Phạm Hồng Lam
Vài suy nghĩ liên quan với bài giảng của Giám mục Mĩ Tho
Báo chí cho hay, cuối tháng 11 vừa qua, giáo hội công giáo việt nam đã tổ chức một lễ hội thật “hoành tráng”. Từ hán-việt „hoành tráng“ ở đây có nghĩa là gì, tôi không hiểu, chỉ mơ hồ nghĩ đó là một lễ hội rất lớn, xôm tụ và dĩ nhiên tốn bộn tiền.
[Theo dõi tin tức trong thời gian qua, tôi bị ám ảnh về cuộc hán-hoá đang diễn ra tại quê hương. Không những ngôn ngữ, hàng hoá, „công nhân“ trung quốc được mùa, mà cả cuộc sống văn hoá xã hội việt cũng đang được lãnh đạo việt cộng hướng về mẹ Hán. Kỉ niệm cuộc xâm lăng của Trung Quốc năm 1979, Đảng việt cộng cấm dân ghi ơn những cái chết vị quốc vong thân của dân mình, nhưng lại cho phép vinh danh những người lính phương bắc ngoại xâm như là anh hùng. Mừng sinh nhật 65 năm của quân đội họ, họ đưa hình bộ đội trung quốc lên các pa-nô dựng mừng khắp nơi. Một đoạn bài thơ của Bùi Chí Vinh đăng trên mạng Thông Luận (Hai Bài Thơ Đời) sau đây cho thấy phần nào bức tranh toàn cảnh:
Chào một ngày giống hệt mọi ngày
Sóng truyền hình phủ toàn phim Trung Quốc
Từ HTV, VTV, BTV, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… cho đến “cáp”
Hết “Triều Đại Mãn Thanh” đến “Đại Tống Truyền Kỳ”
Chào một ngày giống hệt mọi ngày
Đọc báo thấy cha ông mất hút
Thấy thiên hạ quỳ mọp dưới tượng đài Binh Pháp Mặc Công, Ngọa Hổ Tàng Long, Họa Bì, Xích Bích…
Con nít thuộc lòng Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Diệp Vấn, Diệp tùm lum hơn thuộc sử Tiên Rồng
Chào một ngày đất nước tự lưu vong
Cội rễ văn hiến 4000 năm trốc gốc
Tuổi teen gối đầu giường Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lạ hoắc
Pa-nô giăng khắp nơi hình ảnh Củng Lợi, Chương Tử Di, Thành Long phơi phới toét miệng cười…
Cuộc hán-hoá không phải mới gần đây. Nó đã diễn ra từ buổi Đảng về rồi cơ, từ ngày lãnh đạo cộng đảng việt nam đua nhau ăn bận theo lối đại-cán, giành nhau ăn chế độ đại-táo, bắt dân múa nhảy theo điệu Tàu. Có người cho hay, Hồ Chí Minh khi sắp chết cũng đòi nghe cho được một bản dân ca tàu rồi mới chịu nhắm mắt. Ngay cái tên nước cũng đã bị hán-hoá thành „Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt nam“, nữa là!]
Trở lại chuyện lễ hội. Có người hỏi, tổ chức cho thật „hoành tráng“ có cần lắm không? Tôi thấy í nghĩa của nó quan trọng hơn: Giáo hội việt nam mừng sinh nhật 350 tuổi đời và 50 tuổi hàng giáo phẩm độc lập, nghĩa là mừng sự trưởng thành của mình. Nói mừng „trưởng thành“ hẳn không sai, vì sách vở và các đấng bậc cấp cao của ta xưa nay vẫn khẳng định, việc thành lập hàng giáo phẩm việt nam (1960) nói lên sự trưởng thành của Giáo hội mình! Trước đây, đời người ngắn ngủi, nên người xưa coi tuổi 30 là đỉnh điểm của cuộc đời, là tuổi trưởng thành lập thân (tam thập nhi lập), vì có mấy ai sống tới 70 (thất thập cổ lai hi). Như vậy, với 50 tuổi đời, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không còn trẻ nữa; và Giáo hội việt nam, với 350 năm sinh thành, cũng đã là người lớn rồi.
Nhưng thế nào là „trưởng thành“?
