RFA, tổng hợp
Mực nước sông Mêkông xuống thấp chưa từng thấy
Nhiều cơ hạn hán kéo dài khiến mực nước sông Mêkông xuống thấp đến mức chưa từng thấy từ hai thập niên qua.
Tình trạng cạn kiệt này làm ảnh hưởng đến sự lưu thông của tàu thuyền trên con sông lớn này, là nguồn sống của trên 65 triệu cư dân sáu quốc gia nằm dọc ven bờ giòng Mêkong.
Theo uỷ ban sông Mekông thì hịên tượng mực nước Mêkông xuống thấp là hậu quả của những trận mưa thưa thớt vào mùa khô năm 2009, chứ không do các đập nước mà Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn gây ra.
Hôm nay, các quan chức đại diện của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam hội họp tại Luang Prabang để thảo luận về các vấn đề liên quan đến sông Mêkông. Hai nước ven bờ sông này là Trung Quốc và Miến Điện, không là thành viên của uỷ ban sông Mêkông.
Việc mực nước sông Mêkông xuống thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục triệu người vì họ sẽ rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước dùng cho canh tác và khiến các vùng đất nghèo khó trong khu vực bị khó khăn hơn.
Thiếu nước, ngập mặn đe dọa vụ lúa đông xuân đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực cứu lúa. Một phần diện tích lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước và ngập mặn.
Nhiều nguyên nhân được nói tới như lưu lượng nước sông Mekong vào sông Tiền sông Hậu xuống thấp, trong khi nước biển chảy ngược vào nội đồng gây ngập mặn.
Ngập mặn
Hơn 100 ngàn ha lúa, tương đương 16% diện tích vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long, có nguy cơ bị nước mặn xâm nhập. TS Phạm Văn Dư, Cục Phó Cục Trồng Trọt phát biểu từ Cần Thơ:
“Xâm nhập mặn trong những năm qua từng bước sớm hơn một ít và có khả năng lấn sâu hơn. Chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh kiểm tra lại xem mức độ thiệt hại như thế nào”
Báo Tuổi Trẻ điện tử trích lời ông Trần Thành Lập Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết xâm nhập mặn tại tỉnh này đang diễn biến phức tạp. Nước mặn đang lấn sâu vào địa bàn một số xã đầu nguồn thị xã Vị Thanh.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đồng Giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Tỉnh Hậu Giang nhận định:
“Theo tôi, hiện tượng biến đổi khí hậu bắt đầu có ảnh hưởng rõ, có nghĩa là điều kiện khí tượng thủy văn của Hậu Giang có hơi khác đi rồi, hạn thì gay gắt, còn nước thì tới mùa khô có kiệt hơn so với các năm trước, từ chỗ đó thì khả năng mặn đã về sớm trên một tháng. Hậu Giang thì hiện nay mặn đã giáp ranh vào nằm trên tất cả các triền sông, nồng độ đã từ 3 tới 4 phần ngàn.”
Hiện nay những địa phương thiếu nước ngọt và bị mặn đe dọa nặng gồm: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Thị Xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông thuộc Tỉnh Tiền Giang, Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành thuộc Tỉnh Trà Vinh, Mỹ Xuyên Long Phú tỉnh Sóc Trăng, Phước Long, Giá Rai Tỉnh Bạc Liêu, và An Minh, An Biên Tỉnh Kiên Giang.
Thiếu nước
Thiếu nước ngọt, hạn hán và xâm nhập mặn là những diễn biến liên hoàn. Nhưng tình hình xấu của năm nay trùng hợp với sự kiện mực nước sông Mekong ở các quốc gia vùng thượng lưu xuống đến mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Theo thông tin từ Ủy Ban sông Mekong, tình trạng mực nước sông Mekong ở khu vực phía bắc xuống thấp kỷ lục, tạo ra mối đe dọa nguồn cung cấp nước ngọt, giao thông đường sông và thủy lợi ảnh hưởng một khu vực rộng lớn nơi có hàng chục triệu người sinh sống.
Thật khó để để xác định liệu tình trạng trái đất ấm dần lên là nguyên nhân làm suy giảm mực nước sông Mekong, ông Jeremy Bird giới chức điều hành Ủy Ban Sông Mekong có mặt ở Lào đã nói với hãng thông tấn AFP hôm 25/2 vừa qua. Đối với các thông tin cho rằng mực nước dòng sông Mekong xuống thấp bất thường là vì Trung Quốc xây dựng nhiều đập thủy điện ở thượng lưu, ông Jeremy Bird đưa ra nhận định: “Thật khó để khẳng định rằng không có sự liên quan giữa mực nước thấp và những đập thủy điện đó.”
