Dienstag, 23. März 2010

Chuyện cướp chính quyền

Lữ Giang

Trong bài trước chúng tôi đã đưa một số tài liệu (còn nhiều nữa) của chính GHPGVNTN (Ấn Quang) và một số tăng sĩ thuộc giáo hội này để chứng minh GHPGVNTN không phải chỉ “dinh líu” đến CSVN mà đã tích cực yểm trợ CSVN chiếm miền Nam Việt Nam. Trong bài này, chúng tôi sẽ đề cập đến việc một số tăng sĩ và GHPGVNTN có âm mưu lật đổ hay cướp chính quyền VNCH hay không.

Trong Thông Tư số 07/VHĐ/VT ngày 17.1.2010, Hoà Thượng Quảng Độ đã đưa ra một số lý lẽ sau đây để xác định một số tăng sĩ và GHPGVNTN không hề âm mưu lật đổ hay cướp chính quyền tại miền Nam:

1.- Dưới thời Đệ Nhất VNCH

Năm 1963, chư Tăng Ni, Phật tử đứng lên đòi hỏi tự do tín ngưỡng, huỷ bỏ Dụ số 10 tồn tại từ thời thực dân Pháp xem Phật giáo như một hội đoàn, với nhiều kỳ thị, ức chế dưới thời đệ nhất Cộng hoà. Đây là cuộc đấu tranh chính đáng.

Hoà Thượng đặt câu hỏi:

“Từ đêm 20.8 (1963) chính quyền tấn công chùa chiền, bắt bớ Tăng Ni cho đến ngày 2.11.1963 chư Tăng Ni, Phật tử, hàng giáo phẩm lãnh đạo Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo (tiền thân của GHPGVNTN) còn nằm trong tù, thì làm sao họ có thể là “chủ lực” lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa tới vụ thảm sát ông và bào đệ ông?”

2.- Dưới thời Đệ Nhị VNCH

Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ năm 1966 là sự đòi hỏi dân chủ chân chính và bức thiết của mọi công dân mong ước sự ra đời của một Chính phủ dân sự, một Quốc hội Lập Hiến để an bình xã hội, trước những cuộc đảo chính liên miên giữa thiểu số tướng lãnh tranh giành quyền bính, bỏ mặc dân lành khốn đốn trong chiến tranh.

Hoà Thượng lại đặt câu hỏi:

"Nếu người Phật giáo vi phạm luật pháp, “làm lợi cho Cộng sản”, thì Nhà nước pháp quyền thời ấy phải truy tố họ ra trước toà án, xét xử phân minh. Không thể tố cáo suông, vu hãm hồ đồ theo lệnh “toà án rỉ tai và chụp mũ”.

Đây là những vấn đề đã được chúng tôi đề cập nhiều lần, nhất là trong ba bài “Viết cho đúng sự thật”, “Dùng lá bài tôn giáo” và “Mục tiêu và chiến thuật đã bị bại lộ” được phổ biến trong thời gian gần đây (có lưu trử ở motgoctroi.com). Những tài liệu chúng tôi đưa ra để phản biện rất chính xác, phe đối phương không còn tranh luận được. Nhưng hôm nay chính Hoà Thượng lại nêu lên một lần nữa, nên chúng tôi xin được tóm lược lại để Hoà Thượng và chư Tăng Ni trong GHPGVNTN có thể thấy rõ vấn đề hơn.

DỤ SỐ 10 CHỈ LÀ CHIÊU BÀI

Các nhà Phật Giáo đấu tranh và Hoà Thượng Quảng Độ đã cho rằng “Dụ số 10 tồn tại từ thời thực dân Pháp xem Phật giáo như một hội đoàn, với nhiều kỳ thị, ức chế dưới thời đệ nhất Cộng hoà.” Đây là một lập luận hoàn toàn trí trá, được nêu ra như một chiêu bài để chống chính phủ Ngô Đình Diệm.

Dụ số 10 không phải do chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành hay do thực dân Pháp để lại như Hoà Thượng đã xác quyết. Dụ này do Bảo Đại ký tại Vichy, Pháp, ngày 6.8.1950, được đăng vào Công Báo Việt Nam số 33 ngày 19.8.1950. Dụ này “quy định thể lệ lập hội”, được soạn thảo dựa theo Luật về Hiệp Hội năm 1901 (Les associations loi 1901) của Pháp, nó vẫn được áp dụng cho đến 30.4.1975, còn Luật về Hiệp Hội năm 1901 của Pháp vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay.

