Donnerstag, 17. Juni 2010

Về những văn kiện đại hội XI

Bùi Tín

I. Thiếu lập luận chặt chẽ, lẩn tránh thực tế, nói lấy được

Hình: ASSOCIATED PRESS

Một nhóm bạn sinh viên trẻ ở Hà Nội và Sài Gòn nhắn sang Paris yêu cầu nhà báo Bùi Tín đưa ra vài nhận xét về những văn kiện của đại hội XI đang và sẽ được thảo luận trong các đại hội đảng các cấp cơ sở, quận huyện, tỉnh thành, các ngành quân đội, công an, cơ quan trung ương.

Tôi vui, mừng nhận được yêu cầu này. Tuổi trẻ quan tâm đến các vấn đề chính trị của đất nước là điều quý.

Đáp lại niềm tin yêu của các bạn trẻ, tôi sẽ viết vài bài nhận xét thật khách quan, không định kiến, công bằng về những văn kiện ấy, để tùy các bạn xem xét, suy luận và có chính kiến của chính mình.

Trước hết tôi nghĩ một đảng có ý thức trách nhiệm cao với đất nước, với dân tộc cần có thái độ ngay thật, công khai minh bạch với nhân dân, có tinh thần tự phê bình thật cao, nói rõ cả những thành tích, cả những thiếu sót, lỗi lầm của chính mình, kiến nghị những giải pháp sát đúng, có hiệu quả.

Văn kiện đưa ra trước Đại hội các cấp phải là văn kiện có lập luận chặt chẽ và chính xác, dựa vào thực tiễn là thước đo của chân lý, phản ánh đúng cuộc sống thực tế, đáp ứng đúng nguyện vọng và lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

Trong các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI, ngoài bản “Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương khóa X”, có bài “Sự phát triển nhận thức của đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay” là đáng chú ý nhất.

Vì các văn kiện trên đây mang cái vẻ của một văn kiện để tuyên truyền hơn là một bản báo cáo chính trị trình đại hội đảng, thiên về nêu bật những kết quả, thắng lợi với những tính từ nhấn mạnh có phần quá đáng, còn những thiếu sót, khuyết điểm lầm lỗi thì chỉ như kể qua cho có, thiều sự thành khẩn cần thiết, nên tôi sẽ chú trọng nêu lên điều thiên lệch ấy.

Thiếu lập luận chặt chẽ, lẩn tránh thực tế là nét yếu cơ bản nhất của các văn kiện. Một số luận điểm quan trọng được đưa ra, mà chưa được lập luận chặt chẽ, thiếu sức thuyết phục. Người nghe cứ nghe mãi rồi quen đi, nhưng thực tế chưa hề được chứng minh.

a)- Ví dụ các văn kiện khi đánh giá khái quát quá trình cách mạng trong hơn 60 năm qua, đã nêu bật nhận định: “Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên Độc lập Tự do”.

Nhận định này không có lập luận chứng minh, do không có thực tế để dẫn chứng.

65 năm nay, dân tộc ta đã có độc lập và tự do ngày càng trọn vẹn hay chưa? Độc lập của dân tộc thì có, nhưng tự do của nhân dân, tự do của công dân thì chưa. Một đất nước không có tự do báo chí, công dân không được ra báo, công dân không có điều kiện thực hiện bầu cử tự do, không có quyền tự do ứng cử bầu cử, lựa chọn đại biểu của mình như ở các đất nước tự do dân chủ khác, vậy luận điểm trên đây có giá trị chân lý hay không?

Khi tự do của người công dân trong toàn xã hội không được tôn trọng và phát huy thì nền độc lập của đất nước cũng không vững chắc vì thiếu một sự cố kết dân tộc trước hiểm họa bành trướng và xâm lăng.

Không bao giờ câu châm ngôn “Không gì quý hơn độc lập tự do” – tự do thật sự của xã hội, tự do của mỗi công dân -- lại có ý nghĩa cấp bách như hiện nay.

Khẳng định của văn kiện Đại hội XI rằng nước ta đã bước vào “Kỷ nguyên Độc lập Tự do từ tháng 8 năm 1945” là không đúng với thực tế, là sai so với cuộc sống thật hàng ngày, còn nguy hiểm vì nó che dấu khát vọng tự do cháy bỏng hiện nay của đông đảo nhân dân trong thời kỳ mở cửa hội nhập, còn nhằm bóp ngẹt khát vọng chính đáng về tự do ngôn luận, tự do sáng tạo của hàng chục vạn nhà báo viết, báo nói, báo mạng, cũng như của đông đảo văn nghệ sỹ và của toàn dân hiện nay. Cần công nhận rằng từ năm 1986 quyền tự do kinh tế, tự do kinh doanh đã được thực hiện, quyền tự do công dân có được tôn trọng như tự do di chuyển, tự do xuất ngoại để kinh doanh, du học, du lịch, chữa bệnh…, nhưng quyền tự do chính trị thì vẫn bị hạn chế ngặt nghèo do chế độ độc quyền đảng trị. Đây là một sự thật rành rành mà lãnh đạo không dám khẳng định trước nhân dân. Chính sự thiếu tự do của công dân, của báo chí, của công luận đã làm bế tắc cuộc đấu tranh chống tham nhũng lãng phí (có phỏng đoán tham nhũng lãng phí làm hao tổn 20% thu nhập quốc dân hàng năm ) và làm cho đạo đức xã hội suy đồi, tệ nạn xã hội luôn đạt mức “kỷ lục” cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng, bất công xã hội lan tràn khắp nơi.

b )- Ví dụ thứ 2 là nội dung nói về “nền dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Văn kiện viết rất chung chung, không có dẫn chứng thực tế, nhưng lại khẳng định là: “trong khi dân chủ và pháp quyền tư bản chủ nghĩa chỉ là công cụ bảo vệ và phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản thì dân chủ và pháp quyền XHCN là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân”.

Thực tế có đúng như thế hay không? Tôi đã nhiều năm sống trên đất Pháp, Đức, Mỹ, Canada…, quan sát tại chỗ nhiều buổi họp Quốc hội, theo dõi khá nhiều phiên tòa ở Paris, Berlin, Houston, San José (Mỹ), Ottawa (Canada), v.v., thì tôi cho rằng dân chủ đạt được mức độ như ở các nước tư bản ấy, xem ra ta sẽ còn lâu, lâu lắm mới đạt.