Để diễn tả tình trạng „trưởng thành“, ngôn ngữ thế giới xem ra chỉ có một từ giống nhau, và từ này chỉ nói tới sự phát triển thể xác (và tinh thần) của một cá nhân, phát triển đến một mức nào đó (thường là đến 18 tuổi) để có thể khoác lên mình những bổn phận và quyền lợi công dân do luật pháp quy định. Đó là những từ tương đương của Pháp: mineur – majeur, Anh: minor – major, Đức: minderjährig – volljährig và Việt: vị (chưa) thành niên – thành niên (thành người lớn). Nhưng, ở chỗ này, ngôn ngữ Đức đặc biệt có một từ nữa để chỉ sự trưởng thành của cá nhân, đó là từ „mündig“. Khi nói về trưởng thành mặt luật pháp, người Đức dùng từ „volljährig“ (đã đầy tuổi). Nhưng khi muốn nói lên sự trưởng thành tinh thần và xã hội của một thiếu niên, người ta dùng từ „mündig“: Ab heute, du bist mündig geworden! Mündig là biến từ của Mund: cái miệng. Như vậy: „Ab heute, du bist nun mündig geworden“ có nghĩa: „Từ hôm nay, mày đã có miệng“. Nói khác đi: Từ nay mày đã có miệng để tự nói lên điều mày muốn, điều mày nghĩ.
Cũng vì thế, để giúp những người không - hay chưa - có miệng nói (trẻ em vị thành niên, người bệnh tâm thần, thiếu niên hư hỏng…) người ta lập ra định chế Vormundschaft (Nói thay). Một thiếu niên dưới 18 tuổi không có cha mẹ, luật pháp sẽ cử cho em đó một Vormund để „nói thay“ em. Một người già bắt đầu lẫn trí sẽ có một Vormund để nói thay đương sự trước các cơ quan công quyền về những chuyện liên hệ. Và toà án chuyên lo chuyện cử „người nói thay“ này mang tên Vormundschaftsgericht.
Như vậy, nếu hiểu „trưởng thành“ theo quan niệm của người Đức trên đây, thì Hội đồng Giám mục Việt Nam - cụ thể là các giám mục - đã có miệng. Có miệng thì tất phải nói, lẽ đương nhiên. Có miệng mà không nói tức là người câm. Khi giám mục Mĩ Tho Bùi Văn Đọc dùng lời tiên tri Giêrêmia để than thở: „Lạy Chúa, chúng con đây còn quá trẻ, chúng con không biết ăn nói“, ngài hẳn không hàm í là chúng tôi không biết nói. Trái lại, còn xác nhận: „Chúa chỉ đòi hỏi chúng tôi can đảm nói sự thật khi cần, dù phải trả giá bằng mạng sống“. Như vậy, các ngài im lặng, là vì chưa có sự thật nào đáng cho các ngài nói hoặc để cần nói đó thôi. Mà quả thật chưa có sự thật nào đáng nói? Hay…
các ngài chưa biết nói cái gì?
Để biện minh cho sự „thận trọng lời ăn tiếng nói“, cũng có nghĩa là sự im lặng, của mình và của các đồng nghiệp, Giám mục Mĩ Tho xác định: „Sứ mạng của các giám mục chúng tôi là một „sứ vụ tôn giáo“, chứ không phải là một nhiệm vụ chính trị“. Vấn đề mấu chốt là ở đây: Đâu là làn ranh giữa hai lĩnh vực tôn giáo và chính trị trong cuộc sống xã hội? Điểm này thường gây tranh cãi, vì thiếu rõ ràng trong nhận thức của nhiều người. Dĩ nhiên, các giám mục không phải là những lãnh tụ trần thế (dù có người vẫn thích) hay những dân biểu quốc hội, và Giáo hội không phải là