Freitag, 5. März 2010

Không cần biết địch làm gì!

Lữ Giang

Cho đến nay, qua các phát biểu trên các cơ quan truyền thông, chúng ta có thể nhận ra rằng đa số các nhà tranh đấu, “bình luận gia” và “chính trị gia lão thành”... ở hải ngoại gần như chẳng biết trong Hội Nghị Người Việt Nam ở Nước Ngoài Toàn Thế Giới được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11 vừa qua nhà cầm quyền cộng sản đã làm gì và nay họ đang làm gì đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, vì thế tin sau đây đã làm nhiều người la hoảng:

Một bản tin ngày 11.1.2010 của TTXVN và Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Washington cho biết hôm 10.1.2010 Hội Thanh Niên Lưu Học Sinh đã được thành lập bao gồm công dân Việt Nam đang nghiên cứu, học tập và công tác tại khu vực thủ đô Washington.

Mục tiêu của hội được ghi là “nhằm đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương, đất nước.”

Tại buổi lễ ra mắt, Đại sứ Lê Công Phụng tuyên bố ông hy vọng hội này sẽ là “một mô hình để tiếp tục triển khai chủ trương thành lập các hội thanh niên và sinh viên Việt Nam trên các vùng của nước Mỹ, tiến tới có một tổng hội chung cho tất cả thanh niên tham gia”.

Nguyễn Tú Chi, hiện đang công tác tại Ngân hàng Thế giới, được bầu làm Chủ tịch lâm thời của Hội. Ngay tại buổi lễ ra mắt của hội, đã có hơn 70 thanh niên Việt Nam tại khu vực Washington ghi danh trở thành thành viên của hội.

Bản tin này đã làm một số chính khách và cơ quan truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại la lớn: “Đó, đó! Chúng nó xâm nhập và phá hoại cộng đồng ta!” “Chúng nó thi hành Nghị Quyết 36!”

Thật ra, việc thành lập “Hội Thanh Niên Lưu Học Sinh vùng Washington” nói trên chỉ là thi hành quyết định của Hội Nghị Người Việt Nam ở Nước Ngoài Toàn Thế Giới lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội từ 19 đến 24.11.2009.

THEO QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ

Trước 30.4.1975, Tổng Thống Thiệu không hề biết Mỹ đang làm gì và Việt Cộng đang làm gì, ngay cả Mỹ đem miền Nam giao cho Trung Quốc từ năm 1972 ông cũng không biết. Ông cứ suy nghĩ và hành động theo cảm tính, ôm chặt “Bốn Không” và nhìn vào số tiền viện trợ Mỹ để quyết định số phận của miền Nam: Mỹ viện trợ 2 tỷ, ta sẽ giữ cả miền Nam. Mỹ rút xuống còn 700 triệu, ta thu nhỏ lãnh thổ lại, chỉ giữ từ Tuy Hoà trở vào... Ông làm như miền Nam là của Mỹ, ông chỉ là người lính đánh thuê! Kết quả, thi hành những ý nghĩ ngông cuồng và thô thiển của mình, ông đã làm mất miền Nam trong không đầy 40 ngày, gây ra vô số tang tóc cho các chiến sĩ và dân chúng. Trên tỉnh lộ số 7 từ Pleiku về Tuy Hoà và trên các đường từ Huế đến Sai Gòn nơi nào cũng vung vãi đầy xe tăng, đại pháo, súng ống, quần áo trận..., máu, nước mắt và mồ hôi!

Ngày nay, nhiều nhà đấu tranh và các “chính khứa lão thành” vẫn tiếp tục con đường của Tổng Thống VNCH, không cần biết Mỹ và Việt Cộng đang làm gì. Bất cứ biến cố nào xẩy ra liên quan đến Việt Cộng, họ đều đem “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Chống Cộng” ra đọc. Đây là một thứ “Binh Thư” vô hình, nhưng các nhà tranh đấu, các chính khách và các “nhà bình luận” Việt Nam ở hải ngoại phải dùng để phát biểu trên báo chí, trong các buổi họp, trên truyền thanh hay truyền hình..., nếu không sẽ bị coi là cộng sản nằm vùng, tay sai cộng sản hay nhẹ nhất là “không có lợi cho việc chống cộng”. “Binh Thư” đó rất đơn giản: “Chúng nó gian ác, chúng nó hèn nhát, chúng nó bán nước, chúng nó thi hành Nghị Quyết 36 đề phá hoại cộng đồng ta, chúng nó thất bại, chúng nói sắp sụp đổ rồi...”

