Toà phúc thẩm vừa i án 11 năm tù đối với một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi danh nhất ở Trung Quốc: Lưu Hiểu Ba. Sau đây là một phần bài biện hộ đã không được phép đọc trước toà của ông. Phạm Hồng-Lam chuyển Việt ngữ từ bản dịch Đức ngữ của Miguel A. Zamorano (Die Zeit, số 7, ngày 11.02.2010)
Tháng sáu năm 1989 (khi những cuộc biểu tình chống đối của sinh viên ở Thiên An môn bị dập tắt, ghi chú của người dịch), cuộc đời 50 năm của tôi có một đổi thay lớn nhất từ trước cho tới lúc đó. Trước đó, tôi là một trong những sinh viên đầu tiên thi vào đại học được mở lại sau cuộc cách mạng văn hoá. Con đường công danh đại học của tôi, từ những năm học cho tới việc thi cử nhân và tiến sĩ, diễn ra trong bằng phẳng nhẹ nhàng. Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại dạy tại Đại học Tổng hợp Bắc-kinh. Tôi là một giảng sư rất được các sinh viên mến. Thời gian đó, tôi cũng phổ biến nhiều bài báo và nhiều cuốn sách gây chú í. Tôi thường được mời sang thỉnh giảng và thăm viếng Âu châu và Hoa-kì.
Tôi luôn tự bắt mình phải sống thành thật và trách nhiệm, sao cho đúng với phẩm giá của một con người và một tác giả. Sau khi từ Hoa-kì về để tham gia phong trào 1989, tôi bị tống giam vì tội „tuyên truyền phản cách mạng và xúi dục bạo hành“. Từ đó, sách tôi bị cấm và không còn được phát biểu công khai ở Trung Quốc.
Chỉ vì khác chính kiến, chỉ vì tham gia phong trào dân chủ bất bạo động, mà một giảng sư có thể mất chỗ dạy; mà một trí thức có thể không được phát biểu trước công chúng, và một tác giả bị tước quyền viết sách. Đấy là điều thật buồn, không những cho tôi, mà cho cả một đất nước đã mở ra và đổi mới từ ba mươi năm nay.
Sau ngày 4 tháng 6 năm 1989, những kinh nghiệm thảm khốc nhất của tôi tất cả đều liên quan tới toà án: hai buổi thẩm vấn công khai trước toà án nhân dân ở Bắc-kinh trong tháng giêng 1991 và buổi thẩm vấn lần này. Mỗi lần bị tố một tội khác, nhưng nội dung tựu trung đều là một: Tôi vi phạm luật, vì tôi đã nói lên quan điểm riêng của mình.
Ngày mùng 4 tháng 6 đã khiến tôi quyết định bước vào con đường bất đồng chính kiến. Từ khi ra khỏi nhà tù Qingcheng năm 1991, tôi bị tước quyền phát biểu công khai. Tôi chỉ còn cách thực hiện quyền đó qua các phương tiện truyền thông ngoại quốc. Nhiều năm dài tôi bị theo dõi, canh chừng và tống vào trại lao công cải tạo. Giờ đây tôi lại bị những kẻ thù của tôi trong chế độ đàn áp. Nhưng tôi muốn nói cho chế độ đang tước đoạt tự do của tôi hay rằng: Tôi chẳng coi ai là kẻ thù cả. Những người công an canh chừng, bắt giữ và thẩm vấn tôi, cũng như những công tố viên luận tội tôi và những quan toà kết án tôi, tất cả đều không phải là kẻ thù của tôi. Tôi không chấp nhận sự canh chừng, bắt bớ và kết án của các anh, nhưng tôi kính trọng nghề nghiệp và nhân cách của các anh.
Hận thù tiêu diệt trí tuệ và lương tri của một con người. Lối suy nghĩ thù địch có thể nhiễm độc tinh thần của một dân tộc, phá vỡ lòng bao dung và tình nhân ái, và làm chệch hướng con đường đi tới tiến bộ và dân chủ. Tôi hi vọng có thể dùng những í hướng tốt của mình để chống lại sự thù địch của chế độ và lấy tình yêu để hoá giải hận thù của họ.
