2010-03-09 - Từ đầu năm nay, cuộc chiến giữa Google và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Đã có lúc Google tuyên bố rút khỏi nước này, sau khi thông báo các vụ tấn công mạng từ các trang có địa chỉ ở Trung quốc, vào địa chỉ khách hàng của Google.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói chuyện về tự do Internet hôm 21/1/2010 tại Washington, DC. AFP PHOTO/Mandel NGAN
Mới đây, Google cho biết họ muốn chính phủ Hoa Kỳ đưa Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới. Vì sao Google làm ăn ở Trung Quốc đã hơn 4 năm, bây giờ không còn muốn hợp tác với chính phủ nước này nữa?
Làm ăn ở Trung Quốc
Tháng 1 năm 2006, Google, công ty cung cấp dịch vụ công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, đã chính thức khai trương phiên bản tiếng Hoa ở Trung Quốc, Google.cn. Theo báo China Tech, tính đến quý 2 năm 2009, Google chiếm 29,1% thị phần ở Trung Quốc, chỉ sau đối thủ hàng đầu của họ là Baidu, 61,6%. Mặc dù chiếm gần 1/3 thị phần, nhưng theo JP Morgan ước tính, tổng doanh thu của Google ở Trung Quốc trong năm nay chỉ khoảng 600 triệu đô la, chiếm khoảng 2% trong tổng số 26 tỷ đô la, doanh thu ước tính của Google trong năm nay.
Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình CNBC, Phó chủ tịch và là Trưởng ban Pháp lý Google, ông David Drummond cho biết, doanh thu của Google tại Trung Quốc là “thực sự không quan trọng”. Ông còn nói rằng, thậm chí không ngờ công ty của ông vào thị trường Trung Quốc đã “không bao giờ thực sự là vì lý do tài chính”.
Chấp nhận kiểm duyệt
Để vào thị trường Trung Quốc, Google đã tuân theo các lệnh kiểm duyệt của chính phủ nước này, bằng cách đặt bộ lọc thông tin, còn được gọi là “Vạn lý hỏa thành”. Công cụ tìm kiếm Google ở Trung Quốc không cho ra kết quả khi khách hàng tìm thông tin liên quan đến “cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn năm 1989”, hoặc các trang web ủng hộ phong trào độc lập Tây Tạng, Đài Loan, phong trào Pháp Luân Công và các thông tin khác mà chính phủ Trung Quốc cho rằng gây nguy hiểm cho họ.
Google cũng đã cân nhắc lợi hại, trước khi quyết định vào thị trường đông dân nhất thế giới này. Khi được hỏi: vì sao Google vào Trung Quốc và chấp nhận kiểm duyệt thông tin theo yêu cầu của chính phủ nước này, ông Vint Cerf, Phó Chủ tịch Google nói: “Có một cuộc tranh luận bên trong công ty rằng, chúng tôi có nên đến Trung Quốc, cung cấp dịch vụ Google, hay không?
Baidu, đối thủ hàng đầu của Google về thị phần ở Trung Quốc. AFP CHINA XTRA
Chúng tôi không muốn bị nhà nước kiểm duyệt. Nhưng cũng có một thực tế về vấn đề này. Nếu chúng tôi không đến đó, thì 1,4 tỷ dân sẽ không có cơ hội tiếp cận thông tin mà Google cung cấp. Vì vậy, nếu chúng tôi không đến, họ không được truy cập thông tin có giá trị”.
Cây nến bị cháy hai đầu
Tháng 1 năm 2006, Google xác nhận họ đã đặt bộ lọc để chặn các từ khóa trên công cụ tìm kiếm, theo lệnh của chính phủ Trung Quốc.
Quyết định kiểm duyệt này đã làm cho các tổ chức và các nhà hoạt động nhân quyền thất vọng. Các tổ chức tranh đấu nhân quyền đã lên án Google tiếp tay với chính phủ Trung Quốc đàn áp công dân của họ.
Ngay sau khi Google thông báo đặt bộ lọc kiểm duyệt, tổ chức Phóng viên Không Biên giới, có trụ sở tại Pháp đã cáo buộc Google là ‘đạo đức giả’ khi công ty này làm theo lệnh của chính phủ Trung Quốc. Tổ chức này nói rằng: việc đưa Google.cn vào Trung Quốc là “một ngày đen tối” cho quyền tự do bày tỏ chính kiến tại Trung Quốc. Google đã bảo vệ được các quyền của những người sử dụng internet ở Mỹ nhưng đã không bảo vệ được những người sử dụng internet ở Trung Quốc.
Tháng 2 năm 2006, các nhóm hoạt động cho nhân quyền ở Tây Tạng đã kêu gọi biểu tình, tẩy chay Google. Các nhóm này cho rằng Google đã bắt tay với chính phủ Trung Quốc, khi người sử dụng internet ở nước này tìm từ khóa “Đạt Lai Lạt Ma”, thì bộ lọc kết quả tìm kiếm của Google đã bỏ qua hàng ngàn trang web. Thay vào đó, họ đưa người sử dụng đến những trang có các bài báo lên án vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng. Hoặc khi người sử dụng tìm các từ khóa như “Pháp Luân Công”, “dân chủ”, “nhân quyền” đều cho ra kết quả tương tự.
Chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng có trụ sở ở Washington, ông Jamgang Dorjee, nói rằng: “Google và nhiều công ty khác được hưởng dân chủ và tự do ngôn luận ở đất nước này và đã kiếm hàng tỷ đô la ở đây, và rồi họ đi đến các quốc gia khác để ngăn chặn các quyền tự do đó”.
