Freitag, 12. März 2010

Sáng kiến tự do Internet toàn cầu, tin tặc và Việt Nam

Trần Văn, RFA

2010-03-12 - Hôm 8/3, Ban Quản trị hai diễn đàn điện tử X-Cafe và Dân Luận đã tuyên bố tạm đóng cửa cho đến 22/3 để “bảo trì, nâng cấp và tạo những thay đổi cần thiết”, nhằm “tạo một môi trường sinh hoạt an toàn hơn cho mọi thành viên”.
Ảnh chụp từ trang web X-Cafe. RFA photo
Thông báo "Diễn đàn sẽ tạm gián đoạn" của BQT diễn đàn X-Cafe.

Hôm sau, 9 tháng 3, tại Washington D.C, hai dân biểu: David Wu và Chris Smith đã cùng các tổ chức: Nhà báo Không biên giới, Quan sát Nhân quyền quốc tế, giới thiệu dự luật về Tự do Internet toàn cầu. Hai sự kiện, xảy ra ở hai nơi cách nhau nửa vòng trái đất có liên quan gì với nhau?

Bổn cũ soạn lại

Lý do Ban Quản trị các diễn đàn điện tử X-Cafe và Dân Luận quyết định tạm đóng cửa cả hai diễn đàn cho đến ngày 22 tháng 3, vẫn là vì tin tặc. Cả X-Cafe lẫn Dân Luận cùng bị tin tặc tấn công liên tục suốt từ trung tuần tháng giêng đến cuối tháng 2.

Ngày 28 tháng 2, tin tặc giả dạng thành viên, đặt đường dẫn có virus, bẫy một thành viên của Ban Quản trị và lấy được thông tin đăng nhập vào khu vực quản trị của diễn đàn.

Ban Quản trị X-Cafe cho biết: Sau nhiều giờ thâm nhập, tin tặc đã tải được hồ sơ của khoảng 19.000 thành viên, trong đó có khoảng 7.000 thành viên đang sống tại Việt Nam, rồi dùng những dữ liệu đã ăn cắp được để gửi email, thông báo diễn đàn sẽ đóng cửa hoặc dọa dẫm các thành viên trong nước.

Thậm chí, ‘tin tặc đã đưa toàn bộ thông tin về thành viên của diễn đàn lên một website khác nhằm gây hoang mang, sợ hãi cho các thành viên ở trong nước.’

Theo Ban Quản trị hai diễn đàn điện tử X-Cafe và Dân Luận, các đợt tấn công ồ ạt, diễn ra từ lúc chính quyền Việt Nam xét xử và kết án Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung.

Họ nhận định: Điều đó cho thấy đây là hành động có hệ thống và có chỉ đạo hẳn hoi. Nó được kết hợp với sự việc các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đồng loạt dỡ bỏ tường lửa để tin tặc có thể dùng nhiều máy trong nước tấn công vào máy chủ của diễn đàn. Đây là một tấn công kéo dài liên tục trong nhiều ngày với một hệ thống botnet hỗ trợ với gần 40.000 máy tham gia...

Vụ đột nhập khu vực quản trị của diễn đàn điện tử X-Cafe hôm 28 tháng 2, được cho là một hành động có tổ chức, vì có nhiều người tham gia từ các máy tính xuất phát ở Việt Nam. Trong số máy tính được sử dụng, có cả máy tính từ Trung Quốc.

Từ khi 4 nhà dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Lê Công Định (từ trái sang) bị xét xử, trang X-Cafe liên tục bị tấn công. AFP photo Đáng chú ý là qua những phương pháp mà tin tặc sử dụng để viết thông báo giả, qua nội dung trình bày thông báo, Ban Quản trị các diễn đàn điện tử X-Cafe và Dân Luận tin rằng: Đây chính là nhóm tin tặc đã thực hiện các hành động thâm nhập vào các diễn đàn điện tử Talawas, Bauxite Vietnam và blog của các cá nhân trong thời gian vừa qua.

Tình trạng tin tặc tấn công, vô hiệu hoá, tước quyền kiểm soát, xoá toàn bộ dữ liệu, gài virus trên các trang web, blog Việt ngữ, có tính chất như diễn đàn điện tử, chuyên tiếp nhận, truyền tải thông tin, ý kiến khác biệt với quan điểm, ý muốn của chính quyền Việt Nam đang càng ngày càng phổ biến.

