Đinh Từ Thức
Khi Lê Thị Công Nhân trở về từ nhà tù, không hiểu những khẩu hiệu “Mừng Đảng Mừng Xuân” có còn ở khắp nơi? Nhưng còn hay không, thành tích 80 năm tuổi Đảng vẫn không thay đổi. Sự trở về của Lê Thị Công Nhân là một thành tích mới. Nhờ Đảng, cô đã hoàn tất 3 năm tù trước khi đủ tuổi 30.
Khi Đảng mới được một tuổi, người khai sinh ra Đảng cũng đã vào tù. Nhưng Thực dân không bắt chàng ở tuổi 27 như Đảng bắt Lê Thị Công Nhân. Chàng bị bắt năm 41 tuổi, tên chàng là Nguyễn Ái Quốc.
Song Man Cho (Nguyễn Ái Quốc)
Nhưng đó là chuyện lịch sử ghi nhận về sau. Khi bị bắt, chàng một mực chối rằng mình không phải là Nguyễn Ái Quốc. Chàng tự nhận là người Tầu, tên Song Man Cho. Trong cuộc thẩm vấn chính thức ngày 10 tháng 7, 1931 để xác nhận lý lịch, chẳng những chối bỏ cái tên yêu nước của mình, chàng còn chối bỏ cả quê hương bản quán mình, khai rằng sinh ra tại Tung Hing, một làng nhỏ thuộc tỉnh Quảng Đông, gần biên giới Đông Dương. Mặc dầu được huấn luyện ở Liên Xô, và được gửi về hoạt động ở Đông Nam Á, chàng chỉ nhận có sang Pháp, và chối không bao giờ sang Nga, cũng như không hề có liên hệ gì với Quốc tế Cộng sản (Comintern). Chàng nhấn mạnh mình là người quốc gia, không phải cộng sản [1]. Lịch sử đã chứng minh, tất cả những lời khai này đều không thật.
Tuy là con gái, và khi vào tù kém chàng lúc bị bắt tới 14 tuổi, Lê Thị Công Nhân chẳng những không hề chối, mà hãnh diện về những gì mình làm. Và không đợi tới lúc bị điệu ra tòa. Ngoài việc tự nhận mình thuộc Khối 8406, và là người phát ngôn của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, mười ngày trước khi bị bắt, Lê Thị Công Nhân đã thẳng thắn nói cho mọi người, trong cũng như ngoài nước biết vào ngày 26 tháng 2, 2007, rằng:
“Tôi khẳng định với tất cả lương tâm, trách nhiệm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn có một mình tôi đấu tranh. Trước hết là để giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy quyền tự do cho nguời Việt Nam. CSVN đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì là thỏa hiệp chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi. Tôi không thách thức, nhưng nếu CSVN đã quyết tâm thực hiện những hành vi tội ác bằng cách chà đạp lên nhân quyền của nguời dân Việt Nam và muốn dìm đất nước Việt Nam trong tăm tối về mặt chính trị, nghèo nàn về mặt kinh tế, lạc hậu về mặt văn hóa, kéo dài cho tới trọn đời con cháu của chúng ta cũng như của chính những nguời cộng sản thì họ cứ việc hành xử với những gì mà họ có.
Gia đình tôi đã chuẩn bị cho truờng hợp xấu nhất, đó là tôi sẽ bị khởi tố và có thể bị đi tù. Tôi xin khẳng định một lần nữa, đó chưa phải là điều tồi tệ nhất có thể xẩy ra…
Tôi đã được sinh ra là một con nguời thì tôi có đầy đủ nhân quyền cơ bản mà đấng tạo hóa đã ban cho tôi và tôi đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam hoàn toàn xuất phát từ niềm tin, từ lương tâm và trách nhiệm của tôi đối với chính tôi, với dân tộc Việt Nam và đối với đấng tạo hóa đã sinh ra tôi.
Những gì tôi đã làm đuợc tuy hết sức là nhỏ bé, nhưng nếu như mỗi cá nhân chúng ta đừng thờ ơ, nghĩa là chưa ủng hộ hay ủng hộ rồi mà chưa tham gia hay tham gia rồi mà chưa tích cực, xin hãy mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình.