Ở Pháp, thường cứ vào một chiều thứ năm trong tháng, Quốc hội mở cuộc chất vấn Chính phủ, bất cứ đại biểu quốc hội nào cũng có quyền giơ tay đứng dậy đặt bất cứ một vấn đề gì cho bất cứ thành viên chính phủ nào, từ Thủ tướng, bộ trưởng đến thứ trưởng, và ngay sau đó người bị chất vấn phải trả lời lập tức, rõ ràng, cặn kẽ. Toàn là những vấn đề gai góc, phức tạp, gay cấn, mang kịch tính cao, hấp dẫn công luận, gây tranh luận xôn xao trên báo chí. Ở Hà Nội, bao giờ được như thế?

Ở các nước trên, không thể xảy ra những phiên tòa chính trị bịt mồm bị cáo, nói là xử công khai mà không cho thân nhân, bạn bè, nhà báo tự do, viên chức nước ngoài tham dự, không cho luật sư biện hộ đến cùng, những phiên tòa chỉ xử trong vòng có 3, 4 tiếng đồng hồ, với những bản án bỏ túi tiền chế.

Khẳng định rằng pháp quyền XHCN và dân chủ XHCN là ưu việt như trên đây không những là trái với sự thật, thiếu vắng thực tiễn, là giả dối, coi thường và lừa gạt các đại biểu đại hội, mà còn nguy hiểm là tỏ ra hài lòng thỏa mãn với những việc làm sai đã qua, nghĩa là cứ thế mà làm tiếp!

Ở các nước tư bản, không thể có chuyện một công dân đòi dân chủ nhân quyền bằng phương pháp bất bạo động, hòa bình lại có thể bị nhà nước kết tội kiểu vu cáo là có “âm mưu lật đổ chính quyền”. Đó là nền "dân chủ" cưỡng ép, nền tư pháp chà đạp công lý, những phiên tòa nhạo báng pháp luật, là dân chủ ngược đời, mang danh xưng "dân chủ XHCN" và danh xưng "pháp quyền XHCN" thì không làm vẻ vang gì cho CNXH cả!

Nhân đây, xin nhắn với các bạn trẻ chớ bị tác động bởi các tràng vỗ tay trong các đại hội đảng CS. Viết cho sướng tay, đọc cho sướng mồm, được nghe vỗ tay sướng tai, lãnh đạo đọc văn kiện chớ vội mừng. Nhân dân thính tai, sáng mắt hơn nhiều. Tại các đại hội đảng CS ở Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania…hồi xưa đều ca ngợi CNXH theo học thuyết Mác-xít, còn dự đoán CNXH Mác-xít sẽ lan rộng ra toàn thế giới, nhưng sau đó tất cả những cương lĩnh XHCN chủ quan, duy ý chí, hoang tưởng ấy đều bị phong trào dân chủ của nhân dân bác bỏ, đến nay không một ai tại đó còn nhắc đến CNXH Mác-xít kiểu độc đảng nữa. Thất bại triệt để chỉ vì những cương lĩnh CNXH Mác-xít ấy không dựa trên những lập luận vững chắc và những cơ sở thực tế của cuộc sống.

Các bạn trẻ hãy có tư duy độc lập, tỉnh táo, sẽ tự tìm ra thêm trong những văn kiện Đại hội XI không ít những luận điểm chủ quan, dễ dãi, giáo điều, không thực tế, thiếu tinh chất khoa học mà nền chính trị hiện đại đòi hỏi.


II. Chủ nghĩa Xã hội loại nào vậy?

Hình: photos.com

Một từ được lập đi lập lại nhiếu lần nhất, đến hàng trăm lần trong mọi văn kiện trình Đại hội XI là danh từ ghép xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Các văn kiện luôn nhắc đến «Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội» thường gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991.

Cương lĩnh năm 1991 được coi là «nền tảng tư tưởng lý luận và ngọn cờ chiến đấu của đảng, của dân tộc trong giai đoạn mới ».

Cương lĩnh này hiện được coi là nội dung trung tâm và cơ bản của Đại hội XI, từ các đại hội đảng ở cơ sở, đại hội đảng phường - xã, qua đại hội đảng quận- huyện, đến đại hội đảng tỉnh – thành, các ngành Quân đội, Công an, cho đến Đại hội đảng toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng giêng 2011.

Bộ máy tuyên truyền cộng sản cho rằng Bản cương lĩnh năm 1991 sau gần 20 năm thực hiện thắng lợi đã có bước phát triển về nhận thức rất quan trọng, trong đó đáng kể nhất là vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, nghĩa là «vừa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH, thể hiện trên cả ba mặt sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh».

Các văn kiện nhấn mạnh trong quá trình đổi mới, lãnh đạo đảng đã không ngừng bổ sung, phát triển trên nhiều vấn đề cơ bản và quan trọng góp phần từng bước làm sáng tỏ thêm nội dung của bản Cương lĩnh.

Bổ sung, phát triển và làm sáng tỏ Cương lĩnh quá độ lên CNXH! Có thật không? Quả thật tôi đọc đi đọc lại hàng chục lần mà vẫn không sao nhận ra. Ngược lại càng tìm hiểu càng suy nghĩ và đối chiếu với thực tế, tôi càng thấy nó mù mờ, không phản ánh thực tế, cũng không sáng sủa chút nào về lý luận.

Vì vấn đề trung tâm của Cương lĩnh là xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thế giới hiện đại, nên tôi đã tìm đọc nhiều sách lý luận, sách giáo khoa cho sinh viên ngành chính trị, thể chế của Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Canada…thì thấy rằng các người viết dự thảo đã hình như cố tình tránh né nhiều quan điểm chính trị phổ cập về CNXH của thế giới hiện nay.

Chủ nghĩa xã hội trong thời đại hiện nay là gì? Xưa kia có những quan niệm ấu trĩ, sơ khai, đơn giản về CNXH, CNXH bình quân, rồi đến CNXH Mác-xít, CNXH Mao-ít, chủ nghĩa Xã hội-Quốc gia, và nay là CNXH-Dân chủ, được thực hiện ở một số nước Bắc Âu.

Thời đại đã loại bỏ cái Chủ nghĩa Xã hội- Quốc gia (National-Socialisme) gọi gọn là Chủ nghĩa Quốc Xã của phát xít Hitler.

