Samstag, 12. Juni 2010

Ngày xưa, khi điện thoại còn hiếm hoi, mỗi khi muốn liên lạc cà kê dê ngỗng với nhau, người ta thường phải viết thư. Những người tỉ mỉ còn tùy theo những tình cảm thân thương của mình đối với người mình gửi, mà chọn màu giấy và phong bì sao cho thích hợp.




Thư viết xong, được mang ra bưu điện mua thêm con tem, cũng được gọi là con…cò, rồi lè lưỡi liếm, dùng nước bọt của mình mà gián phong bì cũng như con tem. Sau đó, bỏ vào thùng và nhờ ông buu điện chuyển đi.



Chính vì thế, nghề chơi tem được phát triển. Người ta sưu tầm và trao đổi với nhau để có được những con tem càng cổ càng quí, được ghép lại sao cho đủ bộ, từ những con tem rẻ nhất đến những con tem mắc nhất.



Gã đã từng chứng kiến từng đoàn người đứng xếp hàng chờ đợi tại bưu điện Saigon, bên cạnh nhà thờ Đức Bà, để mua cho bằng được những con tem của ngày phát hành.



Không như bây giờ, bưu điện hình như cũng hạn chế việc sử dụng tem cò. Mấy cô phụ trách chỉ cần đóng dấu đánh cụp một phát trên cái phong bì và cho thư…chạy.



Thư gửi rồi, người ta được hưởng cái thú mong đợi và trông chờ, người ta đếm từng ngày cho tới khi nhận được thư hồi âm, nhất là đối với những người đang ở trong vòng xoáy của tình yêu.



Mỗi khi bác phát thư, còn được gọi là “phu trạm” đi ngang qua nhà, nếu không chặn đường để hỏi, thì cũng nhìn qua khung cửa, để xem bác ấy có ghé hay không? Nhận được thư, liền mở ra đọc ngấu nghiến, rồi mỉm cười vu vơ…



Tuy nhiên, thư gửi qua đường bưu điện thường chậm chạp và đôi khi bị thất lạc. Chẳng hạn muốn gửi một bài viết từ Việt Nam qua nước Anh, thời gian là ba tuần, có khi một tháng, rồi lại phải trừ hao thêm một tháng nữa cho tờ báo in ấn và phát hành.



Do đó, ngay từ tháng mười, đã phải ngồi rung đùi hay bóp đầu bóp trán vận dụng trí töôûng töôïng maø vieát veà leã Giaùng Sinh, cuõng nhö veà teát taây…



Chính vì thế, khi nền văn minh điện toán bùng nổ, người ta liền xử dụng ngay chương trình điện thư để liên hệ với nhau. Từ đó, nghề chơi tem cũng như thư viết qua đường bưu điện dần dần bị rơi vào quên lãng và dường như sắp sửa đi tới ngày tàn lụi…



Điện thư, nguyên gốc của nó là “e-mail”, được gọi một cách bình dân và nôm na là….”meo”. Cái lợi của meo là mau chóng. Viết cũng mau, vì thường ngắn gọn. Và gửi đi cũng mau, vì chỉ trong đôi ba phút, hàng trăm người bên kia bờ đại dương, cách nhau nửa vòng trái đất, đều nhận được ngay. Hơn nữa giá cả lại rẻ mạt, so với số tiền phải bỏ ra để mua tem, mua cò. Còn về chuyện bị thất lạc, đôi khi cũng có, nhưng không nhiều lắm.



Tuy nhiên, khi sử dụng meo, nhiều lúc cũng điên cái đầu và nhiều lúc cũng cười ra nước mắt, bởi vì ngôn ngữ của meo, nhất là vào cái thuở ban đầu, thường không có dấu.



Trước hết là về tên thường dùng.



Một anh bạn gã hiện đang sinh sống tại Mỹ, có tên là Dương Minh Cư. Vì thế, anh ta dùng cái tên cúng cơm cha mẹ đã đặt, để tạo cho minh cái địa chỉ meo.