Hoà Thượng bảo rằng luật coi Phật giáo như một hội đoàn là kỳ thị? Đây chỉ là một hình thức nguỵ luận. Giáo Hội cũng chỉ là một hiệp hội. Do đó các quốc gia lớn trên thế giới như Pháp và Mỹ cũng quy định không khác gì Dụ số 10, vì Dụ số 10 cóp luật về hiệp hội của Pháp. Điều 1 của Dụ số 10 đã quy định như sau:

“Hội là hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích thuộc về tế tự, tôn giáo, chính trị, từ thiện, thể thao và đồng nghiệp ái hữu.


“Muốn có hiệu lực thì hội nào cũng phải hợp với nguyên tắc chung của pháp luật về khế ước và nghĩa vụ.”

Điều 1 này đã phỏng theo điều 1 của Les associations loi 1901 của Pháp.

Ở Mỹ, hầu hết các hiệp hội bất vụ lợi đều được thiết lập vì lý do tôn giáo, bác ái, văn học, khoa học hay giáo dục. Luật thuế vụ liên bang của Mỹ [Federal 501(c)(3) Status] đã định danh 5 thứ hiệp hội bất vụ lợi có thể được miễn thuế, đó là các hiệp hội có mục đích bác ái, các tổ chức khoa học (scientific organizations), các tổ chức giáo dục (educational organizations), các hiệp hội có mục đích văn học, và các nhóm tôn giáo (religious groups). Các quy định này có khác gì Dụ số 10 đâu? Ấy thế mà hầu hết các tổ chức của Phật Giáo Việt Nam khi đến Mỹ đã không coi quy chế đó là một hình thức kỳ thị, hạ thấp tôn giáo, trái lại đã đua nhau xin được thành lập các hội non-profit vì mục đích tôn giáo để có thể hoạt động hợp pháp và được miễn thuế! Ở Pháp, tình trạng lại gióng ở Việt Nam hơn, vì Dụ số 10 đã phỏng theo luật về hiệp hội của Pháp. Thì ra ở mô cũng như rứa!

Ở đây có hai câu hỏi cần được đặt ra: (1) Các giáo hội Thiên Chúa Giáo được thành lập dựa vào Thánh Kinh (Mat. 16,19). Còn Đức Phật không hề lập giáo hội. Vậy các tăng sĩ Việt Nam dựa vào đâu để thành lập giáo hội Phật Giáo và chữ “Church” (Giáo Hội) lấy ở đâu ra? Không lẻ lấy từ Thành Kinh? (2) Phật Giáo trên thế giới hiện nay không có giáo hội. Vậy các nhà Phật Giáo đấu tranh Việt Nam cương quyết lập giáo hội bằng mọi giá để làm gì? Để thống lãnh Phật Giáo và cướp chính quyền?

Điều thứ 44 của Dụ số 10 có quy định: “Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia tô và các Hoa kiều Lý sự hội sẽ ấn định sau.”

Căn cứ vào điều luật này, các tăng sĩ Phật giáo đấu tranh cho rằng Dụ số 10 đã ưu đãi Thiên Chúa Giáo, nhưng lại không nhắc gì đến Hoa Kiều Lý Sự Hội! Đây là một lối nguỵ luận vì thiếu hiểu biết.

Thỏa Ước Việt – Pháp được ký kết giữa Bảo Đại và Tổng Thống Vincent Auriol của Pháp tại điện Élysée ngày 8.3.1949 có quy định như sau:

“Sự cai trị các sắc dân không phải là người Việt Nam... sẽ được cứu xét bằng quy chế riêng…. Các quy chế này phải được sự thỏa thuận của Đại Diện Chính Phủ Cộng Hoà Pháp Quốc, vẫn còn có trách nhiệm đối với họ.”

