Freitag, 12. März 2010

Bằng chứng tự thú

Lữ Giang

Ngày 17.1.2010, Hoà Thượng Quảng Độ đã lấy tư cách Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN, gởi Thông Tư số 07/VHĐ/VT đến các chư Tôn đức Tăng Ni và Đồng bào Phật tử nói về “hiện trạng vu khống, chụp mũ hàng Giáo phẩm GHPGVNTN lưu hành trên Mạng và các cơ quan truyền thông”.

Mở đầu, Hoà Thượng đề cập đến các tài liệu được phổ biến trong thời gian gần đây cho rằng Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu là “Cộng Sản”. Hoà Thượng đã đưa ra một số sự kiện để chứng minh rằng Hoà Thượng Đôn Hậu không hề theo Cộng Sản. Hoà Thượng nói rằng hồ sơ của Hoa Kỳ được giải mật cũng “chưa thấy tài liệu nào cho biết GHPGVNTN hay hàng giáo phẩm lãnh đạo GHPGVNTN dính líu đến Cộng sản.”

Sau đó Hoà Thượng tố cáo các chính quyền VNCH bị Việt Cộng xâm nhập. Hoà Thượng viết:

“Trái lại, việc rõ như ban ngày là sự xâm nhập của những lưới tình báo chiến lược Cộng sản vào nằm giữa Phủ Tổng thống dưới hai triều Tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, nội tuyến trong các cơ quan quốc phòng, cảnh sát, báo chí, v,v.: những ông Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn... Chỉ nêu vài tên điển hình, vì thực tế nhiều vô kể. Chẳng có ai là Phật tử trong đám người này.”

Tiếp đến Hoà Thuợng cho rằng dưới thời VNCH Phật Giáo bị đàn áp nên phải đứng lên “đấu tranh” chứ không hề muốn lật đổ chính phủ hay làm lợi cho Cộng Sản.

Hoà Thượng yêu cầu các chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, đặc biệt ở hải ngoại có nhiều phương tiện thông tin, “tìm kiếm tài liệu, hãy thu tập chứng liệu và tìm phương cách giải hoặc những bài viết hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc cố tâm vu cáo GHPGVNTN theo các chủ trương tiêu diệt những sinh lực dân tộc, mà Phật giáo là một, cho những viễn đồ phi dân tộc và phản tổ quốc.”

Nhiều người nghi Thông Tư này do chú tiểu Võ Văn Ái soạn vì lối lập luận gần gióng như các lập luận mà chú đã đưa ra trước đây và dưới Thông Tư còn có những “chú giải” rất nhảm nhí của chú.

Sở dĩ chúng tôi gọi ông Võ Văn Ái là “chú tiểu Võ Văn Ái” vì khi tu ở Đà Lạt, Võ Văn Ái mới là chú tiểu (người Huế gọi là “điệu”) rồi xuất. Chú học chưa hết trung học đệ nhất cấp thì năm 1953, lúc 18 tuổi, qua sự giúp đỡ của Tướng Nguyễn Ngọc Lễ, chú được cấp một thông hành đi Pháp qua ngã Hồng Kông. Qua Pháp chú đi làm thư ký, không hề học hết trung học, không hiểu sao bây giờ chú được thăng lên “Giáo sư”. Kể từ khi được CIA xử dụng, lúc nào chú cũng nói năng và hành xử như “Quyền Tăng Thống” GHPGVNTN ở hải ngoại, có quyền trên các chư Tôn đức Tăng Ni!

Thật ra, những vấn đề do Hoà Thượng Quảng Độ nêu lên không có gì mới lạ, vì những vấn đề đó đã được tranh luận nhiều qua một tiến trình lịch sử kéo dài 47 năm. Trước tiên, một số chư tăng (như Thích Trí Quang, Thiền sư Nhất Hạnh) và “sử gia” Phật Giáo (như Đỗ Mậu, Chánh Đạo, Trần Gia Phụng) đã xử dụng phịa sử để xuyên tạc lịch sử, chúng tôi đã dùng những tài liệu chính xác để phản biện, các nhóm này đã phải im lặng. Nay Hòa Thượng lại chính thức biện bác một lần nữa, nên chúng tôi buộc lòng phải trình bày lại một số vấn đề để làm sáng tỏ lịch sử. Tuy nhiên, vì Hoà Thượng đã nêu lên quá nhiều vấn đề, nên trong mỗi lần, chúng tôi chỉ xin trình bày một vấn đề, và cũng chỉ trình bày những điểm chính, vì bài báo có giới hạn. Riêng trường hợp của Đức Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, chúng tôi xin trình bày sau.

