Tiến sĩ Phạm Huy Thông
Đạo Công giáo du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ XVI. Các sử gia Công giáo lấy mốc năm 1533 vì có ghi trong Khâm định sử thông giám cương mục. Nhưng tư liệu này không chắc chắn vì ghi theo “dã sử”. Hơn nữa, giáo sĩ Inikhu nói ở sách này, cho đến nay vẫn không ai rõ tung tích. Đồng thời cả trong phần “cương” và “mục” của sách trên cũng nói rằng, “trước đã có lệnh cấm rồi”. Chứng tỏ tôn giáo này có trước cả thời điểm 1533. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn, đạo Công giáo đã có nhiều đóng góp với văn hoá Việt.
1. Đạo Công giáo là cầu nối giao lưu giữa văn hoá Việt Nam và thế giới
Đạo Công giáo ra đời từ Tiểu á nhưng lại phát triển mạnh ở châu Âu nên khi vào Việt Nam, nó cũng mang theo cả văn hoá, văn minh phương Tây vào theo. Thông qua Công giáo, người dân Việt Nam được thưởng thức những bản nhạc bất hủ của thế giới như Ave Maria, Holly Night, Jingle bell hay các hoạ phẩm Bữa tiệc ly, Đức Mẹ đồng trinh của các hoạ sĩ thiên tài L.Vinci, Raphael. Rồi những kiến trúc nhà thờ độc đáo kiểu gotic, roman, basilique của phương Tây cũng đã xuất hiện khắp nơi trên dải đất hình chữ S.
Trong số những nhà truyền giáo buổi đầu, không ít người được đào tạo bài bản trong các dòng tu, học viện phương Tây nên họ cũng là những nhà khoa học tinh thông nhiều lĩnh vực. Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) năm 1627 đã mang biếu Chúa Trịnh chiếc đồng hồ chạy bằng bánh xe và cuốn Kỷ hà nguyên bản của nhà toán học Euclide, đồng thời giảng giải cho Trịnh Tráng nghe. Giáo sĩ Badinoti ( người ý) năm 1626 cũng được vời về phủ chúa để giảng về thiên văn, địa lý và toán học. Các giáo sĩ Da Coxta, Langerloi đã mang vào Đàng Trong phương pháp chữa bệnh theo lối Tây y nên được nhà chúa cho mở nhà thương (bệnh viện). Có hai giáo sĩ là J.B Sanna ( người ý) và S.Piere (người Bồ) được phong ngự y dưới thời Minh Vương. Các giáo sĩ cũng phổ biến kỹ thuật dệt vải mịn và khổ rộng bằng khung dệt mang từ nước ngoài vào để sản xuất tại dòng Mến Thánh giá Di Loan (Quảng Trị) và sản phẩm đã được trưng bày tại hội chợ Paris năm 1867. Kỹ thuật in ấn của ta trước đây là bản khắc gỗ rất lâu công. Các giáo sĩ đã đưa kiểu in bằng con chữ đúc đồng hay chì. Nhà in Vĩnh Trị thời Giám mục Jacques Longer (1752-1831) đã sử dụng kỹ nghệ mới về nghề in. Người ta cũng ghi nhận chính các giáo sĩ đã đưa giống cừu vào Phan Rang để nuôi và linh mục Henry cũng là người đầu tiên đưa cây phi lao về trồng ở xứ Hà úc (Huế)…
Mặc dù sinh trưởng ở phương Tây nhưng nhiều giáo sĩ lại rất coi trọng văn hoá Việt. Linh mục Bunzomi, người đặt chân lên đất Đàng Trong ngày 18-1-1615 nhận xét: “Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính và phong tục rất đáng khâm phục” (1). Đắc Lộ thì khen cả pháp luật nước ta lúc đó “không rườm rà, lôi thôi”, các lương y của Việt Nam thì “chẳng thua gì các bác sĩ của ta và hơn nữa trong một vài môn, họ giỏi hơn nữa…họ luôn dùng ba ngón tay để bắt mạch và thực ra họ rất thành thạo. Thuốc của họ không khó uống và thứ đắt nhất cũng chẳng giá hơn 5 xu” (2). Khi in ấn các tác phẩm của mình ra nước ngoài như Từ điển Việt- Bồ – La, Hành trình truyền giáo, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của Đắc Lộ hay Truyện xứ Đông Kinh của Bunzomi, Từ điển Việt – La, La- Việt của P.de Behaine và Tabert, Di tích lịch sử Quảng Bình, Lũy Thày Đồng Hới của L. Cadiere…Thế giới phương Tây đã biết đến Việt Nam và chắc không ít người cũng đã ngạc nhiên như Đắc Lộ: “Tôi không biết vì sao đất nước rất xinh đẹp này lại không được biết tới, vì sao các nhà địa lý châu Âu không biết tên gọi và gần như không ghi trong bản đồ nào cả. Tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới” (3).
