Dienstag, 15. Juni 2010

Giấc mơ World Cup và vấn đề dinh dưỡng

Bóng đá là niềm ham mê của trẻ em Việt Nam

(VOV) - Bao giờ bóng đá Việt Nam vươn xa lên tầm châu lục và vươn tới thế giới? Câu chuyện thể lực của các cầu thủ cũng cần được tính đến ở tầm nhìn xa hơn.

Những ngày này, người dân Việt Nam khắp các thành phố, vùng quê đều mải mê “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” cùng World Cup. Trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, mọi người lại râm ran bàn luận, bình luận về những trận cầu trước đó. Thi thoảng, có những ao ước rụt rè: bao giờ bóng đá Việt Nam vươn tới World Cup?!

World Cup quả là còn quá xa xôi với môn túc cầu ở Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á, tuy đã có những tín hiệu đáng mừng với bóng đá Việt Nam với đôi lần ngấp nghé huy chương vàng, song phải thừa nhận, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thuộc diện đẳng cấp. Bên cạnh vấn đề kỹ thuật chơi bóng, thể lực của các cầu thủ Việt Nam vẫn còn là câu chuyện dài kỳ. Đó còn là câu chuyện về nghèo dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam.

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, năm 2007, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 21,2% tính theo cân nặng, 33,9% tính theo chiều cao; 7,1% tính theo cân nặng và chiều cao. Việt Nam hiện còn 1,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân và 2, 6 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi. Với con số này, vấn đề nghèo sinh dưỡng đang đứng ở vị trí số 1 trong tất cả các lĩnh vực thiếu thốn nhu cầu cơ bản.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2007, chiều cao trung bình của trẻ em dưới 2 tuổi của ta tăng 5cm so với 22 năm trước nhưng vẫn thấp hơn 5cm so với chuẩn. Ngoài ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi của Việt Nam là 34%. Theo só liệu của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, năm 2009, vẫn còn 31,9% trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng thấp còi.

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng khi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao, tỷ lệ dân chúng có chiều cao thấp quá lớn, tỷ lệ còi xương lớn, thiếu vi chất dinh dưỡng. Tỷ lệ sữa sử dụng trên đầu người Việt Nam hiện nay thuộc loại thấp nhất khu vực và thế giới, chỉ đạt 6 lít/đầu người/năm, trong khi tại Thái Lan là 22 lít/đầu người/năm và Trung Quốc là 26 lít/đầu người/năm.

Thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng dân số thấp. Đây cũng là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt nước ta trước nguy cơ tụt hậu xa hơn. Quay trở lại câu chuyện bóng đá. Bao giờ bóng đá Việt Nam vươn xa lên tầm châu lục và vươn tới thế giới? Câu chuyện thể lực của các cầu thủ cũng cần được tính đến ở tầm nhìn xa hơn. Đâu phải chỉ cần chọn lựa một số lượng thiếu niên có tiềm năng, bồi dưỡng cấp tập về thể chất và kỹ thuật trong vài năm là thành đội tuyển(!)./.

Hiền Nguyễn

Nguồn: http://vovnews.vn/Home/Giac-mo-World-Cup-va-van-de-dinh-duong/20106/146736.vov