Sonntag, 13. Juni 2010

Quan điểm của Mỹ chuyển biến thuận lợi cho Việt Nam?

Trọng Nghĩa

Đô đốc Robert Willard, Tư Lệnh Quân Đội Mỹ vùng Thái Bình Dương ghé thăm khu nhi khoa trên tàu bệnh viện Mercy đậu ngoài cảng Quy Nhơn ngày 08/06/2010. U.S. Navy/Matthew Jackson

Vào tuần trước, hai lãnh đạo quốc phòng cao cấp của Hoa Kỳ đã liên tiếp công khai tỏ ý quan ngại về việc quyền tự do lưu thông và tự do phát triển tại vùng Biển Đông bị Trung Quốc cản trở. Thoạt đầu là chính bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Diễn đàn An ninh châu Á Thái Bình Dương ở Singapore, tập hợp gần 30 nước, kế đến là đô đốc Robert Willard, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương, nhân chuyến ghé thăm Việt Nam.

Theo giới phân tích, các phát biểu liên tiếp này phản ánh chuyển biến trong chinh sách của Mỹ tại vùng Đông Nam Á. Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ) ghi nhận nhiều yếu tố mới trong phát biểu của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, công khai nhấn mạnh không chỉ đến quyền lợi của Washington trong vùng Biển Đông, mà cả quyền lợi của các nước khác trong khu vực, không chỉ đơn thuần đề cập đến vấn đề an ninh, mà còn nói cả đến lãnh vực kinh tế.

1. Quan hệ Mỹ - Việt có nhiều biến chuyển rất tế nhị, nhưng cho thấy đường hướng thay đổi để hợp tác an ninh song phương tiến xa hơn.

"Sự kiện trợ lý ngoại trưởng Andrew Shapiro và đô đốc Robert Willard đến Việt Nam, bình thường ra không phải là chuyện đặc biệt, bởi vì đây là một đối thoại thường kỳ về an ninh giữa hai nước. Đây là cuộc họp thứ 3, năm ngoái phái đoàn Việt Nam đã sang Mỹ họp. Thế nhưng năm nay, tôi thấy đáng chú ý ở trong buổi họp 2 ngày vừa rồi ở Hà Nội là trong lúc có mặt ở Việt Nam thì Đô Đốc Willard đã nhắc lại lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ở Singapore.

Theo các bản tin, ông Willard đã nhấn mạnh đến sự kiện là ông Robert Gates trong lúc phát biểu ở Singapore thì có ý như là nhắn nhủ Trung Quốc là phải thận trọng trong việc đối xử với các nước Đông Nam Á, về những tranh chấp chủ quyền ở trong vùng biển người Việt Nam gọi là Biển Đông, và người Tàu gọi là Biển Nam.

Chuyện ông Gates nói đến tranh chấp Biển Đông, có thể cũng là bình thường, nhưng khi nêu vấn đề đó, ông ấy lại nhắm thẳng vào Trung Quốc để cảnh cáo Trung Quốc là hãy thận trọng, thì đó là một điều nên coi là mới. Hơn nữa, khi tới Việt Nam, Đô Đốc Willard lại nhắc lại điều đó cho người Việt Nam nghe, thì ta có thể coi đó là một hành động gọi là cố ý để cho thấy rằng nước Mỹ sẵn sàng tỏ thái độ và có thể sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc ở vùng Biển Đông. Tôi nghĩ đó là một hiện tượng đáng chú ý''.

2. Hai yếu tố đáng chú ý trong phát biểu tại Singapore của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates: nêu lên quyền lợi tại Biển Đông của cả Hoa Kỳ lẫn các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, và nêu bật cả quyền lợi kinh tế.

"Bình thường thì một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ luôn nói rằng Hoa Kỳ quan tâm đến những vấn đề an ninh ở khắp thế giới. Đó là chuyện tự nhiên. Đi tới đâu thì Bộ trưởng Quốc phòng nào cũng có thể nhấn mạnh điều đó. Nhưng trong phát biểu tại hội nghị ở Singapore vừa rồi, ông Gates đã đi thêm một bước nữa, tức là ông đã nói đến các quyền lợi thực sự của nước Mỹ ở trong cái vùng Đông Nam Á, đặc biệt ông ấy nhấn mạnh đến vùng Biển Đông của Việt Nam.

Một Bộ trưởng Quốc phòng mà nói về những quyền lợi không chỉ có tính cách an ninh không mà thôi, mà lại nhấn mạnh đến quyền lợi kinh tế ở trong vùng Biển Đông, thì đó là một cái hiện tượng tôi nghĩ rằng mới. Bởi vì quyền lợi kinh tế thật sự ra đó là công việc của bà Ngoại trưởng chứ không phải là việc của Bộ trưởng Quốc phòng.