Đầu tiên anh ta dùng :



- cuminhduong@...



Bị bạn bè phê bình và cho là tục, anh ta bèn đổi thành :



- minhduongcu@...



Rồi sau lại dùng :



- duongcuminh@...



Thấy anh ta cứ loay hoay mãi với ba chữ ấy, mà vẫn không thoát khỏi cái vòng…tục lụy. Cuối cùng gã bèn phải đề nghị với anh ta bỏ quách cái tên cúng cơm ấy đi, mà chọn một cái tên khác thanh tao hơn, bằng không thì với ba chữ đó mà không đánh dấu, thì dù có ghép ngược cũng như ghép xuôi, ghép từ trong ra cũng như ghép từ ngoài vào, thì tục cũng vẫn cứ hoàn tục mà thôi. Làm cớ cho bàn dân thiên hạ nghĩ tầm…bậy, bởi vì nào có ai chịu khó nghĩ tầm…phải đâu. Và anh ta đã làm theo ý kiến của gã.



Tiếp đến là về nội dung.



Cũng vì không có dấu nên nhiều lúc gã đã phải cau mày nhăn mặt mà vẫn chẳng đoán ra ý người gửi muốn viết. Tệ hơn nữa, có lúc còn đoán sai, đoán trật ý của tác giả, thành thử ông nói gà thì bà lại cứ hiểu là vịt, trống đánh xuôi mà kèn thì lại cứ thổi ngược. Đến khi hiểu được đúng, thì chỉ còn nước ôm bụng mà cười với nhau.



Chẳng hạn hai chữ “can cau”, phải tùy trường hợp để tìm ý nghĩa, bởi vì hai chữ ấy có thể được hiểu là : can cậu, cản cậu, cắn câu, cắn cấu, cần câu, hay cần cẩu…



Cũng vậy, hai chữ “thuong lam” phải dựa vào văn mạch, mà xác định điều người viết muốn nói, bởi vì hai chữ ấy có thể được hiểu là : Thương lắm, thương lầm, thường lắm, thường lầm, thường làm, thưởng lầm…



Tiếng Việt mình nhiêu khê là vậy, mà cũng tuyệt vời là vậy.



Hồi trước năm 1975, nhiều khi gã cảm thấy bực bội khi đọc sách, nhất là những sách viết về triết học, xã hội và kinh tế, bởi vì các tác giả hay các dịch giả dùng quá nhiều tiếng Tàu, nên câu văn tối nghĩa, chẳng hiểu được gì cả.



Tiếng Việt mình rất phong phú khi diễn tả những sự vật cụ thể, nhưng lại hơi bị nghèo khi diễn tả những ý niệm trừu tượng, thành thử phải vay mượn tiếng Tàu. Đó cũng chỉ là chuyện bình thường.



Tuy nhiên, thái quá bất cập. Từ chỗ sử dụng đến chỗ lạm dụng lại là điều không bình thường và không ổn tí nào cả.



Sau năm 1975, gã đã khấp khởi mừng thầm và hy vọng một luồng gió mới sẽ thổi vào lãnh vực ngôn ngữ. Ít nữa là trong việc vay mượn tiếng Tàu.



Thực vậy, khi nghe thiên hạ dùng :



- Máy bay lên thẳng thay vì máy bay trực thăng.



- Báo tường thay vì bích báo.



- Lính thủy đánh bộ thay vì thủy quân lục chiến.



- Tàu sân bay thay vì hàng không mẫu hạm…



- Hội Chữ Thập Đỏ thay vì hội Hồng Thập Tự.



Gã đã gật gù đắc ý và thầm bảo :



- Phải thế chứ.



Có một tên bạn cùng quan điểm đã nói với gã :



- Ông nên nhớ : Miền Bắc là đất làm văn học, miền Trung là đất làm chính trị và miền Nam là đất làm văn nghệ văn gừng, ca cải lương mới có mùi.