một chính đảng chỉ biết loay hoay với việc tham chính. Những điều sơ đẳng này ai cũng hiểu và hẳn Giám mục Mĩ Tho cũng không muốn nói đến. Vậy phải chăng „sứ vụ tôn giáo“ chỉ là việc giảng kinh sách và đạo đức trong nhà thờ hay hội đường và chuyện truyền giáo mà thôi? Mà truyền giáo cũng chỉ là việc chiêu dụ người không tin hay chưa tin đi theo mình bằng cách vẽ ra cho họ hình ảnh thật đẹp về một thiên đường mai hậu mà thôi hay sao? Còn nhiệm vụ chính trị, trái lại, cũng chỉ hạn hẹp trong vòng tổ chức, kiếm tìm và nắm giữ quyền lực hay sao? Nếu cuộc sống xã hội rạch ròi đôi đường như vậy, thì chuyện „sống đức tin giữa lòng dân tộc“ (thư chung của HĐGMVN, 1980) và lời mở đầu Hiến chế mục vụ „Vui Mừng và Hi Vọng“ sau đây phải được hiểu như thế nào? „Vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô“. Khi đồng hoá vào mình mọi âu lo của cuộc sống con người bằng xương bằng thịt, nhất là của dân nghèo và người cô thế, thì Giáo hội có đồng hành với họ trong những âu lo và thao thức của họ về cái ăn cái mặc, về an ninh tinh thần và thể xác, về đòi hỏi nhân quyền, nhân phẩm, công lí, hoà bình… không? Hay đấy cũng chỉ là „chuyện chính trị“ phải tránh, phải „cẩn thận lời ăn tiếng nói“? Thật ra, trong đời sống hiện thực xã hội, không có lằn ranh nào cả, tất cả các lãnh vực sống quyện vào nhau. Con người là một toàn thể. Giáo hội phục vụ con người. Đụng đến con người là đụng đến Giáo hội. Mà chính trị là lãnh vực đụng đến nhân sinh nhiều nhất. Đó là lãnh vực của an sinh, giáo dục, nhân quyền, hoà bình, công lí, của mối liên hệ giữa người và người. Giáo hội vì thế không thể nào trốn „chuyện chính trị“ được. Nếu vậy, học thuyết xã hội công giáo đưa ra để làm gì?
Tóm lại, câu phát biểu của Giám mục Mĩ Tho nghe đúng bài bản, nhưng không soi sáng gì nhiều cho cuộc sống thực tế và cho hành động. Nó cho thấy các ngài đang mập mờ trong nhận thức, nên khó mở miệng, chứ không phải chưa có sự thật nào đáng để lên tiếng. Khi chưa biết nói gì mà „Cứ phải nói, dù không biết nói!“ hay „Không biết nói vẫn phải nói!“ thì e rằng có thể sẽ đâm ra nói bậy. Như thực tế đã thấy.
Cộng sản có phải là cái đáng khích bác không?
„Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ“. Giám mục họ Bùi đưa ra điểm này để làm sáng tỏ thêm việc phân ranh hai lãnh vực tôn giáo và chính trị của ngài. Nghĩa là, chuyện hoan hô hay đả đảo cộng sản là việc chính trị, xin đừng yêu cầu các giám mục chúng tôi làm theo. Điều này không có gì sai. Nhưng có hai điểm ở đây cần bàn. Thứ nhất, chuyện chính trị không chỉ có việc đả đảo hay hoan hô cộng sản mà thôi; và các giám mục cũng không chỉ bị yêu cầu phải đả đảo cộng sản mà thôi. Nếu chỉ vì thế mà im tiếng cả trước những gì phải nói, thì các ngài thiếu sòng phẳng. Thứ hai, chống cộng sản có phải là điều cần và đáng làm hay không?