Chính sách đổi mới và mở cửa đã đưa quốc gia và xã hội tiếp tục đi lên. Chúng ta đã bắt đầu bỏ lại sau lưng nguyên lí „đấu tranh giai cấp“, nguyên lí đã được triệt để áp dụng dưới thời Mao. Thay vào đó, chúng ta đã nỗ lực làm cho kinh tế phát triển và xã hội ổn định. Chúng ta đã từ giã „triết lí đấu tranh“ và lối nghĩ thù địch. Nhờ đó, không những kinh tế thị trường có cơ hội khai sinh, mà đa dạng văn hoá cũng đã được nẩy nở. Đất nước đã từ từ trở thành một quốc gia pháp quyền hơn. Ngay cả trong lãnh vực chính trị, lãnh vực chậm tiến bộ nhất, nhờ có pháp quyền, cũng đã tỏ ra khoan dung hơn với xã hội và bớt đàn áp thô bạo hơn những người bất đồng chính kiến. Phong trào 1989 không còn được kết án là „phản loạn có xúi dục“ nữa, mà là một cuộc „nổi dậy chính trị“.
Việc chấm dứt lối nghĩ thù địch cũng đã khiến cho giới lãnh đạo biết chấp nhận tính phổ quát của nhân quyền. Năm 1998, Trung Quốc đã hứa kí nhận hai bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế của Liên-hiệp-quốc; như vậy, Trung Quốc đã công nhận các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế chung và có bổn phận phải thi hành chúng. Năm 2004, lần đầu tiên Quốc hội nhân dân khẳng định „nhà nước tôn trọng và bảo đảm nhân quyền“. Đó là tín hiệu cho thấy nhà nước sẽ chấp nhận các nhân quyền như là nguyên tắc căn bản của một quốc gia pháp quyền.
Từ trong lao tù, tôi đã nhìn ra í nghĩa của tiến trình to lớn đó. Tôi khẳng định sự vô tội của tôi và việc kết tội tôi là điều vi hiến. Nhưng từ hơn một năm mất tự do tới nay, tôi đã phải trải qua hai nhà tù, bị bốn sĩ quan công an thay nhau canh gác, ba công tố viên và hai quan toà hạch hỏi. Họ đã không tỏ ra bất kính đối với tôi, đã không kéo dài thời gian thẩm vấn cũng như đã không ép cung tôi.
Tôi tin tưởng vững chắc rằng, cuộc phát triển chính trị tại Trung Quốc sẽ không bao giờ dừng lại. Tôi vô cùng lạc quan chờ đợi làn gió tự do một mai sẽ thổi tới Trung Quốc, bởi vì không một sức mạnh địa cầu nào có thể cản ngăn được khát vọng tự do của con người. Trung Quốc rồi ra sẽ là một quốc gia trong đó pháp quyền và nhân quyền sẽ được đưa lên vị trí hàng đầu. Tôi cũng hi vọng sẽ nhìn ra sự tiến bộ ngay trong phiên toà sắp tới đây, và sẽ thấy được một bản án đứng đắn, một bản án có thể trụ nổi trước lịch sử.
Nếu quý vị hỏi tôi, đâu là kinh nghiệm hạnh phúc nhất trong hai thập niên vừa qua của tôi, tôi sẽ trả lời, đó là tình yêu xả thân của người vợ Lưu Hiền của tôi. Và dù anh có bị nghiền nát thành tro bụi, thì tro anh cũng sẽ ôm em vào lòng.
Có tình yêu của em, anh yên tâm ra toà, chẳng chút hối tiếc gì về những quyết định của mình và vững tin vào ngày mai. Tôi mừng cho đất nước tôi, một đất nước của tự do phát biểu, trong đó mọi cái nhìn của người dân không bị phân biệt đối xử, mọi quan điểm chính trị đều có được cơ hội phát biểu, người dân có thể tự do đi bầu, tự do phát biểu không phải sợ hãi, và không bị đàn áp khi nói lên quan điểm riêng của mình. Tôi hi vọng, tôi là nạn nhân cuối cùng của cuộc thanh trừng văn hoá tại Trung Quốc này, và từ nay sẽ không còn ai bị tù đày vì quan điểm riêng của mình nữa.
Tự do phát biểu là nền tảng của các nhân quyền, là nguồn cội của tình người và là bà mẹ của sự thật. Cấm tự do phát biểu có nghĩa là dẫm đạp lên nhân quyền, siết cổ tình người và bóp nghẹt chân lí.
Tôi không thấy mình có tội, khi thực hiện quyền phát biểu tự do đã được ghi sẵn trong hiến pháp; khi chu toàn trách nhiệm xã hội của một công dân trung quốc. Mà dù có bị kết án vì chính vì những lẽ đó, tôi sẽ không kháng án. Cám ơn!