VẤN ĐỀ TRƯỚC TIÊN CẦN MINH XÁC

Chúng tôi thấy vấn đề trước tiên cần được minh xác là hàng giáo phẩm GHPGVNTN có dính líu đến Cộng Sản hay không. Hoà Thượng viết:

“Gần đây tác nhân chính yếu trong chính tình Việt Nam là Hoa Kỳ vừa giải mật một số hồ sơ phơi bày diễn tiến chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng hoà thông qua sự thi hành của giới chính trị gia bản địa. Qua đó chưa thấy tài liệu nào cho biết GHPGVNTN hay hàng giáo phẩm lãnh đạo GHPGVNTN dính líu đến Cộng sản.”

Thưa Hoà Thượng, cần gì phải đi tìm các tài liệu trong hồ sư giải mật của Hoa Kỳ để xác định GHPGVNTN và hàng giáo phẩm GHPGVNTN có dính líu đến Cộng Sản hay không. Chỉ cần đọc các tài liệu do các sử gia Phật Giáo công bố như bộ “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” và “Hoa Sen Trong Biển Lửa” của Thiền Sư Nhât Hạnh, cuốn “Bảo Trước Cổng Chùa” của Hoà Thượng Mãn Giác, Bạch Thư của Hoà Thượng Thích Tâm Châu, hoạt động của một số tăng ni trong Giáo Hội, các tài liệu do chính GHPGVNTN công bố, những lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo giáo hội như Hoà Thượng Trí Thủ, Hoà Thượng Huyền Quang hay của nhà cầm quyền CSVN, v.v., chúng ta cũng có thể xác định được GHPGVNTN không những chỉ “dính líu” mà còn yểm trợ cho Cộng Sản.

BỊ XÂM NHẬP NGAY TỪ ĐẦU

Tài liệu cho thấy rằng Phật Giáo đã dính líu với CSVN kể từ khi Mặt Trận Việt Minh mới thành lập. Năm 1932, Bác sĩ Lê Đình Thám đứng ra lập Hội An Nam Phật Học. Năm 1934, ông cùng với Thượng Tọa Thích Mật Khế lập Trường An Nam Phật Học ở Huế để đào tạo các tăng sĩ và đưa Hoà Thượng Thích Trí Độ từ Bình Định ra làm Giám Đốc trường này.

Năm 1945, khi Việt Minh cướp chính quyền, Hoà Thượng Trí Độ được Việt Minh cử làm Chủ Tịch Trung Ương Hội Phật Giáo Cứu Quốc, một tổ chức vận động Phật Giáo của Việt Minh. Bác sĩ Lê Đình Thám cũng tham gia Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc của Việt Minh tại Huế. Năm 1946, khi Pháp chiếm Huế, ông tản cư về Quảng Nam và được Việt Minh cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ ở Liên Khu V. Điều này cho thấy hai nhân vật cao cấp lãnh đạo Hội An Nam Phật Học và Trường An Nam Phật Học đều là cán bộ cao cấp của Cộng Sản.

Theo hồ sơ của Mật Thám Pháp để lại, Hòa Thượng Thích Trí Độ đã gia nhập Đảng Cộng Sản từ 1941. Dùng ảnh hưởng của mình, Hoà Thượng đã lôi kéo các tăng sĩ tốt nghiệp ở Trường An Nam Phật Học và các đệ tử của ông đi theo Việt Minh. Trong danh sách các tăng sĩ đi theo Việt Minh, chúng ta thấy Thích Mật Thể giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc ở Thừa Thiên, Thích Thiện Minh ở Quảng Trị, Thích Trí Quang ở Quảng Bình, Thích Huyền Quang ở Liên Khu 5 (gồm các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú), Thích Pháp Dõng ở Gia Định, Thích Pháp Tràng ở Mỹ Tho, Thích Pháp Long ở Vĩnh Long, Thích Huệ Quang ở Trà Vinh, v.v.

