Freitag, 25. Juni 2010

Làm ăn với “cựu thù”

Lữ Giang

Nhiều dấu hiệu cho thấy cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đang nỗ lực biến Việt Nam thành công cụ chiến lược của mình, cả về quân sự lẫn kinh tế. Đường lối của Mỹ ngày càng rõ nét: Mỹ đang tiến sâu vào Việt Nam hơn. Trước những nổ lực này, Việt Nam đang gặp thuận lợi là có thể dùng “chiến thuật đu dây” để tồn tại và hưởng lợi.

Một câu hỏi được đặt ra cho người Việt chống cộng: Theo Mỹ hay chống Mỹ mới có thể “giải phóng quê hương” khỏi kẻ “cựu thù”? Nếu nhìn theo hướng đi của thời đại, câu trả lời có lẽ không có gì khó, nhưng phát biểu nó ra là cả một vấn đề. Tuy nhiên, dù theo khuynh hướng nào đi nữa, trước tiên người Việt hải ngoại vẫn phải quan sát để xem Mỹ đang toan tính gì ở Việt Nam.

CON ĐƯỜNG MỸ ĐI

Đầu tháng 6 vừa qua, một cuộc đối thoại lần thứ ba về chính trị, an ninh và quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã diễn ra ở Hà Nội. Thứ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh của Hà Nội cho biết:

“Chúng tôi trao đổi vấn đề chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, chống khủng bố, phòng chống ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng thảo luận vấn đề cứu trợ thiên tai, an ninh trên biển, tìm kiếm cứu nạn, các chuyến thăm của tàu hải quân cũng như các kinh nghiệm trong việc gìn giữ hòa bình. Chúng tôi cũng thảo luận về hậu quả chiến tranh như vấn đề chất da cam cũng như vấn đề tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam”.

Kết quả sơ khởi, theo bản công bố hôm 16.6.2010, chính phủ Mỹ và các nhà tài trợ sẽ bỏ ra 300 USD để giải quyết hậu quả của chất độc màu da cam (agent orange) tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

Song song với biến cố nói trên, Hoa Kỳ cũng đẩy mạnh việc đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Đã từ lâu, các nhà quan sát (trừ người Việt chống cộng) đều nhận ra rằng rồi đây Mỹ và một số quốc gia sẽ chuyển một số đầu tư từ Trung Quốc qua Việt Nam vì các lý do sau đây:

Lý do thứ nhất: Giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc (chỉ bằng 2/3). Nhờ phát triển kinh tế nhanh, mức sống của người dân Trung Quốc ngày càng tăng nên giá nhân công cũng tăng theo. Điều này đã làm cho giá thành sản phẩm tăng lên.

Việt Nam đã tăng mức lương tối thiểu ở các công ty ngoại quốc lên 28% trong năm nay. Đây là lần tăng đầu tiên trong sáu năm, nhưng nó cũng chỉ đưa mức lương lên ngang với mức của Campuchia.

Mức lương trung bình ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với Thái Lan và Trung Quốc.

Lý do thứ hai: Nhân công Việt Nam trẻ hơn, nên năng suất cao hơn. Trung Quốc theo chế độ một con, nên nhân công ngày càng già đi và năng suất đang đi xuống.

Jeffrey Joerres, Chủ tịch và Tổng giám đốc của Manpower, một tập đoàn tuyển dụng lao động lớn thứ nhì thế giới, vừa đến thăm Việt Nam lần đầu tiên trong tháng 6 đã nói: "Nếu 5 năm, hay 10 năm sau tôi tới đây, tôi thực sự có thể làm việc với những người ở độ tuổi 20, 30 này”.

Lý do thứ ba: Khi con đường xuyên Á được hoàn tất, từ Việt Nam có thể đưa hàng đi bán ở các vùng Nam Á Châu với giá rẻ. Năm ngoái, các nước Á châu đã thỏa thuận thiết lập một hệ thống đường sắt nối kết 28 nước trong vùng với nhau và Âu châu.