Thời đại cũng đã loại bỏ phe XHCN gồm một loạt gần 20 nước XHCN Mác-xít một thời rộng lớn, bao gồm hầu khắp các lục địa, gồm nước rộng nhất và nước đông dân nhất hành tinh, với một số nước XHCN Mác-xít «dự bị» ngấp nghé gia nhập phe này như Nicaragua ở Trung Mỹ, Ghana, Guinea, Ethiopia, Angola, Mozambique ở châu Phi, ngay trước khi toàn phe XHCN tan vỡ.

Các nước Đông Âu XHCN cũ, đồng minh thân thiết một thời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, không những đã cam kết từ bỏ học thuyết Mác-xít, còn coi CNXH Mác-xít là nhầm lẫn bi thảm nhất của lịch sử cận đại; Nghị viện châu Âu còn ra «Nghị quyết cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội Mác-xít trên lãnh thổ châu Âu do những tội ác nó gây ra trên thực tế đã vượt quá tội ác của bọn phát xít Hitler».

Vậy các đại biểu dự Đại hội XI có đủ lý lẽ thuyết phục nhân dân để thông qua Cương lĩnh xây dựng kiểu CNXH Mác-xít độc đảng đã bị loại bỏ và lên án như trên hay không?

Theo sách lý luận và giáo khoa chính trị về CNXH, có rất nhiều chế độ mang danh hiệu, danh nghĩa XHCN, có khi là nước tư bản, có khi là nước XHCN Mác-xít, có khi là chế độ Hồi giáo, có khi theo chế độ quân chủ lập hiến…

Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên là 4 nước XHCN Mác-xít, độc đảng; ngoài ra nước cộng hòa Libya cũng tự nhận là nước XHCN Hồi giáo; nước Miến Điện cũng có lúc tự nhận là nước XHCN Myanmar, các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy đều là vương quốc theo thể chế quân chủ lập hiến cũng được xếp vào loại chế độ XHCN– Dân chủ, hay Xã hội- Dân chủ.

Theo thống kê chính trị của Liên Hợp Quốc và các tổ chức truyền thông quốc tế có uy tín nhất, tuy có nghiều kiểu CNXH khác nhau, nhưng người ta chỉ xếp tất cả các nước XHCN theo 2 loại đối nghịch là: XHCN dân chủ và XHCN độc đoán hay độc tài.

Có những nước mang danh «cộng hòa nhân dân» như Trung Quốc, mang danh «cộng hòa dân chủ nhân dân» như bắc Triều Tiên, mang danh «cộng hoà XHCN» như Cuba, hay «cộng hòa XHCN Hồi giáo» như Libya… đều bị xếp chung một loại là các nước XHCN độc đoán, không có dân chủ, chưa có cả dân chủ từng phần. Các nước trên được xếp chung với các nước độc đoán khác là: Congo, Nigeria, Sudan, Angola, Ethiopia, và Zimbabwe ở châu Phi.

Trong khi đó các nước theo chủ nghĩa Dân chủ- Xã hội ở Bắc Âu lại được Liên Hợp Quốc và hệ thống truyền thông quốc tế xếp vào loại các nước dân chủ truyền thống, các nước dân chủ trưởng thành, được xếp hàng rất cao trong các nước dân chủ tiên tiến.

Như Na Uy với 5 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người (2009) là 40 ngàn đôla/năm, đứng vào hàng thứ 2 thế giới. Như Thụy Điển với 9 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 29 ngàn đôla/năm, đứng vào hàng thứ 18 của thế giới và hàng đầu về phát triển dân chủ và phát triển con người. Như Đan Mạch với hơn 5 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 37 ngàn đôla/năm(2009), đứng vào hàng thứ 8 thế giới, được coi là một xã hội phúc lợi, mỗi công dân được nhà nước quan tâm chăm sóc chu đáo nhất, từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ đến khi chào đời, qua nhà trẻ, mẫu giáo, măng non, cho đến khi học vỡ lòng, lên tiểu học, trung học, đại học hay cao học, hay dạy nghề. Người dân Đan Mạch được chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí, khi ốm đau, tai nạn, thiên tai đều được nhà nước chăm sóc chu đáo. Đan Mạch cũng là nước mà người lao động được nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, chăm sóc tinh thần, giữ gìn môi trường, giải trí lành mạnh, và du lịch. Khi về già, người dân Đan Mạch được xã hội chăm sóc chu đáo nhất, nên tuổi thọ bình quân của họ cao bậc nhất thế giới (79). Do đó, dân Đan Mạch được báo Anh the Economist (2-2010) xem là sống hạnh phúc nhất thế giới.

Các nước này đâu có cần bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng chẳng cần mang cái tên CNXH như một nhãn hiệu có tên mà không có thực chất. Họ càng không cần phải «bỏ qua chủ nghĩa tư bản» như Cương lĩnh hiện tại của đảng CS Việt Nam rêu rao nhiều lần trong các văn kiện.

Cuối cùng, tôi xin lưu ý lãnh đạo Đảng CS và ban dự thảo các văn kiện Đại hội XI một đôi điều như sau:

-Quý vị có biết Liên Hợp Quốc xếp nước CHXHCN Việt Nam vào hàng thứ 153 về thực hiện dân chủ, trong các nước độc đoán, người dân chưa có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập đảng và tự do bầu cử, vậy nhân dịp Đại hội XI nước ta có cần phấn đấu để cải thiện cái thứ hạng ấy không? Và bằng cách nào?

-Ta bỏ qua chủ nghĩa tư bản, xây dựng từng bước chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lênin, vậy Nhà nước XHCN luôn được coi là cao hơn chủ nghĩa tư bản hiện đang làm chức năng chăm lo cho toàn xã hội đang có chương trình phúc lợi ra sao? Đối với trẻ sơ sinh, với người mẹ cô đơn, với gia đình đông con? việc nhà nước XHCN lo cho vườn trẻ, mẫu giáo, cho giáo dục tiểu, trung, lên đại học miễn phí ra sao? Trước mắt và trong tương lai việc chữa bệnh cho mọi công dân được Nhà nước lo liệu ra sao? Rồi đối với người tàn phế, người cao tuổi, thương bệnh binh các cuộc chiến tranh, nạn nhân các thiên tai, Nhà nước sẽ giúp đỡ như thế nào?