Có thể coi đây là “lề đường bên phải” đã được Ban Tư Tưởng - Văn Hoá Chống Cộng vạch ra và mọi người Việt ở hải ngoại phải tuân theo. Dân Biểu Cao Quang Ánh không thuộc “Binh Thư” này nên bị oanh tạc từ nhiều phía và nay cạn tiền để tái tranh cử!

Chúng ta hãy nghe một số “chiến sĩ chống cộng” mô tả về Hội Nghị Người Việt Nam ở Hà Nội dựa theo “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Chống Cộng”:

“Xưa nay Cộng sản vẫn nổi tiếng là bọn bịp bợm hay dùng chữ đao to búa lớn, cho nên những điều được cái loa truyền thông nhà nước phát ra thì con voi phải được hiểu là con chuột, hoặc tệ hơn nữa là con rệp!!!” (Kình Dương Đạo Nhân).

Còn Vivi ở Norway làm bài thơ bốn câu”

Hội nghị "Việt Kiều" Hà Nội
Chủ mưu mở hội độc tà
Người Việt ơi! Đó chính là
Trí gian, sĩ lận, giặc ma đảng hồ.

Tại Orange County, khoảng 10 ông “chính khứa lão thành” đã lên TV tranh nhau đọc “Binh Thư” chống cộng: “Chúng nó thi hành Nghị Quyết 36! Chúng nó phá hoại cộng đồng ta! Chúng nó thất bại! ...” Tuy nhiên, chẳng ông nào nói lên được Hội Nghị đã thật sự diễn ra như thế nào và Hà Nội đã mưu tính những gì khi tổ chức hội nghị này.

Có ông còn ra lệnh cho đồng bào phải viết thư cho các dân cử tại địa phương yêu cầu họ làm áp lực buộc Bộ Ngoại Giao Mỹ phải đưa Việt Cộng vào danh sách CPC, mặc dầu ông ta thừa biết làm chuyện đó lúc này chẳng có tác dụng gì, nên chính ông ta cũng chẳng làm!

Một câu của cổ nhân mà gần như ai cũng biết: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”. Vậy chúng ta thử bỏ “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Chống Cộng” ra một bên, cùng nhau nhìn lại xem trong Hội Nghị Người Việt Nam ở Nước Ngoài, Hà Nội đã mưu tính những gì và hiện nay họ đang làm gì. Chúng nó có thất bại hay không? Nhìn ra được những bí ẩn đàng sau Hội Nghị, chúng ta mới có thể nói chuyện lập kế sách đối phó.

NHÌN QUA HỘI NGHỊ

Thật sự Hội Nghị Người Việt Nam ở Nước Ngoài lần thứ nhất được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 11 vừa qua nhắm mục đích gì và được điều hành như thế nào?

1.- Mục tiêu biểu kiến

Về mục tiêu của Hội Nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ Nhiệm Ủy Ban Nhà Nước về Người Việt Nam ở Nước Ngoài nói:

“Hội nghị tượng trưng cho tinh thần hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc cùng hướng về cội nguồn, là diễn đàn phát huy tiềm lực, trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.”

Nhưng đây chỉ là mục tiêu biểu kiến, mục tiêu thật sự sẽ được chúng tôi nói sau.

2.- Thành phần nòng cốt

Về thành phần tham dự, nhiều người đã đặt câu hỏi: Những người được mời về dự Hội Nghị đại diện cho ai? Hầu hết là những thành phần lạ hoắc, không ai biết họ là ai cả!

Khi đặt câu hỏi như thế, người hỏi đã lầm tưởng rằng đây là một Hội Nghị quy tụ đại diện các Việt kiều khắp thế giới, nhất là tại Mỹ, nơi có đông Việt kiều nhất. Nhưng nghĩ như thế là lầm. Ủy Ban Nhà Nước về Người Việt Nam ở Nước Ngoài cho biết các đại biểu phải được các Hội Việt Kiều hoặc Chi Hội Việt Kiều các nước gởi về. Những nơi chưa có Hội Việt Kiều thì sẽ chọn trong những người thường xuyên có mối liên hệ với trong nước. Những người này phải được Tòa Đại Sứ hay Tòa Lãnh Sự Việt Nam ở nước sở tại giới thiệu.