Dĩ nhiên lời phát biểu của tên bạn này cũng chỉ đúng trong một góc độ nào đó mà thôi.



Hơn thế nữa, nhà nước luôn kêu gọi phải cố gắng làm cho tiếng Việt mình được “trong sáng”. Ấy vậy, nên gã có đủ lý do để mà hy vọng và…khấp khởi mừng thầm.



Thế nhưng, chỉ sau một thời gian rất ngắn, gã bỗng cảm thấy thất vọng.



Thất vọng vì việc dùng tiếng ta một cách thô thiển :



Có lần đi bộ trên đường Hồng Thập Tự (cũ), khi ngang qua bệnh viện Từ Dũ, bất chợt ngước lên lầu, gã thấy một tấm bảng với hai chữ được viết bằng màu đỏ : XƯỞNG ĐẺ. Gã đã rụng rời cả tay chân và thở dài đánh thượt một cái.



Thất vọng vì việc dùng tiếng Tàu một cách bừa bãi:
Có một thời, các ông cán bộ hễ mở miệng ra là phát biểu: Nhất trí, đồng ý, đăng ký, quản lý….khẩn trương!!!

Thất vọng vì việc dùng tiếng Tây một cách không cần thiết.

Cho tới hôm nay vẫn còn đó những chữ như : cái lô-gích, cái mô-típ, binh chủng Tăng-Thiết giáp, căng-tin…

Thất vọng vì việc đặt câu đặt cú và sử dụng từ ngữ một cách tùy tiện, vô tội vạ:

Có lần đi qua quầy hàng bán thịt, gã thấy một bảng hiệu viết như sau : CỬA HÀNG THỊT PHỤ NỮ, thì ra đây là cửa hàng bán thịt do các chị em phụ nữ đảm trách.

Mới đây thôi, khi đi tham quan khu du lịch Tức Dụp, thuộc tỉnh An Giang, gã thấy có một cái hang, muốn vô thì phải chui. Và cái hang ấy được gọi là : CƠ QUAN PHỤ NỮ. Thấy vậy, gã đành phải…bó tay mà thôi…

Gã không phải là một nhà chuyên môn về ngôn ngữ, nhưng cũng vẫn cảm thấy lãnh vực này thật là rắc rối và còn nhiều việc cần phải làm ngay.

Có lần gã được tham dự một phiên họp bàn về cách viết những tên riêng nước ngoài.

Người thì chủ trương tên họ như thế nào thì cứ để nguyên như vậy. Thế nhưng, đối với những nước không dùng mẫu tự La Tinh, như Do Thái, Ấn Độ thì sao?

Người thì chủ trương phiên âm, rồi viết bằng mẫu tự La Tinh và dùng gạch nối giữa những âm đó. Thí dụ : Phi-đen Cát-tờ-rô. Kiểu này thì người bình dân dễ đọc, nhưng người hiểu biết một tí, lắm khi lại chẳng rõ nhân vật được phiên âm là ai.

Cuối cùng, mạnh ai người đó viết, không cần theo một quy luật, một thể thức hay một chuẩn mực chung nào cả.

Hơn thế nữa, vì chưa có “Hàn Lâm Viện”, nên nhiều chuyện vẫn còn bỏ ngỏ. Không ai đủ thẩm quyền để ø giải quyết.

Chẳng hạn về cách đánh vần, thí dụ chữ XEM.

Ngày xưa thì người ta đánh vần:
- Ich xì, e xe, m mờ xem.

Còn bây giờ người ta đánh vần:
- e, m, em. Xờ em xem.

Chẳng hạn về ý nghĩa, thí dụ chữ “mạc khải”, hay “mặc khải” trong ngôn ngữ nhà đạo. Mỗi người đều đưa ra lập trường của mình, thành thử đành phải bỏ lửng, ai muốn xài chữ nào thì xài. Không gì quí hơn độc lập và tự do!