Công Giáo Việt Nam lúc đó đang đặt dưới quyền của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (Société des Missions Etrangères de Paris) của Pháp và có một quy chế riêng do Pháp ấn định. Ngày 27.12.1886 Pháp cũng đã chính thức hóa quy chế bang hội của người Hoa tại Việt Nam và đặt dưới sự kiểm soát của Pháp. Theo thỏa ước Élysée, muốn ấn định quy chế của hai tổ chức này, Việt Nam phải tham khảo ý kiến của Pháp trước khi quy định. Vì thế, điều 44 Dụ số 10 phải quy định như trên chớ không phải vì muốn ưu đãi Thiên Chúa Giáo và các hiệp hội Hoa Kiều. “Chế độ đặc biệt” được nói ở điều 44 chưa hề được ban hành.

Sau cuộc “chỉnh lý” ngày 30.1.1964, Tướng Khánh đã ban hành Sắc Luật số 158-SL/CP ngày 14.5.1964 cho Phật Giáo được hoạt động theo một “chế độ đặc biệt” nằm trên và ngoài luật pháp quốc gia. Nhưng chính vì “chế độ đặc biệt” này, GHPGVNTN đã bể thành 8 mãnh!

HOÀ THƯỢNG NÓI ĐÚNG!

Hoà Thượng nói rằng đêm 20.8.1963 các Tăng Ni đã bị bắt bớ cho đến ngày 2.11.1963 họ mới được thả ra, làm sao họ có thể là “chủ lực” lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa tới vụ thảm sát ông và bào đệ ông? Về vấn đề này Hoà Thượng nói đúng. Dù các tăng ni lãnh đạo cuộc đấu tranh không bị bắt giữ, họ cũng không thể lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm được. Ngay các tướng lãnh bất mãn cũng không thể làm được chuyện đó. Chỉ có Hoa Kỳ mới làm được mà thôi.

Cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 đã được thực hiện theo chỉ thị của Washington và CIA có nhiệm vụ tổ chức. Ngay cả cuộc tự thiêu của Hoà Thượng Quảng Đức cũng do CIA dính vào. Tài liệu cho biết William Kohlmann, một nhân viên tình báo Mỹ đang làm việc ở Anh quen biết với Trần Quang Thuận đã được điều động qua Sài Gòn để hướng dẫn Trần Quang Thuận và Đại Đức Thích Đức Nghiệp làm vụ này. Bill Kohlmann kể lại rằng ban tổ chức định dùng xăng để thiêu Thầy Quảng Đức, nhưng được cho ý kiến là xăng sẽ cháy rất nhanh, không đủ thời gian để chụp hình và làm các nghi thức trước khi lửa tắt, và thời gian cháy chưa đủ để làm Thầy Quảng Đức tắt thở, do đó phải đổ thêm Diesel vào cho cháy chậm lại. Ký giả Malcolm Browne của AP, một nhân viên CIA khác, có nhiệm vụ báo tin cho các ký giả đến đúng lúc để quay phim, chụp hình và gởi đi khắp thế giới. 30 vụ tự thiêu tiếp theo không có CIA dính vào, nên không tạo được tiếng vang nào.

Về vụ lục xét các chùa đêm 20 rạng ngày 21.8.1963, CIA đã bảo Tướng Trần Thiện Khiêm tập họp các tướng lãnh vào ngày 18.8.1966 và bảo họ vào gặp ông Diệm và xúi ông ta “ban hành các biện pháp mạnh để ổn định tình hình”.

Kế hoạch của các tướng lãnh bao gồm cả việc ban hành thiết quân luật, lục xét các chùa, bắt các tăng sĩ đến từ ngoài Sài Gòn đưa về lại các tỉnh và chùa của họ. Tướng Đôn nói với Tổng Thống rằng Việt Cộng đã xâm nhập vào Phật Giáo trong chùa Xá Lợi. Ông Diệm đã trúng kế của CIA! (FRUS, 1961 – 1963, Volume III, tr. 616. Document 275.)

Căn cứ vào vụ lục xét chùa này, tối thứ bảy 24.8.1963, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gởi cho Đại Sứ Lodge ở Sài Gòn một công điện tối mật mang số DEPTEL 243, ra lệnh đảo chánh.

Công việc đảo chánh và giết ông Diệm không hề có Phật Giáo nhúng tay vào. Tổng Thống Johnson đã nói rất rõ:

“Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và xử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa để hạ sát ông ta...”

Bọn ác ôn côn đồ được Tổng Thống Johnson nói ở đây gồm các thủ phạm chính sau đây: Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính và Nguyễn Văn Thiệu.

