Freitag, 26. März 2010

Phản pháo trật lất!

Lữ Giang

Trong Thông Tư số 07/VHĐ/VT đề ngày 17.1.2010, Hoà Thượng Quảng Độ không những chỉ phủ nhận việc GHPGVNTN và các tăng sĩ thuộc giáo Giáo Hội này không “dính líu” đến CSVN mà còn tố cáo ngược lại các chính phủ VNCH đã bị Cộng Sản xâm nhập. Đây là một hình thức phản pháo! Hoà Thượng viết: “Trái lại, việc rõ như ban ngày là sự xâm nhập của những lưới tình báo chiến lược Cộng sản vào nằm giữa Phủ Tổng thống dưới hai triều Tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, nội tuyến trong các cơ quan quốc phòng, cảnh sát, báo chí, v.v…: những ông Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn... Chỉ nêu vài tên điển hình, vì thực tế nhiều vô kể. Chẳng có ai là Phật tử trong đám người này.”

Thưa Hoà Thượng, chuyện nước này cài gián điệp vào nước kia để lấy tin tức là chuyện bình thường trên thế giới. Trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ và VNCH đã thả ra Bắc 36 toán điệp viên bằng nhiều hình thức khác nhau để thu lượm tin tức. Cuộc chiến về tình báo giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc luôn luôn gây cấn. Ở Mỹ, ngày 16.7.2009 vừa qua, công dân Mỹ Dongfan “Greg” Chung (Chung Đông Phàm) đã bị tòa California truy tố về tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Chung sinh tại Trung Quốc và sau đó nhập cư vào Mỹ, từng làm việc cho các tập đoàn hàng không vũ trụ Rockwell International và Boeing, và đã tuồn nhiều bí mật trong lĩnh vực này cho Trung Quốc, v.v. Do đó, chuyện CSVN cài gián điệp vào VNCH không phải là chuyện lạ.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Hoà Thượng đã dùng tài liệu giả của CSVN để tố cáo VNCH, còn chú tiểu Võ Văn Ái lại dùng tài liệu giả của Việt Cộng để ghi chú thêm dưới Thông Tư của Hoà Thượng!

NHỮNG CĂN CỨ SAI LẦM

Chắc chắn là Hoà Thượng và chú tiểu Võ Văn Ái đã căn cứ vào các “tài liệu” sau đây do văn công Việt Cộng biên soạn để tố cáo VNCH bị Cộng Sản xâm nhập, vì Hoà Thượng đã nói gióng hệt những luận điệu mà các “tài liệu” giả đó đã đưa ra:

(1) Bộ phim “Ván Bài Lật Ngửa” gồm 8 tập của đạo diễn Khôi Nguyên (tên thật Lê Hoàng Hoa), do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Sài Gòn sản xuất từ 1982 đến 1987. Bộ phim này kể về quãng đời hoạt động của điệp viên Phạm Ngọc Thảo và tôn Phạm Ngọc Thảo là “một điệp viên siêu hạng”.

(2) Bộ truyện “Ông Cố Vấn, Hồ Sơ Một Điệp Viên” của nhà văn Hữu Mai, viết về cuộc đời hoạt động của điệp viên Vũ Ngọc Nhạ trong khoảng thời gian từ năm 1958 đến năm 1975 và vụ án Huỳnh Văn Trọng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1987, bao gồm 3 tập.

(3) Cuốn “Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời” của Nguyễn Thị Ngọc Hải. Đây là cuốn tiểu thuyết viết rất bựa vì bà Hải không biết chút gì về tổ chức chính quyền miền Nam nên cứ phang bừa thành ra lố bịch.

Khôi hài hơn, Larry Berman đã đến Việt Nam phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn rồi cóp gần như toàn bộ các sự kiện giả tưởng ghi trong cuốn “Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời” của Nguyễn Thị Ngọc Hải về viết cuốn “Perfect Spy”!

Thưa Hoà Thượng, trên đây chỉ là những phim và truyện giả tưởng do văn công Việt Cộng biên soạn, dựa trên những nhân vật có thật với một vài câu chuyện có thật, rồi huyền thoại hoá để che đậy những thất bại nghiêm trọng của Cục Tình Báo Chiến Lược của Hà Nội tại miền Nam.

