Đức Tường
Đầu năm Canh Dần đọc được tin mới: truyền đơn “Lời Kêu Gọi Ngàn Năm Thăng Long” do 4 tổ chức đấu tranh thực hiện và phổ biến trong nước, kêu gọi mọi người dân cùng hiệp lòng phát huy lòng yêu nước và nếu là cán bộ, bộ đội hay đảng viên hãy bỏ đảng Cộng Sản, đứng về phía nhân dân. Lòng thật vui vì thấy đã có dấu hiệu đoàn kết trong trận tuyến chống cộng. Chưa hết, còn cả thông điệp “Hãy Cùng Đứng Lên” của Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ, kêu gọi toàn dân tộc hãy mạnh dạn can đảm đứng lên giành lại quyền tự quyết của dân Việt. Xin được tỏ lòng cảm phục ý chí dấn thân và can đảm của các vị này.
Nhưng thiển nghĩ, nếu tự đặt trường hợp tôi là một người nào đó đang ở Việt Nam, thí dụ là một dân oan đang sinh sống tạm bợ ở một công viên nào đó ở Hà Nội, đang chờ đợi đơn khiếu kiện nhà cửa bị tịch thu oan ức, và một vào ngày đầu năm nhặt được một tờ truyền đơn nêu trên, hay nghe đâu đó qua người quen về lời kêu gọi của Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ, tôi sẽ nghĩ gì và sẽ làm gì? Tôi có dám công khai chống lại đảng và nhà nước Việt Cộng, một bạo quyền độc tôn độc tài đang trở nên càng ngày càng hung hãn và đán áp thô bạo như những lúc gần đây được biết đến? Có và còn ai nữa sẽ cùng đứng bên tôi, chung một lý tưởng? Chống lại bằng cách nào? Bắt đầu từ đâu, như thế nào? Vợ con và gia đình tôi sẽ ra sao nếu như rủi ra (hay là chắc chắn) tôi bị nhà nước “xử lý” như đã làm với Lê Thị Công Nhân, Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức ….? Đó là những ưu tư và tâm tình rất có thể xảy ra trong lòng tôi lúc đó. Rất có thể tôi sẽ liều mình, dấn thân (như các vị anh hùng anh thư tranh đấu cho nhân quyền nêu trên); và cũng rất có thể tôi chỉ tiếp tục nuôi lòng căm phẩn đối với bạo quyền như bấy lâu nay và tiếp tục chịu đựng số phận của một người dân oan (như bao nhiêu dân oan đó đây chung quanh tôi). Tôi phải làm gì đây?
Đến đây chắc mọi người đã hiểu. Vấn đề được đặt ra ở đây là:
- Những lời vấn tội đảng Cộng Sản Việt Nam mà chúng ta đã nêu lên trong suốt mấy mươi năm qua đã đủ chưa hay cần phải làm gì hơn nữa?
- Công cuộc đấu tranh dành tự do và dân quyền ở Việt Nam đã và cần đến giai đoạn nào?
- Hiệu quả của công tác dân vận, ngoại vận và đấu tranh chống cộng của chúng ta đang làm như thế nào?
Những gì chúng ta đã làm đến nay như báo động, lên tiếng, phản đối, kêu gọi, tố cáo, nhận định, trình bày, vạch trần, kiến nghị, … đã có thể coi là tạm đủ. Trừ ra một thiểu số rất rất ít đảng viên cộng sản còn u mê và cố bám víu vào ý thức hệ cộng sản, hay đám chạy theo vì quyền lợi làm ăn, ai mà không biết cộng sản là gì, tội ác chúng như thế nào. Dĩ nhiên chúng ta sẽ không ngừng nghỉ tố cáo, vạch trần tội ác và những vi phạm của Việt cộng đối với dân tộc, khi cần đến. Nhưng chúng ta cũng không thể dừng ở đó. Tất cả các chế độ cộng sản đông Âu và Liên Xô đã không sụp đổ chỉ vì nhân dân các nước đó hay cộng đồng thế giới nhận thức được chính quyền độc tôn cộng sản là gì, đã làm nên tội ác gì, tệ hại ra làm sao v.v... Thiết nghĩ, sự nhận thức hay tố cáo đâu là nguồn cội và nguyên do cho bao nhiêu bất công, băng hoại xã hội, hay nguy cơ mất nước dù là điều cơ bản và thiết yếu, nhưng rất tiếc lại chưa đủ để lật đổ được một bạo quyền độc tôn.
