Phù Vân
Tường thuật lễ 30 Năm Hội Ngộ Người Việt Tỵ Nạn Bodensee
Năm 2009, 2010 là thời điểm của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở các quốc gia trên thế giới đã lần lượt tổ chức những buổi lễ kỷ niệm 30 năm để tri ân lòng nhân đạo của chính quyền các quốc gia bản xứ đã hoan hỷ mở rộng vòng tay đón nhận những thuyền nhân Việt Nam vào trong cộng đồng dân tộc của họ.
Xuyên suốt thời gian 30 năm, cộng đồng người Việt TNCS đã tích cực phấn đấu vươn lên, đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của quê hương mới, hội nhập và hòa hợp với nền văn hóa bản xứ; đồng thời duy trì và phát huy nền văn hóa cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Cùng chung quan điểm này, người Việt TNCS vùng Tam Biên của 3 quốc gia Đức-Áo-Thụy Sĩ đã tổ chức buổi lễ 30 Năm Hội Ngộ Người Việt TNCS tại Eschach-Halle Ravensburg hôm 13.3.2010. Buổi lễ mang đầy đủ ý nghĩa Hội Ngộ và Tri Ân đồng thời phổ biến nền Văn Hóa Việt Nam đến cho người dân bản xứ thuộc 3 quốc gia Đức-Áo-Thụy Sĩ.
Đúng 18 giờ 30, buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào cờ và quốc ca của các quốc gia Đức, Áo, Thụy Sĩ và Việt Nam. Tiếp theo là phút mặc niệm để tưởng nhớ đến tiền nhân, những anh hùng, liệt nữ đã vị quốc vong thân; những người đã hy sinh vì lý tưởng tự do và tưởng niệm những đồng hương Việt Nam đã không may trên đường tìm tự do…
Trong bầu không khí trang nghiêm đó, dù có một chút trục trặc về âm thanh nhưng cũng không làm giảm nét linh thiêng của buổi lễ, mà ngược lại hình như có âm vọng của hồn tử sĩ lung linh trên những màu cờ tổ quốc. Lá cờ vàng 3 sọc đỏ thật lớn căng phẳng như tấm phông của sân khấu đã biểu hiện ý nghĩa tự do thật sự của những người đã vượt thoát chế CSVN. Ý nghĩa của màu cờ này vẫn mãi mãi tồn tại trong lòng người lưu lạc.
Trong số quan khách tham dự được Ban tổ chức giới thiệu: về phía người Đức có Bà Lischka, đại diện cho chính quyền Ravensburg (Đức) do ông Vogler lãnh đạo; Bà Kargl, đại diện cho chính quyền thành phố Bregenz (Áo); Lm. Ziegler Urs, đại diện cho Giáo xứ Saint Gallen (Thụy Sĩ); ông Ulrich Schlotter, cựu chủ tịch đảng CDU, người đỡ đầu cho người Việt tỵ nạn tại Ravensburg (RV); ông König, cựu chủ tịch đảng CDU tại RV; ông Peter Ederer, Hội đồng Quản trị thành phố RV; ông Reck-Strehle, đại diện đảng Xanh tại RV; ông Franz Walser, đại diện đảng SPD tại RV; ông Bern Bergemann, Hội đồng Quản trị địa phương Eschach; bà Heidi Rinke, chủ bút báo Kleine Blatt tại Bregenz (Áo); ông bà Beck, cựu thủy thủ tàu Tokio Express v.v… Phía Việt Nam, về lãnh đạo tinh thần có sự hiện diện của Đại Đức Thích Hạnh Giới, Chi Bộ Trưởng Chi Bộ Phật Giáo VNTN Đức Quốc, Q. Trụ trì Chùa Viên Giác và Đại Đức Thích Hạnh Giả, Chùa Viên Giác; Linh Mục Giu-se Phạm Minh Văn, Giáo xứ Thánh Michae Huy-Mỹ đến từ Ober Gösgel, Thụy Sĩ, Linh Mục Nguyễn Văn Thanh, Giáo xứ Saint Gallen.