Từ trước đến nay, Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác chưa đầu tư lớn vào Việt Nam được không phải vì Việt Nam không có dân chủ, độc tài, tham nhũng, v.v. Những thứ đó chẳng ảnh hưởng gì đến giá thành sản phẩm. Sở sĩ Hoa Kỳ và nhiều quốc gia chưa thể đầu tư lớn vào Việt Nam vì Việt Nam thiếu hạ tầng cơ sở nghiêm trọng, nên không thể đầu tư được.

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải xây dựng 8 nhà máy điện hạt nhân thay vì 4 như dự trù trong kế hoạch ban đầu. Tổng công suất của 8 nhà máy này là từ 15.000 đến 16.000 megawatt.

Nếu để Việt Nam tự xây dựng hạ tầng cơ sở (như đường sá, bến tàu, sân bay, điện lực, ...) để thu hút đầu tư, phải đợi mất nhiều chục năm nữa. Vì thế, Hoa Kỳ và nhiều nước đang nhảy vào để thực hiện các công tác này ở Việt Nam.

HOA KỲ BẮT ĐẦU NHẢY VÀO

Một phái đoàn kinh doanh Hoa Kỳ thuộc tổ chức Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-Asean (USABC) có trụ sở ở Washington DC, gồm 23 đại diện các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hoa Kỳ đã đến viếng thăm Việt Nam vào đầu tháng 6. Phái đoàn gồm các tổng giám đốc, giám đốc điều hành, giám đốc tiếp thị... của các tổ hợp kinh doanh nổi tiếng ở Mỹ như General Electric, Carterpillar, Chevron, CocaCola, ConocoPhillips, ExxonMobil, IBM, JP Morgan, Microsoft, Monsanto, NewsCorporation, Oracle, Procter & Gamble, UPS, v.v.

Ngày 11.6.2010 USABC đã có một buổi tọa đàm về chủ đề “Hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng” tại khu nhà mẫu Sunrise City thuộc Quận 7, Sài Gòn. Buổi tọa đàm do Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova - Novaland và CPK Group phối hợp tổ chức. Phái đoàn đã nói chuyện với các đại diện chính quyền của một số tỉnh ở phía Nam như Sài Gòn, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ và Cà Mau. Ông Alexander Feldman, Chủ tịch USBAC nói:

“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam ngồi lại tìm kế hoạch hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Sài Gòn và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cơ sở hạ tầng không chỉ là đường xá, cầu cống mà còn là sự đồng bộ của trường học, bệnh viện, hệ thống xử lý rác thải, công viên. Hiện các công ty thành viên của USABC là Caterpillar, GE và ConocoPhillips đã thành lập Ủy Ban Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á trong đó Caterpillar làm Chủ tịch để chuẩn bị kế hoạch tham gia đầu tư về hạ tầng tại Việt Nam”.

Hàng năm, USABC đều có gởi phái đoàn đến thăm Việt Nam trong mục đích thúc đẩy kinh doanh và đầu tư giữa các đại công ty Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng chuyến viếng thăm lần này mang một ý nghĩa quan trọng hơn vì nhắm vào các dự án xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho Việt Nam trong vòng 10 tới.

Ông Alexander Feldman cho rằng Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng trung bình 7% trong vòng bảy năm qua, vì thế tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng cho Việt Nam, nghĩa là giúp đất nước này giữ vững mức tăng trưởng ấn tượng đó.

Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Hoa Kỳ loan báo họ sẵn sàng dành ngân khoản 500 triệu USD để giúp Việt Nam mua thiết bị của Mỹ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng. Ông Fred Hochberg, Chủ tịch ngân hàng này, có mặt trong phái đoàn, nói rằng Hoa Kỳ muốn giúp công ty Việt Nam vay tín dụng để dùng vào dự án có giá trị cao, như viễn thông, đường lộ, đường sắt, năng lượng tái tạo, và năng lượng thông thường.

CÁCH NHÌN VẤN ĐỀ

Cả đài BBC lẫn đài RFA đều phỏng vấn ông Vũ Tú Thành, đại diện của USABC tại Việt Nam về cách nhìn cũng như những nỗ lực mà USABC đang nhắm tới ở Việt Nam. Nhưng RFA đi vào trọng tâm hơn. Chúng tôi xin tóm lược các điểm chính.