Trong „Chuyện Kể Năm 2000“, Bùi Ngọc Tấn kể chuyện có những người tù, sau một hai chục năm bị cộng sản tước đoạt tự do và hành hạ cùng cực một cách vô cớ trong các trại tù, đến ngày được thả, họ xin được ở lại. Mà không chỉ có Bùi Ngọc Tấn kể chuyện như thế. Nhiều cuốn hồi kí về tù ngục cộng sản trên thế giới đều nói đến những trường hợp tương tự. Thái độ trên có thể được hiểu như vầy: Sau thời gian đằng đẵng bị làm cho thui chột nhân tính trong tù, các nạn nhân đã dần quen với cuộc sống bất nhân ở đó rồi; giờ đây họ sợ sẽ gặp phải những đổi thay choáng ngợp của cuộc sống bên ngoài trại tù. Cũng có thể họ không muốn ra, vì họ không biết sẽ phải làm gì để sống ngoài đó, không biết nhờ vả vào ai. Có những nạn nhân thực sự vui vẻ khi được ở lại. Giả như nếu có người bên ngoài, lúc đó, yêu cầu họ phản đối lại chính sách khủng bố man rợ của cộng sản và đả đảo bọn cai ngục bất lương, thì hẳn họ sẽ không làm và có thể sẽ trả lời: „Nếu các ông bà không thích họ, thì đừng xúi chúng tôi làm theo“. Họ không làm theo, có thể vì sợ bọn cai ngục đày đoạ thêm. Mà cũng có thể vì í chí và lương tri họ đã bị bẻ gẫy hoàn toàn. Thái độ trước cho thấy, dù sao, họ vẫn còn í thức được cái ác. Thái độ sau cho thấy tâm lí thực dụng đã thắng thế. Mà dù thực dụng có thắng, dù í chí và lương tri đã bị bẻ gẫy, thì bản chất man rợ của chế độ tù kia vẫn mãi là cái phải chống lại. Tội ác muôn đời vẫn là tội ác, phải chống. Bản chất của cộng sản là xấu. Chủ thuyết này đi ngược với mọi tôn giáo đích thực. Chẳng cần giáo lí công giáo phải dạy như thế. Đã là sự dữ thì phải chống. Có những tình huống không cho phép ta chống một cách công khai, nhưng như vậy không có nghĩa là không chống. Không (còn biết) chống lại sự dữ, không phải là con người lương thiện. Không còn í thức được sự dữ do thuyết cộng sản tạo ra cho loài người và không còn biết chống lại nó, chúng ta không phải là một ki-tô hữu lương thiện. Quả thật vô cùng khó hiểu: Khi chính đám cộng sản chính quy đã nhận ra cái sai của họ và đang xô nhau bỏ hồn chạy lấy của, thì lại có những người – được xem là hiểu biết – lại cố tình nhắm mắt trước cuộc „chạy loạn“ của đám kia.
Có người sẽ bảo, Giáo hội cũng dạy: chống chủ nghĩa chứ không chống người cộng sản. Ở đây cần hiểu cho rõ. Chống không đồng nghĩa với giết. Ki-tô hữu không được giết người, trừ trong những hoàn cảnh bất khả kháng phải bảo vệ sự sống của mình và của người. Nếu không còn biết phải chống lại sự dữ, thì không còn là ki-tô hữu chân chính. Cái lối giải thích phân biệt chủ nghĩa cộng sản và con người cộng sản trên đây của giáo chủ Gio-an 23 thường hay bị giải thích theo đường hướng thực dụng. Thật ra, trong một chế độ cộng sản chính thống và trước một con người cộng sản thứ thiệt, loại xác tín hoàn toàn vào chủ nghĩa và đi đúng đường lối, thì họ không để cho tôn giáo cơ hội chống họ nữa đâu. Không bao giờ có cái loại cộng sản „chân chính“ như nhiều trí thức đã và đang ngớ ngẩn hiểu. Những người này muốn dùng từ „chân chính“ để nói lên rằng đó là những người cộng sản còn có lương tri, những người cộng sản có lí tưởng nhân bản! Kẻ đã một thời lầm lỡ chạy theo cộng sản dùng khái niệm này để chạy tội hoặc để che đậy cái dại bị lừa hoặc cái ngu vì đã không hiểu gì về thực chất cộng sản của mình. Không, không bao giờ có cái loại „cộng sản chân chính“ theo lối hiểu kia. Chỉ có hoặc là „cộng sản chân chính“ – nghĩa là thứ cộng sản chính thống, đúng nghĩa – hoặc là „cộng sản giả hình“, nghĩa là không chân chính, là thứ trá hình cộng sản để khủng bố kiếm chác, chứ không phải cộng sản thực sự. Cộng sản là một thứ tôn giáo; nó có những giáo điều chuyên chính như đấu tranh giai cấp, vô sản toàn trị, triệt xoá tư hữu... Không thể có thứ cộng sản nửa vời. Cũng như không thể có ki-tô hữu vừa tin Chúa vừa không tin Chúa. Ở đây, chúng ta không nói chuyện cộng sản theo kiểu bàn tròn của mấy ông bà triết gia nơi tháp ngà. Mà nói chuyện cộng sản hiện thực, như nó đã được áp dụng trong tất cả mọi nước trên thế giới. Không, cộng sản thực sự không như vậy đâu, đó chỉ là do một số người hiểu và áp dụng sai! Làm sao lại có một „hiểu và áp dụng sai“ trong suốt toàn bộ quá trình lịch sử của chủ nghĩa cộng sản và trên tất cả mọi nơi, trong đó cộng sản nắm quyền?