Trong dịp trả lời đài ACTD, TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện Lúa Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận định:
“Hy vọng là Việt Nam có thể thống nhất với các nước cùng sử dụng nguồn nước sông Mekong hợp tác liên hoàn với nhau, thỏa thuận theo phương thức quốc tế, chứ mạnh ai nấy làm thì tất cả đều bị thiệt hại mà đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thiệt hại nhiều.”
Sông Mekong vào lãnh thổ Việt Nam qua hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu. Từ đây Sông Mekong được gọi là Cửu Long, dòng chảy được phân bổ đi khắp các phụ lưu và kênh rạch toàn vùng đồng bằng trước khi đổ ra biển. Tuần lễ cuối tháng 2, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 0,1m, song hành là tình trạng nước biển chảy ngược vào các cửa sông xâm nhập sâu hàng chục km.
Nguồn nước sông Hồng đang dần cạn kiệt
Sông Hồng cùng với sông Mekong đang cạn kiệt dần vì phía đầu nguồn Trung Quốc xây dựng quá nhiều các đập thủy điện, bất kể hậu quả mà những nước ở lưu vực của hai con sông trên phải gánh chịu.
Sông Hồng
Sông Hồng với chiều dài khoảng 1160 Km, trong đó phần chảy qua Việt Nam khoảng 510 Km, là con sông gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt cổ. Sông Hồng bắt nguồn tận dãy Ngụy Sơn trên đất Trung Quốc để rồi sau đó tuôn xuống hạ lưu với hàng trăm cây số chảy vòng qua nhiều tỉnh của Trung Quốc trước khi đến Việt Nam. Trên lãnh thổ Trung Quốc sông Hồng mang tên Nguyên Giang và khi chảy vào Việt Nam con sông lại mang nhiều tên khác nhau, khi thì Hồng Hà, sông Cái, đoạn từ Lào Cai đến ngã ba Bạch Hạc lại mang tên sông Thao. Khi về đến Hà Nội thì lại được gọi là Nhĩ Hà hay Nhị Hà.
Cho dù thay tên thế nào thì người dân Việt vẫn có một tên chung để gọi con sông một cách trìu mến: Sông Hồng.
Người Hà Nội hãnh diện với sông Hồng vì nhiều lẽ, nó gắn liền với đời sống người dân thị thành cũng như nhiều khu vực ngoại ô Hà Nội mà con sông chảy qua, đã bồi đắp cho đời sống người nông dân hai bờ sông từ đời này sang đời khác. Đê sông Hồng cũng gắn liền với biết bao câu chuyện đời thường mà cuộc sống người dân chống chỏi với những cơn lũ bằng mồ hôi và đôi khi cả máu cùng nước mắt để sống cạnh con sông nhiều biến đổi này.
Cạn kiệt dần
Trong những ngày đầu năm Canh Dần, có lẽ người dân hai bên dòng sông Hồng lại phải chống chọi với một biến đổi khác của con sông vốn khó tính này. Lần này không phải là lũ mà ngược lại, con sông đang cạn kiệt. Người Hà Nội sững sờ nhìn dòng sông thân thương của họ bỗng dưng trong một sớm mai đã không còn là con sông Hồng nữa. Phải gọi là suối thì đúng hơn vì trẻ con có thể chạy nhảy dưới dòng nước nay chỉ còn đến lưng bọn trẻ. Người ta tự hỏi rồi đây, nếu cứ cạn kiệt dần thế này thì sông Hồng sẽ còn thọ thêm bao lâu nữa.
Theo báo chí trong nước thì hiện nay mực nước sông Hồng đã xuống dưới 0,1m, tức là dưới cả mực nước biển, và nhiều đoạn sông chảy qua Hà Nội chỉ còn rộng chưa tới nửa thước.
Mực nước xuống kỷ lục này là hậu quả của nhiều nguyên nhân mà biến đổi khí hậu được các nhà hoạt động môi trường mang ra soi rọi đầu tiên để tìm kiếm căn nguyên khắc phục. GSTSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm MTĐT&CN cho biết ý kiến của ông:
Thứ nhất là thay đổi thời tiết, năm nay mùa thu, mùa đông của miền Bắc có lượng mưa rất ít, giảm so với các năm khác khoảng 20-30%. Thứ hai nữa tình trạng khai thác đầu nguồn của các tỉnh phía Nam Trung Quốc làm các hồ chứa nước ở đầu nguồn nên nguồn nước chảy về quá ít.