Trong khi ngồi viết bài này, gã vẫn còn ấm ức và tức anh ách về một vài cái tật thiên hạ ưa dùng trong tiếng Việt.

Cái tật thứ nhất, đó là ưa xài tiếng nước ngoài.

Chẳng phải vì đã gia nhập WTO, hay chạy theo toàn cầu hóa, mà bây giờ mới xuất hiện cái tật này. Trái lại, khuynh hướng “trọng ngoại kinh nội” dường như đã ăn sâu vào máu huyết và tim óc của người Việt Nam.

Này nhé, hàng ngoại thì được ưa chuộng hơn hàng nội. Rượu ngoại thì ngon hơn rượu nội. Tiền ngoại, như đô la, Ê-rô, và nhất là đồng bảng Anh, thì bao giờ cũng có giá hơn đồng Việt Nam. Ấy là gã chưa nói tới một thứ “ngoại đặc biệt”, đó là họ ngoại, xem chừng lúc nào dễ thương hơn họ nội.

Cũng vì thế, ngày xưa người ta ưa dùng tiếng Pháp, còn ngày nay người ta ưa dùng tiếng Ăng Lê. Trên đường phố Sàigòn, chỗ nào cũng thấy những bảng hiệu bằng tiếng Ăng Lê.

Mấy tay đại gia mới phất lên, chẳng biết công ty hay xí nghiệp của họ to cỡ nào, nhưng thiệp họ in cũng toàn tiếng Ăng Lê. Thiên hạ nhìn vào, chẳng hiểu mô tê ất giáp chi cả, nhưng cũng vẫn phải tâm phục khẩu phục.

Dân thành phố hay những đại gia mới phất lên, dùng tiếng Ăng Lê, thì còn châm chước được phần nào, chứ mấy hãng chuyên môn sản xuất thuốc chống rầy, thuốc trừ sâu bán cho nông dân, mà cũng xài toàn tiếng Ăng Lê, thì thật là quá đáng.

Đối với dân Hai Lúa, cái chữ như hạt gạo cắn đôi, chẳng biết có được nửa hạt hay không, thì làm sao mà hiểu nổi. Thế nhưng, những người sản xuất lại nghĩ rằng:
- Phải xài tiếng Ăng Lê thì mới oai và mới bảo đảm được chất lượng cao.

Cái tật thứ hai là ghép chữ.

Trong thời buổi chiến tranh, có lẽ vì không đủ người quản lý, nên nhà nước lúc bấy giờ, thường dồn các tỉnh lại với nhau.

Chẳng hạn Hà Nam Ninh, bao gồm Hà Đông, Nam Định và Ninh Bình. Bình Trị Thiên, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, Châu Kiên Long, bao gồm Châu Đốc, Kiên Giang và Long Xuyên…Thế nhưng, hiện nay, hầu như các tỉnh đều đã trở về với đơn vị gốc của mình.

Cũng vì chuyện ghép các địa danh trên, mà thiên hạ đã…phệu ra mẩu chuyện tiếu lâm, khi các quan muốn gom ba tỉnh Kon-tum, Plei-ku và Đắc-lắc lại làm một. Gã xin sì tốp và miễn bàn thêm.

Sau cùng là cái tật viết tắt.

Ngày xưa, trong những lúc trà dư tửu hậu, thiên hạ thường hay tán hươu tán vượn, thậm chí còn…mần cả thơ về tên các loại thuốc lá.

Chẳng hạn SALEM, đọc xuôi thì có nghĩa:
- Sao Áo Len Em Mỏng.

Còn đọc ngược, thì có nghĩa:
- Mắt Em Là Ánh Sao.

CAPSTAN, thì có nghĩa:
- Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát.

PALL MALL, thì có nghĩa:
- Phai Anh Là Lính, Mời Anh Lên Lầu.

