Trọng Nghĩa, RFI
Thiên tai hay nhân họa? Tranh cãi về lý do khiến cho mực nước sông Mêkông bị hạ thấp đáng kể trong thời gian gần đây đã bùng lên trở lại giữa Trung Quốc và 4 nước hạ nguồn của dòng sông. Đối với Bắc Kinh thì nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng hạn hán bất thường do hiện tượng thời tiết El Niño, còn các tổ chức bảo vệ môi trường thì đoan chắc: chính các con đập khổng lồ mà Trung Quốc cho xây dựng trên thượng nguồn đã làm cho dòng sông Mêkông bị cạn kiệt.
Những lời tố cáo về tác hại các con đập thủy điện đã từng được đưa ra trước đây, ngay từ lúc kế hoạch ngăn dòng Mêkông của Bắc Kinh được tiết lộ, cách nay hơn một thập niên. Nhưng điểm mới lần này là các chính phủ hạ nguồn cũng đã lên tiếng quan ngại, lẽ dĩ nhiên là một cách gián tiếp, để khỏi gây căng thẳng với Trung Quốc.
Thông qua Ủy ban sông Mêkông, cơ chế liên chính phủ của mình, 4 nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan, ngày 03/03 vừa qua đã chính thức gởi thơ đến phái bộ ngoại giao Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc. Nội dung bức thư yêu cầu Bắc Kinh hợp tác để tìm giải pháp cho vấn đề mực nước sông Mêkông bị cạn kiệt.
Theo các nhà quan sát, đây là lần đầu tiên mà Ủy ban sông Mêkông chính thức gởi thơ khiếu nại đến phía Trung Quốc, chứng tỏ là tình hình đã trở nên đáng ngại. Đi đầu trong chủ trương này là Thái Lan, đã kêu gọi từng nước thành viên của Ủy ban sông Mêkông, gây sức ép trên Trung Quốc qua con đường ngoại giao.
Trong thông điệp truyền hình hàng tuần ngày 07/03 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã gắn liền Trung Quốc với những hệ quả tai hại mà các nước hạ nguồn đang phải gánh chịu khi cho biết là Thái Lan ‘’sẽ yêu cầu Trung Quốc giúp quản lý tốt hơn lưu lượng nước trên dòng Mêkông sao cho các nước Đông Nam Á không bị tác hại”.
Cho đến nay, Trung Quốc đã cho xây dựng xong 4 con đập lớn trên dòng chảy chính của Sông Mêkông, khúc chảy qua vùng Vân Nam. Trong số các con đập đã hoàn thành, có đập Tiểu Loan cực lớn, đã bắt đầu thu nước vào hồ chứa từ tháng 10 năm ngoái. Con đập này chỉ thua đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử về quy mô.
Phải chăng chính việc lấy nước nói trên làm cho lượng nước chảy xuống vùng hạ nguồn ít hẳn đi, gây ra tính trạng thiếu nước? Đối với các hội đoàn bảo vệ môi trường trong đó có nhóm Liên minh cứu dòng Mêkông, Save The Mekong Coalition, thì các con đập chính là nguyên nhân khiến cho mức nước sông Mêkông bị hạ thấp.
Tuy nhiên, theo phía Trung Quốc, các lời tố cáo kể trên hoàn toàn không có cơ sở. Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc phụ trách Châu Á Hồ Chính Diệu đã khẳng định hôm 08/3 với Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva rằng các đập nước ở tỉnh Vân Nam không liên quan tới mực nước ở hạ nguồn sông Mekong bị hạ thấp. Sau đó ba hôm, đến lượt một Tham tán Sứ quán Trung Quốc tại Bangkok nhắc lại lập luận ”chỉ có 13% lượng nước sông Mêkông đến từ Trung Quốc”.
Tuy nhiên theo một số nhà quan sát, lập luận gọi là khoa học đó của Trung Quốc, dễ tạo ra ngộ nhận. Tờ báo trên mạng AsiaTimes trong bài viết công bố ngày 13/03 nói rõ : ”Tỷ lệ do Bắc Kinh đưa ra căn cứ trên toàn bộ lượng nước sông Mêkông lúc đổ ra Biển Đông. Trong thực tế thì tỷ lệ nước sông Mêkông phải đi qua Trung Quốc trước lúc chảy vào miền Bắc Thái Lan và Lào lên đến gần 100%.
Ai đúng, ai sai, đây là vấn đề chưa có câu trả lời dứt khoát. Tuy nhiên, thái độ thiếu thiện chí của Trung Quốc, viện cớ bí mật quốc gia, không chịu công bố các thông tin chi tiết về các con đập của họ, đã khiến cho các nước hạ nguồn và các tổ chức bảo vệ môi trường thêm hoài nghi. Câu hỏi đặt ra là phải chăng vì khối lượng nước bị cầm giữ trong các hồ thủy điện của Trung Quốc quá lớn cho nên Bắc Kinh cần phải che giấu ?
Trong khi chờ đợi, cư dân vùng lưu vực sông Mêkông sẽ tiếp tục phải chịu cực khổ. Theo dự báo của Ủy ban sông Mêkông, mực nước sông sẽ còn hạ thấp trong tháng tới, trước khi lên cao trở lại cuối tháng 4, đầu tháng 5.