Hoà Thượng Thích Đôn Hậu làm Chủ Tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc Trung Bộ, trụ sở của Hội đặt tại chùa Từ Đàm, Huế. HT Thích Minh Nguyệt làm Chủ Tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc Nam Bộ, trụ sở đặt tại chùa Ô Môi, xã Mỹ Quý, thuộc chiến khu Đồng Tháp.

Tại Liên Khu 5, Bác Sĩ Lê Đình Thám đã tập họp các thanh niên Phật tử vào Đoàn Phật Học Đức Dục ở Bồng Sơn, Bình Định, để giảng dạy về “Phật Giáo và nền dân chủ mới”, coi con đường của Phật Giáo và con đường của cộng sản chủ nghĩa là một, với mục tiêu thúc đẩy thanh niên Phật tử gia nhập Đảng Cộng Sản và tham gia kháng chiến. Ông cho phổ biến cuốn “Phật Giáo và nền dân chủ mới” khắp các tỉnh miền Trung.

Báo Đuốc Tuệ của Phật Giáo ngày 30.8.1945, kêu gọi thành lập đoàn Tăng Già Cứu Quốc và:

“Ủng Hộ chính quyền Nhân Dân,
Mau mau gia nhập Đội Quân Giải Phóng Việt Nam!”

(Xem thêm: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III, Nguyễn Lang, tr. 181 – 203)

Năm 1954, sau hiệp định Genève, Thượng Toạ Thích Trí Quang đang làm Hội trưởng Hội VN Phật Học ở Huế, đã lợi dụng cương vị này cùng với một số trí thức Phật Giáo lập Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình. Nhiệm vụ của Ủy Ban là yểm trợ Việt Minh đòi hỏi hiệp thương để tiến tới bầu cử thống nhất hai miền trong thời hạn 2 năm. Thích Trí Quang và nhóm này đã được ông Ngô Đình Cẩn chiêu hồi và xử dụng.

Với một khởi đầu như thế, sau này nhóm Phật Giáo đấu tranh yễm trợ Cộng Sản là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên.

DÙNG CHIÊU BÀI HÒA BÌNH

Sau khi lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, nhóm Phật Giáo đấu tranh đã vội thành lập GHPGVNTN để thống lãnh Phật Giáo toàn miền Nam với hy vọng biến chính quyền Dương Văn Minh thành một chính quyền Phật Giáo. Nhưng chính quyền Dương Văn Minh chỉ lo vơ vét và Mỹ chỉ dùng chính quyền này như một “chính phủ trái độn”, nên ngày 30.1.1964, khi Mỹ dùng Tướng Khánh làm “chỉnh lý” lật đổ chính quyền Dương Văn Minh và thiết lập một thứ chính quyền thừa hành chính sách của Mỹ, nhóm Phật giáo đấu tranh lại bắt đầu quậy phá. Tướng Nguyễn Khánh đã thỏa mãn gần như mọi yêu sách của Phật Giáo (giết Ngô Đình Cẩn, cho hoạt động theo một quy chế đặc biệt, cho sư Cộng Sản Thích Minh Châu về làm Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh, lấy công sản “cúng dường” để xây VN Quốc Tự, v.v.) nhưng nhóm Phật Giáo đấu tranh không chấp nhận Tướng Nguyễn Khánh. Biên bản cuộc họp lúc 11 giờ trưa ngày 11.5.1964 tại Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn giữa Đại Sứ Lodge, Tướng Taylor, Tướng Harking và ông Suilivan, có đoạn ghi như sau:

“Ông Đại Sứ đặc biệt không sợ một cuộc đảo chánh lật đổ Tướng Khánh. Ông đặc biệt lưu ý Phật Giáo như là một nguồn có thể gây nguy hiểm cho chính phủ. Đặc biệt, ông nghĩ rằng Thích Trí Quang, người lãnh đạo Phật Giáo, là một người có tiềm năng gây rối (a potential trouble maker). Đã lật đổ được một chính phủ, ông ta nghĩ rằng có thể làm như thế để chống lại Khánh. Ông ta đã bày tỏ với ông Đại Sứ rằng ông ta không coi Khánh như là một “Phật tử tốt” (good Buddist), theo dự đoán, có nghĩa là Khánh là một Phật tử không theo đường lối của Thích Trí Quang.”