Cương lĩnh nhiều lần nói đến dân chủ, đến quyền làm chủ của dân, nhưng trong thực hiện thì không thấy rõ biện pháp nào, thực hiện ra sao.

Nói hàng trăm lần đến chủ nghĩa xã hội, nhưng trong thực hiện, không thấy nội dung và biện pháp ở đâu cả. Lẽ ra Nhà nước XHCN phải là nhà nước thúc đẩy phát triển đạt dân giàu nước mạnh rồi phân phối hợp lý cho toàn xã hội được hưởng thành quả do xã hội làm ra, nhưng hiện nay Nhà nước vừa không giải nổi bài toán phát triển, vừa không giải nổi bài toán phân phối, phục vụ toàn xã hội.

Tự nhốt mình trong loại CNXH độc đảng, các văn kiện không giải được vấn đề dân chủ là vấn đề cốt lõi thì làm sao giải được vấn đề xã hội công bằng và văn minh là cốt lõi của CNXH!

 
III. Phúc lợi xã hội của chế độ dân chủ hay bất công mở rộng trong chế độ độc đảng?

Hình: ASSOCIATED PRESS

Trong tình hình hiện tại, qua các văn kiện Đại hội XI, nước ta đang đứng trước một sự lựa chọn: chế độ dân chủ bình thường, nghĩa là chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng như hầu hết các nước dân chủ khác trên thế giới, hay vẫn cứ giữ cái mô hình CNXH độc đảng chưa ở đâu có thật, và vẫn chỉ là tương lai mờ ảo trên các văn kiện.

1-Có nên bỏ qua chủ nghĩa tư bản để quá độ lên CNXH không? Văn kiện Đại hội XI chủ trương «bỏ qua chủ nghĩa tư bản»; điều này có thực tế hay không? Trong khi nhà nước cho phát triển công thương nghiệp và dịch vụ tư nhân, cho cả đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn, lại nhận đầu tư của đông đảo nhà tư bản nước ngoài, có quan hệ nhiều mặt với vô vàn công ty tư bản quốc tế, thì việc bỏ qua chủ nghĩa tư bản có thực tế hay không ? Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới phần lớn là các nước tư bản, vậy việc bỏ qua chủ nghĩa tư bản có thực tế không?

2-Có nên xây dựng chế độ dân chủ theo chế độ dân chủ - xã hội không? Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch vẫn là những nước tư bản, dựa vào chế độ tư hữu, với nhiều hình thức sở hữu kinh tế, trên nền tảng kinh doanh tự do, nhưng hết sức chú trọng đến phúc lợi tòan xã hội, phát triển hợp lý bằng khai thác tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực chất lượng cao do nền giáo dục tiên tiến, tạo nên một mô hình rất đáng tham khảo về công bằng xã hội, an sinh, bảo vệ môi trường, đồng thuận xã hội. Các nước này đạt sản lượng bình quân từ 30 đến 40 ngàn đôla /năm/đầu người; chênh lệch giàu nghèo không lớn, tầng lớp trung lưu bao gồm hầu hết số dân. Nhà nước đứng ra chăm lo cho toàn xã hội, tổ chức cho toàn xã hội giúp đỡ, hỗ trợ nhau, đạt cuộc sống phát triển tương đối đồng đều, hòa bình, thịnh vượng, an lạc, trong lành, an cư lạc nghiệp.

3-Đó là kiểu Nhà nước Phúc lợi chung – État Providence -- là kiểu nhà nước lo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân, tổ chức toàn dân chăm lo chung cho cộng đồng. Từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra, lớn lên, vào nhà trẻ, mẫu giáo, rồi từ tiểu học lên đến trung học, đại học, cao học, hay học nghề đều là giáo dục miễn phí với chất lượng cao, nền y tế miễn phí cho toàn dân. Gia đình đông con hay người già, neo đơn, ốm đau, tàn tật… đều được chăm sóc chu đáo.

4-Tuy các nước trên đều là các Vương quốc theo hình thức quân chủ lập hiến, nhà Vua chỉ là biểu tượng, có phụ cấp cố định, còn quyền lực nằm trong tay các cơ quan dân cử, với một nền dân chủ rất cao, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tranh cử, bầu cử thật sự tự do, minh bạch, có nền nếp.

Trong các văn kiện Đại hội XI, tuy có nói đến nội dung đặc trưng của CNXH là dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, bình đẳng, văn minh, nhưng lại không đưa ra một định lượng nào cụ thể, không có những nộị dung thiết thực, không đáp ứng những đòi hỏi và nguyện vọng của xã hội, nhất là của những người lao động.

Những khó khăn hiện nay cần giải quyết là gì? Đó là nạn thất nghiệp. Các chợ trời bán lao động, những đạo quân thất nghiệp sẵn sàng làm quân cửu vạn rẻ mạt ở các vùng biên giới. Có người bán sức lao động cho bọn đầu nậu tuyển quân đi đào vàng ở nơi bọn lưu manh hoành hành ngoài vòng pháp luật.

Có những kỹ sư ra trường không kiếm được việc. Vấn đề học phí đang là gánh nặng làm lo âu nhiều gia đình, với những khoản thu tùy tiện, học thêm, học bù, luyện thi, xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, nhà vệ sinh, mua thêm sách, tham khảo, tài liệu. Người ốm nằm giường đôi, giường ba, thiếu thuốc men, bị y tá bác sỹ móc túi, làm tiền trắng trợn, có khi bị lấy cả bộ phận như gan, thận, đem bán, ghép cho khách hàng sộp. Tệ làm hàng giả, thuốc giả, thức ăn kém vệ sinh, ôi thối lan tràn. Trẻ mồ côi, người tàn tật, thương bệnh binh các bên còn tồn tại từ chiến tranh sống lây lất quanh các chợ. Nạn nghiện hút, xì ke, ma túy, bệnh AIDS tăng thêm, không hề suy giảm. Nạn tham nhũng cướp đất càng phòng chống càng tăng mạnh. Các văn kiện không đề cập cụ thể đến một vấn đề cực kỳ hệ trọng là vấn đề phúc lợi xã hội, một vấn đề cấp bách hiện nay cũng như không đề cập rõ đến đạo đức xã hội đang xuống cấp thê thảm.

Tình hình trên cho thấy các khái niệm Xã hội XHCN, tính ưu việt XHCN, nền pháp quyền XHCN, sự bình đẳng XHCN, tình nhân ái XHCN, đạo đức XHCN, con người XHCN… đều là những khái niệm hay, đẹp trên … giấy, nhưng hoàn toàn vắng bóng trong cuộc sống.