Còn nhiều nữa, nhưng gã quên mất hết rồi. Hiện giờ, người ta cũng hay dùng những chữ cái đầu tiên để đặt cho thương hiệu của mình.

Trong một bài báo mới đây bàn về phong trào xơi tiết canh lòng lợn, để có số đỏ và lấy hên cho công việc, người ta đã nói đến những nhà hàng, những quán ăn nổi tiếng tại Sàigòn về món “lolotica”.

Cũng có công ti chuyên mua và bán hột vịt lộn đã tự đặt tên cho mình là “Hovilo”.

Vào thời buổi khó khăn, gã cũng tập tễnh nuôi heo. Việc đầu tiên gã nghĩ tới để heo mau lớn là xổ giun sán. Vì nếu thực phẩm vừa vào đến ruột, đã bị bọn giun sán thi nhau bèn xơi trước, thì đâu còn gì cho con heo phát triển.

Gã bèn hỏi những “chuyên viên chuồng trại” xem thuồc nào hiệu nghiệm hơn cả. Họ bảo:
- Cứ ra tiệm thú y mà mua, rồi quất cho mỗi con một liều TGS là xong ngay.

Gã ngẫm nghĩ không biết TGS là thuốc tì mà…linh quá vậy. Mãi tới khi cầm những gói thuốc trong tay, gã mới ngộ ra:
- TGS là trị giun sán ấy mà.

Cách đây khá lâu, để tẩy trừ nạn cướp bóc xảy ra hằng ngày, nhất là vào những lúc đêm hôm khuya khoắt, ngành cảnh sát công an đã thành lập ra một lực lượng đặc biệt, mang tên gọi là SBC, nghĩa là Săn Bắt Cướp.

Còn cách đây không lâu, báo Công An Thành Phố có một bài viết mang tựa đề “Theo chân tổ SĐB”. Chỉ mới liếc qua cái tựa đề này mà thôi, gã đã phải bỏ ra cả phút đồng hồ để suy nghĩ xem SĐB nghĩa là gì. Tức anh ách vì đầu óc gã tối tăm không đoán ra nổi. Khi đọc bài viết thì mới à lên một phát và rất lấy làm thú vị:

- SĐB có nghĩa là “Săn Đái Bậy”

Số là thành phố Sàigòn hiện đang phát động phong trào “Vì cuộc sống văn minh đô thị” và để cho khuôn mặt Sàigòn được văn minh và dễ thương, đúng với truyền thống của “Hòn ngọc Viễn Đông” , người dân cần phải giữ gìn vệ sinh công cộng và trật tự giao thông…Trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng, ngoài việc không được xả rác bừa bãi, còn có việc cấm…đái bậy.

Vì thế, người ta đã thành lập tổ SĐB, trực thuộc Đội Quản lý Đô thị, để chuyên môn săn lùng những kẻ “trút bầu tâm sự” ở gốc cây, ở công viên, ở tường vách…nghĩa là trút ở những nơi không được phép trút.

Chỉ riêng quận 1, quận trung tâm thành phố mà thôi, nguyên trong năm 2007 đã lập được một thành tích đáng nể:
Mức phạt cho mỗi lần đái bậy ngoài đường là 80.000 đồng. Nếu tái phạm sẽ bị phạt 100.000 đồng. Trong năm 2007, Đội Quản lý Đô thị quận 1 đã xử lý 2.045 trường hợp liên quan đến vệ sinh môi trường, trong đó hành vi đái bậy nơi công cộng cũng không phải là ít.

Chẳng biết có nước nào trên thế giới có được một cái tổ đặc biệt như tổ SĐB của Việt Nam không nhỉ ?

Gã cảm thấy buồn thấm thía. Bao giờ mới không còn hổ thẹn để hát to cho cả thế giới cùng nghe :
- Sàigòn đẹp lắm, Sàigòn ơi, Sàigòn ơi!!!

Gã Siêu