Thế mà khi tham dự một hội nghị về an ninh khu vực, ông Gates lại nhấn mạnh rằng các nước phải tôn trọng quyền lợi của nhau ở trong vùng Biển Đông, không ai được ngăn cản quyền phát triển kinh tế của vùng. Khi nói đến quyền phát triển kinh tế ở Biển Đông, thì người ta biết rằng Việt Nam hiện nay đang tranh chấp rất nhiều với Trung Quốc về những quyền lợi kinh tế như quyền đánh cá, và quyền khai thác các mỏ dầu ở trong các vùng mà Trung Quốc đang muốn chiếm. Tôi thấy đây là lần đầu tiên mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại nhấn mạnh đến quyền của các quốc gia trong vùng này được phát triển kinh tế mà không bị ngăn cản.

Điểm thứ hai nữa là ông Gates còn nhấn mạnh rằng nước Mỹ cũng có những quyền lợi kinh tế trong vùng này. Điều này đã được ông ấy nhắc riêng cho phái đoàn Trung Quốc về vấn đề Trung Quốc đã ngăn cản không cho các công ty dầu quốc tế và Hoa Kỳ đi tìm dầu khí ở những vùng mà chính phủ Việt Nam đã thoả thuận với họ.

Khi Trung Quốc ngăn cản công ty BP của Anh cũng như Exxon Mobile của Mỹ, không cho họ được đi tìm dầu ở những nơi đã ký hợp đồng với chính phủ Việt Nam rồi, thì cả hai công ty dầu khí của Anh và của Mỹ đó cuối cùng đã phải rút lui bởi vì họ sợ, không phải là vấn đề chiến tranh, nhưng mà họ ngại rằng nếu chống lại thì Trung Quốc sẽ làm khó dễ cho họ trong những hợp đồng ở bên Trung Quốc. Tất nhiên là các công ty dầu lửa Mỹ cũng như Anh, đều coi thị trường Trung Quốc mới là cái nơi sinh ra tiền nhiều, cho nên họ đã rút lui để nhượng bộ.

Tuy nhiên, đó không thể là một chính sách lâu dài mà nước Mỹ chấp nhận. Cho nên tại Singapore lần đầu tiên chính phủ Mỹ đã công khai nêu chuyện này trong một hội nghị về an ninh khu vực. Trước đây thì chính phủ Mỹ cũng có than phiền và có yêu cầu Trung Quốc thay đổi thái độ, nhưng chỉ nói riêng với Trung Quốc mà thôi. Đây là lần đầu tiên một ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã mang vấn đề quyền lợi kinh tế của nước Mỹ ở trong vùng Biển Đông để mà nói một cách công khai giữa diễn đàn Đông Nam Á. Đây là một hiện tượng có thể coi là mới."

3. Thông điệp còn hướng tới toàn bộ Đông Nam Á

''Từ trước đến nay người Mỹ rất là dè dặt khi nói chuyện về những vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng bây giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã mang vấn đề đó ra nói công khai ở vùng Đông Nam Á và trong một hội nghị về vấn đề an ninh vùng. Có thể đây không chỉ là một lời bắn tiếng đối với Việt Nam hay Trung Quốc, mà có thể cũng là một lời nhắn nhủ cho tất cả các nước Đông Nam Á biết rằng thái độ của chính phủ Mỹ có thay đổi.

Từ giữa thế kỷ 20 đến giờ thì chúng ta biết rằng cả cái vùng Đông Nam Á được sống yên ổn là nhờ sự bảo vệ quân sự của nước Mỹ. Những Minh ước liên phòng giữa Mỹ và Đông Nam Á đã có từ giữa thế kỷ 20. Nhưng điều quan trọng là trong khoảng một thế hệ, 30 năm, ở trong cái vùng Đông Nam Á này, các nước từ Indonesia cho đến Philippines, Thái Lan v.v.. được yên ổn và phát triển kinh tế chính là nhờ sự có mặt của người Mỹ ở trong vùng này, đặc biệt là trong việc bảo vệ Miền Nam Việt Nam ở trong vòng 20 năm.

Đối với vùng Đông Nam Á, nước Mỹ từng là một cột trụ về vấn đề an ninh của họ, thì bây giờ trong khi Trung Quốc đang tỏ sức mạnh về quân sự cũng như kinh tế và tìm cách gây ảnh hưởng trong vùng Đông Nam Á, thì đây là cái lúc mà chúng ta nghe thấy chính phủ Mỹ nhắc nhở cho các nước Đông Nam Á biết rằng Hoa Kỳ vẫn có mặt ở trong khu vực.

Nhân chuyến viếng thăm ở Hà Nội vừa rồi, Đô đốc Willard, người cầm đầu hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, có nói một câu rất đáng chú ý. Ông bảo rằng nước Mỹ đã từng - ông ấy dùng động từ gọi là ‘’đi thuyền’’ - trong cái vùng này trong rất nhiều thập niên qua và ông nói tiếp là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có mặt ở đây.

Đó là những điều mà theo tôi chính phủ Mỹ đang muốn nhắn nhủ không chỉ riêng cho người Việt Nam mà cho tất cả các nước Đông Nam Á, cho biết là Mỹ có thể là đồng minh của các nước nhỏ ở trong vùng này nếu có tranh chấp với Trung Quốc.''

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100613-quan-diem-cua-my-chuyen-bien-thuan-loi-cho-viet-nam