biện hộ?

Lữ Giang

Hôm 16.5.2010, ông Nguyễn Tiến Hưng lại ra mắt cuốn sách thứ ba để biện minh cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đó là cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu”. Với sự quảng cáo rầm rộ trên các đài phát thanh, truyền hình và báo chí, có khoảng 650 người đã đến tại Westminster Rose Center, thuộc thành phố Westmimster, Nam California, để nghe ông Hưng nói gì.

Trong hai cuốn trước là cuốn “Hồ sơ Dinh Độc Lập” và cuốn “Khi Đồng Minh tháo chạy”, ông Hưng đã nói với độc giả rằng miền Nam bị mất là do sự phản bội của Hoa Kỳ chứ không phải do sự lãnh đạo sai lầm của Tổng Thống Thiệu. Trong cuốn thứ ba này, ông Hưng cố gắng biện minh rằng sự sụp đổ nhanh chóng của miền Nam là do lỗi lầm của nhiều người chứ không phải do quyết định sai lầm của Tổng Thống Thiệu.

Vốn là một nhà khoa bảng, ông Hưng đã khảo cứu và trích dẫn rất nhiều tài liệu để chứng minh quan điểm của ông, nhưng đúng như Nguyễn Kỳ Phong đã nhận định trong bài “Điểm sách: Khi Đồng Minh Tháo Chạy”:

“Ở một vài nơi, tác giả sử dụng sử liệu một chiều: chỉ xài chi tiết trong sử liệu để biện minh cho lý thuyết của mình, mà không thông báo cho độc giả những chi tiết khác ngược lại, để độc giả có thể so sánh...”

Trong cuốn thứ ba này ông Hưng cũng viết theo chiều hướng đó. Nói một cách chính xác hơn, ông Hưng đã đóng vai trò của một người biện hộ hơn là một người viết sử.

Nhìn chung, cả ba cuốn sách ông Hưng viết để biện hộ cho Tổng Thống Thiệu đã để lộ cho chúng ta thấy trước cũng như sau khi ký Hiệp Định Paris, Tổng Thống Thiệu không hề hay biết Đồng Minh Hoa Kỳ và địch định làm gì.

Vốn là một người rất độc đoán và làm việc thiếu khoa học, Tổng Thống Thiệu không quan tâm đến các bản báo cáo, các tài liệu nghiên cứu do các cấp trình lên hay những khuyến cáo của các viên chức Hoa Ký, ông cứ cứ hành động theo sự suy nghĩ chủ quan của mình, nhưng lại tìm cách đổ trách nhiệm cho người khác về những quyết định do chính ông đưa ra. Tài liệu do ông Hưng đưa ra trong cuốn thứ ba đã giúp chúng ta có thêm những yếu tố để xác định những đặc tính đó của ông Thiệu.

Cổ nhân bảo “tri bĩ tri kỷ, bách chiến bách thắng”. Tổng Tống Thiệu không biết mình và cũng không biết người, thua là chuyện đương nhiên.

Trước khi đề cập đến cuốn thứ ba, chúng tôi xin lược lại những điểm then chốt trong hai cuốn trước để giúp độc giả thẩm định về những điều ông Hưng biện minh trong cuốn này một cách chính xác hơn.

BỬU BỐI ĐƯỢC ÔM CHẶT

Trong hai cuốn “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” và “Khi Đồng Minh tháo chạy”, ông Nguyễn Tiến Hưng đã phổ biến nhiều văn kiện trong số 27 văn kiện giao dịch giữa Tổng Thống Nixon và Tổng Thiệu liên quan tới Hiệp Định Paris. Tuy nhiên, có hai văn kiện được coi như bửu bối để chứng minh Đồng Minh đã phản bội VNCH, đó là hai thông điệp ngày 14.11.1972 và ngày 14.1.1973 của Tổng Thống Nixon gởi Tổng Thống Thiệu. Hai văn kiện này về sau đã bị Quốc Hội Mỹ làm cho trở thành vô giá trị, nhưng Tổng Thống Thiệu không hiểu gì hết, cứ ôm chặt lấy nó nên đã đưa VNCH xuống thuyền đài một cách nhanh chóng.