Ngoài ra còn có đại diện của một số tổ chức, đoàn thể người Việt từ các quốc gia liên hệ và đông đảo người Việt từ các nơi khác, như Berlin, Hamburg, Celle, Hannover, Frankfurt, Cham, Stuttgart, Aalen, Reutlingen, Schramberg, Nürnberg, München, Karsee, Schwarzach, Lindenberg, Ravenburg, Überlingen (Đức) …; từ Basel, Saint Gallen, Lauranne, Neuchâtel, Marin-Epagnier (Thụy sĩ)…; từ Bregenz, Hohenems, Göfis, Linz, Dornbirm, Hörbranz, Lochau (Áo)… và từ Treviso (Ý).
Tiếp đến là phần nghi lễ truyền thống trước bàn thờ Quốc Tổ do ba vị cao niên đại diện cho 3 quốc gia Đức-Áo-Thụy Sĩ. Lễ nghi tuy đơn giản, chỉ có chánh tế và hai phó tế; không có bồi tế và hai vị đông xướng, tây xướng, không chiêng trống phụ họa; nhưng với khăn đóng áo dài cổ truyền trang trọng, ba vị đã dâng hương khẩn nguyện trước bàn thờ nghi ngút khói hương cũng xác minh được với người bản xứ cũng như với lứa tuổi trẻ Việt Nam rằng, chúng ta tuy là những người lưu vong, nhưng không vong bản, không mất gốc, vẫn luôn gìn giữ cội nguồn dân tộc…
Sau đó là lễ cầu nguyện cho thế giới hòa bình, dân sinh an lạc, đồng thời cũng cầu nguyện cho linh hồn những người đã chết trên đường vượt thoát tìm tự do. Lễ cầu nguyện do Đại Đức Thích Hạnh Giới và Thích Hạnh Giả theo nghi thức Phật Giáo, và do Linh Mục Phạm Minh Văn theo nghi thức Công Giáo.
Để chào mừng ngày hội ngộ, đội lân Stuttgart đã nhảy múa tưng bừng theo nhịp trống, từ trên sân khấu xuống tận hội trường để chúc sức khỏe, bình an và may mắn cho tất cả mọi người.
Trong phần diễn văn chào mừng quan khách, ông Lê Huế đại diện cho cộng đồng người Việt TNCS vùng Tam Biên Đức-Áo-Thụy Sĩ đã chân thành cảm ơn dân chúng và chính quyền của 3 quốc gia này đã mở rộng vòng tay nhân đạo đón nhận những người Việt tỵ nạn; cưu mang, bảo bọc, giúp đỡ cho người Việt liên tục trong 30 năm kể từ năm 1980.
Trong lịch sử Việt Nam, dù hơn 1000 năm bị giặc Tàu đô hộ hay trên 100 năm Pháp thuộc, chưa có một người Việt nào bỏ nước ra đi; bởi dân tộc Việt Nam rất tha thiết với mồ mã tổ tiên, với quê cha đất tổ…
Nhưng từ năm 1975 khi cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, bắt tất cả công chức, quân nhân, cán bộ, cảnh sát của chế độ miền Nam đi tù cải tạo tập trung, đánh “tư sản mại bản” nhằm cướp hết tài sản của dân chúng rồi xua đuổi đi “vùng kinh tế mới”. Con cái của “ngụy quân, ngụy quyền” không được đến trường… Vì thế, từ năm 1978 và cao điểm nhất là vào năm 1980 làn sóng thuyền nhân bất chấp đại dương mênh mông, bão tố hãi hùng, hải tặc dã man đã quyết đánh đổi mạng sống để tìm hai chữ tự do!
Ôi tự do thật tuyệt vời, thật cao quý! Xin cảm ơn những vị thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của những con tàu đã không ngại vi phạm luật hàng hải quốc tế để cứu sống những thuyền nhân trên những chiếc ghe vượt biển mong manh! Xin cảm ơn những tổ chức nhân đạo, Ủy Ban Cap Anamur đã cứu sống hơn mười ngàn người trên những chiếc ghe sắp chìm trước những cơn sóng dữ hay sắp bị tàu hải tặc đến tấn công.