Chính các giáo sĩ cũng đã giới thiệu cách làm kinh tế mới như rẻ mua, đắt bán, cho vay lấy lãi vừa phải và nhiều ghi chép của họ còn là bằng chứng về chủ quyền của nước ta ngày nay. Ví dụ, Giám mục J.Louis Tabert viết trên tạp chí Journal of the Royal Asian society of Bengal tháng 9-1837 như sau: “Quần đảo Panacels mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa gồm nhiều đảo chằng chịt với những đảo nhỏ và bãi cát mà các nhà hàng hải khiếp sợ một cách chính đáng do người Việt xứ Đàng Trong chiếm cứ…Năm 1816, vua Gia Long cắm cờ trên quần đảo này”.
2- Công giáo với việc xây dựng chữ Quốc ngữ
Chữ Quốc ngữ là công trình tập thể của nhiều giáo sĩ nước ngoài với sự cộng tác của người Việt. Dĩ nhiên mục đích của các nhà truyền giáo lúc đầu là để truyền giáo được dễ dàng hơn nhưng nó lại phù hợp với tiến trình phát triển và tinh thần độc lập, tự cường dân tộc nên các chí sĩ của phong trào Đông kinh nghĩa thục coi đó là “một trong sáu phương kế để mở mang dân trí”. Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm nhận xét: “Các giáo sĩ người Âu đặt ra chữ quốc ngữ, chủ ý là có được một thứ chữ để viết tiếng ta cho tiện và dùng cho việc truyền giáo cho dễ. Không ngờ rằng, vì thế lịch sử xui khiến, chữ ấy nay đã thành văn tự phổ thông cho cả dân tộc ta. Đành rằng, cũng như các công trình do người ta sáng tạo ra, thứ chữ ấy cũng có vài khiếm khuyết điểm, nhưng ta nên nhận rằng, ở trên hoàn cầu này không có thứ chữ nào tiện lợi và dễ học bằng thứ chữ ấy”(4). Thành công của chiến dịch “diệt giặc dốt” sau cách mạng tháng 8-1945 và cả việc học sinh, sinh viên Việt Nam ngày nay dễ dàng học ngoại ngữ, tin học càng khẳng định vai trò của chữ Quốc ngữ.
Cũng cần nói rõ thêm là việc Hội Trí Tri cho dựng bia ghi công của Đắc Lộ trước đền Bà Kiệu ( Hà Nội) năm 1941 và dịp sinh nhật lần thứ 400 của ông, tên Đắc Lộ đã được trả lại cho một đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh, rồi tấm bia trên sau một thời gian lưu lạc ở bờ đê sông Hồng và bị một người dân lấy về làm cầu ao đã được Nhà nước đề nghị cho dựng lại ở Thư viện Quốc gia (tiếc rằng đến hôm nay nó vẫn còn nằm trong kho ở công viên Thống Nhất) không có nghĩa nói rằng chỉ Đắc Lộ là người duy nhất có công trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Vậy mà một số người như ông Bùi Kha cố tình vu cáo rằng Nhà nước Việt Nam đã “tôn vinh nhầm một tên gián điệp, đạo văn…”. Lý do như ông Bùi Kha đưa ra là Đắc Lộ có qua Pháp gặp vua Pháp và Pina mới là có công đầu với chữ quốc ngữ (5). Thật lạ, chẳng lẽ cứ qua Mỹ như ông Bùi Kha là làm gián điệp cho Mỹ cả hay sao? Còn chuyện Pina thì Đắc Lộ đã nói rõ trong cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài khi in bằng tiếng ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latinh năm 1652 rồi.
Liên quan đến vai trò chữ Quốc ngữ, cũng có người cho rằng do thứ chữ này mà đạo Công giáo đã làm đứt đoạn văn hoá dân tộc vì người dân phải từ bỏ chữ Hán, chữ Nôm. Điều này cũng không chính xác. Bởi vì chỉ sau khi chính quyền bảo hộ từ năm 1910, buộc dùng chữ Quốc ngữ trong thi cử và giấy tờ hành chính thì chữ Hán , chữ Nôm mới mất vị trí phổ thông. Nhưng trong nhiều chủng viện Công giáo, các chủng sinh vẫn buộc phải học chữ Hán, chữ Nôm và rất nhiều ấn phẩm Công giáo được ghi bằng thứ văn tự này như Majorica (1591-1656) đã để lại 45 tác phẩm chữ Nôm với khoảng 1,2 triệu chữ. Cuốn Thánh giáo kinh nguyện bằng chữ Nôm vẫn được in tại Hà Nội năm 1929.