Chuyện của cộng đồng quốc tế?

Dẫu chưa có bất kỳ cuộc điều tra chính thức nào về những vụ tấn công các website Việt ngữ, nhằm xác định, ai đứng phía sau những vụ tấn công ấy, song gần như ai cũng tin các cuộc tấn công này có dính líu đến chính quyền Việt Nam.

Giống như các quốc gia khác, Việt Nam xem việc tấn công, chiếm đoạt quyền điều khiển website nào đó, rồi xoá dữ liệu, thậm chí phát tán virus để xâm nhập các máy tính truy cập vào website ấy là là tội phạm hình sự, song bất kể dư luận, đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn hoàn toàn im lặng, án binh bất động trước các vụ việc vừa kể.

Có thể vì thế nên Ban Quản trị các diễn đàn điện tử X-Cafe và Dân Luận cho biết: Chúng tôi đã thu thập toàn bộ những chứng cứ liên quan đến vụ việc này và đã điền hồ sơ truy tố những hành động phạm pháp mang tính quốc tế này với cơ quan IC3 trực thuộc FBI của Hoa Kỳ.

Những cuộc tấn công các trang web, blog Việt ngữ trong thời gian vừa qua nhằm mục đích gì? Ban Quản trị diễn đàn điện tử X-Cafe tâm sự: Sự việc đã tác động mạnh đến các thành viên ban quản trị diễn đàn X-Cafe, làm chúng tôi mệt mỏi, thậm chí muốn rút lui ra khỏi cuộc chiến không cân sức này.

Tuy nhiên, khi cân nhắc về những gì đang xảy ra trong xã hội Việt Nam hiện nay, chúng tôi thật sự thấy mình cần phải tiếp tục vượt qua các khó khăn này, tạo ra và đảm bảo một môi trường tự do ngôn luận không bị quản chế bởi bất kỳ một thế lực chính trị nào để mỗi thành viên của diễn đàn được bày tỏ quan điểm của mình nhằm đòi hỏi những quyền chính đáng của một công dân bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do bày tỏ ý kiến của mình.

Đó cũng là tâm sự chung của nhiều nạn nhân đang quản trị các trang web, hoặc là chủ những blog bị tấn công.

Không phải ngẫu nhiên mà năm nay, chính quyền Việt Nam tiếp tục bị xem là một trong 10 “kẻ thù của Internet”. Trong thông báo mới nhất nhân “Ngày thế giới chống kiểm soát Internet”, Phóng viên Không biên giới – tổ chức thực hiện việc khảo sát, xếp hạng, công bố danh sách những “kẻ thù của Internet” - vừa lên tiếng kêu gọi Cộng đồng châu Âu ngưng các cuộc đối thoại về nhân quyền với chính quyền Việt Nam, xem đó như cách biểu thị thái độ không đồng tình với chính quyền Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ, hai dân biểu David Wu và Chris Smith cũng vừa tổ chức họp báo công bố “Sáng kiến Tự do Internet toàn cầu”, với sự hỗ trợ của các tổ chức: Nhà báo Không biên giới, Quan sát Nhân quyền quốc tế, nhằm thúc đẩy cả chính phủ lẫn doanh giới Hoa Kỳ tham gia tích cực hơn vào tiến trình bảo vệ tự do trên Internet.

“Sáng kiến Tự do Internet toàn cầu” được đính kèm với dự luật “Tự do Internet 2010”, sẽ gửi cho Quốc hội Hoa Kỳ. Theo ông David Wu: Dự luật Tự do Internet 2010 thiết lập một cơ chế để bảo vệ và tuyên truyền về tự do Internet.

Cơ chế này sẽ có các hình thức hỗ trợ và giải thưởng dành cho các công ty tư nhân, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu phát triển các công nghệ nhằm đánh bại việc đàn áp và kiểm duyệt Internet.

Liệu phản ứng và các nỗ lực hỗ trợ cho tự do Internet toàn cầu của cộng đồng quốc tế sẽ giúp chấm dứt giai đoạn tin tặc tung hoành trên Internet?