Chúng ta cũng không thể dừng ở đó. Phải hành động thiết thực và cụ thể hơn. Mỗi chiếc dịch hay phong trào tranh đấu đề ra cần phải cân nhắc đến những gì có thể thâu lượm được sau đó. Và những kết quả đạt được này phải là những viên gạch bậc thang đưa chúng ta đến gần mục đích hơn: Chấm dứt chế độ độc tài đảng trị, bảo vệ toàn vẹn lảnh thổ, tự do công bình xã hội cho mọi người dân. Mỗi cuộc biểu tình, mỗi lần rải truyền đơn đều cần phải lượng định trước hiệu quả của từng chiến dịch. Luôn tự hỏi, tờ truyền đơn này, cuộc xuống đường kia hay lời kêu gọi nọ sẽ tác động như thế nào, đến đối tượng nào, sẽ giúp cho công cuộc đấu tranh tiến gần tới mục đích thêm được bao nhiêu. Chỉ khi nào chúng ta trả lời được những câu hỏi như thế có nghĩa là chúng ta đã làm việc có hiệu quả.
Nhìn lại một trường hợp để làm thí dụ: Hồi đầu năm nay, ở quận Cam, California, cộng đồng người Việt đã tổ chức một cuộc xuống đường rầm rộ để đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, với sự hưởng ứng tham gia của khoản 10.000 người Việt. Hôm đó, tôi cũng đến và tham dự cuộc tuần hành này. Cuộc tuần hành với rừng cờ, biểu ngữ đi lòng vòng theo các lối mòn trong một công viên rộng lớn đầy cây xanh và cỏ mượt tươi mát vào một ngày chúa nhật yên ả. Tôi vừa đi theo đoàn biểu tình, vừa phụ hoạ theo những lời hô hào “đả đảo Việt cộng...” và âm thầm tự hỏi: Cuộc xuống đường này của 10.000 người Việt yêu quê hương và căm phẩn bọn Việt cộng này có giúp gì cho “cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam”, như mục đích đã nêu trên và được đề xướng từ ban tổ chức? Cụ thể hơn, đặt ra câu hỏi: chúng ta đã đạt được những gì? Tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam qua đó sẽ được cải thiện chút ít gì chăng? Và nhận định của riêng tôi là: sau cuộc đi bộ xuống đường, những người tham dự sẽ ra về với lòng căm thù Việt cộng được tăng thêm, một số báo chí, đài radio, truyền hình Việt hải ngoại có thêm chất liệu cho chương trình thông tin của họ. Ngoài ra còn gì nữa? Có thể là một vài người bản xứ chạy bộ tập thể dục trong công viên ngày hôm ấy tò mò hỏi han chuyện gì và được giải thích những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Và những giáo dân hay phật tử bị áp bức, cấm cản và trù dập ở Việt Nam sẽ được gì, một chút gì, sau cuộc xuống đường của chúng ta ngày hôm nay trong một công viên đẹp đẻ và yên lành này? Đất nước ta sẽ có thêm chút tự do nào sau những lời hô hoán khan cổ của chúng ta ngày hôm nay giữa khu công viên bình thường tương đối vắng lặng và êm đềm trong một ngày chúa nhật nắng đẹp? Đặt ra những câu hỏi tự chất vấn mình như thế, chúng ta sẽ thấy được kết quả cụ thể chúng ta đã đạt được. Tổ chức để qui tụ được 10.000 người không phải là điều dễ làm. Bao nhiêu là công sức và tiền bạc của những thành viên sinh hoạt tích cực, bao nhiêu là những cuộc vận động kết hợp, điều phối của các hội đoàn, đảng phái, ban ngành v.v.... Tôi nghĩ, phải chi cuộc biểu tình này được diễn ra ở nơi khác:
- downtown Los Angeles, để cho thật là nhiều người dân bản xứ và các cơ quan công quyền địa phương biết đến. Mục tiêu ở đây là tố cáo tội ác Việt cộng trước dư luận thế giới. Dù là mục đích rất hạn hẹp và vẫn còn tương đối trừu tượng, nhưng vẫn còn hơn nhiều lần với cuộc đi bộ trong công viên nêu trên (gần như chúng ta chỉ tố cáo cho chính chúng ta nghe mà thôi).