Chúng tôi tưởng những chuyện giả tưởng này chỉ có thể đánh lừa được những người dân miền Bắc, giới bình dân ở miền Nam không biết gì đến các hoạt động của chính quyền VNCH và những người tự xưng là “đi guốc trong bụng Cộng Sản” nhưng thường bị Cộng Sản đánh lừa hết chuyện này đến chuyện kia. Những chuyện giả tưởng này cũng có thể đánh lừa được chú tiểu Võ Văn Ái, vì chú đã rời khỏi Việt Nam từ năm 1953, khi mới 18 tuổi, chưa biết gì về Cộng Sản. Mỗi lần đọc các “tài liệu tối mật” của Cộng Sản chỉ thị đánh phá Phật Giáo do chú sáng tác, mọi người đều ôm bụng cười, vì chú không biết cách viết chỉ thị và lối hành văn của Việt Cộng.

Tuy nhiên, mọi người rất ngạc nhiên khi thấy Hoà Thượng dùng tài liệu giả của Việt Cộng để lên án VNCH, vì Hoà Thượng có trình độ kiến thức rất cao, đã từng sống dưới chế độ VNCH, đã bị Việt Cộng giam giữ và quản chế lâu dài và đã sống dưới chế độ cộng sản 34 năm, có rất nhiều kinh nghiệm về Cộng Sản... Không lẽ Hoà Thượng không biết được những trò ma giáo của Việt Cộng hay sao?

Để làm sáng tỏ những vấn đề mà Hòa Thượng đã tố cáo, trước hết chúng tôi sẽ trình bày qua nhũng sự thất bại thê thảm của Cục Tình Báo Chiến Lược của Hà Nội, sau đó chúng tôi sẽ nói về những chuyện giả tưởng mà các văn công Hà Nội được chỉ thị tạo ra để đánh lừa dư luận và Hoà Thượng đã căn cứ vào đó để tố cáo VNCH.

THẤT BẠI CỦA TÌNH BÁO HÀ NỘI

Sau hiệp định Genève 1954, Hà Nội đã cho lập Ban Địch Tình của Xứ Ủy Phía Nam để tổ chức và lãnh đạo mạng lưới tình báo chiến lươc tại miền Nam do Văn Viên phụ trách. Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã phá vỡ Ban Địch Tình của Xứ Ủy Phía Nam và bắt tên cầm đầu là Mười Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban. Cục Tình Báo Chiến Lược Hà Nội phải tổ chức lại mạng lưới tình báo tại miền Nam. Mạng lưới này được chia thành nhiều “Cụm tình báo chiến lược”. Gọi là “Cụm Tình Báo Chiến Lược” vì do Cục Tình Báo Chiến Lược ở Hà Nội tổ chức và điều hành chứ không phải do các tổ chức tình báo địa phương. Mỗi cụm có 3 người thành một “tổ tam tam” gồm một Phái khiển, một Cán bộ và một Cơ cán. Phái khiển (agent) được coi như tổ trưởng, có nhiệm vụ thu lượm tin tức và lập báo cáo bằng mật mã. Cán bộ là người chuyển báo cáo của phái khiển đến cơ cán. Cơ cán có nhiệm vụ giao thông liên lạc, chuyển tài liệu đi.

Một thí dụ cụ thể: Chúng ta thường nghe Hà Nội nói nhiều đến “Cụm tình báo chiến lực A.22” như là một cụm tình báo quan trọng ở Sài Gòn, nhưng thực tế không phải vậy. Cụm này chỉ là một cụm tình báo nhỏ hoạt động trong Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh ở Sài Gòn. Cụm này gồm có: Dư Văn Chất (tự Văn Tiến Mạnh, tự Nguyễn Trọng Văn) làm Phái khiển, Vũ Ngọc Nhạ làm Cán bộ và Phạm Văn Đường làm Cơ cán. Cả ba đều là thư ký đánh máy công nhật B3 ở Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh, do Kỹ sư Nguyễn Sỹ Cảnh làm chánh sự vụ. Kỹ sư Cảnh là cha vợ của Cao Đăng Chiếm. Ba tên này đã được Kỹ sư Cảnh tuyển dụng.

Năm 1959, cụm tình báo này đã bị tóm gọn, kể cả Kỹ Sư Nguyễn Sỹ Cảnh. Tuy nhiên, sau khi được cải tạo tại trại Tòa Khâm, Huế, Vũ Ngọc Nhạ đã chuyển hướng và đồng ý hợp tác nên năm 1961 đã được phóng thích và đưa về Sài Gòn dưới danh nghĩa một cán bộ hồi chánh bị quản chế, hàng tháng phải trình diện cơ quan an ninh, nhưng trong thực tế Nhạ đã hoạt động đắc lực cho Đoàn Công Tác Đặc Biệt trong công tác lấy tin tức.

