Freitag, 2. April 2010

Hành trình VỀ BẾN TỰ DO 8: Bidong - Kuku - Galang

Trần Đông

Singapore 31-3-2010 - Phái đoàn tham dự hành trình Về Bến Tự Do 8, nhóm đi Malaysia, do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (VKTNVN) đã khởi hành tại Singapore ngày 28-3-2010. Nhóm chúng tôi gồm 27 thuyền nhân đến từ Hoa Kỳ, Thuỵ điển, Pháp, Bỉ, Úc, Việt Nam cùng gặp gỡ tại Singapore, ngoài nhà báo Vũ Đình Trọng của Viet Herald, trong nhóm còn có nhà báo Lưu Dân bên Úc cùng tham dự.
 
Người lớn tuổi nhất đoàn là bác Trần Đình Âu ở Nam California, trên 70 tuổi. Người trẻ tuổi nhất đoàn là cháu Wong Williams, 11 tuổi, ở Sydney (Úc) đi cùng mẹ tham dự suốt hai chặng đường Malaysia và Kuku. Chị Wong Stephanie đã đến Kuku trên 30 năm nay, lúc còn rất bé, bây giờ muốn trở về thăm và dẫn theo đứa con trai để giảng giải cho cháu về hành trình tìm tự do của chị. Ngoài ra còn có vợ chồng anh Vũ Tạ Nghĩa, ở Úc, cùng với hai người em ở Bỉ, cùng về Malaysia, mục đích duy nhất là ghé thăm khu mộ tập thể ở Cherang Ruku, nơi người vợ đầu đời của anh cùng đứa con 10 tháng đã nằm lại vĩnh viễn nơi này. Vợ con anh là những người trong số 170 thuyền nhân đã qua đời trong vụ đắm tàu sáng ngày 1-12-1978 trên bờ biển Malaysia. Con tàu xấu số mang tên MT065 chở theo 300 người, 130 người còn lại may mắn sống sót. Ngôi mộ Cherang Ruku mai táng 123 thuyền nhân xác trôi dạt vào bờ ngày biển động đầu tháng 12 hôm ấy. Ba ngày sau, người ta vớt được 46 thi thể khác và được mai táng tại nghĩa trang Balai Bachok.

Sáng ngày 28-3 chúng tôi ra phi trường Singapore đi bằng máy bay vào Kuala Lumpur, đoạn đường dài một giờ bay. Tại đây làm thủ tục lấy vé, check-in rồi đáp chuyến máy bay thứ nhì đi đến thành phố Kota Bharu, tiểu bang Kelantan, tiểu bang vùng miền bắc của Malaysia, giáp với Thái lan. Cả đoàn có mặt tại Kota Bharu lúc 12g trưa. Đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng phi cơ để đi đoạn đường dài hàng ngàn cây số này. Những lần trước chúng tôi đến Terengganu bằng xe buýt khoảng 9g tối, nghỉ đêm tại Kuala Terengganu, hôm sau mới có thể đi tiếp lên Kota Bharu. Lần này đi bằng máy bay, tiết kiệm nhiều thì giờ hơn và đỡ mệt hơn rất nhiều.

Tại Kota Bharu, sau khi ăn trưa chúng tôi đi thăm nghĩa trang Panji. Khu đất nghĩa trang này chia làm hai lô, khu nghĩa trang thí của chính phủ và khu nghĩa trang Công giáo. Khu nghĩa trang Công giáo mấy năm trước rất nhỏ, bây giờ mở rộng ra, phần mộ cũng được làm lại rất khang trang. Bên cạnh những ngôi mộ với các tấm bia khá lớn bằng đá mài, có trồng hoa kiểng, nằm khiêm nhượng bên tay phải của nghĩa trang này là một loạt các ngôi mộ thuyền nhân Việt Nam. Năm 2008, theo yêu cầu của chính quyền sở tại, vì khu nghĩa trang thí cần được giải tỏa, VKTNVN đã cải táng 6 ngôi mộ để dời về Chereng Ruku.

Sau đó chúng tôi đến thăm nghĩa trang Balai Bachok. Phần mộ 46 thuyền nhân do chùa Phatthaktham tự trùng tu năm 2007, vì bờ tường phầ mộ làm bằng một lớp gạch, mỏng quá, mới ba năm mà dấu nứt đã bắt đầu xuất hiện.

Phái đoàn tiếp tục cuộc hành trình vế phía nam. Một giờ sau chúng tôi đến nghĩa trang Cherang Ruku. Đoàn của chúng tôi bây giờ có thêm hai Nghị viên của thành phố Kota Bharu, Ông Hock Cheng và ông Chua, cộng thêm 6 người của gia đình anh Vũ Tạ Nghĩa từ Việt Nam bay qua thăm mộ.