- hay trước toà giám mục quận Cam, hay quận Los Angeles, để chính thức trao cho toà giám mục thỉnh nguyện thư của chúng ta nhằm yêu cầu các vị giám mục trong khả năng và mức độ có thể hãy tạo áp lực và ảnh hưởng đến dư luận công chúng, yêu cầu chính phủ (tiểu bang và liên bang) lên tiếng can thiệp vào vấn đề tự do tôn giáo vốn vẫn là vấn đề rất nhậy bén và ưu tiên với các xứ Âu Mỹ. Mục tiêu của chúng ta ở đây, nếu thuận lợi, sẽ là có thêm tiếng nói chính thức của thế lực tôn giáo sở tại tham gia vào phong trào đòi tự do tôn giáo, có thêm một số chính trị gia, phóng viên, hội đoàn Mỹ ủng hộ chúng ta, cùng yêu cầu và có thể tạo áp lực lên chính quyền Việt cộng. Nếu không đạt được như thế, ít ra chúng ta đã tạo được sự chú ý của dân bản xứ đến tình trạng tồi tệ về tự do và nhân quyền tại Việt Nam. Chúng ta sẽ không chỉ là 10.000 người mà là 20.000, 40.000 nguời hay hơn nữa. Có thể đức giám mục sẽ yêu cầu các giáo xứ họ đạo trong vùng cùng hiệp thông cầu nguyện chung trong một ngày nào đó v.v...
- hay trước toà nhà quốc hội tiểu bang, hay trước một cơ sở truyền thông địa phương, hoặc hay trong phố trên đường dẫn vào phi trường LA, … với lời kêu gọi tẩy chay hiệp thương, đầu tư, hay du lịch Việt Nam. Giới đầu tư hay du khách sẽ suy nghĩ lại khi biết rõ hơn tình hình thực tại ở Việt Nam. Một cuộc xuống đường 10.000 người không phải là ít, nhất là đối với người Mỹ. Chính giới ở Mỹ sẽ chú ý đến vấn đề Việt Nam hơn, và nhất là biết được cử tri người Mỹ gốc Việt, người sẽ đi bỏ phiếu cho lần bầu cử sắp tới, muốn gì, quan tâm chuyện gì.
Ngoài ra, chúng ta cần có một phương pháp đấu tranh mới và thực tiễn hơn, đặc bìệt cho quốc nội. Trong bài này tôi xin trình bày thiển ý và đưa ra một đề nghị.
Trước hết, trở lại trường hợp rải truyền đơn hồi đầu năm mới đây cũng như lời kêu gọi của Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ. Tôi nghĩ, thay vì chỉ hài tội (Việt cộng), vạch mặt (âm mưu bán nước) và kêu gọi (nhân dân đoàn kết đấu tranh), chúng ta nên có thêm những huớng dẫn, gợi ý, và tổ chức những cuộc xuống đường tuy bất bạo động nhưng với những mục tiêu rõ ràng và nhất là với những hướng dẫn cụ thể giúp dân chúng trong nước biết cách để có thể tụ tập “bán chính thức”, xuống đường “bán chính thức”, và có cơ hội có thể tạo ra được làn sóng đấu tranh sinh động, rộng khắp và khó bị đàn áp. Xin đơn cử một vài thí dụ:
- Tung ra những chiến dịch rải truyền đơn bằng giấy hoặc qua email trong nước, đặc biệt nhắm đến giới sinh viên, học sinh, công chức, thầy cô giáo, v.v.... Lời lẽ trình bày phương cách phản đối Trung quốc lấn biển chiếm đất, có thể như: bất kỳ sau khi có một bản tin nào đại loại liên quan đến “tàu lạ đâm chìm tàu ngư dân...”, hay “rừng đầu nguồn”, hay “16 chữ vàng” v..v.. mỗi người hãy thắt một mẩu vãi nhỏ (mầu vàng, nâu, trắng hay xanh... nhưng không là mầu đỏ) trên tất cả cây trồng chung quanh toà đại sứ và Lãnh sự Trung quốc. Việc làm này hoàn toàn không