Tính chung, chỉ trong vòng một năm, Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã phá vỡ được hầu hết các cơ sở quan trọng của Cộng Sản hoạt động tại miền Nam Việt Nam như Đảng Bộ Liên Khu V, Đặc Khu Ủy Sài Gòn Chợ Lớn, Thành Ủy Đà Nẵng, Tỉnh Ủy Quảng Trị, Thành Ủy Huế, Tỉnh Ủy Quảng Nam, Tỉnh Ủy Phú Yên, Tỉnh Ủy Long An, Tỉnh Ủy Phước Long, Tỉnh Ủy Cần Thơ, v.v.

Về các cụm tình báo chiến lược, tính đến cuối năm 1959, Đoàn Công Tác Dặc Biệt đã phá vỡ khoảng 60 cụm và bắt trên 95.000 cán bộ nằm vùng. Chúng tôi còn lưu giữ được 45 tên phái khiển điều khiển các cụm tình báo đã bị phá vỡ như Nguyễn Tuyên (nhân viên Phủ Tổng Thống), Nguyễn Văn Mãi (tự Hội, tự Ba Tam, sau này là Đại Tá), Phạm Kim Thịnh (anh em cột chèo với Mai Chí Thọ), v.v.

Điều tốt nhất là xin mời Hoà Thượng và chú tiểu Võ Văn Ái đọc một tài liệu của Đảng CSVN và một tài liệu do một điệp viên bị bắt nói về những thất bại về tình báo của Hà Nội tại miền Nam:

Cuốn “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1955” của Bộ Quốc Phòng Hà Nội, đã viết:

“Chỉ từ tháng 7–1955 đến tháng 2–1956, Mỹ – Diệm đã giết hại, giam cầm 93.362 cán bộ, đảng viên và những người yêu nước. Cơ sở đảng, cơ sở quần chúng bị tổn thất nặng.

“Ở Tây Nam Bộ, sau hai năm thực hiện đấu tranh chính trị, đã có một đồng chí Phó Bí Thư Xứ Ủy, 18 tỉnh ủy viên, 100 huyện ủy bị giết.


“Tỉnh Thủ Đầu Một ta bố trí ở lại 1.647 đảng viên chỉ còn 260. Tỉnh Gia Định 3.000 đảng viên chỉ còn 350. Huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) từ 656 đảng viên đến ngày 20.7.1955, chỉ còn 80 đảng viên, v.v.

“Đặc biệt nghiêm trọng, do bị khủng bố dã man ở một số địa phương đã ra đầu hàng, tự thú với địch. Ở Bình Định, hầu hết đảng viên bị bắt đều khai báo tự nhận mình là đảng viên hoặc khai cho người khác. Hai huyện Nghĩa Hành và Đức Phổ (Quảng Ngãi), tính đến tháng 8–1955, có 80% đảng viên khai báo. Xã Phong Chương (Phong Điền, Thừa Thiên) có chi bộ 25 đảng viên, ra đầu hàng 24 còn một phải chạy trốn. Một số đảng viên không tin ở đấu tranh chính trị thành công đã dao động, chạy dài, tránh né công tác, thậm chí có người tập ăn nhạt, uống ít nước để nằm hầm bí mật được lâu. Những số liệu này cho thấy bản chất phản động tàn bạo của chính quyền Diệm và tính chất ác liệt của cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.”  [Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1955”, Bộ Quốc Phòng, Tập II, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 73 – 74].

Vì không chịu nổi chiến dịch tố Cộng tại miền Nam, năm 1957 Lê Duẫn, Bí Thư Xứ Ủy Nam Bộ, phải bỏ ra Hà Nội.

Cuốn hồi ký mang tên “Bội Phản hay Chân Chính?” của Dư Văn Chất, Phái khiển của “Cụm tình báo chiến lược A.22” đã ghi lại như sau:

“Đây là một ngành an ninh đích thực, nhưng là một “siêu tổ chức” với nhiều đặc thù mà không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được. Nó tập trung quyền lực cao độ: cực quyền, với các phương thức hoạt động hết sức tinh vi, hiểm độc và táo bạo. Trong cái nhà tù không song sắt, Công an Mật vụ cùng với kháng chiến Việt Cộng ăn chung, ngủ chung, chơi chung và công tác chung. Chuyện khó tin mà có thật, và chỉ có được trong thời điểm lịch sử nhất định. Bắt đầu từ cuộc đấu tranh chính trị đòi hỏi hiệp thương tổng tuyền cử cho tới tiếng súng Đồng Khởi hạ màn kết thúc. Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn – Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh phá vào cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên Khu Năm, Tỉnh Ủy Thừa Thiên, Thành Ủy Huế rồi Đà Nẵng. Tiến xuống phía Nam, chúng tấn công cơ sở Đặc Khu Sài Gòn Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là Mật vụ Miền Trung đánh bắt gọn các lưới Tình Báo Chiến Lược của ta trải suốt từ Bến Hải tới Sài Gòn trong vòng chỉ một năm.” [Dư Văn Chất, Bội Phản hay Chân Chính, Saigon 1992, tr.2].