Như vậy, những thành phần được triệu tập về dự Hội Nghị không phải là đại diện của tất cả Việt kiều ở hải ngoại mà chỉ là đại diện của các Hội Việt Kiều. Ngoài những thành phần chính thức này, các thành phần khác được cho về để làm cái bum xum, che đậy cho những bí ẩn đàng sau Hội Nghị.

Tài liệu của Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết hiện nay có khoảng 4 triệu người Việt đang sinh sống, lao động, học tập tại 101 nước và vùng lãnh thổ. Như vậy, số người Việt ở hải ngoại nằm ngoài các tổ chức cộng đồng người Việt tỵ nạn lên đến khoảng 1 triệu người. Họ là các sinh viên và học sinh đi du học, các nghiên cứu sinh, những người đi lao động hay làm ăn ở nước ngoài.

Theo tài liệu chúng tôi có, hiện nay Hà Nội đã lập được ở hải ngoại những Hội Việt Kiều sau đây để hoạt động song song với các tổ chức của cộng đồng người tỵ nạn cộng sản: (1) Hội người Việt Nam tại Pháp, Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp và Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hội Công nhân và Lao động Việt Nam tại Pháp; (2) Hội Việt Kiều ở Canada, Hội doanh nhân Việt kiều tại Canada; (3) Hội Việt Kiều Úc châu; (4) Hội người Việt tại Liên bang Nga; (5) Hội người Việt Nam ở Phần Lan, Hội sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Phần Lan; (6) Hội người Việt Nam thành phố Leipzig, Đức; (6) Hội người Việt Nam tại Czech; (7) Hội người Việt tỉnh Chiba, Nhật; (8) Hội người Việt tại Hàn Quốc; (9) Hội người Việt Nam tại Angola; (10) Hội Việt Kiều tại Lào và (11) Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg (gọi tắt là BEVILUX).

Về các hội sinh viên, chúng tôi được biết Hà Nội đã lập xong các hội sau đây: (1) Hội Sinh Viên Việt Nam tại Pháp (lập năm 2004, có 14 chi hội với khoảng 7000 thành viên), (2) Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, (3) Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (lập năm 2001, hiện có 3000 hội viên), (4) Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (lập năm 2007, có 28 chi hội với khoảng 600 thành viên)

3.- Mục tiêu thực sự

Theo tài liệu chính thức được công bố, có gần 900 đại biểu Việt kiều trở về từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và gần 500 đại biểu từ các cơ quan, bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư và 51 tỉnh thành trong nước đã tham gia hội nghị. Các đại biểu thảo luận về 4 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Xây dựng cộng đồng đoàn kết vững mạnh và hướng về đất nước;

Chuyên đề 2: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc;

Chuyên đề 3: Vai trò của chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần xây dựng đất nước và

Chuyên đề 4: Vai trò của doanh nhân kiều bào góp phần xây dựng đất nước.

Bộ Ngoại Giao và Ủy Ban Nhà Nước về Người Việt Nam ở Nước Ngoài đã trao Bằng khen và Kỷ niệm chương tặng 21 cá nhân và tập thể hội, đoàn Việt kiều tại Pháp, Anh, Phần Lan, Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ và Lào.

Nhưng đây cũng chỉ là bề mặt của hội nghị và những chuyên đề đưa ra thảo luận cũng chỉ có tính cách trình diễn. Những chuyên đề đó đã được các chuyên viên của Bộ Ngoại Giao và Ủy Ban Nhà Nước về Người Việt Nam ở Nước Ngoài nghiên cứu đầy đủ rồi. Những sự góp ý và tham luận của các đại biểu cũng chẳng có gì mới mẻ.

Đàng sau hội nghị, khoảng hơn 100 đại biểu các hội Việt kiều, hội sinh viên Việt Nam và đại diện các tòa lãnh sự Việt Nam đã họp riêng để kiểm điểm tình hình, rút ra những kinh nghiệp thực tế để củng cố và phát triển các hội sẵn có, đồng thời nghiên cứu thiết lập thêm các hội mới ở những nơi chưa có, nhất là tại Hoa Kỳ, nơi có đông người Việt sinh sống nhất trên thế giới.