gây hại cho người tham gia, vì công an không thể nào bắt một người chỉ vì thắt một mẩu vải không có mang bất cứ nội dung “phản động” nào. Mặc dù không có lời lẻ nào viết trên các mẩu vải như thế, nhưng tôi đoan chắc là chỉ sau một thời gian ngắn, sau vài ba lần như thế, mọi người sẽ biết được qua các lời truyền khẩu đồn đại trong dân gian. Những mẩu vải này nói lên sự bất mãn của dân Việt, của người dân bị bóp nghẹt tiếng nói, để phản đối bạo quyền, và ngay cả để tỏ tình tương thân đoàn kết với những nạn nhân ngư nhân. Người Việt mình đến nay chưa quen với cách tỏ hiện này, nhưng lại rất phổ biến ở Âu Mỹ, như đem hoa đem nến đến đặt trước một địa điểm đã xảy ra chuyện gì đó (một tài tử vừa qua đời, một nạn nhân hình sự vừa được khám phá, v.v...). Chỉ là một hành động đơn giản (để hoa xuống đất) nhưng ai nấy đều hiểu ý nghĩa là gì. Gần đây ở Thái Lan đã có những biểu hiện có khuynh hướng như thế: nhóm áo vàng, áo đỏ v.v... Chỉ bằng với mầu sắc, họ đã tạo nên được mối tương quan và đoàn kết trong một chiến dịch nào đó. Theo tôi, sau vài lần, để ngăn chặn chuyện “biểu tình bán chính thức” cột vải mầu vào cây này, bọn công an chỉ có nước cử người gác ở … trước từng gốc cây mà thôi.
- Tương tự như thế, đối với các đàn áp tôn giáo (Đồng Chiêm, Thái Hà, Bát Nhã, Hoà Hảo...) chúng ta có những chiến dịch tung truyền đơn với những hướng dẫn như trên. Những mẩu vải có thể buộc vào tay, đơm vào áo, cột vào xe, treo trước nhà, v.v... Thoạt đầu, có thể chỉ có một vài người làm theo (vì thấy không có làm gì trái pháp luật), rồi một số đông khác sẽ noi theo, sau đó có thể bị công an làm khó dễ, nhưng kết cuộc bọn chúng chẳng làm được gì, vì có ai hô hào chống đối gì đâu. Cái hình ảnh cả một làng Đồng Chiêm (và một số làng kế cận) đều nhất loạt “biểu tình bán chính thức” như thế (nhà nhà treo vải, bất kể tôn giáo nào, xe đạp xe bò xe đò xe ôm thắt vải, trên áo học sinh gắn vải, trên tay cột vải,v.v...) sẽ làm cho bọn công an chùng tay e sợ hơn và nhất là nhận ra được đâu là quần chúng thực sự, đâu là toàn dân thực sự. Nếu có một giáo dân bị đánh đập hay bắt bớ, hãy tung truyền đơn (bằng giấy, hay email) kêu gọi sự bầy tỏ tình liên đới và đoàn kết bằng cách đến trước nhà nạn nhân cột ở hàng dậu một mẩu vải nhỏ. Nếu chúng ta tổ chức và kêu gọi được như thế, chuyện gì có thể sẽ xảy ra? Có thể một tuần sau, trước hàng rào của ngôi nhà đó hoặc nhà thờ phất phơ không biết bao nhiêu mẩu vải đồng mầu. Công an sẽ đến tháo ra, làm những chốt chặn đầu ngỏ, dựng những ụ đất ngăn việc đi lại đầu làng, nhưng không sao, đồng bào sẽ tiếp tục thắt những mảnh vải ấy ở những hàng cây trên đường dẫn vào làng, trong hành lang bệnh xá, chung quanh trường học, trên xe lửa, ở Hà Nội, ở Đà Lạt, ở Sài Gòn. Bất cứ khi nào thấy có mảnh vải như thế ai nấy đều hỏi nhau, “chuyện gì thế?”, và cứ như thế, tin tức được truyền đi và sẽ có nhiều người gia nhập thêm vào “phong trào biểu tình bán chính thức” này.