Ta tự nhận là XHCN ưu việt, nhưng về mặt phúc lợi xã hội, nhiều nước tư bản đạt mức phúc lợi xã hội gấp không biết bao nhiêu lần nước ta. Có khi ta đạt chưa đến 1 phần 10 mức phúc lợi mà nhân dân họ đã đạt, từ miễn phí học đường ở mọi cấp, y tế miễn phí toàn dân, phụ cấp ốm đau, thất nghiệp, tai nạn, thiên tai, già yếu, đông con, mẹ độc thân, nhà cho thuê rẻ tiền cho toàn dân…Đó là thành quả của nền dân chủ lâu năm, các đảng thay nhau cầm quyền đều cố gắng trong nhiệm kỳ của mình đạt nhiều thành tựu xã hội nhất - như xây nhiều trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà trẻ, mẫu giáo, nhà văn hóa, giảm nghiện hút, giảm tai nạn, tăng an ninh - gây tín nhiệm chính đáng trong lòng cử tri.

5-Vậy sự lựa chọn nào đây? Đất nước ta nên có sự lựa chọn nào đây?

Từ bỏ cả gói chủ nghĩa tư bản để quá độ xây dựng CNXH mà nội dung mới chỉ đề ra những phương hướng chung chung: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, bình đẳng, văn minh hay là cứ xây dựng chế độ dân chủ theo kiểu chủ nghĩa tư bản như các nước khác, nhưng có chú ý phát huy mọi mặt tích cực của nó – như ganh đua, cạnh tranh theo luật pháp, công nhận kết quả các cuộc bỏ phiếu dân chủ tự do của cử tri – và hạn chế những mặt trái, mặt tiêu cực của nó – mù quáng chạy theo lợi nhuận tối đa, vô đạo đức, vô lương tâm khi cho rằng có tiền mua tiên cũng được.

Từ đó đất nước ta hãy xây dựng theo mô hình Nhà nước Phúc lợi chung, đã được thử nghiệm trong thực tế mấy chục năm qua, học tập tham khảo các đảng Xã hội – Dân chủ làm phương hướng chính trị xã hội, tự nguyện và chủ động từ bỏ CNXH độc đảng, từ bỏ độc quyền chính trị của Đảng CS Việt Nam, vì lợi ích của toàn dân, vì lợi ích của đất nước hiện tại và lâu dài về sau.

Làm được như trên, đảng CS mới thật sự thực hiện điều ghi trong Văn kiện Đại hội XI là «đảng đã tham khảo, học tập những kinh nghiệm tốt đẹp nhất của thế giới». Nếu không, đảng chỉ nói mà không làm, không những không học những cái hay của thế giới còn dắt dẫn đất nước vào con đường mơ hồ, vô vọng, và thất bại chắc chắn.

Cuối cùng, có 2 lời biện bạch và phô trương không thực tế trong các văn kiện Đại hội XI cần thẳng thắn chỉ ra và bác bỏ:

a) Rằng hơn 60 năm qua từ sau tháng 8-1945 và 20 năm qua từ khi có Cương lĩnh 1991, nước ta đã có những thành tích lịch sử, kỳ diệu, vĩ đại. Thật ra với thời gian dài như thế, đất nước có nhiều tiến bộ là tất yếu, nhưng mặt khác cần chỉ ra những tổn thất, những cơ hội bị bỏ qua, những yếu kém, lãng phí thời gian ghê gớm, để đến nay ta thua kém rất xa các nước xung quanh, bị Thái Lan, Mã Lai, Philippines, Indonesia … bỏ xa không những về phát triển sản xuất, công nghệ, mà cả về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, và cả về tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội.

b) Lập luận thường được nêu lên để biện bạch cho những yếu kém là «nước nào chẳng thế », rằng tham nhũng, quan liêu lãng phí ở đâu cũng có, tội ác trong xã hội nào chẳng có, không dám nhìn rõ sự thật là mức độ tham nhũng ở nước ta trầm trọng ra sao; theo thống kê khách quan của Liên Hợp Quốc về tự do báo chí, tự do chính trị, về tính minh bạch công khai của chính quyền, về rủi ro trong kinh doanh, về sự công bằng trong xét xử của tòa án, về nạn tham nhũng... nước ta đều bị xếp vào thứ hạng cực thấp, dưới 100 nước khác. Còn nạn buôn phụ nữ, trẻ em, nghiện xì ke ma túy, buôn lậu qua biên giới nước ta đứng vào thứ hạng cao nhất châu Á. Về đại học, không một trường nào ở Việt Nam được xếp vào trong số 50 trường Đại học có chất lượng và uy tín ở châu Á, chưa nói đến so với thế giới.

Cần nhìn thật rõ những yếu kém nguy hiểm như trên đây để biết giật mình, biết vươn dậy, lựa chọn một cách cương quyết, dũng cảm, sáng suốt một mô hình khác tốt hơn, không thể cứ cắm đầu theo một học thuyết CNXH Mác-xít độc đảng mà các văn kiện Đại hội XI chỉ ra một cách chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở lý luận, không gắn bó với cuộc sống thật.

Nếu cứ theo đà một học thuyết đã phá sản rõ rệt tận gốc, đất nước ta sẽ không thể nào phát triển tốt đẹp, và chắc chắn sẽ bị sa lầy và bế tắc, như bài sau sẽ đề cập.

IV. Một mô hình nguy hiểm

Hình: ASSOCIATED PRESS

Như những bài trước đã trình bày, có 2 vấn đề quan trọng nhất cần thảo luận và tranh luận dân chủ thật sâu sắc và chu đáo qua các đại hội đảng các cấp là:

1 - Duy trì chế độ độc đảng như hiện nay hay mạnh dạn chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng trong luật pháp và ổn định.

Cũng có ý kiến trong đảng CS cũng như ngoài đảng CS kiến nghị đổi tên đảng thành Đảng Lao động Việt Nam, hay Đảng Nhân dân, hay là Đảng Xã hội – Dân chủ. Quan trọng nhất khi đổi tên là từ bỏ quan điểm bạo lực, đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã tỏ ra có hại, và trở về với các giá trị dân tộc và dân chủ chân chính.