Xin cảm ơn tấm lòng nhân ái của của nhân dân và chính quyền của các quốc tự do. Xin cảm ơn quý vị hiện diện nơi đây, để chúng tôi – những người Việt tứ xứ họp lại hôm nay được nói lên tấm lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi…
Đại diện chính quyền Ravensburg, bà Lischka đã cảm ơn Ban tổ chức và bằng nỗi xúc động bà cho biết rằng, 30 năm trước đây khi người Đức giúp đỡ cho người Việt đến tỵ nạn tại Ravensburg, họ không nghĩ rằng sẽ có một ngày như hôm nay họ vinh dự được cộng đồng người Việt tổ chức một buổi lễ để cảm ơn họ.
Với người Đức thì họ “thi ân không cầu báo”, nhưng với người Việt chúng ta là những “người chịu ân thì phải nhớ” để báo đền, thế mới đúng với tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Cũng trong quan điểm này, bà Kargl đại diện cho chính quyền thành phố Bregenz của nước Áo, đã hân hoan chào mừng ngày hội ngộ và chúc ngày hội được thành công mỹ mãn.
Một vị ân nhân mà người Việt tỵ nạn tại Ravensburg không thể nào quên được, đó là ông Ulrich Schlotter, 30 năm trước đây ông là chủ tịch CDU tại Ravensburg đã vận động nhân dân và thành phố Ravensburg tiếp nhận 28 người Việt tỵ nạn.
Trong phần phát biểu, ông đã nhắc lại một vài kỷ niệm trước đây với người tỵ nạn, và ông cũng nhắc đến Bà Maria Weber, được mệnh danh là Mẹ của người Việt Nam vùng Ravensburg. Bà Maria đã coi số người Việt này như là thành viên của một gia đình, nên bà đã tận tụy giúp tìm kiếm công ăn việc làm, quyên góp vật dụng cần thiết cho người tỵ nạn. Ông Schlotter cũng hết lòng ca ngợi tinh thần hội nhập nhanh chóng vào xã hội mới, cũng như thành quả về học vấn của con em người Việt tỵ nạn, hầu hết đều có bằng cấp và nghề nghiệp vững chắc…
Ngay sau đó, Ban Tổ Chức đã ân cần trao tặng món quà kỷ niệm về ngày hội ngộ cho quý vị đại diện các quốc gia.
Tiếp đến là một tiết mục hết sức cảm động, trong buổi hội ngộ đêm nay, một số thuyền nhân được vớt trên thương thuyền mang tên Tokio Express mới có dịp gặp lại nhau. Được mời lên sân khấu, họ bùi ngùi tay bắt mặt mừng. Một chiếc lu đựng gạo nuôi sống thuyền nhân – nuôi sống những người này, trong những ngày lênh đênh trên biển cả cũng được ông Beck – một cựu thủy thủ của con tàu Tokio Express mang lên sân khấu. Ôi, một kỷ vật tuyệt vời chứa đầy những hoài vọng vô giá khi quyết tâm đánh đổi mạng sống vượt thoát chế độ CSVN đi tìm tự do!
Một cựu thyền nhân của 2 ghe vượt biển đã kể lại chuyến hải hành gian nguy đầy kinh hoàng và sau đó được tàu Tokio Express vớt.
Hai ông bà Beck cũng được mời lên sân khấu để gặp lại những thuyền nhân cũ. Họ rất vui mừng chúc tụng lẫn nhau. Ông Beck chỉ nói vài lời ngắn ngủi để cảm ơn Ban Tổ Chức và xin được chiếu cuốn phim tàu Tokio Express đã cứu những thuyền nhân của hai ghe vượt biển.
Chưa hết, buổi lễ còn mang thêm một ý nghĩa quan trọng khác là phổ biến được nền văn hóa Việt Nam cho người bản xứ qua những màn trình diễn văn nghệ hết sức độc đáo.
Trước hết là màn trình diễn thời trang áo dài 3 miền Bắc, Trung, Nam của München/Đức do cô Xuân Hương đạo diễn. Những vóc dáng tươi trẻ, những bước đi uyển chuyển duyên dáng, những gương mặt rực sáng niềm tin, những nụ cười hồn nhiên dễ thương với những tà áo dài màu sắc rực rỡ thướt tha bay lượn ngang dọc trên sân khấu đã lôi cuốn khán giả chẳng kém gì khi được coi những lần trình diễn thời trang chuyên nghiệp. Hơn nữa, cuối màn trình diễn, ca sĩ Ngọc Huệ đã xuất hiện với liên khúc Một Ngày Việt Nam và Bước Chân Việt Nam của Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng; giọng ca sinh động, cuốn hút như gọi hồn thiêng dân tộc trong khi những lá cờ của 4 quốc gia phất cao theo tiếng hát.