Nhưng biến cố Phật Giáo 1963 đã bị Mỹ biến thành cái cớ để lật đổ và giết ông Diệm. Có một điều oái oăm là sau khi cuộc đảo chánh thành công, nhóm Phật Giáo đấu tranh lầm tưởng kết quả đó là do họ tạo ra và “thừa thắng xông lên”, “xưng hùng xưng bá”, gây tang thương cho cả Phật Giáo lẫn đất nước!

CÓ ĐÀN ÁP HAY KHÔNG?

Muốn biết chính phủ Ngô Đình Diệm có đàn áp Phật Giáo hay không, trên nguyên tắc, trước tiên phải đọc bàn phúc trình điều tra của Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc vì nó có giá trị khách quan. Đây là một tài liệu mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và các “sử gia” Phật Giáo đã tìm cách ém nhẹm vì không phù hợp với những tuyên truyền láo phét mà họ đã đưa ra. Ngày 20.12.1963, Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica trong phái đoàn điều tra LHQ đã nói với hảng thông tấn NCWC như sau:

“Cảm tưởng của riêng tôi là không có chính sách kỳ thị, áp bức hay khủng bố đối với Phật Giáo trên căn bản tôn giáo. Những khai báo về phương diện này thường là nghe nói, và trình bày một cách mơ hồ và tổng quát.


“Mỗi khi một nhân chứng cố gắng tìm một bằng chứng cụ thể nào để trình Phái Đoàn, rốt cục sự kiện chỉ là một hành vi lẻ tẻ hay cá nhân. Căn cứ trên bằng chứng, chính quyền không có chủ trương chính sách chống Phật Giáo vì lý do tôn giáo.”

Tuy nhiên, chúng ta hãy tạm để bản phúc trình đó ra một bên và hãy nghe nhận xét của hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ nói về vụ này, đó là Quốc Trưởng Bảo Đại và Tổng Thống Nixon.

Quốc Trưởng Bảo Đại nói:

“Khi các sư sãi, do Mỹ và tay sai của Việt Cộng điều động, bắt đầu lao mình vào những cuộc biểu tình, thì nhà cầm quyền phải đối phó lại. Nhưng Diệm Nhu là người Công Giáo, vì vậy sự đối phó của nhà cầm quyền bị coi là mang màu sắc tôn giáo”. (Bảo Đại, Le Dragon D'Annam, tr. 348).

Còn Tổng Thống Nixon nhận xét:

“Việc cho rằng có sự đàn áp Phật Giáo là hoàn toàn bịa đặt. Ông Diệm đã cử nhiệm những viên chức cao cấp không căn cứ vào tín ngưỡng của họ. Trong 18 vị Bộ Trưưng có 5 theo Công Giáo, 5 theo Khổng Giáo, và 8 theo Phật Giáo, kể cả Phó Tổng Thống và Bộ Trưởng Ngoại Giao. Trong 38 Tỉnh Trưởng thì có 12 người theo Công Giáo, 26 người theo Phật Giáo hay Khổng Giáo. Trong 19 tướng lãnh, có 3 theo Công Giáo và 16 theo Cao Đài, Khổng Giáo hay Phật Giáo. Ông Diệm đã miễn nghĩa vụ quân sự cho các tăng sĩ Phật Giáo, trong khi người Công Giáo và các tín đồ khác phải thi hành nghĩa vụ này. Không một Phật tử nào đã bị bắt vì hành đạo và không một bằng chứng đáng tin cậy nào có thể minh chứng ông Diệm đã đàn áp Phật Giáo.” (Richard Nixon, No More Viêtnams, Arbor House, 1985, tr. 65).

Chúng tôi thấy cũng cần nhắc đến lời phát biểu của ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một thành viên của tổ chức Phật Giáo đấu tranh:

“Ông Diệm không ác như người ta tưởng. Có chuyện Phật Giáo xẩy ra, ông ấy cũng khổ. Ông ấy là người lợi dụng. Và nếu không cho lợi dụng, ông ấy xé bỏ hè, chứ ông ấy không đến nổi ngược đãi (persécuter). Bọn thừa hành ở dươi xem lãnh tụ quay hướng nào thì chiều lòng cấp trên để trục lợi.” (Hoàng Xuân Hào, “Phật Giáo và Chính Trị tại Việt Nam”, Ngày Nay, 1972, tr. 182)

Chừng đó nhận xét cũng quá đủ rồi!