1.- Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới

Ông Vũ Tú Thành cho rằng Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển mới, phát triển rộng và tăng trưởng nóng. Để đáp ứng được sự tăng trưởng mới này, phải có cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn, chất lượng cao hơn, qui mô lớn hơn và bài bản hơn. Nhưng nếu nhìn lại các nguồn lực nội tại trong nước, về tài chính, về năng lực, về quản lý điều hành... thì quả là không đủ. Trông cậy vào các nguồn vốn truyền thống từ nước ngoài như là viện trợ phát triển chính thức ODA thì cũng không đủ. Ông Thành cho biết:

“Trong cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thì chúng tôi cũng nhận được cái thông điệp rằng đúng là Việt Nam không thể làm như cũ như từ trước đến nay được mà phải có một cách tiếp cận mới. Đó là các nguồn lực từ khu vực tư nhân từ quốc tế vào, trong đó bao gồm cả về vốn, về công nghệ, về phương tiện trang thiết bị. Đấy đều là những thế mạnh của các tập đoàn lớn ở Hoa Kỳ.”

2.- Mỹ đã làm ăn ở Việt Nam từ lâu

Ông Vũ Tú Thành còn cho biết rất nhiều tập đoàn thành viên của USABC đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ 10, 15 năm hay thậm chí trên 30 năm: Ví dụ General Electric (GE) đã vào Việt Nam bán động cơ máy bay rồi trang thiết bị y tế từ năm 1993. Họ đã xây dựng một nhà máy ở Hải Phòng để sản xuất các linh kiện cho tuốc bin gió và tuốc bin khí của GE để xuất đi các nước khác trên thế giới. Nhà máy đã hoàn thành và đang chuẩn bị xuất đi mẻ hàng đầu tiên.

Những công ty khác như Chevron hay ConocoPhillips chẳng hạn, vừa mới hôm qua thôi, đã khánh thành dự án khai thác dầu từ mỏ Sư Tử Đen. Khi mà có dòng dầu đầu tiên thì Việt Nam sẽ có doanh thu rất lớn. Chevron cũng đang đàm phán để triển khai dự án sản xuất khí ở vùng Tây Nam, vùng biển của Việt Nam, dùng khí đó để chạy các nhà máy điện của Việt Nam mà các nhà máy ấy đang chuẩn bị xây. Ông nói tiếp:

“Các công ty của chúng tôi cũng sẽ tham gia đấu thầu để cung cấp phương tiện trang thiết bị, thậm chí cả xây dựng luôn, các nhà máy điện chạy bằng khí đấy.

“Rồi nhà máy điện chạy than chẳng hạn, chúng tôi vừa rồi cũng chính thức đàm phán và kết thúc xong hợp đồng liên quan để tiến hành xây dựng nhà máy điện chạy than ở Quảng Ninh tức là phía Bắc của Việt Nam. Các công ty này đều có những khoản đầu tư, những cam kết ở Việt Nam rất lớn trong cơ sở hạ tầng.

“Có công ty vừa kết thúc đàm phán và đi vào triển khai xây dựng. Ví dụ mới đây nhất là tập đoàn AIS Power, sau 5 năm đàm phán đã ký hợp đồng liên quan để xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Mông Dương, Quảng Ninh. Còn các công ty khác đang trong giai đoạn đàm phán để xây nhà máy điện khác.

“Giá điện là một trong những vấn đề nổi cộm. Nếu giải quyết được giá điện thì tháo nút cho rất nhiều dự án năng lượng. Tuy nhiên chúng tôi hiểu được khó khăn của những người làm chính sách ở VN, phải cân đối giữa nhu cầu về điện cho nền kinh tế, và phần còn lại là các vấn đề về xã hội”.

3.- Kiểm duyệt thông tin không ảnh hưởng gì mấy.