Để tránh gây hỗn loạn, Quốc hội cần thông qua các đạo Luật về bầu cử dân chủ, về lập hội, lập đảng, về vai trò các đảng chính trị trong cộng đồng dân tộc, về quan hệ giữa các đảng – ganh đua ngay thẳng và hợp tác anh em để phục vụ xã hội và đất nước, hoạt động của các chính đảng trong quốc hội, các cơ quan dân cử và trong xã hội.

Nước ta đã có tiền lệ sau năm 1945 đã có lúc ông Nguyễn Hải Thần trong Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội làm phó chủ tịch Chính phủ, và trong Quốc hội năm 1946 có 72 đại biểu của đảng Đại Việt và Quốc Dân Đảng. Sau đó đảng Dân chủ Việt Nam và đảng Xã hội Việt Nam cũng hoạt động và tồn tại hơn 30 năm cùng đảng Lao động, sau là đảng CS Việt Nam. Dù cho hồi ấy đảng Dân chủ và đảng Xã hội đều lép vế so với đảng Cộng sản, nhưng đó vẫn là mầm mống kiểu đa nguyên, các nhân sỹ trí thức ngoài đảng CS vẫn được phản biện và đóng góp phần mình cho đất nước. Nhiều nhân sỹ như Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng, Trần Công Tường… được xã hội đánh giá là có tầm hiểu biết, tâm huyết và nhân cách cao quý hơn nhiều người lãnh đạo cộng sản.

Cần giải quyết nỗi lo ngại là đa đảng sẽ dẫn đến hỗn loạn và nội chiến. Cần tự tin rằng nhân dân ta đã trưởng thành về chính trị, có đủ ý chí, kinh nghiệm, điều kiện để đề phòng và ngăn chặn những hỗn loạn có thể xảy ra.

2 - Có nên bỏ qua chủ nghĩa tư bản để quá độ xây dựng CNXH Mác-xít mà nội dung mới chỉ phác họa trên đại thể, hay là cứ xây dựng chế độ dân chủ bình thường như các nước khác, có định hướng theo mô hình xã hội – dân chủ (theo kiểu các nước Bắc Âu) với hình thức Nhà nước Phúc lợi chung, có luật pháp nghiêm minh, có bình đẳng xã hội và có tự do đầy đủ cho mọi công dân, chăm sóc mọi mặt cuộc sống của toàn dân ăn nhịp với sự phát triển kinh tế và xã hội.

Yêu cầu trên đây tuy chưa thật rộng rãi, mạnh mẽ trong toàn xã hội, nhưng đã có một bộ phận không ít người đề xướng. Đó là những trí thức có công tâm, có tâm huyết, có hiểu biết về đất nước và thế giới, đặt vận mệnh của đất nước và tương lai của dân tộc lên cao hơn hết, luôn chăm lo đến nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Nhiều nhân vật có trình độ và uy tín yêu cầu đảng và nhà nước hãy đổi mới thật sự, hãy mạnh dạn đổi mới cả hệ thống chính trị, hãy mạnh dạn bước vào thời kỳ 2 của Đổi Mới, đó là xây dựng chế độ dân chủ đa đảng phổ cập và tiền tiến của thế giới ngày nay trong trật tự và luật pháp.

3 - Những cảnh báo nghiêm khắc: Có những trí thức tâm huyết ở trong nước cảnh báo rằng nay đang là thời cơ bằng vàng để đạt một đồng thuận dân tộc sâu rộng nhằm đổi mới hoàn toàn diện mạo của đất nước, nâng đất nước lên hẳn một tầng cao văn hóa mới, vì khi mỗi công dân có tự do chính trị và tự do sáng tạo thì tức là cả dân tộc sẽ mọc cánh để bay cao bay xa trên bầu trời tự do vô tận. Nếu bỏ qua thời cơ bằng vàng hiện tại, dân tộc ta sẽ mất đà đổi mới, sẽ ở vào trạng thái rơi tự do, và vận hạn đen của thảm họa sẽ đến, sẽ mất độc lập dân tộc, mất chủ quyền quốc gia, mất đà phát triển, dân tộc sẽ rã rời và băng hoại do sự can thiệp của ngoại bang thâm độc và giảo hoạt.

Ngay cả các chuyên gia nước ngoài muốn giúp ý kiến cho dân ta cũng lớn tiếng cảnh báo rằng thảm họa của đất nước nằm ngay trong một hình thái kinh tế - chính trị mới xuất hiện gần 20 năm nay đang lũng đoạn nặng nề và toàn diện nước ta, đó là nền kinh tế - chính trị phe nhóm, cánh hẩu, kéo bè kéo cánh, thông đồng chia chác lợi ích riêng với nhau, mang tên rất gọn là: CRONY ECONOMY – kinh tế thân hữu.

Đó là một tập đoàn thiểu số rất rời rạc, nhưng chung một bản chất, coi đô-la là «Tổ quốc» của họ, coi Đất đai tước đoạt của nông dân theo hình thức «thu hồi», «đền bù» rất độc đoán bất nhân là «Quốc gia» của họ, coi chứng khoán và số tiền phi pháp gửi được ở nước ngoài là «Lương tâm» của họ. Họ là một thiểu số cầm quyền quyết dùng Cương lĩnh trình Đại hội XI làm lá bùa hộ mệnh của họ. Họ rắp tâm mưu đồ nắm hàng triệu đảng viên cộng sản nhẹ dạ, bị động, quen an phận làm con tin của họ. Họ là nạn nội xâm tham quyền và đặc lợi kết liên minh với bọn bành trướng ngoại xâm cực kỳ xảo trá và thâm độc, là quốc họa của nhân dân và dân tộc Việt Nam ta.

Nếu tất cả các lực lượng lành mạnh của dân tộc, của đất nước không thức tỉnh, nhận ra những mưu đồ và âm mưu, nhận rõ những hiểm họa để tập họp lại, chung sức chung lòng cứu dân cứu nước bằng con đường hòa bình, không bạo động nhưng dứt khoát, dũng cảm, bền bỉ, bằng lý lẽ, bằng truyền thông, bằng biểu dương lực lượng trong đồng thuận cao, dựa vào sự hỗ trợ của thế giới dân chủ văn minh, thì thảm họa sẽ đến và rồi không biết đến bao giờ dân tộc Việt Nam ta mới vươn dậy được.