Cộng sản trước và sau thập niên 1980´
„Đã có một thời cách đây 50 năm, có rất nhiều người ước ao được hiện diện, được rao giảng Tin Mừng Chúa Ki-tô tại các nước xã hội chủ nghĩa như Liên-xô, Đông-âu, Trung-cọng mà không được. Nay chính chúng tôi … được rao giảng Tin Mừng trong một nước cộng sản“. Đọc câu này, tôi hiểu ngay trong thập niên 1960´ đã có một linh mục Bùi Văn Đọc du học ở Âu châu. Đó là một giai đoạn quái lạ của thanh niên trí thức âu châu, mà lịch sử về sau gọi là thế hệ 68. Thời hoàng kim của Marxismus ở phương tây. Thời thế hệ thanh niên hậu chiến trong các nước âu châu tự do được ăn no học đủ đâm ra hồ nghi và đập phá mọi hệ thống giá trị đương thời. Đó là thời mà nhiều người trẻ có chút tri thức, hay muốn được coi là trí thức thời đại, thì phải theo tả, phải tỏ ra ta đây thông hiểu mác-xít, phải ồn ào xuống đường hô hào cách mạng và hoan hô Mác, Ché, Mao, Hồ. Một ông thầy Xã hội học của tôi kể, trong một giảng đường đại học ở Franfurt, nôi của Marxismus lúc đó, hôm đó đang cãi nhau về chủ nghĩa cộng sản. Bỗng một anh sinh viên đứng lên trịnh trọng: Thưa quý vị, Marx viết trong Tư Bản Luận, trang x, nơi cái ghi chú ở cuối trang số y, rằng… Anh thao thao nói, cả mấy trăm cô cậu sinh viên lặng như tờ, say sưa há miệng lắng nghe. Có thật Tư Bản Luận có trang ấy và ghi chú kia không, không ai biết. Mà có ông bà nào đã rớ tới tập sách dày cộm cân nặng hàng kí và chẳng ai muốn đọc đó đâu. Hay anh sinh viên kia cũng chỉ lập lại một kiểu cách thời thượng của lúc đó? Vậy đó, một cuộc lên đồng tập thể. (Đọc phần dẫn nhập cuốn Đức Tin Ki-tô Giáo - Hôm Qua và Hôm Nay của giáo chủ Biển-đức 16 sẽ thấy rõ hơn một phần cuộc lên đồng tập thể đó tại Đức). Và các chế độ cộng sản ở Liên-xô, Tàu, Đông Âu được thế hệ 68 nhìn dưới cặp kính lên đồng đó. Vậy thì không lạ gì việc „nhiều người lúc đó ước ao“ (như Giám mục Mĩ Tho cho hay) được vào thiên đường xã hội chủ nghĩa để giảng đạo cho tập đoàn cộng sản thứ thiệt. Không biết linh mục Bùi Văn Đọc lúc đó có mang ước mơ lãng mạn và hão huyền đó không, chứ có nhiều linh mục mê say cộng sản, nhưng không chịu vào hang cọp giảng tin mừng, mà lại tìm cách ở lì trên phần đất tự do để được yên thân và tự do phổ biến tin dữ. Dĩ nhiên, các chế độ cộng sản đã chẳng ngu gì cho họ vào để giảng đạo, trong lúc chính chúng đang ra sức tận diệt tôn giáo, đặc biệt là Ki-tô giáo, trên các phần đất chúng chiếm được. Chính sách của cộng sản – thứ cộng sản đúng nghĩa, thứ thiệt, cho tới khi nó bỗng dưng rã óc chết vào đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, là tận diệt Ki-tô giáo, tận diệt bằng cách trước hết bóp chết dần hàng giáo sĩ. Hết giáo sĩ là hết giáo hội. Không cần nói chuyện bên Nga bên Tàu. Cứ nhìn vào giáo hội công giáo ở miền Bắc đủ rõ. Hãy cầm lấy cuốn Hồi Kí của cố giám mục Lê Đắc Trọng vừa do nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân tái bản đọc mà xem. „Rất nhiều người mơ ước“ được vào giảng đạo cho cộng sản kia, lúc đó, đâu biết được rằng, các giáo hội công giáo