(FRUSS 1964 – 1968, Volum I, tr. 304 – 305, Document 147).

Khi thấy không còn cơ hội lập một chính phủ Phật Giáo do các tăng sĩ làm “quốc sư”, GHPGVNTN bắt đầu áp dụng chiến thuật ngụy hoà với hy vọng sẽ đẩy Mỹ ra khỏi miền Nam, loại bỏ Công Giáo và giúp Cộng Sản chiếm miền Nam Việt Nam, sau đó dùng Phật Giáo để “hóa giải” Cộng Sản! Ngày 12.12.1965, Hoà Thượng Tịnh Khiết, Tăng Thống GHPGVNTN đã đọc Thông Điệp như sau:

"Phật tử Việt Nam chúng tôi tha thiết và khẩn cấp kêu gọi những phe đối chiến trên đất nước này hãy tìm những cắn bản hợp tình hợp lý mà thương thuyết với nhau, tránh cái hoạ tiêu diệt cho đất nước và đồng bào Việt Nam".

Cuốn “Hoa sen trong biển lửa” do Thiền Sư Nhất Hạnh phổ biến năm 1967 đã chứa đựng toàn bộ chiêu bài ngụy hoà của GHPGVNTN (Ấn Quang). Giáo Hội tưởng đây là “thượng sách”, nhưng Phật Giáo đã bị cả Mỹ lẫn Cộng Sản biến thành công cụ.

LÀM CÔNG CỤ CỦA MỸ

Sau khi mỏ rộng chiến tranh Việt Nam để thực hiện đấu thầu quốc phòng, loại bỏ các võ khí cũ còn lại và sáng chế những võ khí mới, các nhà tư bản Mỹ bắt đầu mở chiến dịch phản chiến để rút quân Mỹ ra và chấm dứt chiến tranh. Khi cuộc chiến đang được đẩy mạnh, ông McNamara, người điều khiển cuộc chiến, kể lại rằng ngày 26.8.1966, ông đọc một tập tài liệu của CIA mang tên là “The Vietnamese Communists Will to Persist” trong đó nói rằng Hoa Kỳ không thể làm gì để đánh bại kẻ thù. Ông đã gọi cho George Allen, một phân tích gia của CIA đã nghiên cứu vấn đề Việt Nam trong 17 năm, và hỏi ông ta rằng ông ta có thể làm gì khi ở vào vị thế của ông hiện nay. Ông ta trả lời: “Ngưng tăng cường lực lượng của Hoa Kỳ, ngưng thả bom miền Bắc và thương lượng với Hà Nội về ngưng bắn.” Lý do để Mỹ quyết định chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được ông NcNamara ghi một cách giản dị như vậy! (Xem bài “Những thế lực đàng sau” của chúng tôi trên motgoctroi.com, mục “Mỗi tuần một chuyện”).

Vào tháng 5/1966, khi Đại Đức Thích Nhất Hạnh đang ở Pháp thì được một nhóm phản chiến của Mỹ mời qua Hoa Kỳ để “góp một bài tay” cho phong trào phản chiến đang dấy lên ở Mỹ.

Hôm 2.6.1966, Dân biểu John Dow (1905 – 2003) thuộc tiểu bang New York, mới được bầu năm 1965, được mô tả là “Foe of Vietnam War” (Kẻ thù của Chiến tranh Việt Nam), đã đưa Thiền Sư Nhất Hạnh ra trước Hạ Viện Mỹ để đọc một bản tuyên cáo viết sẵn đề ngày 1.6.1966. Ông đã giới thiệu Thiền Sư Nhất Hạnh như sau:

“Thưa ông niên trưởng, hôm qua một số dân biểu trong Uỷ Ban Nghiên Cứu Dân Chủ đã hân hạnh gặp Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh, một tăng sĩ Phật giáo từ Việt nam đến. Thượng toạ là giám đôc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tại Sài Gòn, là một người chuyên lo việc đào tạo cán bộ tái thiết nông thôn cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ông rất gần gũi với người dân quê vốn chiếm tới 90 phần trăm dân số Việt nam...