ÂM MƯU CUỚP CHÍNH QUYỀN

Hòa Thượng nói rằng năm 1966, cuộc tranh đấu của Phật giáo chỉ nhắm đòi hỏi dân chủ chân chính và sự ra đời của một Chính phủ dân sự, một Quốc hội Lập Hiến để an bình xã hội... Nhưng thưa Hoà Thương đó chỉ là chiêu bài. Từ khi mở cuộc đấu tranh vào năm 1963, các nhà đấu tranh Phật Giáo đã đưa hết chiêu bài này đến chiêu bài khác như những cớ để gây bạo loạn: chống kỳ thị và đàn áp Phật giáo, chống Khánh rồi chống Thiệu – Kỳ – Có quân phiệt, đòi lập chính quyền dân sự, sau đó đòi hòa giải và hoà hợp, đòi hòa bình, đòi thi hành hiệp định Paris... Tất cả những thứ đó chỉ là chiêu bài. Mục tiêu chính là lật đổ hay cướp chính quyền để thành lập một chính phủ Phật Giáo do các tăng sĩ làm “quốc sư”, đưa Phật Giáo trở lại thời Lý Trần. Đây là vấn đề đã được chúng tôi dẫn chứng trong bài “Mục tiêu và Chiến thuật đã bị bại lộ” (xem motgoctroi.com).

Nhà Nghiên cứu James McAllister, giáo sư tại Williams College, đã viết bài "Only Religions Count in Vietnam: Thich Tri Quang and the Vietnam War" (Chỉ có tôn giáo là đáng kể ở Việt Nam: Thích Trí Quang và chiến tranh Việt Nam) phổ biến vào tháng 7 năm 2007. Nhưng ông chưa nắm vững vấn đề mà ông muốn bàn. CIA đã thấy rõ vấn đề hơn.

Trong một bài phân tích dưới đầu đề “Phân tích về những sự quan hệ có thể có với cộng sản, tư cách và những mục tiêu của Thích Trí Quang” đề ngày 28.8.1964, CIA đã nói rất rõ: “Ông ta muốn thiết lập một chế độ giáo quyền lãnh đạo thế quyền ở Nam Việt Nam” (he would like to establish a theocracy in South Vietnam). (Intelligence Information Cable, TDCS 314/02342-64. Aug. 28, 1964. 8 p.).

Trong công điện gởi về Washington đề ngày 24.4.1966, Đại Sứ Cabot Lodge đã trình như sau:

“Tôi nói rằng một vài người nghĩ rằng Thích Trí Quang là một tên Cộng Sản. Nhưng tôi nhớ rằng Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã nói rằng ông ta là một người “hoang tưởng” [but I remembered that Prime Minister Ky had said he was a "visionary" (un illumine)]. Kỳ nói rằng bây giờ Kỳ nghĩ ông ta là một tên Cộng Sản và không còn nghi ngờ gì chúng ta phải đối phó với một âm mưu lớn của Cộng Sản chiếm đoạt chính quyền, đòi Hoa Kỳ phải rút ra và giao đất nước cho Hà Nội.” (FRUS 1964 - 1968, Volume IV, Vietnam, 1966, Document 110).

Chủ trương lập một chính phủ do giáo quyền lãnh đạo của Thích Trí Quang được CIA mô tả nói trên nay đã được đưa vào Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI ngày 21.2.2001 của Giáo Hội GHPGVNTN, thường được gọi là Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang (Chúng tôi đã phân tích rõ trong bài “Mục tiêu và chiến thuật đã bị bại lộ”, motgoctroi.com). Muốn thành lập một chính phủ do giáo quyền lãnh đạo, trước tiên phải thống lãnh Phật Giáo để có sức mạnh, sau đó cướp chính quyền. Chiến thuật đã được áp dụng là kích động lòng hận thù Thiên Chúa Giáo để làm động lực đấu tranh. Phương châm hành động là phương châm của Karl Marx: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” (The ends justify the means), tức có thể xử dụng bất cứ phương tiện nào, miễn là đạt được kết quả thì thôi. Tổng Thống Nixon kể lại:

“Có lần một ký giả đã hỏi Thích Trí Quang rằng việc đẩy những tăng sĩ trẻ vào con đường tự sát một cách đau đớn như vậy chỉ để đưa ngọn cờ Phật Giáo bay cao hơn một hay hai nấc, có phù hợp với đạo lý không? Thích Trí Quang nhún vai và nói một cách bộc trực rằng “trong một cuộc cách mạng, bất cứ cái gì cũng phải làm hết”. (Richard Nixon, No More Viêtnams, Arbor House, 1985, tr. 67)

Vì báo có giới hạn, chúng tôi chỉ xin trích dẫn dưới đây một số đoạn trong các báo cáo của CIA nói về nhóm Phật Giáo đấu tranh âm mưu cướp chính quyền.

Bản Báo Cáo Tin Tức của CIA ngày 8.7.1963 cho biết như sau:

“Phật Giáo, ít ra những thành phần chịu ảnh hưởng của Thích Trí Quang, xem ra đang cố tình chuyển cuộc tranh đầu của họ qua lĩnh vực chính trị...”

“Một vài lãnh tụ Phật Giáo ra mặt hoàn toàn mở cuộc tấn công loại bỏ chế độ Diệm bằng phương tiện này hay phương tiện khác.” (Some of the Buddist leaders appear completely set on the elimination of the Diem regime by one means or another) (FRUS, 1961 – 1963, Volume III, tr. 476 – 477).

Trong một công điện báo cáo tình hình đề ngày 17.8.1963, CIA cho biết:

“Các lãnh đạo Phật Giáo rất lạc quan rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm có thể bị lật đổ trong 6 tháng và được tổ chức cho một cuộc tranh đấu trong nhiều tháng. Các tăng ni được chỉ thị về các vấn đề chính trị và việc tổ chức các học sinh trung học và sinh viên đại học đã được nhấn mạnh.


“Thích Thiện Minh, Phó Chủ Tịch Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (GAVB) tại Trung Phần, Việt Nam, và Thích Trí Quang, Chủ Tịch GAVB ở Trung Phần, cả hai mạnh mẽ chống trung lập, đã soạn thảo một danh sách sơ khỏi những người họ muốn thấy có mặt trong chính phủ nếu ông Diệm bị lật đổ, trong đó có cả Phan Khắc Sửu...” (Còn một phần chưa giải mã).

Ngày 10.9.1963, Trạm CIA tại Sài Gòn lại gởi cho CIA trung ương một công điện khác nói về âm mưu lật đổ chính quyền của Phật Giáo:

“Ngay từ một số giai đoạn triển khai kể từ ngày 8 tháng 5, sự chi phối Ủy Ban Liên Phái của Thích Trí Quang trong việc ủng hộ sự lật đổ chính phủ, đã trở nên quá rõ ràng đối với chính phủ cũng như các quan sát viên ngoại quốc.” (FRUS, 1961 – 1965, Volume IV, tr. 147).

Cuộc tranh đấu để cướp chính quyền của Phật Giáo đã lên đến cao điểm vào năm 1966. Chúng tôi chỉ nhắc lại một vài sự kiện chính:

Khi các biến loạn bắt đầu, các nhà lãnh đạo Phật Giáo đấu tranh đã lập Quân Đoàn Vạn Hạnh ở Đà Nẵng do Thượng Toạ Thích Minh Chiếu, Thiếu tá Trưởng Phòng Tuyên úy Vùng 1, Quân khu 1 làm Tư lênh và đặt Tổng Hành Dinh tại chùa Phổ Đà, tức Phật Học Viện Trung Phần. Quân Đoàn này đã cho đi bắt các sĩ quan quân đội, các viên chức chính quyền, các thành phần chống đối, nhất là VNQDĐ và Công Giáo, đem về giam tại chùa Phổ Đà chẳng hạn như: Giáo sư Nguyễn Hữu Chi, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam, ông Lê Nguyên Long (VNQDĐ) Trưởng ty Thông tin Quảng Nam, Thiếu tá Mai Xuân Hậu, quận trưởng quận Hòa Vang, ông Bùi Quang Sạn (về sau là dân biểu), Chỉ huy trưởng Đơn vị Tình báo tác chiến tại Quảng Nam, Thẩm phán Trần An Bài (vì Công Giáo), v.v.

