Samstag, 6. März 2010

Hệ Thống Phòng Thủ Tên Lửa Mỹ Bao Vây Trung Quốc


Washington kiên quyết bao vây Trung Quốc bằng hệ thống phòng thủ tên lửa, các bình luận viên quân sự Trung Quốc tuyên bố. Theo DefenceNews, Đài Loan là quốc gia thứ năm mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Đức
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, hợp đồng quân sự Mỹ - Đài Loan mới đây là một phần quan trọng của sự hiện diện chiến lược Mỹ xung quanh Trung Quốc trong khu vực Đông Á. Theo các chuyên gia, hệ thống chống tên lửa Mỹ sẽ trải rộng từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và Đài Loan.

Nhà chiến lược quân sự, đại tá Lực lượng Không quân Trung Quốc Dai Xu, trong bài báo được công bố trong tháng này, viết rằng “Trung Quốc đang nằm trong sự bao vây của hệ thống chống tên lửa theo hình bán nguyệt. Vòng vây bán nguyệt này được bắt đầu từ Nhật Bản, qua các quốc gia của biển Nam Trung Quốc vào Ấn Độ và kết thúc ở Afghanistan. Hệ thống phòng thủ tên lửa bao quanh Trung Quốc giống hình bán nguyệt”.

Chuyên gia quân sự của Viện khoa học Thượng Hải Ni Lexiong tuyên bố với tờ Guanghzou Daily rằng “hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ liên quan đến Trung Quốc là sự sao chép của chiến lược Mỹ về xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại các quốc gia Đông Âu nhằm chống Nga. Obama đã bắt đầu thiết kế hệ thống bao quanh Trung Quốc sau khi dự án NMD của Mỹ tại Đông Âu tạm thời bị "treo"”.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh và chiến lược quốc tế của Viện nghiên cứu quốc tế Kwangtung Tang Xiaosong cho rằng, vòng vây xung quanh Trung Quốc có thể được mở rộng vào bất kỳ thời điểm nào theo những hướng khác nhau. Chuyên gia này cho rằng, Washington đang nuôi hy vọng bán hệ thống Patriot PAC-3 (Patriot Advanced Capability) cho Ấn Độ và những quốc gia Đông Nam Á khác.


Patriot-PAC-3

Các chuyên gia phân tích tuyên bố rằng, Trung Quốc chăm chú theo dõi hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa giữa Mỹ và Ấn Độ vì bất kỳ sự liên kết nào giữa 2 lực lượng này cũng đụng chạm sâu sắc đến sự an toàn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo lời cựu đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, ông Pei Yuanying, Ấn Độ chưa chắc sẽ trở thành một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc. “New Delhi đang phát triển quan hệ với Mỹ nhưng Ấn Độ mong muốn trở thành một trung tâm lực lượng độc lập trên vũ đài chính trị quốc tế”, nhà ngoại giao này nói.

Một viên chức cấp cao công ty Lockheed Martin, John Holly nói với Defence News rằng, tương lai thị trường hệ thống phòng không đang tiếp tục tăng. Chỉ rõ sự phát triển chương trình tên lửa của Triều Tiên, Iran, Nga và Trung Quốc, ông Holly tuyên bố rằng: “Thế giới của chúng ta rất không an toàn và điều này buộc chúng ta (Ngũ Giác Đài) phải được trang bị để có khả năng tốt nhất"

MIM 104

Bắc Kinh thường xuyên chỉ trích chính sách của Mỹ về gia tăng hệ thống phòng thủ tên lửa và cố gắng hạn chế sự gia tăng này thông qua các quy định của Liên Hợp Quốc.

Tháng 8 năm ngoái, tại hội nghị về giải giáp vũ khí của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố rằng “các nước không nên cố sở hữu sự vượt trội chiến lược tuyệt đối trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa vì những nỗ lực như vậy sẽ phá hỏng sự ổn định chiến lược toàn cầu”.

Quân đội Mỹ chủ định nâng cao khả năng tác chiến trên tất cả các chiến trường, duy trì ưu thế sức mạnh tấn công trên không dựa trên việc phát triển hệ thống tên lửa thế hệ mới có thể “qua mặt” bất kỳ hệ thống phòng không hiện đại nào.

Theo tin mới nhất thì Rumani đã sẵn sàng cho Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn, và điều này chắc chắn sẽ làm Nga chẳng mấy “dễ chịu”. Hệ thống phòng thủ tên lửa này giống như hệ thống PAC-3 sẽ được triển khai ở Đài Loan và cũng sẽ khiến Trung Quốc có “cùng cảm giác” như Nga đối với Mỹ. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ triển khai các tên lửa SM-3 đặt trên tàu tại biển Địa Trung Hải vào năm 2011, và các SM-3 triển khai trên mặt đất cơ động tại Trung Âu vào năm 2015.

Còn đối với khu vực Đông Bắc Á, hiện tại Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 ở Nhật Bản và Hàn Quốc

Việc Mỹ có ý định triển khai hệ thống tên lửa PAC-3 ở Ba Lan đã khiến Nga "nổi cáu", tuy nhiên những phản ứng của Nga chưa đủ mạnh để kế hoạch phải từ bỏ.

Mỹ đang thiết kế một hệ thống cho phép tấn công mục tiêu theo chỉ định. Như cách gọi hệ thống này "chỉ đâu tấn công đó, trên phạm vi toàn cầu" là hệ thống tấn công do một hệ điều hành mạng tự động tích hợp sức mạnh từ nhiều thành phần.

Với những lý do nêu trên, thì chiến lược phát triển chiến tranh của Mỹ đã rõ. Mỹ đã, và đang triển khai xung quanh Nga và Trung Quốc các hệ thống “phòng thủ tên lửa” cơ động nhằm đáp trả các cuộc phản kích nếu như Mỹ tiến hành tấn công phủ đầu các kho hạt nhân của 2 cường quốc nói trên. Đáp lại, Nga và Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các biện pháp đối phó lại với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ này ; Nhưng Ngũ Giác Đài lại không ngừng cải tiến nâng cao hệ thống “tấn công toàn cầu” mới hiện nay lên tầm cao hơn, "đẳng cấp" hơn ! - Điều này khiến Nga và Trung Quốc "Thấp thỏm lo âu ....ăn ngủ không yên ".

(Globalresearch,Defence News)