Ngày 14.11.1972, trước khi Kissinger và Lê Đức Thọ mở lại cuộc hòa đàm tại Paris sau khi Hoa Kỳ dội bom xuống Hà Nội, Tổng Thống Nixon đã bảo Đại Sứ Bunker ở Sài Gòn trao cho Tổng Thống Thiệu một lá thư trong đó có lời “cam kết tuyệt đối” bảo vệ VNCH như sau:

“Tôi tuyệt đối cam đoan với Ngài rằng nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp Định nầy thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đủa mau lẹ và ác liệt.”

Ngày 14.1.1973, để ép buộc Tổng Thống Thiệu ký vào hiệp định Paris, Tướng Haig được cử đến Saigon với sứ mạng vừa hứa hẹn vừa đe dọa. Tướng Haig đã trao cho Tổng Thống Thiệu một “mật ước” của Tổng Thống Nixon, trong đó có đoạn được ông Nguyễn Tiến Hưng tô đậm như sau:

“Chúng tôi sẽ phản ứng mãnh liệt trong trường hợp bản Hiệp Định bị vi phạm. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh đến những cam kết tiếp tục của chính phủ Hoa Kỳ đối với tự do và tiến bộ của VNCH. Tôi quyết định sẽ tiếp tục viện trợ đầy đủ kinh tế và quân sự cho VNCH”.

Tuy nhiên, kèm theo thông điệp này, Tướng Haig cũng đã lặp lại lời đe dọa của Washington rằng nếu Tổng Thống Thiệu không chấp nhận bản dự thảo hiệp định mới, Hoa Kỳ sẽ cắt hết việt trợ và ký một hiệp định riêng với Bắc Việt.

Vốn là một thành phần chủ chốt trong cuộc đảo chánh và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, Tổng Thống Thiệu sợ số phận của mình rồi cũng gióng như ông Diệm, nên đành chấp nhận ký kết một hiệp định mà ông biết rõ hoàn toàn thất lợi cho VNCH.

BỬU BỐI TRỞ THÀNH VÔ GIÁ TRỊ

Buộc Việt Nam Cộng Hòa ký Hiệp Định Paris xong, ngày 29.6.1973 Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á. Dự luật nầy đã được lưỡng Viện thông qua ngày 21.9.1973. Đến ngày 12.10.1973, lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc.

Trên phương diện pháp lý, hai văn kiện này có hiệu lực hủy bỏ hai lời cam kết mà Tổng Thống Nixon nói với Tổng Thống Thiệu, đó là “tôi cương quyết sẽ có hành động trả đủa mau lẹ và ác liệt” và “Chúng tôi sẽ phản ứng mãnh liệt trong trường hợp bản Hiệp Định bị vi phạm.”

Vì không ai biết có hai văn kiện cam kết nói trên, nên chẳng có chuyên viên hay cố vấn nào lưu ý Tổng Thống Thiệu điều đó. Riêng Tổng Thống Thiệu vì không hiểu biết nhiều về chính trường Mỹ và trò chơi lá sấp lá ngữa của Mỹ, nên đã không quan tâm gì đến hai đạo luật đó. Ông cứ ôm chặt hai bửu bối mà Tổng Thống Nixon đã trao và và tin rằng Mỹ sẽ không bỏ VNCH!

Tuy nhiên, khi được tin Tổng Thống Nixon phải từ chức, ông Thiệu bắt đầu lo lắng. Vì thế, ngày 9.8.1974 Tổng Thống Gerald Ford vừa nhận chức đã phải gởi ngay cho Tổng Thống Thiệu một văn thư khẳng định rằng “những cam kết hiện hữu mà dân tộc chúng tôi đã hứa hẹn với qúy quốc trong quá khứ, nó vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi”.

Các chuyên viên về phân tích chính trị đều có thể thấy ngay rằng lời hứa trên đây của Tổng Thống Ford chỉ là một lời hứa hảo huyền, một sự trấn an mà thôi, vì Tổng Thống Mỹ làm sao có thể vượt qua được hai đạo luật của Quốc Hội? Vì thiếu hiểu biết, Tổng Thống Thiệu vẫn yên tâm về địa vị của mình và dự trù sửa đổi hiến pháp để có thể ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba!