Cộng sản đã hết sức thành công trong việc làm cho dân tộc Việt Nam sống chìm trong nỗi sợ hãi hàng chục năm trời. Nếu chúng ta đều sợ hãi như vậy thì tôi e rằng chúng ta đã sợ hãi quá mức cần thiết, tù tội cũng chưa phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Tôi không muốn nói mình là một tấm gương, nhưng nếu như tôi có bị tạm thời nhận một nhiệm sở mới hết sức là bất đắc dĩ, đó là nhà tù thì tôi mong rằng các nhiệm sở ở bên ngoài tức là xã hội sẽ có nhiều những người con Việt Nam tiếp tục những công việc mà tôi đang làm. Cố nhiên trong nhiệm sở bất đắc dĩ đó tôi sẽ cố gắng hết sức để vẫn tiếp tục công việc truyền bá dân chủ, dân quyền và đấu tranh cho nền dân chủ nhân quyền và tự do cho người dân Việt Nam.”
Nguyễn Ái Quốc đã được sự giúp đỡ tích cực của luật sư Frank Loseby. Chính nhờ sự giúp đỡ tận tâm của vị luật sư tài ba này, bị cáo chẳng những thoát vòng lao lý, mà chính Hồ Chí Minh sau này thừa nhận, coi như được cứu mạng. Chính họ Hồ, qua bút hiệu Trần Dân Tiên, viết trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch rằng:
“Sau này khi nhắc đến chuyện cũ ở Hương Cảng, Ông Nguyễn nói với các bạn:
Ông Nguyễn nhớ ơn ông Lô-dơ-bai và gia đình ông. Không có người luật sư tốt này có lẽ ông Nguyễn đã chết rồi. Không những thế, trong suốt thời gian ông Nguyễn ở tù, ông Lô-dơ-bai và gia đình ông tìm mọi cách giảm nhẹ nỗi đau đớn tinh thần và vật chất cho ông Nguyễn. Sau những phiên toà kết án, ông Lô-dơ-bai cố hết sức giúp ông Nguyễn thoát nạn.
Ngày nay kể lại chuyện này, chúng ta có thể nói không những ông Lô-dơ-bai đáng được ông Nguyễn biết ơn, mà ông còn đáng được nước Việt Nam biết ơn vì đã cứu được một người con ưu tú của nhân dân Việt Nam.”
Việt Nam không thiếu những luật sư tốt như ông Loseby. Không cần nói tới những bậc tiền bối như Nguyễn Mạnh Tường đã bị “rút phép thông công”, chính những luật sư trẻ tuổi đương thời như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, chỉ vì quá tận tâm nên đã được Đảng chỉ định nhiệm sở trong phòng giam thay vì tòa án, và Lê Quốc Quân với Lê Trần Luật, chỉ vì tốt với thân chủ, nên đã bị rút phép hành nghề.
Theo tin VietNamNet ngày 11 tháng 5, 2007, đăng lại bản tin chính thức của Thông Tấn Xã Việt Nam về vụ xử Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân:
“Tại phiên tòa, 2 luật sư bào chữa cho Đài và Nhân là luật sư Trần Lâm (Đoàn luật sư Hải Phòng), luật sư Đàm Văn Hiếu (Đoàn luật sư Hà Nội) đã không đưa ra được chứng cứ và luận điểm hợp lý để gỡ tội cho 2 bị cáo.
Nhiều người tham dự phiên tòa bày tỏ sự đồng tình với phán quyết của Hội đồng xét xử và cho rằng việc xử phạt nghiêm khắc Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân có tác dụng giáo dục, răn đe đối với những ai có hành vi tương tự.”
Nhiều người tham dự phiên tòa là những ai? Đây là lời kể của bà Trần Thị Lệ, mẹ của Lê Thị Công Nhân:
“Dù Toà có tuyên bố đây là phiên toà được xét xử công khai nhưng thực tế công chúng không được tham dự, mà phòng xử tràn đầy công an chìm nổi và khách mời bên an ninh, hoặc có thể bên Toà án. Thân nhân chỉ độc nhất mẹ Lê Thị Công Nhân và vợ Nguyễn Văn Đài. Bạn bè, thường dân những ai quan tâm đến vụ án đều không đuợc phép vào dự. Em của Lê Thị Công Nhân là Minh Tâm thì bị giữ ở đồn công an phường Trần Hưng Đạo đến 14 giờ mới được cho về.”
Một phiên tòa “công khai”, với thành phần tham dự như vậy, đồng tình với phán quyết của hội đồng xét xử, thì dù có tài thánh, các luật sư Trần Lâm và Đàm Văn Hiếu cũng không thể gỡ tội cho bị cáo. Luật sư chỉ có thể gỡ tội, khi bị cáo có tội. Luật sư không thể gỡ được quyết định sẵn có của Đảng cầm quyền.