trong thế giới cộng sản đang phải chiến đấu trong cơn hấp hối! Họ đâu biết rằng, trong suốt 35 năm giáo hội này chỉ còn một đường duy nhất là tìm cách để sống còn, để may ra kéo dài sự sống được thêm ngày nào hay ngày đó. Giáo hội này, trên thực tế, may mắn đã sống sót, một phần là vì Đảng cộng sản đang phải vào Nam mở chiến tranh dành dân chiếm đất thêm cho ông chủ Đệ tam quốc tế; họ không thể vừa phải dồn mọi nỗ lực cho cuộc chiến, vừa tạo thêm phân rã nhân tâm ở miền Bắc. Và giáo hội công giáo trên hai miền Mam Bắc, sau đó, may mắn đã thoát chết nhờ sự thất bại cai trị của cộng sản, khiến nạn đói xẩy ra vào đầu thập niên, và nhất là nhờ cái chết bất đắc kì tử của chủ nghĩa cộng sản vào cuối thập niên 80´. (Để rõ thêm, đọc: Chính sách của Đảng cộng sản việt nam đối với công giáo, trong tuyển tập 30 Năm Công Giáo Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1975-2005. DĐGD xuất bản 2005). Những điều đó các đầu óc lãng mạn và hão huyền 68´ lúc đó dĩ nhiên không thấy. Nhưng với thời gian, họ đã người trước kẻ sau trắng mắt ra cả rồi. Không hiểu Giám mục Mĩ Tho có thấy ra cái ngớ ngẩn của „rất nhiều người… đã một thời cách đây 50 năm“ mà ngài đã nói ở trên hay không“! Nên nhớ: thập niên 50´, 60´, 70´ là thời hoàng kim của cộng sản và cũng là giai đoạn cộng sản truy diệt đạo tàn bạo nhất. Thật vô cùng may cho dân tộc việt nam. Nếu ngay từ đầu Đảng cộng sản chiếm được cả nước thì chắc chắn đã không có cái lễ hội „hoành tráng“ kia được đâu.
Cần phải phân biệt hai thời điểm và hai loại cộng sản của trước và sau thập niên 80´. Cộng sản trước 80´ là loại chính quy, thứ chính thống, đi đúng giáo điều. Đó là thời của những người con ưu tú của chủ nghĩa như Marx, Lenin, Stalin, Mao, Polpot, Castro, Minh (Hồ), cha con Kim Nhật Thành, Ceausescu… và những tập đoàn tay sai nhiệt thành mọi cấp của họ. Còn loại sau 80´ thực chất không còn là cộng sản đúng nghĩa nữa đâu, cho dù cái ác vẫn là động cơ chính cho hành động của họ. Họ đã bị phá sản. Họ chỉ đội lốt cộng sản để tiếp tục „cướp quyền“ và vơ vét trong buổi chợ chiều. Đối với loại „cộng sản“ này, chẳng còn phân biệt mèo trắng mèo đen gì nữa, miễn là chúng bắt được chuột để nhét đầy túi tham của họ. Chẳng ai trong họ còn tin một chút gì vào các nguyên lí chủ nghĩa của Mác-Lê, của Mao hay tin vào thứ đạo đức quái quỷ của Minh Hồ nữa đâu, cho dù họ vẫn khôn khéo tiếp tục dùng những hình nộm ấy để lừa nhi đồng và những người dân chất phác. Đấy chính là thứ „cộng sản“ mà các giám mục việt nam, như Giám mục Mĩ Tho cho hay, nay đang có cơ hội tươi cười giảng Tin Mừng cho họ. Vì đã rỗng ruột, không còn đủ sức tận diệt tôn giáo, họ đành phải quay ra kế sách kiềm chế tôn giáo. Vừa kiềm chế theo khả năng, vừa phải chấp nhận thoả hiệp chung sống trong chừng mực bó buộc.
Nếu không phân biệt rõ điều trên đây, câu phát biểu của Giám mục Mĩ Tho có thể sẽ là một miệt thị đau đớn đối với những khổ nhục đắng cay phải chịu của các giáo hội công giáo dưới các chế độ cộng sản trước đây.
Augsburg, 08.03.2010