Đầu tháng 8 năm 1974, Cộng quân dùng 3 sư đoàn đánh căn cứ Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng để khai thông quốc lộ 14 (thường được gọi là đường Đông Trường Sơn) và chuyển quân cũng như tiếp liệu từ Bắc vào Nam. Lúc 8 giờ 30 sáng 7.8.1974, Thường Đức hoàn toàn bị thất thủ. Tổng Thống Thiệu nhìn về Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ đã không “có hành động trả đủa mau lẹ và ác liệt” như đã hứa, chỉ lên tiếng dọa dẫm vu vơ rồi im luôn!

Đầu năm 1975 Cộng quân quyết định đánh Phước Long để làm địa điểm tập trung quân đánh vào Sài Gòn. Mặc dầu Quân Đoàn 3 đã có kế hoạch phòng thủ Phước Long, nhưng Tổng Thống Thiệu cho rằng Phước Long không quan trọng (!), quyết định bỏ Phước Long dể “xem Mỹ nó làm gì”!

Ngày 6.1.1975, Phước Long bị thất thủ. Mỹ chỉ ra lệnh cho hạm đội Enterprise dẫn một lực lượng của Hạm Đội 7 đi về phía Việt Nam để đe dọa, sau đó cũng im luôn.

Thấy Mỹ không có hành động nào như đã hứa, Tổng Thống Thiệu đã coi miền Nam như của Mỹ, chơi trò tháo cáy, làm mất miền Nam (chúng tôi sẽ nói trong bài sau).

TẠI SAO MỸ PHẢN BỘI?

Ông Nguyễn Tiến Hưng đã đưa ra các tài liệu chứng minh Mỹ đã phản bội VNCH, nhưng lại không giải thích tại sao Mỹ đã phản bội. Tại sao Mỹ không bỏ Đại Hàn hay Đài Loan mà bỏ VNCH?

Ngày 20.1.1969, ông Nixon đã nhận chức Tổng Thống Mỹ với lời hứa rằng chấm dứt chiến tranh là ưu tiên hàng đầu của ông. Ông đã đưa ra kế hoạch “Việt Nam hoá” chiến tranh để giúp VNCH tồn tại. Nhưng trong một cuốn băng được Miller Center of Public Affairs thuộc Đại Học Virgina công bố vào tháng 8 năm 2004, Tổng Thống Nixon đã nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc “Nam Việt Nam có thể không bao giờ còn tồn tại dù bất cứ cách nào.” (South Vietnam probably can never even survive anyway)!

Sau đó, Tổng Thống Nixon đã bàn với cố vấn an ninh Kissinger về chính sách ngoại giao sống còn của Mỹ. Ông nói:

“Henry, chúng ta cũng phải nhận thức rằng thắng trong một cuộc bầu cử là hết sức quan trọng. Nó hết sức quan trọng trong năm nay, nhưng chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao sống còn (a viable foreign policy) nếu một năm kể từ bây giờ hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam? Đó thật là vấn đề.”

Kissinger trả lời:

“Nếu một hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam, chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao sống còn nếu coi điều đó như thể là kết quả của sự bất tài của người Nam Việt Nam (if it's the result of South Vietnamese incompetence)”

Nhiều tài liệu đã được công bố cho thấy người Mỹ đã nhận định rằng sự tham nhũng và bất tài (corruption and imcompetence) của các nhà lãnh đạo miền Nam đã khiến miền Nam không thể đứng vững được sau khi Mỹ rút, vì thế Mỹ đã phải bỏ rơi miền Nam rồi tìm một phương thức khác (chúng ta đang thấy).

Rất nhiều người đã nhận định rằng sở dĩ miền Nam được cai trị bởi những người bất tài vì Mỹ muốn như thế để có thể lãnh đạo luôn miền Nam. Do đó, sự thất bại này là do Hoa Kỳ chứ không phải do người miền Nam.

Trên đây là những vấn đề then chốt mà ông Nguyễn Tiến Hưng phải lý giải khi biện hộ cho Tổng Thống Thiệu.

Trong bài tới, chúng tôi sẽ bàn về cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”

Ngày 2.6.2010
Lữ Giang