Lần đầu tiên, tại đây, tôi thật sự xúc động khi khám phá ra rằng danh sách ghi trên tấm bia thứ nhất của ngôi mộ 123 người này, theo thứ tự từ 1 đến 9 đều là những người trong gia đình bên vợ của anh Vũ Tạ Nghĩa. Ông bà Dư Trai cùng với 5 người con, cả gia đình đều tử nạn. Trong số 6 người từ VN sang, chúng tôi thấy có con gái ông Dư Trai, nay tóc đã bạc phơ, tuổi đời cũng đã trên 60, bà cùng con và cháu ngoại đến thăm mộ ông cụ và các anh chị em.

Trên phần đất này, chúng tôi họp bàn với hai nghị viên của Kota Bharu cũng là những nhà từ thiện có chân trong Ban Quản Trị nghĩa trang này, cùng với ông Boong nhà thầu xây cất mộ phần và nghĩa trang, để tìm cách trùng tu khu mộ Cherang Ruku.

Chúng tôi có đề cập đến việc xây dựng lại nhà nguyện tại đây để tặng cho địa phương. Hai ông Nghị viên Kota Bharu này khuyên chúng tôi nên xúc tiến trùng tu ngôi mộ trước, sau khi hoàn tất chương trình trùng tu nghĩa trang, lúc đó sẽ nghĩ đến chuyện nhà nguyện. Hai ông khuyên chúng tôi nỗ lực trùng tu xong trong năm nay, vì đây là thời điểm mà họ còn có chân trong Hội Đồng Thành Phố, năm tới, Hội đồng sẽ bầu lại, không chắc hai ông sẽ còn tại chức. Ông chỉ cho chúng tôi một đống đá đã đổ sẵn, ông nói rằng đó là phần tặng biếu của ông vì ông biết rằng VKTNVN có chương trình trùng tu khu mộ này. Đông thời ông cho biết ông cũng sẽ thuyết phục Ban Quản trị nghĩa trang để cho thêm đất làm hàng rào chung quanh ngôi mộ, bên trong sẽ trồng hoa và cây cảnh để tăng phần mỹ lệ cho khu vực này, thay vì làm hàng rào trên vách của ngôi mộ.

Trước khi chia tay, đại diện cả đoàn tôi nói ít lời chia xẻ cùng gia đình anh Vũ Tạ Nghĩa, anh Nghĩa cũng bày tỏ lòng cám ơn đối với tất cả các thành viên trong phái đoàn. Anh Nghĩa vừa dứt lời, gió nổi lên lồng lộng, một người đứng cạnh tôi nói: "Họ về đó! Họ về đó!".

Tôi nhìn ra rừng cây trước mặt, các cây cây cao và cành lá đều nghiêng ngả theo chiều gió. Trời bỗng sạm lại và đầy mây. Một cảm giác ớn lạnh và rùng mình chợt đến. Ông Hock Cheng đề nghị cả đoàn ra bờ biển Cherang Ruku nơi xảy ra vụ đắm tàu năm 1978. Tại đây biển cả dậy sóng. Đứng trên bờ biển, cả đoàn chiêm nghiệm được sự hãi hùng của câu chuyện 32 năm trước, buổi sáng ngày 1-12-1978. Hình như là hồn thiêng của thuyền nhân tàu MT065 muốn quay lại cuốn phim ngày xưa để thân nhân của họ và cả đoàn được tận mắt nhìn thấy.

Ngày 29-3 phái đoàn đến thăm nghĩa trang thuyền nhân Khu A, B, C tại thành phố Kuala Terengganu.
Ngày 30-3 phái đoàn đi Bidong.
Ngày 31-3 phái đoàn đi về tiểu bang Johore, tiểu bang cực nam của Malaysia. Trên đường xuôi nam, phái đoàn sẽ ghé qua nghĩa trang Kuantan và nghĩa trang Mersing. Tại Johore phái đoàn sẽ chia làm hai nhóm, một nhóm về Singapore để về nước. Nhóm thứ hai sẽ qua phà đi Indonesia ráp nối với đoàn đã có mặt tại Singapore tại thị trấn Tanjung Pinang trên đảo Bintang của Indonesia trong ngày 31-3 để cùng nhau tham dự chuyến hành trình trở về Terempa, Kuku, Air Raya, Keramut và Galang trong những ngày sắp tới. Phái đoàn tại Singapore qua Indoesia có sự tham dự của nhà báo Đinh Quang Anh Thái và ký giả Ngọc Lan của tờ Người Việt.

Kính mời quý đồng hương cùng theo dõi hành trình của chuyến đi qua trang mạng www.vietherald.com và www.nguoi-viet.com.

Trần Đông