Montag, 22. März 2010

Công nhân bị sa thải vì đòi quyền… đi vệ sinh

HÀ NỘI 19-3 (TH) - Sau 10 ngày đình công, ngày 18 tháng 3 năm 2010, hàng loạt công nhân của công ty Endo (thuộc khu công nghệ Nội Bài) đã lần lượt bị sa thải vì vi phạm kỷ luật do công ty đặt ra. Những qui định này trái với luật lệ lao động hiện hành được áp đặt một cách độc đoán và nghiêm khắc.
Theo bản tin báo Thanh Niên ngày 19 tháng 3 năm 2010, sáng ngày 18 tháng 3, “hàng chục công nhân vẫn đứng ngồi lố nhố trước cổng công ty Endo Stainless Steel, chuyên sản xuất ống thấm nhiệt cho máy tính thuộc khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội."Khoảng 50 công nhân của công ty này đã đình công để đòi hỏi quyền lợi kể từ ngày 9 tháng 3.


Nguồn tin nói nhóm công nhân gửi một bản kiến nghị tập thể tới các cơ quan chức năng cáo buộc “người lao động công ty Endo làm việc vất vả nhưng đồng lương quá rẻ mạt. Cụ thể, với mức lương khoảng trên 1.2 triệu đồng/tháng nhưng đa số công nhân phải làm việc 10-12 tiếng/ngày, 1 ca tính 9 tiếng đồng hồ. Có bộ phận (90% là nữ) trong 3 tháng liên tục phải làm 12 tiếng rưỡi/ngày, đến khi quá mệt mỏi xin dời ngày làm thêm vào hôm khác thì bị công ty quy kết là không hợp tác và dọa đuổi việc. Các công nhân cũng phải tiếp xúc với nhiều hóa chất tẩy rửa độc hại, nhưng không được trang bị đồ bảo hộ lao động cũng như không có bất cứ khoản phụ cấp độc hại nào”.

Theo lời công nhân Nguyễn Văn Vững, thợ bảo dưỡng máy và là đại diện các lao động cho biết, trong 2 năm qua, công việc nhiều hơn nhưng lương của anh chỉ tăng được khoảng 10 nghìn đồng. Ngoài mức lương rẻ mạt, công nhân còn cho biết công ty Endo còn đưa ra nhiều quy định về kỷ luật lao động hà khắc, không giống ai. Anh Vững cho hay, “người lao động ốm xin nghỉ việc, khi trở lại làm việc đều bị lãnh đạo công ty phân công đi cắt cỏ rồi mới được làm trở lại, bất cứ là nam hay nữ, kể cả người có thai. Ðáng chú ý, người lao động trong giờ làm việc muốn đi vệ sinh phải xin đủ 3 chữ ký (của tổ trưởng, trưởng phòng và giám đốc)”.

Vẫn không phải chỉ có chừng đó sự quá quắt, “công nhân Trần Thị Hường cho biết, công ty đưa ra quy định nếu ai đi vệ sinh trong giờ làm việc sẽ không được tính là lao động chuyên cần. Trong một tháng, nếu người lao động đi vệ sinh 4 lần sẽ bị trừ danh hiệu ‘lao động chuyên cần’ (được thưởng 100 nghìn đồng/tháng). ‘Bọn em hầu như không thể đạt được danh hiệu lao động chuyên cần vì không ai có thể... nhịn được.’”

Theo bản tin Thanh Niên, sau 10 ngày đình công, những người tham gia “đã nhận được quyết định sa thải, bởi nghỉ việc không lý do quá 5 ngày. Cũng theo thông báo của công ty, những công nhân đã được công ty gửi đi đào tạo 6 tháng tại Thái Lan khi nghỉ việc sẽ phải bồi thường cho công ty 4,500 USD/người.”

Nguồn tin tường thuật theo lời công nhân Nguyễn Hữu Quyền ở bộ phận ấn, dập, người vừa nhận được quyết định sa thải và thuộc diện phải bồi thường cho hay: “Những quyết định của công ty Endo là rất phi lý, bởi tổng chi phí họ đưa chúng tôi đi đào tạo chỉ khoảng 1,200 USD, không hiểu họ lấy cơ sở nào để đòi bồi thường mức trên”.

Ðược biết, dù được đi nước ngoài đào tạo và làm việc tại công ty từ khi mới thành lập, nhưng đến nay anh Quyền cũng chỉ được hưởng lương 2 triệu đồng/tháng.

Nói chuyện với ký giả báo Thanh Niên, ông Ngô Chí Hùng, phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội (BQL) cho biết “Công ty Endo đã ra các quyết định sa thải khi người lao động đang đình công là có dấu hiệu vi phạm luật Lao Ðộng.”

Hàng trăm vụ đình công xảy ra ở Việt Nam mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là sự ngược đãi và bóc lột tàn nhẫn của giới chủ nhân.

http://thangtien.de/index.php?option=com_content&task=view&id=6132&Itemid=300