Các đối tượng trước tiên mà Hà Nội nhắm tới không phải là cộng đồng người Việt tỵ nạn mà là các công dân Việt Nam đang nghiên cứu, học tập và công tác ở nước ngoài, những người đi lao động hay kinh doanh ở nước ngoài... Con số này được ước lượng lên đến khoảng 1 triệu người. Sở dĩ nhà cầm quyền chú trọng đến các thành phần này vì các lý do chính sau đây:

(1) Giữ những thành phần nói trên không bị các cộng đồng người Việt tỵ nạn ở hải ngoại lôi kéo, gây thêm khó khăn cho chế độ. Về điểm này, nhà cầm quyền Hà Nội có vẻ an tâm vì cộng đồng người Việt tỵ nạn rất “dị ứng” với các thành phần nói trên và gần như mọi người và mọi tổ chức của người Việt tỵ nạn đều không chấp nhận “chính sách chiêu hồi” mà các chính phủ VNCH đã đưa ra trước năm 1975. Họ cho rằng “chiêu hồi” là “hòa giải hoà hợp” với địch. Họ cương quyết giữ “Bốn Không”. Nguyên chuyện bắt phải chào cờ vàng ba sọc đỏ mới được gây qũy, tổ chức văn nghệ, hội họp hay hội thảo... cũng đã làm cho những thành phần nói trên không dám đến với cộng đồng người Việt tỵ nạn.

(2) Những thành phần nói trên không có “hận thù truyền kiếp” với chế độ, nên rất dễ đứng chung cùng hàng ngũ do họ tổ chức. Quyền lợi của họ nhiều khi lại dính chặt với chế độ và họ cũng không muốn gặp khó khăn khi trở về.

(3) Nguồn lợi mà các thành phần nói trên gởi về nước hàng năm rất khả quan. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Đến nay Việt Nam đã đưa gần 620.000 lao động và chuyên gia ra nước ngoài làm việc. Có hai loại lao động nước ngoài:

Loại 1: Gồm có khoảng 500.000 người lao động và chuyên gia Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ và Châu Phi. Mỗi năm lực lượng này gửi về nước khoảng 1,7 tỷ USD.

Loại 2: Từ năm 2008, Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước đặt chỉ tiêu đưa trên 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Thị trường có số lao động được cung ứng nhiều nhất là Malaysia với 26.000 lao động; kế đến là Đài Loan 23.000; Hàn Quốc 12.000; Nhật Bản 6.000, 3 nước Trung Đông gồm Qatar, Ả Rập Saudi, và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất 9.200... Số kiều hối do khối lao động xuất khẩu này chuyển về nước đạt khoảng 2 tỷ USD.

Như vậy số tiền do những người lao động nước ngoài gởi về lên đến 3,7 tỷ USD.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố vào trung tuần tháng 7/2009, Việt Nam đứng thứ 10 trong số các nước nhận được lượng kiều hối nhiều nhất trên thế giới vào năm 2008, với tổng trị giá ước lượng là 7,2 tỷ USD, tương đương với 8% GDP của Việt Nam. Trong số này, số tiền do người lao động nước ngoài gởi về cao hơn số tiền do người Việt tỵ nạn. Đây là một nguồn lợi khá lớn bắt buộc nhà cầm quyền phải quan tâm.

Phi Luật Tân cũng đã thu được một khoản ngoại tệ lớn nhờ xuất khẩu lao động. Ngân hàng Trung ương Philippines cho hay trong năm qua, số tiền do các công nhân lao động của họ ở nước ngoài gửi về lên đến 11,87 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước.

Như đã nói ở trên, vào đầu tháng 1 vừa qua, Hội Lưu Học Sinh Việt Nam tại Washington DC đã được thành lập. Tòa Đại Sứ Việt Nam đang cố gắng lập thêm hai hội sinh viên Việt Nam nữa, một ở Seattle và một ở San Francisco. Hà Nội cũng sẽ cho lập ở Mỹ nhiều hội Hội Doanh Nhân Việt Kiều để thu hút đầu tư.

XÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG MỸ

Song song với các công tác trên, nhà cầm quyền Hà Nội đã ban hành chỉ thị đẩy mạnh việc xâm nhập sâu vào thị trường Mỹ và EU, coi việc xâm nhập thị trường Mỹ là bước quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập vững chắc với kinh tế khu vực và thế giới. Chỉ thị nói:

“Chúng ta cần chú ý thâm nhập thị trường Mỹ trước hết thông qua các khu phố, siêu thị và chợ, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống như California, Boston, Washington DC, New York, Houston...”