4- Hiểm họa càng lớn, sức bật càng mạnh: Hàng chục ngàn nhà báo viết báo nói, báo điện tử, báo ảnh, bloggers đang công khai và âm thầm đòi quyền tự do hành nghề, tự do viết để soi sáng công luận bằng bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Hàng vài chục nhà báo bị tra hỏi, truy tố, bị tù, bị mất chức, bị tịch thu thẻ nhà báo, bị bắt buộc phải chuyển nghề càng thêm gắn bó với nghề cao quý của mình. Hàng trăm luật sư am hiểu luật pháp quyết bảo vệ nền pháp quyền công bằng, bình đẳng dù đã có hàng chục luật sư bị tù đày. Đông đảo cựu chiến binh, sỹ quan, tướng lãnh đã vào trận chiến chống quan liêu, tham nhũng, chống khai thác bôxít, chống cho thuê đất rừng, chống việc cho công nhân nước ngoài xâm nhập vùng cao nguyên, vi phạm an ninh quốc gia. Nhiều đảng viên bỏ đảng, bỏ sinh hoạt đảng. Các nhóm sinh viên luật học, sử học, văn học, tin học ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hải Phòng… lập nhóm nghiên cứu, trao đổi tài liệu chính trị, theo dõi thời cuộc. Các tôn giáo Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài mở rộng đấu tranh hợp pháp, bền bỉ, quyết liệt… Đã có những cuộc tuần hành, cầu nguyện với 5 ngàn, 10 ngàn, 20 ngàn, 200 ngàn giáo dân tham gia như ở giáo xứ Tam Tòa - Đồng Hới, Xã Đoài - Nghệ An, chỉ để đòi tự do cho các tôn giáo, và tự do cho toàn xã hội.

Đáng chú ý là sự thức tỉnh của giới trẻ, học sinh và sinh viên, trong nước và du sinh ở nước ngoài. Anh chị em có bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, không bị óc thủ cựu trói buộc, phần lớn chưa «vương thê nhi », sẵn công cụ truyền thông cực nhạy, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tiếp thu mọi tinh hoa chính trị khoa học của thời đại. Xin nhớ hơn nửa thế kỷ trước, lãnh đạo các đảng chính trị như Quốc Dân Đảng, Đảng CS Đông dương, VN Cách mạng đồng chí hội, Đại Việt, đệ Tứ…phần lớn đều rất trẻ, dấn thân và ở cương vị lãnh đạo chỉ dưới 30 tuổi, tuổi son cho hoạt động chính trị. Hiện tuổi trẻ chiếm 60% số hơn 60 triệu cử tri nước ta. Đây là đòn bẩy có sức mạnh kỳ diệu trong một cuộc bầu cử tự do.

Chưa bao giờ lòng dân đang xao động, bất an, mong một cuộc thay đổi chính trị thật sự tiến bộ như những ngày đảng CS tiến đến Đại hội XI hiện nay.

Tất cả mọi tầng lớp đang xao động, chỉ để truyền cho nhau một lập luận vững chắc, một lời cảnh báo nghiêm khắc, một lời kêu gọi cảnh tỉnh, một lời tha thiết mời gọi gia nhập cuộc đấu tranh khẩn cấp, rằng một hiểm họa đang treo lơ lửng trên đầu dân tộc ta -- đó là những văn kiện sẽ thông qua tại Đại hội XI đảng CS nhằm duy trì chế độ độc đảng phản dân chủ, nhằm xây dựng CNXH Mác-xít đã bị cả châu Âu kết án là tội ác chống nhân loại – và rằng đang có một giải pháp khác để thật sự cứu nguy cho dân tộc và đất nước.

V. Lối ra danh dự cho Đảng CS
Hình minh họa của "tinhamburg" 

Trên đây đã trình bày sự đánh giá về các văn kiện Đại hội XI. Đó là những văn kiện chứa đầy những lập luận gò ép, nói lấy được, những giải pháp không đáp ứng với cuộc sống thật của xã hội.

Tiếp đó cũng đã trình bày một giải pháp khác, vừa sát với cuộc sống của xã hội, vừa hòa hợp với thế giới dân chủ hiện đại.

Lối thoát dân chủ đa đảng trong trật tự luật pháp và xây dựng một mô hình tiến lên Nhà nước Phúc lợi chung là để tránh cho đất nước đang đi vào một chế độ gọi là «quá độ xây dựng CNXH», nhưng thực tế là sẽ sa vào một kiểu xã hội lạc hậu, đầy bất công và bất trắc.

1-Một xã hội không có dân chủ cũng không có CNXH. Nếu không kịp thời tỉnh ngộ, cứ lao vào những phướng hướng hiện tại, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội thiếu vắng tư do, không có công bằng xã hội, không có cơ hội đồng đều cho mỗi người công dân. Về kinh tế sẽ là một nền kinh tế lạc hậu, công nghệ thấp kém, khoa học chậm tiến, giáo dục chạy theo thành tích, chạy theo thi cử, đào tạo những thế hệ học «vẹt » chuộng bằng cấp, chức tước, lương bổng hơn là thích thú khai phóng sáng tạo. Vẫn sẽ là một xã hội chuộng đồng tiền hơn tình nghĩa, ganh đua bằng quyền thế hơn là bằng tài năng, một xã hội không có luật pháp vô tư, khách quan mà cán cân công lý luôn bị quyền lực và đồng tiền chi phối.

2-Đó là một xã hội độc đáo, với nghĩa là không giống ai, kết hợp cái xấu xa tệ hại nhất của CNXH Mác-xít (là nền chuyên chính độc đảng, là đảng CS một mình một chiếu, tự tung tự tác, không chịu một sự kiểm tra kiểm soát nào của xã hội, nắm trong tay trọn vẹn cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp) với cái mặt xấu xa tệ hại nhất của chủ nghĩa tư bản (là cái bản chất tham lam lợi nhuận không hạn độ, dám lao vào làm giàu bất chính bằng muôn vàn tội ác, không hể bị kềm chế bởi lương tâm).