Nhân đây xin nhắc lại lời kêu gọi “một tháng bất tuân dân sự” của Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ vào dịp tháng tư năm 2009, kêu gọi mọi người biểu tình bất bạo động bằng cách … ngồi ở nhà, không ra đường. Ở ngoài này, tôi không rõ người dân trong nước có hưởng ứng lời kêu gọi này không? Nhưng tôi có thể hình dung ra, chỉ một số rất ít được biết đến lời kêu gọi này (là phật tử, thường theo dõi thời cuộc qua mạng, biết cách vượt tường lửa...). Và khi biết được, họ có thể hưởng ứng không ( ở lì trong nhà suốt cả tháng, không đi làm...)? Hiệu quả như thế nào? Tôi nghĩ hiệu quả của lời kêu gọi này rất ít. Ở đây, xin nói rỏ một điều: Lời kêu gọi “một tháng bất tuân dân sự” thật ra có thể sẽ tạo ra một sức mạnh khủng khiếp, đặc biệt, nhất là ở giai đoạn quyết liệt sau cùng trong cuộc đấu tranh chống Cộng sản, như cuộc đấu tranh của thánh Gandi ở Ấn độ ngày trước phản đối bọn thực dân Anh. Nhưng phải chăng còn quá sớm cho tình hình nước ta hiện nay?
Tóm lại, trong tình thế hiện nay: bạo quyền Việt cộng với chính sách độc đảng độc tôn, một mặt đang cố bám víu lấy quyền lực và ưu thế quyền lợi, bằng cách năng nổ hơn trong việc vơ vét cho bằng hết tài nguyên đất nước, tận dụng bằng hết thủ đoạn để bóc lột người dân, đàn áp cho bằng được bất cứ phản kháng hay ngay cả kiến nghị sửa sai trong nội bộ, mặt khác phải qụy lụy quan thầy Trung quốc, nhường đất bán biển cho ngoại bang. Để tiếp tục cố sống trong thế cai trị đó, bọn chúng đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn hay phương tiện nào để bưng bít thông tin, khủng bố lòng dân, dằn mặt phản biện.
Để đối đầu với tình huống trên,
- mặc dù chúng ta vẫn cần đến những đầu tàu là những vị anh hùng anh thư đã và đang mạnh dạn đứng lên đối đầu trực diện với thế lực đỏ, chúng ta cũng đang rất cần một phong trào mở rộng và sinh động trong lòng dân tộc, bằng cách này hay cách khác, dám bày tỏ những phẩn uất và đối kháng của mình trong một xã hội đầy bất công và bất an như hiện nay.
- mặc dù những lời kêu gọi, hô hào, kiến nghị, bạch thư, tố cáo tội ác của Việt cộng là những điều không thể thiếu trong cuộc đấu tranh này, chúng ta cũng rất cần những hành động cụ thể, hữu hiệu và nhất là an toàn cho một phong trào đấu tranh trong nước.
- mặc dù bạo quyền đang hung hãn và đê tiện ra tay đàn áp tôn giáo và những chính kiến dị biệt, chúng ta rất cần tìm ra, đề xướng và phát huy được một phương pháp thích ứng để nối kết, huy động và cổ võ lòng dân dám đứng lên bày tỏ nguyện vọng của mình.
Một trong những phương pháp thích ứng trong trường hợp này là những mẩu vải màu mà người viết rất mong một tổ chức chính trị, một đảng phái đấu tranh, hay một vị anh hùng anh thư trong nước đứng ra kêu gọi và xướng xuất. Nếu được dịp, trong lần tới, tôi sẽ xin góp ý thêm về những trận thế công mới cần phải thực hiện trong lúc này để tấn công thẳng vào sào huyệt của bạo chúa.
Đức Tường
California, ngày 13 tháng 03 năm 2010