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam hiện nay là dầu thô (23%), hàng dệt may (15%), giày dép (9,3%), thủy sản (8,5%), điện tử máy tính (4,5%), gạo (4,3%), cao su (2,4%), hàng gỗ và cà phê (2,2%).

Về các thị trường xuất khẩu chính, Hoa Kỳ vẫn đứng hàng đầu: Hoa Kỳ (20%), Nhật Bản (14%), Trung Quốc (9%) Úc (7%), Singapore (5%), Đài Loan (4%), Đức (4%), Anh (4%), Pháp (2%), Hà Lan (2%), các nước khác (29%).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong năm 2009, mặc dầu có suy thoái kinh tế, hàng xuất khẩu sang Mỹ vẫn đứng vững nhờ nhóm mặt hàng bán chạy ở thị trường này bao gồm dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện và linh kiện, hải sản...

Tính chung, năm 2008 Việt Nam đã bán cho Hoa Kỳ 12 tỷ 901 USD hàng hoá, trong đó người Việt tiêu thụ khá nhiều, nhưng chỉ mua của Hoa Kỳ 2 tỷ 789, làm cán cân mậu dịch Hoa Kỳ bị thâm hụt hơn 10 tỷ 111!

Năm 2009, mặc dầu co suy thoái kinh tế, Việt Nam đã mua của Hoa Kỳ nhiều hàng hơn một tý (3 tỷ 107) và bán cho Hoa Kỳ ít hơn một tý (12 tỷ 289) nhưng cán cân mậu dịch Mỹ cũng bị thâm hụt hơn 9 tỷ 182.

Những com số này cho thấy Việt Nam càng ngày càng xâm nhập nhiều hơn vào thị trường Mỹ.

BỊ DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH

Với các tin tức và tài liệu được trình bày trên, chúng ta thấy qua Hội Nghị Người Việt Nam ở Nước Ngoài Toàn Thế Giới tại Hà Nội vừa qua, Hà Nội đang có kế hoạch:

(1) Giữ vững khối người Việt không tỵ nạn (khoảng 1 triệu người), không cho nghiêng về khối người Việt tỵ nạn.

(2) Dùng khối người Việt không tỵ nạn bao vây dần khối người Việt tỵ nạn.

(3) Thu hút khối người Việt tỵ nạn về khối người Việt không tỵ nạn, nhất là giới trẻ và các doanh nhân.

Trước đây chỉ có Pháp bị coi là “vùng xôi đậu”, nay những nơi có đông người Việt tỵ nạn như Úc, Canada, Hoa Kỳ... đang bị biến dần thành “vùng xôi đậu”.

Khối người Việt không tỵ nạn tuy ít hơn, nhưng có tổ chức, có chỉ đạo, có kế hoạch, có cả một chế độ đứng đàng sau và được tài trợ. Còn cộng đồng người Việt tỵ nạn tuy đông hơn nhiều nhưng không có tổ chức, không có lãnh đạo, không có kế hoạch, không có chiến lược và chiến thuật..., nhưng ai cũng là lãnh tụ và tự cho mình có quyền bắt những người khác phải suy nghĩ và hành động như mình và phải đứng sau lưng mình. Võ khí đấu tranh còn lại chỉ là tuyên ngôn, tuyên cáo và biểu tình.

Để chống lại tình trạng bị phân hoá và bao vây nói trên, từ lâu nhiều người đã nghĩ đến việc hình thành những tổ chức cộng đồng. Có người còn có ý tưởng “vĩ đại” hơn, đó là hình thành một ban đại diện cộng đồng trên toàn thế giới với sự tin tưởng rằng ban đại diện đó sẽ được Mỹ đưa về cai trị đất nước khi chế độ cộng sản sụp đổ. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông Bùi Bỉnh Bân đã thành lập Cộng Đồng Bolsa như một nước VNCH nối dài trong thành phố Westminster và nhiều người đã gọi ông là Tổng Thống Bolsa. Tuy nhiên, khi thấy Bác Sĩ Trương Ngọc Tích hình thành Cộng Cộng Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Bùi Bỉnh Bân vội triệu tập đại hội tại San José, thành lập Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại bao trùm cả thế giới, chúng tôi gọi là “Cộng Đồng Vũ Trụ”. Nhưng cả “cộng đồng con” và “cộng đồng bự” đều không thành công vì các lý do chính sau đây:

1.- Thiếu căn bản pháp lý: Các tổ chức cộng động người Việt không phải là một chính phủ VNCH nối dài hay một định chế công quyền của Mỹ, nên không thể quy định rằng tất cả người Việt tỵ nạn cư ngụ trong vùng đều được coi là thành viên của cộng đồng. Hầu hết đều phải theo quy chế hiệp hội bất vụ lợi của Mỹ. Theo quy chế này, chỉ những người có ghi danh mới được coi là thành viên và ban đại diện của hội chỉ đại diện cho các thành viên đó mà thôi. Giả thiết chúng ta coi những người đi bầu đương nhiên là thành viên, thì ban đại diện cũng chỉ đại diện cho các người đi bầu.

