Mittwoch, 17. März 2010

Phương Tây trước bài toán Trung Quốc

Paul Reynolds, phóng viên thời sự thế giới BBC

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh David Miliband tới Trung Quốc trùng khớp với cảm giác đang tăng ở phương Tây rằng nỗ lực đưa Trung Quốc vào hệ thống ngoại giao và buôn bán toàn cầu đang không được như ý.

Có những vấn đề trước mắt - trị giá đồng tiền Trung Quốc, tranh cãi về trừng phạt với Iran, cãi vã giữa Mỹ và Trung Quốc về Đài Loan, thương mại và Tây Tạng, tranh luận về ấm nóng toàn cầu.

Và cả vấn đề lâu dài hơn - Trung Quốc sẽ đóng vai trò gì trong tư cách đại cường ngoại giao và kinh tế. Liệu nước này sẽ tiếp tục thỏa mãn nép mãi đằng sau trong công việc quốc tế, để đẩy mạnh việc sản xuất và tìm nguyên liệu thô khắp thế giới?

Chuyến thăm của ông Miliband sẽ không đem lại những câu trả lời tức thì. Đối phó với Trung Quốc đòi hỏi cái nhìn dài hạn. Người Trung Quốc cũng có cái nhìn dài như thế. Trung Quốc cũng đã chờ cả thế kỷ để lấy lại Hong Kong.

Phương Tây sẽ phải chờ xem Trung Quốc biến chuyển thế nào, có khi cả nhiều thập niên.

Chủ nghĩa bảo hộ

Nhưng chuyến thăm kiểu này bộc lộ một số bằng chứng về thái độ của Trung Quốc và cơ hội để giải thích cho các lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Miliband đã làm điều đó trên phương diện kinh tế trong bài diễn văn tại Thượng Hải hôm thứ Hai, khi ông chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Ông nói: "Nguy hiểm là nếu tăng trưởng tiếp tục chững lại, các nhà nước sẽ không thể nhờ tới công cụ tiền tệ và tài chính để hỗ trợ công nghiệp và có thể xem chủ nghĩa bảo hộ là cứu cánh."

Trung Quốc có thể không bị thuyết phục. Chỉ một ngày trước đó, sau phiên họp cả tuần của Quốc hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói ông không hiểu được "việc hạ giá tiền tệ của chính mình và cố thúc các nước khác tăng giá tiền của họ, chỉ để cải thiện xuất khẩu".

Trung Quốc cũng biết rằng nếu chi phí xuất khẩu hàng tiêu dùng bị đẩy lên thì sẽ dẫn tới việc tăng giá sinh hoạt ở nhiều nước phương Tây, một điều sẽ chẳng được lòng dân ở các nước đó. Vì thế Trung Quốc đã chuẩn bị vài lá bài.

Trên nhiều lĩnh vực, có dấu hiệu là Trung Quốc quyết tâm chứng tỏ họ không phải là dễ bị ép.
Nhưng nước này dường như cũng không muốn bị xem là chướng ngại.

Trừng phạt Iran

Hành động cân bằng này trở nên mong manh nhất khi bàn tới Iran.

Iran tiếp tục bỏ qua đòi hỏi của Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế và Hội đồng Bảo an LHQ rằng nước này phải ngừng làm giàu uranium.

Trung Quốc đồng ý rằng Iran cần tuân thủ, nhưng ít nhất đến nay vẫn chưa đồng ý rằng đã tới lúc có vòng trừng phạt cứng rắn hơn với Iran.

Mỹ và các đồng minh muốn có cơ chế trừng phạt do Hội đồng Bảo an áp đặt, mà đây là nơi Trung Quốc và Nga có quyền phủ quyết.

Nga đã ngần ngại nhưng nay có vẻ sẵn lòng làm theo. Nếu Nga làm theo, các nhà ngoại giao phương Tây hy vọng Trung Quốc cũng sẽ đồng ý.

Vấn đề là để Trung Quốc đồng ý lên thuyền, thì phải làm thuyền nhẹ đi bằng cách bỏ bớt một số trừng phạt nặng hơn - ví dụ chống lại ngành dầu hỏa và khí đốt của Iran, mà vốn bán nhiều cho Trung Quốc.

Nhưng để Trung Quốc đồng ý, hay bỏ phiếu trắng ở Hội đồng Bảo an, thì sẽ làm gia tăng ảnh hưởng ngoại giao.

Sir Percy Cradock, nhà ngoại giao Anh thương lượng cho việc chuyển giao Hong Kong cho Trung Quốc, có lần đưa ra lời khuyên về thực tế đối phó với Trung Quốc.

Nói với các nhà báo tại một buổi gặp ở sứ quán Anh ở Bắc Kinh, ông bình phẩm rằng với Trung Quốc, "ta phải dõi mắt nhìn bóng, chứ không phải nhìn đám đông".

Lúc đó, quả bóng là việc xây một phi trường mới cho Hong Kong, mà sau này đã được thông qua.

Sir Percy nói: "Đó là phần thưởng." Thế còn các vấn đề khác, ví dụ như nhân quyền?

Ông trả lời với nụ cười: "Chuyện phiếm."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/03/100316_china_west.shtml