Trong lãnh vực công nghệ thông tin, ông Thành công nhận rằng vào khi số người sử dụng Internet, Facebook, số blogger trong nước càng ngày càng nhiều, chính phủ cũng đã đưa ra các qui định nhằm kiểm soát Internet và các dịch vụ khác trong công nghệ thông tin. Liệu chính sách kiểm duyệt, dựng tường lửa để ngăn chận những thông tin mà Hà Nội cho là tuyên truyền chống phá nhà nước hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội, thì có ảnh hưởng gì đến việc làm sắp tới của các công ty như IBM, Microsoft, NewsCorporation hay không? Theo ông Thành, không ảnh hưởng gì mấy. Ông Thành nói:

“Thực ra công việc kinh doanh của những công ty trong lãnh vực công nghệ thông tin như vừa liệt kê thì tương đối thuận lợi trong thời gian vừa qua. Bởi vì các biện pháp kiểm duyệt như vừa nói thì ảnh hưởng tới phần nội dung Internet, còn các công ty công nghệ thông tin của chúng tôi thì cung cấp hạ tầng cho công nghệ thông tin, cung cấp giải pháp cho các hoạt động kinh tế, xử lý các vấn đề về quản lý xã hội, v.v. Vì thế không bị ảnh hưởng nhiều.

“Khi mà chính quyền có những qui định siết chặt hơn về việc kiểm soát các luồng thông tin trên Internet thì trước mắt các công ty của chúng tôi không thấy bị ảnh hưởng gì nhiều. Hiện tại các công ty chỉ muốn tập trung vào các thế mạnh của họ là cung cấp giải pháp cho các khách hàng ở Việt Nam trong đó có chính phủ và các doanh nghiệp.

“Còn về lâu dài thì ngay bản thân các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã trao đổi với chúng tôi là khi xã hội phát triển lên thì các qui định sẽ thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp”.

Những câu trả lời của ông Vũ Tú Thành có thể không được nhiều người Việt chống cộng đồng ý hoặc làm họ không vui. Nhưng khi thay đổi chính sách hay làm ăn với “cựu thù” người Mỹ có bao giờ quan tâm đến người Việt chống cộng nghĩ gì hay muốn gì đâu?

CUỘC CHẠY ĐUA CỦA HOA KỲ

Nếu xét về quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Hoa Kỳ, Trung Quốc đang chiếm ưu thế tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2009, Việt Nam đã mua của Trung Quốc 16,44 tỷ USD, trong khi số hàng Việt Nam bán qua Trung Quốc chỉ có 4,91 tỷ USD, tức Việt Nam bị thâm hụt 11,53 tỷ hay 90%. Trong khi đó Việt Nam bán cho Hoa Kỳ đến 12,28 tỷ USD nhưng chỉ mua của Hoa Kỳ có 3,10 tỷ USD, tức Hoa Kỳ bị thâm hụt 9,18 tỷ USD.

Mặc dầu cán cân mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng bị thâm hụt nặng, Việt Nam vẫn tiếp tục mua hàng của Trung Quốc vì hàng Trung Quốc thích hợp với Việt Nam hơn và giá rẻ hơn nếu sản xuất tại nội địa. Trong lãnh vực này, Mỹ đành chào thua.

Trong khi Mỹ yểm trợ làm con đường xuyên Á, Trung Quốc cũng đã nhảy vô: Công ty Xuất-Nhập cảng Thiết bị Cơ giới Trung Quốc đã đệ trình dự án xây dựng tuyến đường dài 128,5 cây số từ ga Dĩ An tới thị trấn Lộc Ninh, thuộc tỉnh Bình Phước, và biên giới Việt Nam-Cam bốt. Tổng số vốn đầu tư dự trù vào khoảng 438 triệu Mỹ kim. Tuyến đường này là một phần trong tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500 cây số, bắt đầu từ Côn Minh, Trung Quốc chạy qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Cam bốt, Mã Lai Á và ga cuối cùng ở Singapore. Tuyến đường này do Mã Lai Á khởi xướng vào năm 1995 và dự định sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Không phải chỉ có Trung Quốc, Nhật Bổn, Úc và Nam Hàn cũng đang cạnh tranh với Mỹ về xây dựng hạ tầng cơ sở ở Việt Nam.

Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền Giang đã hoàn thành ngày 21.5.2000 tốn phí hơn $90 triệu đôla Úc, trong đó chương trình AusAid của chính phủ Úc góp 66% và phía Việt Nam là 34%.

