Mittwoch, 17. März 2010

Báo chí và… quyền được sai

Đoan Trang

Ở phương Tây, khi đưa tin có phần lệch sự thật, báo chí vẫn có thể được thoát trách nhiệm với điều kiện: Phải vì lợi ích công và không cẩu thả.

Hội thảo khoa học quốc tế về “chống xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đăng tin sai sự thật trên các phương tiện truyền thông” (ngày 10-3, tại Hà Nội) đã mở ra vấn đề cần phải cân phân giữa quyền của báo chí và quyền của công dân.
Tiếp nội dung hội thảo, một khía cạnh khác được khơi lên: Báo chí được đưa thông tin tới ngưỡng nào?

Bị cung cấp tin sai thì sao?

Một trong những vụ án hình sự nổi tiếng liên quan tới giới báo chí Việt Nam cách đây vài năm có chi tiết là cơ quan công an cho rằng nhà báo đã đưa những thông tin “không đúng sự thật, trong đó có những tin đang trong quá trình điều tra, có tin không có trong hồ sơ vụ án; việc đăng tải những thông tin trên đây trên các phương tiện thông tin là rất nghiêm trọng, đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật…”.

Vụ án đặt ra một loạt vấn đề khiến các nhà báo băn khoăn: Báo chí phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các tin bài họ đăng tải. Điều đó liệu có ảnh hưởng vai trò báo chí trong công cuộc phục vụ lợi ích công?

Tại hội thảo nói trên, nhà báo Xuân Trung của báo Tuổi trẻ cũng đã một lần nữa nhắc lại băn khoăn đó khi ông nêu câu hỏi đại ý: Nhà báo lấy thông tin từ cơ quan điều tra thì sau đó nếu thông tin sai có được hưởng quyền miễn trừ không?

Quyền miễn trừ cho nhà báo là khái niệm chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, song đã có mặt trong hệ thống luật pháp của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Phần Lan, Úc, Philippines…

Sự thật trước tiên

Cơ sở biện hộ cho nhà báo ở mỗi nước có khác nhau, tuy nhiên khái quát thì có hai loại “công cụ” chủ yếu: thứ nhất, sự thật; thứ hai, quyền miễn trừ.

Một nhóm nghiên cứu của TS Hoàng Đình Cúc (Giám đốc Học viện Báo chí và Truyền thông Hà Nội) và bà Trần Lệ Thùy (nghiên cứu viên báo chí Đại học Oxford, Anh) viết rằng: “Sự thật là cơ sở bào chữa toàn diện trong các vụ kiện xúc phạm danh dự, bôi nhọ, phỉ báng. Nếu bài báo bị kiện được chứng minh là nhìn chung viết đúng sự thật thì sẽ được pháp luật bảo vệ”. Tất nhiên báo chí sẽ phải rất tốn kém cả về thời gian và chi phí.

Chẳng hạn, vào năm 1987, đài truyền hình Scotland STV phát một chương trình “Tội ác chiến tranh” tố cáo công dân Anthony Gecas tham gia giết hại hàng ngàn người Do Thái. Gecas đâm đơn kiện. STV buộc phải bỏ tiền thuê chuyên gia chứng minh cho những sự việc xảy ra từ nửa thế kỷ trước. Cuối cùng, nhờ chứng minh được là đã đăng tải nội dung đúng sự thật nên STV thắng kiện. Vụ này ngốn mất một khoản chi phí tới 1,5 triệu bảng.

Nếu bên bị không chứng minh được thông tin là đúng sự thật, hoặc nhà báo đã làm đủ cách để điều tra, kiểm chứng mà thông tin vẫn sai, khi đó nhà báo sẽ cần tới loại “công cụ” thứ hai: quyền miễn trừ.

Sức mạnh của quyền miễn trừ

Các nước theo truyền thống luật của Anh, Mỹ định ra hai loại quyền miễn trừ: toàn phần và bán phần.

Báo chí được trao quyền miễn trừ toàn phần khi tường thuật chính xác và công bằng về “một cơ quan lập pháp ở bất cứ đâu trên thế giới, một tòa án pháp luật ở bất cứ đâu trên thế giới, một cuộc điều tra công khai của chính phủ hoặc cơ quan lập pháp ở bất cứ đâu trên thế giới…”.

Nhìn chung, báo chí nơi đây thường được hưởng quyền miễn trừ bán phần hơn là toàn phần. Tiêu chuẩn hưởng miễn trừ bán phần có thể khác nhau tùy mỗi nước nhưng cũng chia sẻ một số nguyên tắc chung: Nhà báo có thể được miễn trừ bán phần khi thông tin mà họ đăng tải có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ lợi ích công. Chẳng hạn: đưa tin về các cuộc họp công khai, về các văn bản của chính quyền, tin liên quan tới những cơ quan công quyền như công an, cảnh sát, cứu hỏa, bệnh viện và trường học công…

Ngoài ra, nhà báo ở phương Tây còn được bảo vệ trong nhiều trường hợp khác được luật quy định rất cụ thể. Chẳng hạn, khi những thông tin bị quy là “xúc phạm danh dự, uy tín” mà tờ báo đưa ra là sự thể hiện ý kiến, quan điểm hơn là trình bày dữ kiện. Sở dĩ có quy định này là vì người ta cho rằng các ý kiến, quan điểm có thể lúc đúng lúc sai.

Phương Tây còn có điều khoản “truyền bá thông tin do ngốc nghếch” (innocent dissemination). Theo đó, bị đơn là nhà báo có thể được miễn trừ nếu anh ta thật sự không biết rằng đưa tin như thế là xâm hại uy tín, danh dự. Tuy nhiên, nếu sự không biết này là do cẩu thả thì lại không được miễn trừ.

------------------------------
Phép thử Reynolds

Tòa án Anh đưa ra “phép thử Reynolds” gồm 10 bước để kiểm tra xem một nhà báo hay tờ báo có đạt tiêu chuẩn hưởng quyền miễn trừ bán phần hay không. Chẳng hạn: Nhà báo đã liên hệ, đã trích dẫn lời của bên bị xúc phạm danh dự chưa hay mới chỉ đưa tin một chiều? Vấn đề có cấp bách đối với công chúng tới mức nhà báo không thể kiểm chứng thông tin trước khi đăng bài?
Chữ Reynolds lấy từ tên cựu Thủ tướng Ireland Albert Reynolds. Năm 1994, tờ Sunday Times có bài viết cho rằng ông Reynolds đã lừa dối nghị viện. Tựa đề bài viết là “Goodbye Gombeen Man” (tạm dịch: “Chào nhé, nhà cho vay nặng lãi”, nhái một thành ngữ Ireland để mô tả những kẻ khôn khéo, lừa đảo). Ông Reynolds kiện và thắng, được bồi thường một xu tiền danh dự.
Tuy nhiên, Thượng viện Anh sau đó đã quyết định cho báo chí được sử dụng “phép thử Reynolds”. Theo đó, báo chí có thể đăng tải những thông tin sai và xúc phạm danh dự nếu họ chứng minh được rằng việc đưa tin đó là vì lợi ích công và họ đã làm việc một cách có trách nhiệm.