Các tù nhân này đều bị lột hết áo quần ngoài, chỉ được mặc quần áo lót, không được mang dày dép mà phải đi chân đất và phải ngủ trên nền gạch, không mền chiếu gì hết. Mỗi đêm họ được đưa đi tra tấn và đánh đập dã man. Có người bị đưa đi thủ tiêu (như trường hợp ông Nguyễn Chữ, lãnh tụ VNQDĐ). Họ phải chịu cảnh này kéo dài trong 40 ngày mới được giải cứu.

Ở Huế, vào đầu tháng 4/1966, khi nghe tin chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đưa quân ra Đà Nẵng dẹp loạn, theo lệnh của Thượng Tọa Thích Trí Quang, ngày 5.4.1966 “Đoàn Thanh Niên Quyết Tử” được thành lập, lúc đầu gồm 66 sinh viên, do Nguyễn Đắc Xuân, sinh viên Đại Học Sư Phạm Huế làm Đoàn Trưởng. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Đắc Xuân, đoàn này đã phá kho súng của hai Ty Cảnh Sát Quảng Trị và Huế, lấy khoảng 4000 ngàn súng gồm tiểu liên, Shotgun, và súng lục, 120 thùng lựu đạn M 26, khoảng 100 xe Jeep Cảnh Sát và toàn bộ máy móc truyền tin rồi dùng xe, máy móc truyền tin và súng của Cảnh Sát tuần tiểu và canh gác trong thành phố. Ngày 8.4.1966, một bộ phận của đoàn này được gởi vào chi viện cho Đà Nẵng và Nguyễn Đắc Xuân đã vào Đà Nẵng và Quảng Nam tổ chức chiến đấu.

Theo lời kêu gọi của Thích Trí Quang, gần nửa quân nhân Phật tử thuộc Sư Đoàn I Bô Binh, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân đã buông súng trở về thành phố tham gia cuộc nổi loạn. Đầu tháng 5/1966, Ngô Kha đã tập hợp các quân nhân ly khai này lại thành một tổ chức mang tên “Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức” để chống lại chính quyền. Chiến đoàn này và Đoàn Thanh Niên Quyết Tử đã bố trí theo quốc lộ 1, chận đường QLVNCH tiến ra Huế.

Sau khi cuộc bạo loạn để cuớp chính quyền của nhóm Thích Trí Quang đã bị Quân Đôi VNCH dẹp tan, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang liền đứng hẵn về phe Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhiều thành phần chủ chốt trong nhóm tranh đấu của Thích Trí Quang đã bỏ thành phố đi vào chiến khu theo Việt Cộng, chẳng hạn như Hoàng Phủ Ngọc Tường (dạy học), Hoàng Phủ Ngọc Phan (SV Y Khoa), Nguyễn Đắc Xuân (SV Đại Học Sư Phạm), Trần Quang Long (SV Đại Học Sư Phạm), Lê Minh Trường (Sinh Viên Mỹ Thuật), Huỳnh Sơn Trà (SV Y Khoa), Nguyễn Văn Sơ (SV Đại Học Sư Phạm), Ngô Yên Thi (SV Văn Khoa), Trần Bá Chữ (SV Đại Học Sư Phạm) v.v. Đa số còn lại bị cơ quan an ninh VNCH bắt giữ, một số ẩn trốn trong quần chúng.

Một vài tài liệu và sự kiện được trình bày trên cũng đủ để chứng minh GHPGVNTN (Ấn Quang) và các tăng sĩ của Giáo Hội này đã âm mưu tạo bạo loạn để cướp chính quyền.

Các nhà quan sát cho rằng phương pháp mà VNCH và CSVN áp dụng để đánh dẹp “Giặc thầy chùa” đều gióng nhau. Các chính quyền hậu cộng sản rồi cũng sẽ phải hành động như thế nếu “Giặc thầy chùa” lại nổi lên.

Trong bài tới chúng tôi sẽ bàn về việc Hoà Thượng Quảng Độ tố cáo chính quyền VNCH bị Cộng Sản xâm nhập với những ghi chú nhảm nhí của chú tiểu Võ Văn Ái.

Ngày 16.3.2010
Lữ Giang