Họ đã cố tình loại bỏ cái tương đối có giá trị của CNXH Mác-xít là nguyên lý hưởng thụ theo lao động, khi thực hiện chế độ kinh tế theo phe nhóm, theo cánh hẩu, phân chia chức tước, bổng lộc, quyền lực cho vây cánh, gia đình, thân nhân, bộ hạ. Họ cũng đã loại bỏ cái hay, cái tốt nhất của chủ nghĩa tư bản là cạnh tranh trên cơ sở luật pháp, tài kinh doanh, chủ và thợ hợp tác dựa vào nhau để tồn tại và phát triển, san sẻ lợi ích hợp lý, chú ý đặc biệt đến toàn xã hội theo mô hình Nhà nước Phúc lợi. Trong mô hình Nhà nước này đã có những tỷ phú làm giàu đến đâu lại biếu tặng xã hội đến 80% tài sản hợp pháp của mình, và trước khi chết để lại di chúc hiến tặng xã hội cả 100% tài sản dành dụm được, có khi lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đôla.

3-Như vậy là họ đã từ bỏ cái kiểu CNXH Nhân văn, CNXH mang bộ mặt Nhân đạo, CNXH mang bộ mặt Người – le Socialisme au Visage Humain như Marx từng đề xướng trong lý luận nhưng không sao thực hiện nổi -- để trưng ra một kiểu CNXH theo luật rừng, CNXH rừng rú, mông muội, một CNXH mà đại văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc phải gọi là «chế độ người ăn thịt người».

Cái CNXH không mang bộ mặt con người ấy lại được ghép với một kiểu chủ nghĩa tư bản cánh hẩu riêng của nó, đó là chủ nghĩa tư bản chó sói, hung tợn, độc ác. Nó sinh ra vô vàn quái thai tiêu biểu, từ một Huỳnh Ngọc Sỹ, một Bùi Tiến Dũng, một Sầm Đức Xương, cha con Lê Đức Thúy…cho đến cầu gãy, hầm sập, hạt tiêu trắng trộn xi măng, thức ăn tẩm thuốc độc, ngành lao động xuất khẩu hàng ngàn gái mãi dâm, ngành bài trừ ma túy kinh doanh ma túy, ngành hải quan là cơ quan trùm buôn lậu…kể không sao hết.

Đâu là lối thoát danh dự cho đảng Cộng sản?

Kết luận 5 bài nghiên cứu này chỉ để chỉ ra rằng Đảng CS đã lợi dụng lòng yêu nước sâu sắc vô biên của toàn dân tộc để đạt cho được mục tiêu riêng của lãnh đạo – Đó là thực hiện mưu đồ của Stalin, Mao Trạch Đông và đệ Tam quốc tế Cộng sản nhằm mở rộng nền chuyên chính cộng sản ra toàn thế giới.

Sau khi cướp được chính quyền, đảng đã khư khư giữ lấy nó, không chịu sự kiểm tra, kiểm sát của toàn dân, không chấp nhận sự chọn lựa dịnh kỳ qua lá phiếu tự do của cử tri như ở các nước khác. Đây là một kiểu ăn gian trơ trẽn, lố bịch, phi pháp.

Lãnh đạo đảng và toàn thể đảng viên hãy thực hiện tự phê bình nghiêm chỉnh, chân thành, sòng phẳng trả lại cho nhân dân quyền lực tối cao, đề nghị Quốc hội thảo ra Luật bầu cử mới theo chế độ dân chủ đa đảng, thực hiện tự do báo chí, tự do lập hội và chính đảng, tự do bầu cử, quyết định những vấn đề cơ bản của đất nước, từ bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ đến xây dựng đất nước phát triển trong tự do, dân chủ, công bằng xã hội, bình đẳng và văn minh, hòa hợp trọn vẹn với thế giới mới.

Đây là thử thách lớn nhất đối với mỗi người trong Bộ chính trị, trong Ban chấp hành trung ương, xem họ có đặt quyền lợi của toàn dân lên cao nhất hay không.

Đó sẽ là phương án tốt đẹp nhất, hiện thực nhất, nhanh chóng nhất, an toàn nhất. Cần chỉ rõ việc thực hiện chế độ đa đảng thoạt nhìn có vẻ như là một thiệt thòi hay là một nhân nhượng của đảng CS, nhưng thật ra là trái lại. Thực hiện chế độ đa đảng, đảng CS sẽ có lợi lớn, có đối tượng để ganh đua ngay thật, để giữ mình trong sạch, để việc chống tham nhũng trong xã hội có kết quả. Và nếu đảng CS thắng cử thì đó sẽ là thắng lợi chính đáng, có giá trị, được công luận và xã hội công nhận, uy tín sẽ lên cao. Đảng CS không có lý do nào chính đáng để từ chối việc ganh đua, thi đua dân chủ bình đẳng như thế.

Cần thẳng thắn chỉ rõ rằng trong văn kiện Đại hội XI, có một điều nói dối lớn, sai hẳn với sự thật khi viết: «Đảng CS đã tiếp thu những giá trị quý giá nhất của thời đại» (!), trong khi trên thực tế qua văn kiện Đại hội XI đảng đã quay lưng, không chấp nhận tự do báo chí, tự do bầu cử dân chủ, tự do lập hội và chính đảng. Cần chỉ ra rằng một đảng cầm quyền biết tự trọng không thể nói một điều dối trá lớn như thế, một cách công khai, trắng trợn đến vậy mà không biết hổ thẹn với dân, với công luận quốc tế.

Trong dịp Kỷ niệm lịch sử Ngàn Năm Thăng Long, sẽ là điều sâu sắc, cao đẹp, có ý nghĩa trọng đại là Đảng CS bàn luận cho kỹ, tuyên bố và thực hiện trả lại cho nhân dân, cho cử tri các quyền tự do hiến định đầy đủ, không cắt xén, cùng nhân dân xây dựng chế độ dân chủ theo kiểu dân chủ - xã hội, theo mô hình Nhà nước Phúc Lợi Chung, cùng nhân dân đưa Tổ quốc Việt Nam lên một tầm cao Văn hóa – Chính trị, bước kịp với những nước dân chủ văn minh của thời đại. Nghĩa cử lịch sử này sẽ có giá trị hơn trăm ngàn tượng đài, vườn hoa, công trình xây dựng và văn hóa để Kỷ niệm xứng đáng một sự kiện Ngàn năm mới có một dịp.

Mỗi người dân mang dòng máu dân tộc Việt Nam xin hãy người người thức tỉnh, cùng nhau thức tỉnh, tham gia vào sự nghiệp cứu nước Nghìn năm một thuở này.

Nguồn: http://www1.voanews.com/vietnamese/news/van-kien-dai-hoi-dang-phan-5-05-17-2010-96574914.html