Nhưng 79 năm trước, tại Hồng Kông, dưới quyền xét xử của tòa án đế quốc, kẻ tự nhận là Song Man Cho, tức Nguyễn Ái Quốc may mắn hơn. Trần Dân Tiên kể lại phiên tòa của mình:
“Buổi xét xử công khai. Nhưng ngoài toà án đều có lệnh giới nghiêm vì sợ ông Nguyễn trốn. Công chúng ít người được vào xem. Trong phòng họp, nhân viên trong toà án nhiều hơn công chúng, trên cao có chánh án, phó chánh án và một số võ quan. Ở giữa có một cái bàn rất lớn, luật sư đại diện chính phủ buộc tội và tuỳ tùng của ông này ngồi một bên.
Bên kia là những luật sư cãi hộ cho ông Nguyễn…
Hai người nói nhiều nhất, to nhất và đôi khi tranh cãi kịch liệt, đấy là biện lý buộc tội và luật sư cãi hộ cho ông Nguyễn.”
Công chúng ít người được vào xem. Ít là vẫn có, trong khi em gái Lê Thị Công Nhân, chẳng những không được vào, còn bị giữ ở đồn công an. Còn các luật sư Lâm và Hiếu có được ngồi ngang hàng và tranh cãi tay đôi kịch liệt với biện lý buộc tội không? Người viết không thể trả lời thay cho các ông.
Theo bản tin TTXVN đã dẫn, vụ án Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân là một vụ án rất nghiêm trọng:
“Hội đồng xét xử đã xác định tính chất của vụ án là rất nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây dư luận không tốt ở trong và ngoài nước, xâm hại trực tiếp đến an ninh quốc gia, xâm hại đến lợi ích và thành quả đã đạt được của nhân dân ta giành được trong thời gian dài đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Một vụ án nghiêm trọng như vậy, mà chỉ diễn ra trong hơn nửa ngày, từ 8 giờ sáng đến quá trưa. Trong khi ấy, vụ án Nguyễn Ái Quốc kéo dài cả tháng. Theo Trần Dân Tiên:
“Sau nhiều phiên toà kéo dài hơn một tháng, chánh án tuyên bố xoá bỏ tất cả những lời buộc tội ông Nguyễn, nhưng ông phải dời khỏi Hương Cảng trên một chiếc tàu Pháp.”
Lê Thị Công Nhân lại kém may mắn hơn người tự nhận là Song Man Cho, tức ông Nguyễn. Cô bị 4 năm tù và 3 năm quản chế, sau được tòa phúc thẩm bớt cho một năm tù giam, giữ nguyên 3 năm quản chế.
Ông Nguyễn tự nhận là người Tầu, không phải người Việt. Ông không chịu lên tầu Pháp để trở về Việt Nam. Luật sư của ông kháng án lên tận tòa tối cao ở Luân Đôn, để ông được sang Anh. Lại theo tự thuật của Trần Dân Tiên:
“Nhờ sự nỗ lực của luật sư Xít-ta-pho Cơ-rít (Stafford Crips), sau một ngày biện luận, toà án Hoàng đế Anh ở Luân Đôn kết luận rằng phải thả ông Nguyễn vì không thể kết án ông Nguyễn vào tội gì. Thứ nhất: tuyệt đối không có gì chứng tỏ rằng ông Nguyễn là một tay sai Nga. Thứ hai: không có chứng cớ ông Nguyễn muốn phá hoại Hương Cảng. Thứ ba: cộng sản hay quốc gia, điều đó không phải là một tội lỗi trước pháp luật Anh.
Thế là ông Nguyễn thắng lợi.”
Ông Nguyễn thắng lợi, và gần 80 năm sau, Đảng ông muốn tống khứ Lê Thị Công Nhân ra ngoại quốc. Hàng con cháu ông là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố, nếu Ba Lan chấp nhận, chính phủ ông sẽ thả cô ngay. Nhưng cô không chấp nhận. Cô là người Việt Nam, thà ở tù đến mãn hạn, hơn là lên đường lưu vong.