Năm 2009, chính phủ Nhật đã quyết định mức ODA (viện trợ phát triển) cho Việt Nam là 1,5 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Hiện Nhật đang giúp Việt Nam xây cất xa lộ Đông Tây.

Cầu Cần Thơ khánh thành ngày 24.4.2010, là một chiếc cầu dài nhất Đông Nam Á có chiều dài 15,85km, và chiều rộng 23,1m với bốn làn xe. Tổng số đầu tư là 4,832 tỉ đồng Việt Nam, tương đương 342 triệu USD theo hối suất năm 2001. Phần lớn ngân khoản do ODA của chính phủ Nhật và một phần nhỏ là vốn đối ứng của Việt Nam.

Cũng trong ngày 24.4.2010, cầu Hàm Luông nối thành phố Bến Tre và huyện Mỏ Cày (Bến Tre) cũng được khai thông. Xe từ Sài Gòn về Trà Vinh nếu đi qua cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và phà Cổ Chiên sẽ rút ngắn 70km so với đi quốc lộ 1A về Trà Vinh.

Sau đây là một số hạ tầng cơ sở khác sắp được xây dựng:

- Cầu Mỹ Lợi trên quốc lộ 50 (Long An - Tiền Giang), cầu Cổ Chiên (Bến Tre - Trà Vinh) dự định khởi công trong năm 2010.

- Cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã được Chính phủ Úc viện trợ hơn 10 triệu USD để thiết kế kỹ thuật. Quy mô xây dựng cầu này sẽ lớn như cầu Mỹ Thuận và hoàn thành vào năm 2015.

- Cầu Vàm Cống (An Giang - Đồng Tháp) đang được lập dự án với nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Á châu và vay vốn ODA Hàn Quốc. Quy mô xây dựng cầu này cũng lớn như cầu Cần Thơ và dự trù sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Đường sắt cao tốc có tổng chiều dài toàn tuyến là 1.570 ki lô mét, đi qua 27 ga, dự định khởi công năm 2012 đến năm 2035 sẽ hoàn tất với số vốn được ước tính là 55,8 tỷ USD bằng nguồn ODA Nhật Bản. Trong phiên họp ngày 19.6.2010, Quốc Hội đã không thông qua dự án này, nên cần phải điều chỉnh lại.

Cần biết thêm, năm 2007 một đoàn nghiên cứu gồm KOICA, Cục Đường sắt Việt Nam, Chungsuk Engineering CO. LTD, Korea Railroad Research Institute cũng đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu hợp phần 1 (đoạn Nha Trang – Sài Gòn) của tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Kinh phí cho việc xây hợp phần 1 này được ước tính là 7,8 tỷ USD. Phần hỗ trợ kỹ thuật này được thực hiện từ nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc.

Như vậy, không phải chỉ Nhật mà Trung Quốc và Nam Hàn cũng muốn xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam cho Việt Nam.

Qua một số công trình xây dựng hạ tầng cơ sở đã và đang được thực hiện nói trên, chúng ta thấy Mỹ là người đến sau. Vì thế, trong cuộc viếng thăm Việt Nam vào tháng 4 năm 2009, ông Matthew Daley, Chủ tịch USABC lúc đó đã nói với phóng viên AFP tại Hà Nội:

“Tôi sẵn sàng đánh cá rằng trong không quá 3 năm và có thể sớm hơn nữa, Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư ngoại quốc trực tiếp tại Việt Nam lớn nhất.”

Ngày 15.4.2010, bổng nhiên tập đoàn ngân hàng Citibank của Hoa Kỳ tuyên bố cho Việt Nam vay 200 triệu đôla để phát triển dự án tổ hợp bauxite Tân Rai, Lâm Đồng. Đây là một dự án đang bị người Việt chống cộng tố cáo là Hà Nội bán đất cho Trung Cộng.

Hãy “Để xem Mỹ nó làm gì” (lời Tổng Thống Thiệu) và người Việt chống cộng sẽ làm gì.

Ngày 22.6.2010
Lữ Giang