“Thượng toạ Nhất Hạnh nói về vấn đề Việt nam và Phật giáo như một trong những người có thẩm quyền quyết định...”

Thiền sư Nhất Hạnh đã đọc bản tuyên cáo, trong đó nhấn mạnh: “Đại đa số người Việt khát khao hoà bình và chống lại sự lan rộng của chiến tranh. Ai cũng thấy rằng chính sách leo thang hiện giờ chỉ có thể làm cho viễn tưởng hoà bình xa hút và càng đe doạ tiêu diệt cho toàn thể dân đất Việt.”

Từ lời giới thiệu của Dân biểu John Dow đến bản tuyên cáo đều là những lời nói phét, nhưng nhóm phản chiến cần những lời nói phét đó để đánh lừa dân chúng Mỹ.

Bản tuyên cáo này và những lời tuyên bố tiếp theo đều được “nói và viết theo đơn đặt hàng” của nhóm phản chiến Mỹ. Phải công nhận Thiền Sư Nhất Hạnh là một điệp viên văn hóa và tôn giáo lì lợm, ông “dám nói và dám làm theo đơn đặt hàng” không biết ngượng mồm, bất chấp dư luận, bất chấp sự thật và bất chấp đạo lý. Sau này khi nói về vụ thảm sát ở Bến Tre hay đi thuyết phục xóa sổ GHPGVNTN ông cũng đã thực hiện gióng y như vậy.

CÔNG CỤ CỦA CỘNG SẢN

Ngoài việc yểm trợ cho chiến dịch ngụy hoà do cơ quan tình báo Mỹ phát động để rút quân ra khỏi Việt Nam, GHPGVNTN đã yểm trợ cho Cộng Sản chiếm miền Nam.

1.- Yểm trợ đòi hỏi của MTGPMN

Ngày 3.6.1966, Thiền sư Nhất Hạnh đã công bố chủ trương 5 điểm của GHPGVNTN như sau:

- Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ từ chức.

- Quân đội Mỹ rút lui.

- Ngưng oanh tạc Bắc Việt.

- Mỹ phải giúp lập chính thể dân chủ và tái thiết miền Nam không điều kiện.

Năm điểm đòi hỏi này giống hệt 5 điểm đòi hỏi của MTGPMN.

2.- Xuyên tạc lịch sử để yểm trợ MTGPMN

Năm 1967, Đại Đức Nhất hạnh cho xuất bản cuốn "Vietnam, Lotus in a Sea of Fire, a Buđhist Proposal for Peace" (Việt Nam, Hoa sen trong biển lửa, môt đề nghị hòa bình của Phật giáo), nói về cuộc tranh đấu của Phật Giáo từ 1963-1966 và những chết chóc tang thương do Hoa Kỳ và quân đội VNCH gây ra. Ông lên án Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo, Nguyễn Cao Kỳ độc tài quân phiệt và ca tụng Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc. Ông tuyên bố MTGPMN do những người quốc gia chống chế độ Ngô Đình Diệm lập ra chứ không phải do Hà Nội lập ra, nhưng vì Mỹ đã đổ quân và vũ khí vào VN, nên họ "nghiêng theo khối CS, và càng ngày càng trở thành công cụ của khối CS".

Năm 1968, khi hòa đàm Paris bắt đầu họp, ông được cử làm phát ngôn viên chính thức của GHPGVNTN (Ấn Quang) ở hải ngoại.

3.- Tuyên ngôn 6 điểm của Phái đoàn GHPGVNTN (Ấn Quang)

Tháng 10/1970, một phái đoàn PGVN do Thượng Tọa Thích Thiện Minh cầm đầu qua Nhật Bản dự Hội Nghị Thế Giới về Tôn Giáo và Hòa Bình họp tại Tokyo từ 16 đền 22.10.1970. Phái đoàn gồm có các Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Mình Tâm, Đại Đức Thích Nhất Hạnh (phát ngôn viên) và 2 cư sĩ Ngô Văn Giáo và Vĩnh Bữu. Tại hội nghị này, phái đoàn đã đưa ra đề nghị 6 điểm của PGVN như sau:

(1) Các phe lâm chiến phải bắt đầu xuống thang ngay lập tức để đạt đến một cuộc ngưng bắn toàn diện vào lúc 18 giờ chiều 30 Tết Tân Hợi (tức 26.1.1971).