Về đời sống trong tù, ông Nguyễn cũng hơn hẳn cô Lê. Ông kể:
“Mỗi ngày hai lần, chúng cho ông ăn cơm gạo xay và mắm thối. Mỗi tuần hai lần, chúng cho ông ăn thịt bò, cơm trắng. Thật là một bữa tiệc sang!”
Trong thời gian đợi kháng cáo, ông bị bệnh, và được đối xử tử tế:
“Nhờ ông Lô-dơ-bai mà ở nhà thương ông Nguyễn được săn sóc chu đáo. Ông có một cái giường tốt và được ăn cơm tây. Ông nói: cả đời chưa bao giờ Nguyễn được ăn uống sung sướng như thế này.
Ông Lô-dơ-bai và bà vợ cùng cô con gái thường đến thăm ông Nguyễn, đem cho ông quà bánh, sách báo và cả đồ chơi giải trí.”
Theo bản tin VNN đầu năm 2008, Lê Thị Công Nhân tuyệt thực 10 ngày kể từ 27 tháng 12, 2007, đề phản đối nhà cầm quyền Hà Nội đã tịch thu Kinh Thánh, và khủng bố tinh thần, cũng như cho ăn đồ thiu khiến nữ tù nhân bị tiêu chảy. Lê Thị Công Nhân bị giam chung với 29 tù hình sự. Sau khi tuyệt thực 7 ngày thì được chuyển trại tới Thanh Hóa. Trên đường đi bị ngất xỉu, phải khiêng vào trại mới, nên có tin đồn cô đã chết.
Trần Dân Tiên không quên nhắc tới thái độ của báo chí khi tường thuật vụ án của ông:
“Không bị kiểm duyệt như báo tiếng Trung Quốc, nhiều tờ báo Anh đã đăng lại tường tận những buổi xét xử. Khi ông Nguyễn được tha bổng, những báo ấy nhiệt liệt hoan hô ông Lô-dơ-bai và nghiêm khắc công kích chính phủ Hương Cảng. Những báo ấy viết: Một người bị cáo như ông Nguyễn may mắn tìm được một luật sư tốt để bênh vực, nhưng còn biết bao nhiều người vô tội khác bị bắt và bị xử oan. Và các báo cáo ấy kết luận: phải có xét xử công minh đối với mọi người.
Trái lại, báo chí thực dân Pháp ở Đông Dương có một thái độ ti tiện. Các báo này nói xấu ông Nguyễn và bịa đặt những lời nói hết sức vô sỉ.”
Ngày nay không còn báo chí thực dân Pháp ở Đông Dương, chỉ còn báo Việt Nam do Đảng của ông trực tiếp chỉ huy. Tiếc rằng ông không còn sống, để đọc những lời như sau trên báo Người Lao Động:
Nói bậy ăn tiền
Lê Thị Công Nhân chẳng hề chịu thiệt thòi, kham khổ chút nào khi “dấn thân” làm “nhà đấu tranh cho dân chủ” như thế lực thù địch tán dương. Không làm ăn gì với nghề nghiệp của mình, Nhân vẫn sống sung túc nhờ những đồng ngoại tệ mạnh từ nước ngoài. Chưa kể Đài trả công, Nhân đã nhận được tới 2.300 USD, 300 đô-la Úc, 200 euro… cùng nhiều thuốc men hoặc có lần Nhân đã nhận được hẳn 1.500 USD để chuẩn bị cho một chuyến công cán nước ngoài nhằm xuyên tạc tình hình công nhân lao động trong nước [2] .
Hai vụ án cách nhau gần 80 năm. Một đằng đế quốc xét xử dân bị trị khác chủng tộc, nhưng vẫn tôn trọng quyền bào chữa của luật sư, và những nguyên tắc căn bản của tư pháp. Một đằng Đảng cầm quyền xét xử chính người dân của mình, bất chấp quyền bào chữa và tính cách độc lập của tư pháp. Trong 80 năm ấy, trải qua bốn thế hệ, bao nhiêu người đã hy sinh, để đạt được những gì? Người khai sinh ra Đảng Cộng sản muốn cả nước mang ơn luật sư Loseby, trong khi Đảng ông ngày nay bỏ tù hết Loseby Việt Nam.
Chắc chắn sẽ có người chê rằng đem đặt vụ án Lê Thị Cộng Nhân bên cạnh vụ án Nguyễn Ái Quốc là so sánh khập khiễng. Đúng thế!
Người viết xin thành thật xin lỗi Lê Thị Công Nhân, vì đã so sánh cô với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
© 2010 Đinh Từ Thức