Sông Hồng là một thủy lộ quan trọng của nhiều tỉnh nó chảy qua nếu tiếp tục cạn kiệt như thế thì người dân lo rằng sinh hoạt kiếm sống hai bên bờ sông cùng các phương tiện vận chuyển sẽ trở nên bế tắc. Tuy không màu mỡ như giòng Mekong nhưng sông Hồng cũng có hàng ngàn ngư dân sống nhờ vào dòng chảy của nó, vì vậy cạn sông cũng đồng nghĩa với cạn kiệt nguồn sống của bao gia đình sống dọc hai bên bờ.
Do xây đập thủy điện
Sông Mekong chảy từ Trung Quốc xuống các nước hạ nguồn cũng đang gặp tình trạng tương tự như sông Hồng. Tờ báo Bangkok Post của Thái Lan vừa đăng một bài viết mạnh mẽ lên án Trung Quốc chính là tác nhân làm cho dòng Mekong cạn kiệt.
Tờ báo nói rằng chính Trung Quốc đã quyết định đóng cửa đập trữ nước tại Vân Nam đã gây ra tình trạng khô kiệt nguồn nước khiến cho khu vực của tỉnh Chiang Rai thuộc miền bắc Thái Lan tới cố đô Luang Phabang của Lào nay đã ngừng chảy vì nước quá cạn. Tàu chở hàng của Trung Quốc cũng mắc kẹt tại Chiang Saen thuộc Chiang Rai.
Tờ Bangkok Post cũng nói rằng Trung Quốc xây dựng những đập nước trên vùng thượng lưu sông Mekong là trái với quy định và luật lệ quốc tế.
Thế còn sông Hồng thì sao, có phải sự cạn kiệt của sông Hồng cũng có yếu tố Trung Quốc hay không?
Hai con sông Mekong và sông Hồng đều cùng một nơi phát xuất và cùng mang những vấn nạn như nhau. Trung Quốc không ngưng việc xây dựng các đập thủy điện đầu nguồn của hai con sông này vì quyền lợi quốc gia của họ nên thường đưa ra những chống chế trước quốc tế. Thế nhưng thái độ của các nước lưu vực của hai con sông này mới là tác nhân chính để Trung Quốc chùn bước trên con đường khai thác cạn kiệt nguồn nước.
Các nước hạ nguồn trước tiên cần những bài báo phân tích trên cơ sở khoa học phân phát rộng rãi trong cộng đồng để cư dân hai bên bờ sông có khái niệm cụ thể. Bên cạnh đó. chính phủ các nước phải gắn bó với nhau đem bằng chứng khoa học để thuyết phục Trung Quốc là cách hay nhất để nước này xét lại các kế hoạch của mình.
Hợp tác cứu sông Hồng
GSTS Đặng Kim Chi, Phó Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng muốn thuyết phục các nước đầu nguồn ngưng những công trình của họ thì Việt Nam phải có những cơ sở khoa học chứng minh sự tác hại của những đập thủy điện hơn là chỉ nói qua cảm tính.
Tôi cho biến đổi khí hậu nguy hiểm nhất là vấn đề sụp lở và lũ sông Hồng. Đối với tôi thì vấn đề này hết sức quan trọng vì biến đổi khí hậu dẫn đến việc cạn kiệt nguồn nước. Ngoài vấn đề thời tiết thì tôi thấy việc khai thác ở thượng lưu và đây là vấn đề chung cho tất cả các nước vùng hạ lưu.
Vừa rồi Lào cũng định làm một nhà máy thủy điện trên sông Mekong và khi đánh giá tác động môi trường thì đặt ra vấn đề: nếu đặt ở Lào thì cả vùng hạ lưu sông Mekong sẽ thiếu nước, và dòng chảy cũng thay đổi. Một công hàm hay ý kiến với một chính phủ ta phải có cơ sở khoa học để thuyết phục, hiện nay tất cả hoàn toàn đều mang tính dự đoán chưa có một số liệu cụ thể nào để minh chứng. Chúng ta chỉ nghi ngờ mà thôi.
Việt Nam không thiếu các nhà khoa học để bắt tay vào việc chứng minh dòng chảy sông Hồng bị cạn vì các đập đầu nguồn như ý kiến của GSTS Đặng Kim Chi. Cái thiếu mà Việt Nam đang gặp là nhà nước chưa sẵn sàng để tập trung các nhà khoa học ngồi lại làm những nghiên cứu như các nước láng giềng. Sự nhún nhường quá mức trong bàn cờ ngoại giao không những làm tiếng nói của Việt Nam đã nhỏ lại càng thêm nhỏ trước dư luận quốc tế mà nó còn gây tâm lý nhược tiểu nơi cách nghĩ của người dân ngày càng rõ và sâu nặng hơn trong mọi ứng xử.
Ít ra thì Thái Lan cũng là nước dám lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trên báo chí. Dư luận càng mong báo chí Việt Nam cũng có những bài viết đàng hoàng như thế trước khi sự việc trở nên quá muộn.