Chúng tôi không tán thành việc đề cao quá mức sự kiện xuất hiện chữ Quốc ngữ nhưng cũng không tán thành ý kiến cho rằng “sở dĩ mấy con rồng Đông Nam á trở thành rồng vì họ vẫn dùng chữ Hán đến ngày nay” (6). Bởi văn tự không phải là nhân tố quyết định sự phát triển của một đất nước. Thế nhưng chỉ một hiện tượng, nhiều giáo sĩ có chủ trương latinh hoá tiếng bản xứ như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên nhưng chỉ có Việt Nam là thành công, đã chứng tỏ tài năng của những người sáng lập chữ Quốc ngữ và kể cả sự nhanh nhạy nhìn xa của dân tộc Việt Nam nữa.
3- Văn hoá Công giáo làm phong phú văn hoá Việt
Tôn giáo là một thành tố quan trọng của văn hoá và bản thân tôn giáo cũng là văn hoá nên việc đạo Công giáo vào Việt Nam đã làm phong phú cho văn hoá Việt không chỉ thêm một tôn giáo mới mà còn bổ sung rất nhiều sắc thái mới khác nữa.
Công giáo là một đề tài mới cho văn học nghệ thuật nên đã có nhiều tác phẩm mới ra đời như Giáng sinh của các hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Chung và của nhiều nhạc sĩ, nhà văn khác như Văn Cao, Phú Quang, Chu Văn, Nguyễn Khải…Dòng văn học Công giáo cũng xuất hiện rất sớm với Truyện thày Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản in năm 1887- được coi là truyện vừa đầu tiên của văn học nước ta lấy trạng thái tâm lý làm đối tượng miêu tả. Rất nhiều tác giả người Công giáo cũng để lại dấu ấn của mình trên văn đàn như Hàn Mặc Tử, Hồ Dzếnh, Nguyên Hồng, Bàng Bá Lân…Cả một kho tàng ca dao, tục ngữ Công giáo cũng đã được lưu hành để phản ánh về phong tục, tập quán của cộng đoàn này. Ví dụ các câu ghi kinh nghiệm sản xuất:
- Lễ Rosa (7-10) thì tra hạt bí
Lễ Các Thánh (1-11) thì đánh bí ra.
- Lễ Các Thánh gánh mạ đi gieo
Lễ Sinh nhật (25-12) giật mạ đi cấy…
Tranh tượng, thánh ca, kiến trúc, lễ hội Công giáo cũng làm thành một “trường phái”riêng đóng góp vào vườn hoa rực rỡ sắc màu của văn hoá Việt. Bây giờ lễ Valentin, Noel đâu còn phải là của riêng người Công giáo mà đã là lễ hội chung của rất nhiều người Việt nhất là giới trẻ. Báo chí Công giáo như tờ Nam Kỳ địa phận xuất hiện ở Sài Gòn ngày 26-11-1908 là một trong những tờ báo bằng chữ Quốc ngữ sớm nhất ở nước ta. Những nhà báo Công giáo như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của là những người đã đưa lối làm báo “nói viết như thường” từ phương Tây vào Việt Nam qua tờ Gia định báo. Sang đầu thế kỷ XX, không giáo phận, dòng tu Công giáo nào không có báo riêng. Có tờ rất nổi tiếng như tờ Vì Chúa của linh mục L’Abbe Thích ở Cửa Tùng mà Phan Bội Châu thường cộng tác. Các tờ báo Công giáo ở miền Nam trước 4-1975 như Sống đạo, Đất nước, Đối diện, Chọn, Tin mừng hôm nay…cũng góp nhiều tiếng nói cho cuộc đấu tranh chô công bằng, tự do và dân chủ.
Cũng không thể không nói đến những danh nhân văn hoá người Công giáo như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Nguyễn Trường Tộ (1830- 1871), Đắc Lộ (1593-1660), L.Cadiere (1869-1955), Hàn Mặc Tử (1912-1940)… và chắc viết về mỗi người thì không thể nói hết trong vài trang giấy được. Ngay cả các nhà nghiên cứu về Công giáo hiện nay, không ai là không phải đọc các tác phẩm của các tác gia Công giáo như Bùi Đức Sinh, Trần Tam Tỉnh, Kim Định, Thanh Lãng, Hoàng Sĩ Quý, Đỗ Quang Chính…Cũng chính các tác gỉa này cùng với đạo Công giáo đang là một kênh quan trọng để giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam ngày nay ra thế giới. Một chuyến đi của Hồng y Crescenzio Sepe – Tổng trưởng Bộ Truyền giáo qua Việt Nam cuối năm 2005 chắc chắn sẽ hữu ích hơn cả hàng trăm bài giới thiệu về Việt Nam với bạn bè quốc tế.