Vì bài báo có giới hạn, chúng tôi chỉ trích dẫn hai tài liệu điển hình mà thôi.

TÌM CÁCH ĐÁNH LỪA DƯ LUẬN

Để che đậy những sự thật phủ phàng như đã nêu trên, nhà cầm quyền CSVN đã cho làm phim và viết những chuyện giả tưởng về hoạt động tình báo tài tình của họ tại miền Nam. Chúng tôi xin ghi lại những nét chính về các điệp viên mà Hoà Thượng Quảng Độ đã nêu ra:

1.- Trường hợp Phạm Ngọc Thảo

Trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” Nguyễn Thành Luân đã dàn dựng Ngọc Thảo như là “một điệp viên siêu hạng”, đã đóng vai trò cố vấn về chính sách quốc gia cho các nhân vật lãnh đạo VNCH. Nhưng sự thật như thế nào?

Phạm Ngọc Thảo, có tên Pháp là Albert Thảo, sinh ngày 14.2.1922 tại Sài Gòn, nguyên quán Vĩnh Long. Năm 1945 Thảo đi theo kháng chiến và làm Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 404 rồi Trưởng Phòng Mật Vụ Nam Bộ.

Sau hiệp định Genève, Thảo không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam như một cán bộ hồi chánh, xuống Vĩnh Long nhờ Đức Giám Mục Ngô Đình Thục che chở. Thấy Thảo có học vấn khá, Đức Giám Mục Thục đã giới thiệu Thảo với ông Nhu. Thảo tỏ ra hiểu biết về các hoạt động của đám Việt Cộng nằm vùng, nên ông Nhu quyết định cho Thảo mang cấp bậc Đại Úy đồng hoá và đưa Thảo đi làm Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An Vĩnh Long, sau đó về làm Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An Bình Dương. Hoạt động bình định của Thảo rất thành công.

Khi Khu Trù Mật mới được thành lập, đầu năm 1961, ông Diệm đã cho Thảo được thăng lên Trung Tá và cử làm Tỉnh Trưởng Tỉnh Kiến Hòa để trắc nghiệm, nhưng ông Nhu đã cho nhân viên tình báo theo dõi rất sát, vì nghi Thảo là gián điệp hai mang. Thảo đã làm cho tỉnh Bến Tre thành một khu vực yên tĩnh khác thường. Nhưng vì có nhiều báo cáo cho biết Thảo thường liên lạc với Việt Cộng, ông Diệm đã ngưng chức Tỉnh Trưởng Kiến Hòa của Thảo và cho qua Hoa Kỳ học một khóa về chỉ huy và tham mưu như hầu hết các sĩ quan cấp tá khác. Sau khi Thảo đi, Bến Tre lại bị mất an ninh rất nghiêm trọng. Điều này khiến ông Nhu tin rằng Thảo được Việt Cộng yểm trợ trong thời gian làm Tỉnh Trưởng Bến Tre, nên quyết định dùng Thảo để liên lạc trực tuyến với “phiá bên kia”.

Ngày 23.3.1962, Phạm Ngọc Thảo vừa đi Mỹ về, liền được cử làm Thanh Tra Ấp Chiến Lược. Thảo đã đưa nhiều ý kiến chống sự xâm nhập của Việt Cộng rất xuất sắc.

Tháng 10 năm 1963, khi Hoa Kỳ bắt đầu xúc tiến cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm, Đại Sứ Cabot Lodge đã đánh về Washington nhiều công điện báo cáo Phạm Ngọc Thảo và Trần Kim Tuyến tổ chức đảo chánh. Các công điện này đều được để lọt cho ông Nhu biết. Nhưng ông Nhu cho rằng đây chỉ là trò nghi binh của ông Lodge. Ông hỏi: “Thằng Thảo lấy quân đâu mà đảo chánh?”. Tuy nhiên, ông Nhu không bao giờ nghi CIA đã dùng hai người thân tín nhất của ông là Tướng Trần Thiện Khiêm và Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu để lật đổ chế độ!