Bảo mật cho khách hàng
Bảng hiệu "Nói không với kiểm duyệt Internet" tại Hồng Kông khi Google đe dọa rút khỏi Trung Quốc. AFP PHOTO/MIKE CLARKE
Mặc dù chấp nhận tuân theo lệnh kiểm duyệt của Trung Quốc, nhưng Google nói rằng họ không thông báo cho chính phủ nước này biết ai đã tìm các thông tin bị chặn. Đồng thời, Google cũng thông báo cho người sử dụng công cụ tìm kiếm là thông tin đó bị chặn với dòng chữ “Theo luật pháp địa phương, một số kết quả không được hiển thị”, và chỉ có công cụ tìm kiếm của Google thông báo cho người sử dụng biết kết quả tìm kiếm bị chặn hoặc bị giấu đi như vậy.
Liên quan đến câu hỏi về việc bảo mật cho khách hàng, ông Vint Cerf, phó Chủ tịch Google nói: “Chúng tôi đã nói: được rồi, chúng tôi phải tới, nhưng trước hết, chúng tôi không thích sự kiểm duyệt. Do đó, chúng tôi nói cho người dân Trung Quốc, khi chúng tôi chặn cái gì, thì chúng tôi nói với họ là chúng tôi chặn cái đó, bởi vì chúng tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc không muốn chúng tôi nói cho họ biết điều này, và chính phủ Trung Quốc cho phép chúng tôi làm điều đó.”
Về vấn đề bảo mật cho khách hàng, Google nói rằng họ không muốn bị mang tiếng như Yahoo. Công ty này đã cung cấp thông tin cá nhân về khách hàng của mình cho chính phủ Trung Quốc, dẫn đến việc nhà báo Trung Quốc, Shi Tao bị kết án 10 năm tù hồi tháng 6 năm 2005.
Ông Vint Cert nói tiếp: “Chúng tôi ý thức rất rõ về những rủi ro mà người dân Trung Quốc có thể gặp, nếu họ viết blog hoặc tạo email. Chính phủ Trung Quốc có thể đến gặp Google, như là họ đã gặp các công ty khác, để nói rằng họ yêu cầu cho biết những người đưa thông tin này lên là ai. Chúng tôi không cung cấp các dịch vụ như vậy, bởi vì chúng tôi không muốn ở vào thế phải yêu cầu tiết lộ những người đưa thông tin trên mạng”.
Ngưng hợp tác
Đầu năm nay, Google thông báo các cuộc tấn công xảy ra hồi giữa tháng 12 năm ngoái vào Google và ít nhất 20 công ty khác, đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các cuộc tấn công này nhằm chiếm đoạt email của các nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc. Phản đối việc này, Google nói rằng họ sẽ ngưng kiểm duyệt thông tin theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc và họ đang cân nhắc rút toàn bộ các hoạt động của công ty ra khỏi nước này.
Ông David Drummond đã viết trên blog mình như sau: “Chúng tôi đã quyết định, chúng tôi không muốn tiếp tục kiểm duyệt kết quả của chúng tôi ở Google.cn nữa. Do đó trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ thảo luận với chính phủ Trung Quốc về việc chúng tôi có thể hoạt động với công cụ tìm kiếm mà không phải lọc thông tin. Chúng tôi nhận ra rằng điều này cũng có nghĩa là chúng tôi phải đóng trang Google.cn, và có khả năng phải dẹp tất cả các văn phòng của chúng tôi tại Trung Quốc”.
Tố cáo Trung Quốc vi phạm
Bảng hiệu Google bên ngoài trụ sở chính tại Bắc Kinh hôm 15/1/2010. AFP PHOTO/ LIU Jin
Ngoài ra, Google cho rằng các cuộc tấn công vào Google và việc kiểm duyệt trên internet của chính phủ Trung Quốc với mục đích giới hạn quyền tự do ngôn luận trên mạng. Liên quan tới việc Google bị tấn công, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, nói: “Những cá nhân hoặc quốc gia tham gia tấn công trên mạng phải chịu hậu quả và bị quốc tế lên án. Trong thế giới internet, một cuộc tấn công vào mạng của một quốc gia có thể là một cuộc tấn công vào tất cả. Internet là một mạng lưới phô trương sức mạnh và tiềm năng của tất cả mọi thứ.
Và đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng nó rất quan trọng cho những người sử dụng, được bảo đảm các quyền tự do căn bản. Tự do bày tỏ suy nghĩ là quyền đầu tiên trong các quyền đó. Quyền tự do này không chỉ được xác định qua việc người dân có thể đi vào trụ sở thành phố và chỉ trích chính phủ của mình mà không sợ bị trừng phạt. Blog, email, các mạng xã hội, và tin nhắn đã mở ra diễn đàn mới để trao đổi tư tưởng và đã trở thành các mục tiêu mới cho sự kiểm duyệt”.
Phía Google cho rằng việc kiểm duyệt internet không chỉ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, mà còn gây tổn thất trong việc làm ăn của công ty. Bà Nicole Wong, Phó Chủ tịch và là Phó Tổng tư vấn Google nói với Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ rằng, việc kiểm duyệt các trang mạng có thể làm lợi cho các công ty internet ở Trung Quốc.
Bà Wong kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ xem xét việc kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới, với lý do Trung Quốc thiên vị các công ty internet địa, điều này vi phạm các nguyên tắc cơ bản trong giao thương quốc tế.
Cuộc chiến giữa công ty có công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới với một quốc gia đông dân nhất thế giới, kết quả sẽ ra sao?
Liệu Hoa Kỳ có kiện Google ra Tổ chức Thương mại thế giới hay không, hay là Google phải chấm dứt các hoạt động kinh doanh của mình ở Trung Quốc, hoặc là chính phủ Trung Quốc sẽ nhượng bộ Google, mời quý vị theo dõi những diễn biến sẽ xảy ra trong những ngày tới.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Google-vs-china-NTran-03092010163249.html