Montag, 22. März 2010

Trung Quốc: Lợi và hại khi đồng Nhân dân tệ tăng giá

Giám đốc Sở nghiên cứu kinh tế quốc tế thuộc trường Đại học Triết Giang Trung Quốc – ông Triệu Vỹ cho biết, hiên nay, thị trường khá quan tâm tới vấn đề nâng giá đồng Nhân dân tệ. Vậy việc nâng giá đồng Nhân dân tệ sẽ mang đến lợi và hại gì? Theo ông này, Mỹ muốn đồng Nhân dân tệ tăng giá, nhưng không trực tiếp nói thẳng, mà cho rằng, Trung Quốc thao túng ngoại tệ, chính trị hóa vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, các tài liệu phân tích của Ngân hàng Thế giới xem xét theo góc độ kinh tế lại cho rằng, việc tăng giá đồng NDT theo mức độ vừa đủ sẽ có lợi cho việc xử lý lạm phát.

Nhiều người nhận định, “nền kinh tế nội địa vừa mới khôi phục, vẫn còn yếu ớt, duy trì sự ổn định của tỷ giá tiền tệ có thể giữ được tính dự báo của các chính sách, cho nên Trung Quốc đã phản ứng cứng rắn cho rằng, việc Mỹ yêu cầu đồng Nhân dân tệ tăng giá là vô lý”. Song ông Triệu Vỹ lại không đồng ý với quan điểm đồng Nhân dân tệ không thể tăng giá, nói đồng Nhân dân tệ tăng giá đồng nghĩa với việc đem lại mối hiểm họa cho nền kinh tế trong nước. “Mọi người thường lấy trường hợp đồng Yên tăng giá vào cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước khiến nền kinh tế Nhật Bản sụp đổ để so sánh, nhưng kỳ thực, một số nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế Nhật Bản lại chứng minh, khi đồng Yên tăng giá sẽ mang lại không ít lợi ích cho Nhật Bản, ngăn chặn được lạm phát, ngành sản xuất nhu cầu nội địa cũng tăng lên, đời sống người Nhật cũng được nâng cao hơn, còn về sự sụp đổ kinh tế sau đó kỳ thực là do chính phủ Nhật Bản không kiểm soát được vấn đề tài chính, do đó không thể quy kết đổ lỗi hết cho việc đồng Yên tăng giá”, ông Triệu nhấn mạnh

Theo quan điểm của ông Triệu Vỹ, đồng Nhân dân tệ tăng giá vừa có lợi vừa có hại cho nền kinh tế Trung Quốc, vì thế cần phải phân tích cụ thể, “Nâng giá đồng Nhân dân tệ sẽ giúp khống chế được lạm phát, nguồn nguyên liệu mà Trung Quốc nhập từ nước ngoài sau khi đơn vị tiền tệ nước nhà tăng giá sẽ rẻ hơn, sự tăng giá của năng lượng như giá dầu thô nước ngoài cũng có thể được hạ thấp; Hai là có lợi cho việc điều chỉnh cơ cấu, những ngành nghề phụ thuộc cao độ vào thương mại nước ngoài sẽ chuyển hướng sang tiêu dùng nội địa, còn những ngành nghề phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nội địa cũng sẽ chuyển phụ thuộc vào các yếu tố ngoại địa; Ba là có lợi cho việc kích thích nhu cầu trong nước, sau khi đồng Nhân dân tệ tăng giá sẽ giúp nâng cao được thu nhập trong nước, việc này đồng nghĩa với việc sức mua cũng tăng theo.

Vậy thì điểm bất lợi của việc nâng giá đồng Nhân dân tệ nằm ở đâu? Đồng Nhân dân tệ tăng lên sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm, nếu lợi nhuận của một số doanh nghiệp Trung Quốc bị hao hụt đi, sẽ khiến các doanh nghiệp này phải đóng cửa, từ đó khiến cho các công nhân mất việc làm. Theo ông Triệu, hành động ép buộc nâng giá tiền tệ của quốc gia có thặng dư thương mại nhằm giảm thiếu thâm hụt thương mại cho mình là mánh khóe mà Mỹ sử dụng. Trước đó, nước này cũng đã từng áp dụng với Đức, Nhật Bản. Tuy nhiên, đồng Mác Đức và đồng Yên Nhật khi đó sau khi tăng giá không cho thấy đã cải thiện được tình hình thâm hụt thương mại Mỹ.

Hiện nay, đồng Nhân dân tệ đương nhiên không thể nói tăng là tăng chỉ vì lời yêu cầu độc đoán của Mỹ, nhưng xét về lâu dài, tăng giá là một xu thế lớn. Sức mạnh quốc gia Trung Quốc cũng đang tăng lên, trước kia tổng khối lượng kinh tế của Trung Quốc còn chưa tới 10% của Mỹ, nhưng GDP năm 2009 đã tương đương với 36% của Mỹ, năm 2010 dự đoán sẽ đạt 38% của Mỹ, vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông Triệu Vỹ cho rằng, việc tăng giá đồng NDT cần phải cân nhắc vấn đề thời cơ, muốn xem xét tình hình lạm phát, không thể tăng giá đồng NDT một cách nhanh chóng, phải đánh giá từ từ.

T. H (Theo Hexun)
http://vitinfo.com.vn/Muctin/Kinhte/Chinhsach/LA74469/default.htm