Sau đảo chánh ngày 1.11.1963, Phạm Ngọc Thảo được thăng lên Đại Tá và làm Tùy Viên Báo Chí cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, sau đó bị đẩy đi làm Tùy Viên Văn Hóa tại Tòa Đại Sứ VN ở Washington.

Khi muốn loại bỏ Tướng Nguyễn Khánh, CIA đã bí mật đưa Phạm Ngọc Thảo về Sài Gòn kết hợp với Tướng Lâm Văn Phát tổ chức đảo chánh. Cuộc đảo chánh thất bại, nhưng theo ý kiến của CIA, trong cuộc họp ngày 21.2.1965 tại Biên Hòa, các tướng lãnh đã quyết định giải nhiệm Tướng Khánh.

Thấy Phạm Ngọc Thảo quá nguy hiểm, Tướng Nguyễn Văn Thiệu, mới lên nhận chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, đã ra lệnh phải truy lùng và hạ sát Phạm Ngọc Thảo bằng mọi giá. Sáng ngày 16.7.1965, Thảo đã bị bắn trọng thương tại Biên Hoà và đã từ trần lúc 1 giờ 30 sáng 17.7.1965 tại Nha An Ninh Quân Đội ở Sài Gòn.

Với những chức vụ được giao phó như đã nói trên và luôn bị theo dõi, làm sao Thảo có thể lũng đoạn chính sách quốc gia của VNCH được? Thảo chỉ là con bài của ông Nhu và CIA mà thôi.

2.- Trận chiến “ngậm đắng nuốt cay” giữa Tổng Thống Thiệu và CIA

Có thể khẳng định ngay rằng Huỳnh Văn Trọng chưa bao giờ là điệp viên của Cộng Sản. Vụ án Huỳnh Văn Trọng và vụ án Trần Ngọc Hiền chỉ là một trận chiến “ngậm đắng nuốt cay” giữa Tổng Thống Thiệu và CIA. Đây là một chuyện khá ly kỳ, nhưng trong bài này chúng tôi cũng chỉ có thể tóm lược phần chính.

Kể từ năm 1965, sau khi Đại Sứ Cabot Lodge được chính phủ Hoa Kỳ đưa trở lại Việt Nam để dẹp loạn Phật Giáo, Hoa Kỳ đã nghỉ đến việc nói chuyện với “phía bên kia” để đi tới việc chấm dứt cuộc chiến. Lúc đó Trung Tá Trần Ngọc Châu đang là Giám Đốc Trung Tâm Huấn Luyện Bình Định Nông Thôn ở Vũng Tàu, một cơ quan do CIA tài trợ và giám sát. CIA biết Trần Ngọc Châu có người anh là Đại Tá Trần Ngọc Hiền, từng là Ủy Viên của Đặc Khu Sài Gòn – Chợ Lớn, bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt bắt, sau được Mai Hữu Xuân thả ra. Vì thế, CIA đã đề nghị với Tổng Nha Cảnh Sát để cho CIA lập đường dây liên lạc với “phía bên kia” qua Trần Ngọc Châu. Tổng Nha Cảnh Sát đồng ý. Cơ quan an ninh VNCH đã bảo đảm cho đường dây này được hoạt động dễ dàng và không can dự vào. Một cụm tình báo được thành lập để phụ trách công tác này, đó là “Cụm tình báo A-68” do Trần Ngọc Hiền làm Phái khiển, Trần Ngọc Châu làm Cán bộ (chuyển tài liệu giữa CIA và Việt Cộng) và Trần Châu Khang là cơ cán (liên lạc). Cụm này đã hoạt động một cách yên ổn từ tháng 8/1965 đến 1969.

Năm 1967, khi đắc cử Tổng Thống, Tướng Nguyễn Văn Thiệu nghĩ rằng nếu Mỹ nói chuyện riêng với Việt Cộng, tại sao ta không làm như vậy? Ông liền bảo Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng tìm cho ông một người có thể liên lạc với “phía bên kia”. Nguyễn Cao Thăng liền giới thiệu người bạn thân của mình khi còn ở Huế là Huỳnh Văn Trọng.

Huỳng Văn Trọng, sinh năm 1909, là người công giáo gốc ở giáo xứ Kim Long, Huế, đi tu dòng Đa Minh, sau ra học luật ở Hà Nội. Nhưng mới học được hai năm thì Việt Minh cướp chính quyền, Trọng về Huế và làm cho Phòng Nhì của Pháp. Khi Pháp rút khỏi miền Nam, Huỳnh Văn Trọng và hai người khác được tổ chức thành một tổ tình báo của Pháp để lại ở miền Nam (nhiều chuyện khác xin tạm bỏ qua). Đoàn Cộng Tác Đặc Biệt khám phá ra hoạt động của tổ này. Huỳnh Văn Trọng trốn qua Cam-bốt, còn hai người kia bị bắt.

Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, Huỳnh Văn Trọng về lại Việt Nam và liên lạc với Nguyễn Cao Thăng. Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng biết Trọng đã được Pháp huấn luyện về tình báo và có năng khiếu về tình báo nên giới thiệu với Tổng Thống Thiệu. Tổng Thống Thiệu liền cử Huỳnh Văn Trọng là Phụ Tá Đặc Biệt Phủ Tổng Thống để có danh nghĩa và thầm quyền nói chuyện với “phía bên kia”. Chuyện này không hề được thông báo cho Tổng Nha Cảnh Sát và cơ quan tình báo Hoa Kỳ biết.

Chúng tôi đã phỏng vấn hai người được Nguyễn Cao Thăng cử phụ giúp Huỳnh Văn Trọng, nên biết khá nhiều chi tiết rất lý thú.

Như đã nói ở trước, sau khi bị bắt, Vũ Ngọc Nhạ đồng ý làm điệp viên nhị trùng cho Đoàn Công Tác Đặc biệt và được Đoàn này trả lương. Nhưng sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, không ai trả lương cho Nhạ nữa nên Nhạ đến xin làm việc tại nhà in của Linh mục Trần Ngọc Nhuận ở nhà thờ Phát Diệm, Phú Nhuận, vì khi còn ở ngoài Bắc, Nhạ đã có một thời gian ở Phát Diệm. Linh mục Nhuận biết Nhạ là cán bộ hồi chánh nên cho phụ xếp giấy đề có lương sống qua ngày.

Khi Huỳnh Văn Trọng đang tìm người có thể liên lạc với “phía bên kia”, có người đã cho Huỳnh Văn Trọng biết Vũ Ngọc Nhạ, một cán bộ hồi chánh, đang làm ở nhà in của cha Nhuận, có thể làm được chuyện này. Huỳnh Văn Trọng đến gặp cha Nhuận. Cha Nhuận hỏi Nhạ thì Nhạ xin một tuần để trả lời. Sau đó Nhạ cho biết có thể làm được.

Huỳnh Văn Trọng đã được Vũ Ngọc Nhạ đưa đi tiếp xúc với đại diện của Việt Cộng nhiều lần, khi ở Đồng Ông Cộ, khi ở cầu Bình Lợi, khi ở Hàng Xanh... Có lần Vũ Ngọc Nhạ đã đưa Huỳnh Văn Trọng đi gặp Phạm Hùng. Nhưng việc liên lạc này đã bị CIA phát hiện. CIA đã phái điệp viên William James Porter đến giúp Tổng Nha Cảnh Sát theo dõi để bắt, Porter đã cung cấp cho cảnh sát các máy thu thanh và thu hình tự động rất tinh vi để theo dõi nội vụ và làm bằng chứng. Ngày 20.9.1969 Tổng Nha Cảnh Sát đã mở cuộc hành quân xúc toàn bộ các cụm tình báo Việt Cộng hoạt động chung quanh Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng.

Khi được đưa ra trình diện trước báo chí, Huỳnh Văn Trọng nói rằng ông sẽ tiết lộ tất cả những bí mật về vụ này trước phiên tòa. Nhưng Tổng Thống Thiệu đã bảo Nguyễn Cao Thăng nói với Huỳnh Văn Trọng không được tiết lộ nội vụ để khỏi gây hoang mang về việc ông đã bí mật nói chuyện với Việt Cộng. Tổng Thống Thiệu hứa sau khi giam giữ một thời gian, ông sẽ ra lệnh thả ra.

Khoảng 22 giờ tối 29.11.1969, Tòa Án Lưu Động Mặt Trận Vùng III Chiến Thuật đã tuyên án như sau: Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy và Nguyễn Xuân Hòe khổ sai chung thân. 8 người bị khổ sai 20 năm, 5 người bị khổ sai từ 5 đến 7 năm. Các bị can khác bị tù từ 3 tháng đến 3 năm và 11 người được hưởng án treo. Nhưng Huỳnh Văn Trọng đã bị Tổng Thống Thiệu biến thành vật hy sinh. Ông không bao giờ ông ra lệnh thả Huỳnh Văn Trọng, mà còn trao trả Trọng cho Việt Cộng sau Hiệp Định Paris.