Đây là một màn rất thành công. Cô Xuân Hương cho biết, cô đã cùng thực hiện với cô Hoàng Thị Doãn chương trình này từ 18 năm qua, có fantasie một chút cho thích hợp với hoàn cảnh.
Ngoài ra còn rất nhiều màn trình diễn khác cũng thật hay, thật điêu luyện chứng tỏ đã nhiều công phu tập luyện, như các màn Múa Nón của Lausanne (Thụy Sĩ) và Aalen (Đức).
Ban Văn Nghệ Aalen là một hiện tượng mới xuất hiện, nhưng đã có tiếng vang ngay lần đầu tiên trình diễn trong buổi lễ 30 Năm Hội ngộ tại Aalen vào mùa thu năm 2009.
Riêng Ban Văn Nghệ Thụy Sĩ đã đóng góp rất nhiều tiết mục thật ngoạn mục trong buổi lễ này như Múa Quạt, Múa Gậy, Múa Thượng, Hợp ca Tình Yêu và Tình Người của Ban Văn nghệ Lausanne; và Vũ Nhi Đồng của cộng đồng Công Giáo Saint Gallen.
Trong phần phát biểu cảm tưởng, Nhóm trẻ thế hệ thứ hai đã bày tỏ niềm hạnh phúc, sung sướng tuyệt vời vì được sinh ra và lớn lên trong những quốc gia giàu mạnh, giàu tình nhân ái; được thấm nhuần một nền văn hóa hòa nhập vào xã hội văn minh phương tây. Khi lớn lên, lại được các bậc cha mẹ cho biết, đất nước Việt Nam mới chính là quê hương nguồn cội; và nền văn hóa nhân bản, đạo lý truyền thống vẫn luân lưu trong máu dòng máu Việt Nam.
Vậy tuổi trẻ thuộc thế hệ thứ hai có đến hai quê hương để yêu thương và phát nguyện rằng, sẽ cố gắng học hành để mai sau chung tay góp sức xây dựng xã hội…
Cùng một phương hướng đó, Ban Văn Vũ Điểm Sáng của gia đình Tường Vân ở Darmstadt đã trình diễn liên tục 3 màn Áo Bà Ba, Áo Dài, 2 bản hợp ca và một bài văn. Tuy chiếm khá nhiều thời gian vì những diễn giải, nhưng phần trình diễn lại nói lên được tinh thần trách nhiệm đấu tranh của thanh niên nam nữ đối với quê hương dân tộc.
Theo chương trình dự trù phần thứ nhất đến đây tạm kết thúc. Tạm nghỉ giải lao để quan khách có thì giờ thăm viếng những quầy hàng như phát hành sách như “Đặc San 30 Năm Hội Ngộ Người Việt Tỵ Nạn Bodensee”, quầy hàng của Humanright tại Frankfurt; của Hội Phụ Nữ Tự Do tại Đức phát hành sách, băng, Thơ Tù của HT.Thích Quảng Độ…; rồi lại đến thăm các quầy hàng mang tính văn hóa ẩm thực Việt Nam như phở, gỏi cuốn, cơm gà, bánh cuốn, bánh bao, bánh mì nhân thịt…; uống vài chai bia mừng hội ngộ hay dăm ba ly cà phê tâm sự. Nhưng vì các tiết mục đều kéo dài thời gian, nên chương phải tiếp tục không ngừng.
Phần trình diễn của ca nhạc sĩ Hoàng Hoa đến từ Ý cũng được bà con nhiệt liệt tán thưởng. Cũng như ca sĩ Loan Anh đến từ Thụy Sĩ cũng được nhiều khán giả hâm mộ.
Được biết hai ca sĩ này cũng đã từng trình diễn, cũng tại Hội trường này, trong Đêm Văn Nghệ Thính Phòng vào ngày 02.5.2009.