(2) LHQ sẽ chỉ định một nhóm quốc gia trung lập để họp thành Ủy Hội Kiểm Soát Ngưng Bắn gồm cả đại diện của Quân đội VNCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam VN.

(3) Chính phủ VNCH phải phóng thích các tù nhân chính trị, sinh viên, trí thức, tu sĩ và tất cả những người đã bị tạm giam vì tranh đấu cho hòa bình và chủ quyền của dân tộc.

(4) Chính phủ Hoa Kỳ phải chấm dứt tình trạng thối nát, độc tài và bất lực ở miền Nam VN bằng cách để cho người Việt tự do chọn đại diện đa số dân chúng có bản chất hòa giải dân tộc, không liên kết và có đủ khả năng để:

- Thương thuyết với chính phủ Hoa Kỳ về thời biểu triệt thoái mau chóng toàn thể quân lực Hoa Kỳ ở VN và những liên hệ ngoại giao, văn hóa và kinh tế giữa Hoa Kỳ và VN.

- Thương thuyết với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam VN về những thể thức tổng tuyển cử để bầu lên một chính phủ đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị ở Nam VN, một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do dưới sự giám sát quốc tế, trong đó mọi người VN thuộc bất cứ khuynh hướng chính trị nào đều có thể tham dự.

(5) Các chính phủ Hoa Kỳ, Sô-viết, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và các quốc gia liên hệ khác cộng tác với nhau để chấm dứt đau khổ của người dân Việt bằng cách ủng hộ đề nghị này do chính người Việt đề ra.

(6) Các phe lâm chiến tại VN, nhân dân ưa chuộng hòa bình trên thế giới, các giáo hội tôn giáo và các nhà nhân bản cấp thời hành động để thúc đẩy các quốc gia có trách nhiệm về chiến tranh VN chấm dứt cuộc chiến tranh tại VN, Kampuchea và Lào.

Từ văn từ đến nội dung, bản tuyên bố viết giống hệt các bản tuyên bố của MTGPMN.

Trước một hội nghị quốc tế về tôn giáo và hòa bình, thay vì trình bày một cách lịch sự đề nghị của PGVN, phái đoàn đã đưa ra một mệnh lệnh theo “kiểu ông cố nội”, ra lệnh cho mọi người liên hệ phải thi hành, vì thế GHPGVNTN (Ấn Quang) đã làm mất cảm tình đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Phái đoàn Đan Mạch đã vặn hỏi tại sao PGVN chỉ đòi quân đội Mỹ rút mà không đòi tất cả các quân đội ngoại nhập phải rút, trong đó có cả quân đội CS Bắc Việt, phái đoàn PGVN không trả lời được.

4.- Lập các tổ chức ngụy hoà

Sau Đại hội Phật Giáo kỳ 3 của GHPGVNTN (Ấn Quang) tổ chức tại Saigon ngày 20.8.1968, luật sư Trần Ngọc Liễng dưới sự chỉ đạo của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, tuyên bố thành lập Lực Lượng Quốc Gia Tiến Bộ. Ngày 15.11.1969, LS Liễng đưa ra một tuyên bố khẳng định mục đích của Lực Lượng là đòi các lực lượng ngoại nhập (Mỹ và đồng minh) phải rút khỏi miền Nam, thành lập chính phủ hòa giải dân tộc. Các báo ở Saigon hỏi ông tại sao không nói gì về phía Cộng Sản, ông không trả lời.