4- Giáo lý Công giáo góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội
Cũng như nhiều tôn giáo khác, đạo Công giáo cũng luôn buộc các tín hữu phải sống lành mạnh, hướng thiện. Giáo lý Công giáo không chỉ cấm giáo dân làm điều ác mà cấm cả suy nghĩ không lành mạnh, trong sáng như ước ao chiếm dụng của cải, vợ chồng của người khác (điều răn thứ 9). Có nghiã là ngăn chặn tội ác từ trong ý nghĩ. Hôn nhân một vợ một chồng cũng là tiến bộ của xã hội và của giáo lý Công giáo. Theo số liệu của Toà án nhân dân tối cao, mỗi năm trước 1982 nước ta có trung bình 5672 vụ ly hôn. Năm 1991 tăng lên 22000 vụ, năm 1994 có 34376 vụ. Năm 1995 có 35684 vụ. Trong khi đó, ở làng Công giáo Trung Thành ( Hải Vân Hải Hậu, Nam Định), nơi có 6000 giáo dân sinh sống mà suốt 5 năm 1990-1995 chỉ có 2 cặp ly thân. Đây là yếu tố hấp dẫn đối với người ngoài Công giáo đến với tôn giáo này.
Đạo Công giáo cũng cổ vũ cho các hoạt động bác ái, từ thiện nên các tấm gương của các nữ tu ở các trại phong cùi, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, chất độc màu da cam đã được xã hội tôn vinh như nữ tu Nguyễn Thị Mậu 40 năm ở trại phong Di Linh (Lâm Đồng) đã được phong anh hùng lao động. Chị Nguyễn Thị Mai (Quảng Bình) dũng cảm cứu người trong trận lũ lịch sử ngày 26-4-2004 và hy sinh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Còn vợ chồng anh Tống Phước Phúc ở Nha Trang đã giúp đỡ nhiều cô gái lỡ mang thai được mẹ tròn con vuông và làm hẳn nghĩa trang cho hàng ngàn thai nhi đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen… Nếu trước đây, giáo hội cấm đoán giáo dân không được rượu chè, cờ bạc, dâm dật thì ngày nay lại ra sức mời gọi mọi người ngăn chặn nạn nghiện hút, sự đổ vỡ của gia đình cũng như phải chăm lo giáo dục con cái. Chính điều này đã làm cho cuộc sống ở những vùng đông giáo dân an bình, đỡ tội phạm hình sự hơn. Người Công giáo không chỉ tích cực tham gia các hoạt động bác ái mà con số cũng không nhỏ (Ví dụ Uỷ ban bác ái xã hội của HĐGMVN từ 2001-2007 đã trợ giúp 24,5 tỷ đồng cho các chương trình từ thiện) mà còn chủ động góp công của xây dựng quê hương như xã Quỳnh Thanh (Nghệ An) nơi có hơn 11.300 người Công giáo sinh sống thì 26,2% kinh phí xây dựng cơ bản tại địa phương (làm trường, đường, trạm y tế, nhà máy nước…) là của các linh mục . Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc hội kiến với Giáo hoàng Benedicto XVI tại Vatican ngày 25-1-2007 đã nhận xét: “ ở Việt Nam, cộng đồng những người Công giáo là một cộng đồng năng động, kính Chúa, yêu nước và có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển đất nước”.
Rõ ràng, đạo Công giáo đã để lại nhiều dấu ấn trên văn hoá nước ta và đây là điều người Công giáo Việt Nam có thể tự hào. Dĩ nhiên, không có sự tác động nào đơn phương một chiều cả. Giống như lửa thiêu cháy củi thì củi cháy lại làm cho ngọn lửa bốc cao hơn nên Công giáo ảnh hưởng đến văn hoá Việt Nam thì văn hoá Việt Nam cũng biến đổi tôn giáo này ngày càng gần gũi với văn hoá Việt. Đây là một đề tài thú vị mà chúng tôi hy vọng có thể trình bày trong một dịp khác.
---------------------
Chú thích:
* TS Đại học Đông Đô
1- Nguyễn Hồng- Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tập 1, SG Hiện Tại, 1959.
2- A. Rhodes: Hành trình truyền giáo, Tủ sách Đại kết 1994, tr.89
3- A.Rhodes: Hành trình…sđ d, tr.143.
4- Việt Nam văn học sử yếu, Sài Gòn 1960, tr.180
5- Bùi Kha: Alexandre de Rhodes và những nhầm lẫn đáng tiếc, Tạp chí Huế xưa và nay, số 7-8 năm 2004, tr.55.
6- Xem Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo VN, Lưu hành nội bộ năm 2000, tr.13
Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=56&ia=5156