Một thí dụ cụ thể: Tại Nam Cali, theo số liệu mới đây, Orange có khoảng 72.000 cử tri Mỹ gốc Việt. Nếu trong cuộc bầu cử Cộng Đồng VN Nam Cali tới đây, có khoảng 5.000 cử tri đi bầu, thì ban đại diện cộng đồng chỉ đại diện cho 5.000 người đó mà thôi, chứ không đại diện cho cả 67.000 người còn lại. Do đó, tiếng nói của ban đại diện không phải là tiếng nói chung của cộng đồng.

2.- Đây là nước Mỹ: Nhiều người Việt thường quên rằng nơi họ đang định cư là nước Mỹ chứ không phải là VNCH nối dài. Nước Mỹ có nhiều quyền lợi khác với người Việt tỵ nạn, nên chính sách của nước Mỹ có khi phản lại những mong muốn của người Việt tỵ nạn. Dĩ nhiên, cử tri người Mỹ góc Việt có quyền nói lên những ý kiến của mình, nhưng người Việt muốn biểu tình cứ biểu tình, muốn ra tuyên ngôn tuyên cáo cứ ra..., chính phủ Hoa Kỳ vẫn bỏ cấm vận cho CSVN, lập bang giao với CSVN, ký hiệp ước thương mại với CSVN, đưa CSVN vào WTO và còn kêu gọi Bắc Hàn và Miến Điện theo Gương (Example) của Việt Nam! Như vậy, muốn chống cộng theo cách của chúng ta, trước tiên phải “chống Mỹ cứu nước”.

3.- Tình trạng phân hóa nghiêm trọng: Vì những tranh chấp địa vị và quyền lợi trong các cộng đồng, vì những bất đồng chính kiến..., nhiều trận chiến rất ác liệt đã xẩy ra, nhất là tại các cộng đồng lớn như Orange County, San José, Houston, Atlanta, v.v. Một chiến dịch gây tai hoạ lớn nhất cho cộng đồng là chiến dịch nón cối. Do chiến dịch này, những người có khả năng và thiện chí đều rút ra khỏi cộng động vì không muốn “dây với hủi”. Chỉ còn lại Đảng Việt Tân (tức Mặt Trận Hoàng Cơ Minh) là quyết bám các cộng đồng lớn, vì tin rằng nếu bám được các cộng đồng này, khi tình thế cho phép, họ chắc chắn sẽ được cử làm “đại biểu Việt kiều” trong Quốc Hội CHXHCNVN. Họ cho rằng đây là cách “xâm nhập” tốt nhất để đấu tranh. Do ước vọng này, chúng ta thấy trong các phiên họp thống nhất Cộng Đồng Nam Cali, có đến 80% là đảng viên hay thân hữu của Việt Tân tham dự! Tuy nhiên, đó chỉ là ảo vọng. Nếu cần chọn “đại biểu Việt kiều”, nhà cầm quyền CSVN sẽ chọn những người trong các hội do họ thành lập, chứ không chọn đảng viên Việt Tân.

Một cộng đồng không thu hút được những người có khả năng và thiện chí và không có sự yểm trợ của đa số cử tri chỉ là một thứ “cộng đồng khung” mà thôi.

Trước tình trạng trên, nhiều thành phần có khả năng và thiện chí đã tách ra khỏi cộng đồng và thành lập những tổ chức riêng để làm thay đổi đất nước theo những phương thức riêng của họ.

Chưa có giải pháp nào cho thấy người Việt tỵ nạn có thể chống lại một cách hữu hiệu “chiến lược diễn biến hòa bình” mà nhà cầm quyền CSVN đang xử dụng để nắm và làm biến đổi các cộng đồng người Việt tỵ nạn, ngoài việc đọc “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Chống Cộng”, biểu tình và ra tuyên ngôn tuyên cáo.

Ngày 2.3.2010
Lữ Giang