Ngày 27.1.1973 Hiệp Định Paris được ký kết. Điều 12 của Hiệp Định này dự liệu thành lập tại miền Nam Việt Nam một Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc sau khi ngưng bắn. Hội Đồng này gồm ba thành phần: VNCH, MTGPMN và các thành phần ở giữa. Thừa lệnh của Hội Đồng Viện Hóa Đạo, ngày 31.1.1973, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã phổ biến một thông bạch tuyên bố thành lập Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc và cử Luật sư Vũ Văn Mẫu làm Chủ Tịch. Lực lượng này bao gồm “các thành phần ở giữa” để đứng về phía MTGPMN trong Hội Đồng. Thông bạch đòi hỏi phải “nghiêm chỉnh thực thi ngưng bắn” và tiến tới lập chính phủ hòa hợp hòa giải. Thông bạch này đã bị các đảng phái quốc gia và báo chí công kích mạnh nên Lực Lượng không hoạt động được.

Tháng 2/1974, nhóm luật sư Trần Ngoc Liễng lại lập “Tổ chức nhân dân đòi thi hành hiệp định Paris”, xác định mình là lực lượng thứ ba, mục tiêu chính là đòi thi hành hiệp định Paris, Mỹ rút quân, thành lập Chính phủ hoà giải dân tộc.

XUẤT ĐẦU LỘ DIỆN

Trong cuốn Bạch Thư công bố ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã viết:

“Ngày 30.4.1974 là ngày cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Những bộ mặt thân Cộng Sản đã lộ rõ nguyên hình, không ai mà không rõ:


- Khi quân Cộng Sản từ rừng về Saigon, đã có gần 500 Tăng, Ni của phe tranh đấu Ấn Quang ra đón chào.


- Ngày 19.5.1975, phe tranh đấu Ấn Quang đã tổ chức sinh nhật Hồ Chí Minh tại chùa Ấn Quang.


- Hiệp Thương Chính Trị thống nhất hai miền Nam Bắc của Cộng Sản, một Thượng Tọa của phe Ấn Quang đã làm một bài tham luận, nịnh Cộng Sản, kể công của Ấn Quang và đã kích Nha Tuyên Úy Phật Giáo cùng Giáo Hội Thích Tâm Châu”.

Trong cuốn “Bão qua cổng chùa”, Hòa Thượng Thích Mãn Giác cho biết sau khi Việt Cộng mới chiếm được miền Nam Việt Nam, Hội Đồng Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN (Ấn Quang) đã họp và quyết định tham gia tổ chức “mừng giải phóng” với nhà cầm quyền, đồng thời tổ chức mừng sinh nhật Hồ Chí Minh tại chùa Ấn Quang. Hòa Thượng viết:

“Lần đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội đã tổ chức một buỗi lễ hết sức long trọng để mừng sinh nhật của một cá nhân. Ngay trong thời kỳ phong kiến quân chủ, Giáo Hội cũng không làm như vậy. Mỗi chùa riêng tư có lễ chúc tụng Vua, nhưng không phải làm tập thể Giáo Hội. Tại sao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã làm như vậy? Vì kính ngưỡng Hồ Chủ Tịch? Vì muốn chứng tỏ thiện chí hợp tác?


Bản Thông Cáo số 66-VHD/VP/TC ngày 8.5.1975 của Viện Hóa Đạo (Ấn Quang) về tổ chức đón mừng hòa bình và kỷ niệm ngày 19 tháng 5, đã tuyên bố:

“Sau bao năm tranh đấu, nguyện vọng của Giáo Hội và toàn dân là Hòa Bình, Độc Lập và Thống Nhất đất nước. Cơ duyên ấy nay đã đến.”

Hòa Thượng Mãn Giác cho biết:

“Tin tưởng vào những hứa hẹn về hòa hợp hòa giải dân tộc của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời, sau ngày giải phóng, Phật Tử Việt Nam đã tận tình hợp tác với Chính Phủ Cách Mạng. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không được mời tham dự buổi lễ Mừng Chiến Thắng do chính phủ tổ chức ngày 15 tháng 5, 1975, nhưng Giáo Hội, với thiện chí sẵn có vẫn hợp tác trong nhiệm vụ đoàn kết dân tộc và tái thiết xứ sở, đã động viên trên 900 Tăng Ni trong thành phố Hồ Chí Minh để tham dự cuộc meeting trên. Ban tổ chức không chịu nhường chỗ đứng cho phái đoàn Phật Giáo tại khán đài, nhưng Giáo Hội vẫn kiên chí tham gia trong buổi lễ. Ngày 19 tháng 5, 1975 hơn 20.000 Phật tử đã tề tựu tại chùa Ấn Quang để làm lễ sinh nhật Hồ Chủ Tịch. Đây là một số lượng đáng kể vì ngoài chính phủ ra, không có đoàn thể nhân dân nào có thể huy động số người tham dự buổi lễ đông đảo như vậy.”