Điều đáng nể phục hơn cả là tinh thần vui vẽ, không hề than phiền của mấy ban nhạc Männerchor, Kapelle Karsee của Đức và ban The Brain´s của Áo, mặc dù các tiết mục của họ được sắp xếp vào gần cuối chương trình. Mãi cho đến khi MC Xuân Phong và Hạnh Đào xướng danh, mấy ban nhạc và ban hợp xướng đã hoan hỷ lên sân khấu trình diễn rất sôi động, ca sĩ cũng hát với tất cả tấm lòng nhiệt tình phục vụ khán giả.
Sau đó đa số quan khách lần lượt ra về vì trời đã quá khuya và tuyết còn đóng băng lạnh cóng.
Phần xổ số Tombola lấy tiền giúp UNICEF dự trù sau mỗi tiết mục, nhưng vì thời gian hạn chế, nên cũng không thực hiện được như ý muốn. Số tiền Tombola thu được là 575 EUR đã chuyển cho tổ chức UNICEF (Deutsche Kommitee für Unicef).
Chỉ tiếc rằng, mục tương đối cần thiết nhưng lại không được thực hiện, đó là phần giới thiệu Đặc San 30 Năm Hội Ngộ Người Việt Tỵ Nạn Bodensee (Gedenken an 30 Jahre Vietnamesisches Flüchtlingsdasein) do Đan Hà thực hiện với nhiều bài vở có giá trị lịch sử về thuyền nhân tỵ nạn. Do đó, dù với giá ủng hộ cho tổ chức 5 EUR, nhưng Đặc San cũng không phát hành được bao nhiêu.
Một số nghệ sĩ từ xa đến tham dự, tuy không được đóng góp như đã ghi danh, nhưng họ vẫn cảm thấy được chung hòa niềm vui của đêm hội ngộ, và ít ra họ cũng có cơ hội may mắn gặp lại những người thân quen.
Trong lần tiếp xúc với 3 vị đại diện cho 3 quốc gia: anh Lê Huế (Đức), anh Nguyễn Văn Huynh (Áo) và anh Nguyễn Khánh Long (Thụy Sĩ) đều trình bày nhiều điểm thuận lợi cũng như không ít về những khó khăn khi thực hiện Ngày Hội Ngộ.
Nổi bật nhất là thành phố Ravensburg, sau khi biết rõ mục đích, đã hoan hỷ cho mượn hội trường Eschach và đài thọ mọi phí tổn trang bị cho buổi lễ.
Buổi lễ được cấp lãnh đạo chính quyền của các thành phố 3 quốc gia đánh giá cao nên mới cử các vị đại diện đến tham dự, nhờ đó buổi lễ có tầm vóc quan trọng. Các vị đại diện này đã trân trọng chào cờ vàng ba sọc đỏ cũng giống như họ đã trang nghiêm chào cờ của quốc gia họ. Họ cũng có thái độ bình thản tự nhiên khi đọc diễn văn hay phát biểu cảm tưởng trước lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Ba ban nhạc, hợp xướng cũng đã trình diễn nhiệt tình trong tinh thần văn nghệ không phân biệt màu cờ. Bởi chính quyền hay người dân của các quốc Tây Phương đã ý thức được rằng, cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng tự do của tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản trên thế giới, nên một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã có quyết định công nhận lá cờ này.
Những còn ai “dị ứng” với cờ vàng ba sọc đỏ cũng cần phải suy nghĩ lại, vì chúng ta đã rời bỏ quê hương để đi tìm tự do và hiện đang được sống trong tự do thì chúng ta cần phải đứng chung với nhau dưới một màu cờ mang ý nghĩa tự do để đấu tranh cho tự do của dân tộc!
Buổi lễ “30 Năm Hội Ngộ Người Việt Tỵ Nạn Bodensee”, với thành công nổi bật là:
- Ngày Hội Ngộ với tình đồng hương thắm thiết;
- Ngày Tri Ân rõ nét truyền thống cao đẹp;
- Ngày văn hóa đã bộc lộ được nền văn hóa dân tộc Việt Nam
Ngoài ra còn là điểm son đáng ca ngợi là sự kết hợp tổ chức hài hòa của người Việt vùng Tam Biên của 3 quốc gia Đức-Áo-Thụy Sĩ.
Với nhiều thuận lợi tại địa phương, với nhiều nhiệt huyết và tín thành, hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ được tham dự nhiều buổi sinh hoạt có lợi ích chung…
● Phù Vân
(Tháng 3 năm 2010)