Để trả đũa lại CIA, Tổng Thống Thiệu ra lệnh bắt “cụm tình báo A-68”. Tuy nhiên, Đại Tá Trần Văn Hai, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia không chịu bắt Trần Ngọc Châu vì lúc đó Trần Ngọc Châu đang là dân biểu và là Tổng Thư Ký của Hạ Viện. Vã lại đã có sự đồng ý của Tổng Nha Cảnh Sát để cho CIA lập tổ này.

Bị Nguyễn Cao Thăng thúc đẩy, Đại Tá Hai đòi phải có lệnh viết của Thủ Tướng Khiêm ông mới bắt. Tổng Thống Thiệu đã bảo Tướng Khiêm ký lệnh viết nên ngày 20.2.1970, cảnh sát đã bao vây và bắt Trần Ngọc Châu tại Hạ Viện.

Ngày 2.3.1970, Toà Án Lưu Động Mặt Trận Vùng III Chiến Thuật bắt đầu xử vụ án Trần Ngọc Hiền và Trần Ngọc Châu, nhưng tuyên phạt nhẹ hơn vụ án Huỳnh Văn Trọng nhiều, vì có sự can thiệp mạnh của Tòa Đại Sứ Mỹ. Tòa tuyên án Trần Ngọc Châu 10 năm tù khổ sai và Trần Ngọc Hiền 4 năm tù. Ít lâu sau, Trần Ngọc Châu được phóng thích, nhưng Trần Ngọc Hiền không còn nhận Trần Ngọc Châu là em nữa vì cho rằng mình đã bị Châu lừa!

Thưa Hoà Thượng, Vũ Ngọc Nhạ chỉ học tới lớp 7 (thua chú tiểu Võ Văn Ái 2 lớp), làm thư ký đánh máy công nhật B3 ở sở Đào Kinh, Bộ Công Chánh, làm sao có thể làm cố vấn cho ba đời Tổng Thống VNCH như văn công Việt Cộng đã viết?

3.- “Điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn

Phạm Xuân Ẩn tên thật là Trần Văn Trung, sinh ngày 12.9.1927 tại Biên Hoà. Ẩn chỉ học hết lớp 7. Năm 1950, lúc 23 tuổi, Ần xin làm nhân viên kiểm hàng (pointer) cho Quan Thuế ở bến tàu (văn công Việt Cộng gọi là “Thanh Tra”!). Năm 1952, Ẩn bị động viên, được Pháp cho làm thông dịch viên, mang cấp bậc Trung Sĩ đồng hoá. Nhưng văn công Việt Cộng mô Ẩn được trưng dụng làm “Bí Thư Phòng Chiến Tranh Tâm Lý” trong Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp tại Camp Aux Mares, rối sau làm cộng sự của phái bộ quân sự Mỹ tại Sài Gòn (Sài Gòn Military Mission)... Xin tạm bỏ qua những huyền thoại đó. Cơ quan tình báo Việt Cộng liền giao cho Ẩn theo dõi các hoạt động của quân đội Pháp.

Năm 1957, Ẩn bị nhân viên an ninh của Sở Nghiên Cứu Chính Trị bắt vì liên lạc với Việt Cộng. Sau khi khai thác, ông Trần Kim Tuyến biết Ần là điệp viên của Việt Cộng, nói tiếng Pháp khá, nên quyết định huấn luyện Ẩn thành điệp viên hai mang. Tháng 10 năm 1957 Ẩn được gởi qua Mỹ để học về phản gián. Trước hết, Ẩn được đến trường Orange Coast College ở Orange County, California để học ESL (English as a second language). Văn công Việt Cộng nói Ẩn đến đây để học báo chí, nhưng người Việt ở Orange County ai cũng biết trường này chưa hề dạy môn báo chí và thời đó không có bằng Tú Tài không thể đi du học về báo chí. Cuối tuần và những ngày nghỉ, Phạm Xuân Ẩn lên San Francisco để được huấn luyện về phản gián. Sau hai năm, tháng 10/1959, Ẩn trở về Sài Gòn. Không có lớp báo chí nào ở Mỹ mà chỉ học có hai năm.

Vì Ấn không có bằng Tú Tài toàn phần nên ông Trần Kim Tuyến không thể cho Ẩn làm biên tập viên của Cảnh Sát hay Bộ Thông Tin, nên ông quyết định cho Ẩn ăn lương Công Cán Ủy Viên Phủ Tổng Thống và gởi qua làm việc ở Việt Tấn Xã. Đây là lý do khiến văn công Việt Cộng hô lên Ẩn làm việc cho Phủ Tổng Thống!

Sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, Phạm Xuân Ẩn mất việc, nên CIA tuyển dụng Ẩn làm gián điệp hai mang vì Ẩn đã được Mỹ huấn luyện. Để cho Ẩn có một cái vỏ bọc bên ngoài, CIA đã ghi tên cho Ẩn làm phóng viên của hãng Reuters và các báo Time, New York Herald Tribune, The Chritian Science Monitor... Sức học và trình độ Anh ngữ của Ẩn làm sao có thể được vào làm cho các cơ quan thông tin đó nếu không có sự gởi gấm của CIA?

Nhiều cơ quan thông tin ở trong nước cũng như ngoại quốc đã mô tả Ẩn như là một điệp viên ngoại hạng, một điệp viên hoàn hảo của Hà Nội, nhưng không ai mô tả được Ẩn làm sao để lấy được các tài liệu của Mỹ và Ấn đã viết được những bài báo nào có giá trị. Trong thực tế, những tài liệu mà Ẩn gởi lên Củ Chi là những tài liệu do chính CIA cung cấp cho Ẩn. Đó cũng có thể là những tài liệu có thật nhưng không còn tác dụng nữa, hay những tài liệu do CIA biến chế. Nói một cách tổng quát, đây là những tài liệu phản gián.

Nếu Phạm Xuân Ẩn biết được nhiều bí mật về hoạt động an ninh và tình báo của Mỹ, CIA đã xúc Ẩn đi trước 30.4.1975 để không bị địch khai thác. Ngay các nhân viên quân báo cấp dưới cũng đã được CIA xúc đi từ 19.4,1975. Vì Ẩn chỉ là “hộp thư”, không biết gì về an ninh và tình báo của Mỹ nên CIA mới bỏ ở lại. Việt Cộng cũng biết như thế nên chỉ dùng Ẩn để tuyên truyền, chứ không xử dụng mà còn theo dõi và ngược đãi.

CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẮT

Trong 46 năm qua, các “sử gia” Phật Giáo đã viết hàng chục cuốn sách nói về cuộc đấu tranh của Phật Giáo, nhưng viết theo lối của văn công Việt Cộng, tức viết phịa sử. Nay những tài liệu chính thức được tiết lộ, các sách đó trở thành vô giá trị.

Hòa Thượng đã kêu gọi các “sử gia” Phật Giáo ở hải ngoại nghiên cứu để “giải hoặc” các bằng chứng lịch sử mới được công bố trong thời gian gần đây. Tôi thấy họ đã cố gắng làm rồi, nhưng họ chỉ viết theo “lề đường bên phải” tức viết theo kiểu của Lê Mạnh Thát: Chỉ chọn những tài liệu hay ý kiến hợp với ý mình rồi trích ra và coi đó là chân lý. Còn những tài liệu và ý kiến không hợp, mặc dầu là sự thật, đều loại ra. Những lối viết như thế chẳng “giải hoặc” được gì và sẽ bị phản pháo rất nặng như trường hợp Trần Gia Phụng và Đào Văn Bình.

Hoà Thượng phải nhìn nhận rằng từ 1963 đến nay, các nhà đấu tranh Phật Giáo và GHPGVNTN chưa bao giờ đứng về phía VNCH, nhưng đã nhiều lần đứng về phía Việt Cộng. Trong cuộc đấu tranh chống cộng hiện tại, GHPGVNTN cũng chưa bao giờ chính thức liên kết với bất cử tổ chức chống cộng khác để có sức mạnh. Phải chăng Giáo Hội sợ khi thành công sẽ phải chia ghế?

Nhưng Hoà Thượng cứ yên tâm, trong hiện tại không ai làm gì được GHPGVNTN của Hoà Thượng đâu. Tôi đọc báo cáo của NED thì thấy năm nào CIA cũng tài trợ cho chú tiểu Võ Văn Ái đều đều để “đánh phèng la” về phía Phật Giáo. Từ năm 2000 đến 2003 mỗi năm 70.000 USD. Năm 2004 bị cúp. Năm 2006: 97.000 USD. Năm 2007: 107.000 USD. Năm 2008: 107.000 USD. Năm 2009 chưa công bố. Như vậy CIA còn cần đến tổ chức của Hoà Thượng.

Tuy nhiên, nếu GHPGVNTN, nhóm Thân Hữu Già Lam và nhóm Làng Mai tiếp tục đi con đường cũ, tức con đường “giáo quyền lãnh đạo thế quyền” rất khó tránh khỏi thảm hoạ cho Phật Giáo và đất nước.

Ngày 23.3.2010
Lữ Giang