TỰ THÚ NHẬN HỢP TÁC VỚI CỘNG SẢN

Trong cuộc meeting “mừng giải phóng” ngày 15.5.1975, Hòa Thượng Mãn Giác đã đọc một bài diễn văn rất thống thiết, trong đó có những đoạn sau đây:

“Trong những năm dài sống dưới ách nô lệ thực dân mới, Phật Giáo chỉ nuôi một ước vọng sâu kín: độc lập và thống nhất...


“Ngày nay, ước vọng đó đã hiện thực. Hiện thực ấy ngày càng rõ nét trong đời sống dân tộc, làm vang vọng lời xác quyết của Hồ Chủ Tịch “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”... Bác Hồ kính yêu đã thay lời tổ tiên nói lên...”


“Cuộc đấu tranh của Phật Giáo cho nền thống nhất tổ quốc cùng là một với cuộc đấu tranh vì CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ..."

Sau đó, chính Hòa Thượng Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Ấn Quang, Hoà Thượng Trí Tịnh, Viện Phó và Thượng Toạ Minh Châu, nguyên Tổng Thư Ký, đem GHPGVNTN (Ấn Quang) sát nhập thành Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước. Trong lễ ra mắt Giáo Hội này hôm 7.11.1981 tại Hà Nội, Hoà Thượng Trí Thủ đã nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự của Giáo Hội đọc một bức thư gởi Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Trường Chinh, trong đó có đoạn như sau:

“Suốt ba mươi năm chống Pháp, chống Mỹ, nhiều chùa là cơ sở của cách mạng, nhiều tăng ni tạm thời rời bỏ Thiền môn, hăng hái tòng quân đánh giặc cứu nước. Bác Hồ dạy: “Không gì quý hơn độc lập tự do!”, toàn thể tăng ni và Phật tử Việt Nam ghi lòng tạc dạ lời dạy đó của Bác, nhận thức rõ lý tưởng giải thoát của người tu hành không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, do Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.”

Những hoạt động của các chùa và tăng sĩ Phật Giáo ở Huế cho Việt Cộng mà Liên Thành ghi lại trong cuốn “Biến động miền Trung” chỉ mới là một phần nhỏ. Năm 1974, khi tôi trở về Đà Nẵng để quan sát tình hình, nhất là tin Việt Cộng sắp chiếm Thường Đức, một nhân viên an ninh đã cho tôi biết trong 10 chùa ở Đà Nẵng, có đến 8 chùa hoạt động cho Việt Cộng. Nếu Hoà Thượng chịu khó đọc lại các hồi ký viết về Đà Nẵng ngày 29.3.1975, ngày Đà Nẵng bị mất, Hoà Thượng sẽ thấy các tổ chức Phật Giáo và chùa chiền ở Đà Nẵng đã hành xử như họ là cơ quan đại diện của Cộng Sản tiếp thu thành phố!

Trong cuộc gặp gỡ Hòa Thượng Huyền Quang tại Hà Hội chiều 2.4.2003, Thủ Tướng Phan Văn Khải xác nhận:

“Phật giáo Việt Nam đã từng góp công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.”

Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, các tăng sĩ lãnh đạo đấu tranh của GHPGVNTN (Ấn Quang) đã coi sáng kiến của mình là tuyệt vời, là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”, nhưng những hậu quả sau đó thật là thê thảm cho cả đất nước lẫn Phật Giáo!

Thưa Hoà Thượng, trên đây chỉ là những nét đại cương về một số tăng sĩ và GHPGVNTN hoạt động cho Cộng Sản, nếu Hoà Thượng cần biết thêm, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết. Trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ nói về âm mưu lật đổ và cướp chính quyền của một số tăng sĩ và GHPGVNTN (Ấn Quang).

Ngày 9.3.2010
Lữ Giang