Dienstag, 15. Juni 2010

Việt Nam không thể có tam quyền phân lập khi còn chế độ độc đảng

Thanh Phương, RFI

Khái niệm tam quyền phân lập, tức là hành pháp, lập pháp và tư pháp phải độc lập với nhau là nền tảng của một thể chế cộng hòa. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, với Đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, tam quyền phân lập không thể trở thành hiện thực.

Vào đầu tháng 6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 kể từ năm tới. Trong các cuộc thảo luận ở Quốc hội trong kỳ họp hiện đang diễn ra, đa số các đại biểu tỏ ý tán đồng đề nghị nói trên. Việc sửa đổi Hiến pháp suy cho cùng chính là nhằm bảo đảm thật sự tam quyền phân lập, tức là hành pháp, lập pháp và tư pháp phải độc lập với nhau, như bất cứ một thể chế cộng hòa nào. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, với Đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, tam quyền phân lập không thể trở thành hiện thực.

Vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được đưa ra từ nhiều năm nay và đang trở nên ngày càng cấp thiết bởi vì có rất nhiều luật cần phải được thông qua, nhưng cứ vấp phải rào cản Hiến pháp, chẳng hạn như các luật liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước, luật về bầu cử Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, phải sửa đổi Hiến pháp trước tháng 5 năm 2011, tức là thời điểm bầu cử nhiệm kỳ mới. Trong khuôn khổ sửa đổi Hiến pháp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam dự trù cải cách tư pháp, lấy tòa án làm trọng tâm, tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; nghiên cứu chuyển viện kiểm sát thành viện công tố, v. v ....

Nhưng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được thực hiện sau khi có chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Chi tiết này nhắc cho chúng ta thấy rằng, ở Việt Nam, tuy Quốc hội được định nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, nhưng trên Quốc hội còn có Đảng. Trong một thể chế độc đảng như vậy, không thể có tam quyền phân lập, tức là ngành tư pháp sẽ không bao giờ được độc lập, nếu không sửa đổi Hiến pháp hiện hành, trong đó có điều khoản về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đây chính là điều mà tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ( người đã dám kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ra quyết định khai thác bauxite Tây Nguyên ) nhấn mạnh trong bài phỏng vấn với RFI Việt ngữ, được thực hiện vào tuần trước.

Khi đề cập đến việc sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, người ta thường so sánh với bản Hiến pháp 1946, được ban hành sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đây là một bản Hiến pháp đã được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền, như nhận định của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng trong một bài viết được đăng trên tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 và được VietnamNet đăng lại cách đây vài ngày. Trong bài viết « Hiến pháp 1946 với tư tưởng pháp quyền », ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, « để lạm quyền không xảy ra thì Hiến pháp đã được đặt cao hơn Nhà nước. » Theo tác giả bài viết, về mặt lý thuyết thì điều này có thể đạt được bằng hai cách hoặc là Hiến pháp do Quốc hội thông qua, hoặc Hiến pháp do toàn dân thông qua. Nhưng hiện nay, rõ ràng là Quốc hội, cũng như nhân dân chẳng có quyền quyết định gì về đạo luật cơ bản đó cả.

Thành ra, theo ông Cù Huy Hà Vũ, vấn đề mấu chốt hiện nay của Việt Nam đó là độc đảng. Ông đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này với sự giám sát của Liên hiệp quốc.

Nhưng chắc chắn là ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như thế và Đại hội Đảng, mà theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm tới, cũng sẽ chẳng mang lại thay đổi gì đáng kể về mặt thể chế. Có điều, cùng với đà hội nhập thế giới, hệ thống luật pháp Việt Nam ngày càng bộc lộ những mâu thuẩn, những đòi hỏi cải cách, mà nếu không sửa đổi Hiến pháp thì đến một lúc nào đó, Việt Nam sẽ ở vào thế vi phạm các cam kết quốc tế và sự vận hành của quốc gia sẽ gặp bế tắc, hay ít ra là không còn hiệu quả nữa.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100614-viet-nam-khong-the-co-tam-quyen-phan-lap-khi-con-che-do-doc-dang