Một sinh viên ban văn, một anh nông dân và một anh ngư dân ngồi quanh bàn nhậu cuối tuần. Sau khi đã qua vài chén đưa mồi, anh sinh viên ban văn chợt „ngứa nghề“ hỏi hai ông bạn kia:
- Mấy cậu có biết rằng , tiếng Việt mình rất phong phú và đa dạng không kém bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới không?
Anh nông dân chép miệng:
- Phong với phú cái nỗi gì. Tớ thấy chỉ loay hoay ba câu hò vớ vẩn. Nhưng hễ phê bình thì lại bị các cụ „cả vú lấp miệng em“. Rõ chán!
Cậu sinh viên vỗ đùi cái đét:
- Ấy đấy! Cậu vừa chứng minh sự phong phú của tiếng Việt còn gì nữa! Này nhé, người ta lấy hình ảnh bà mẹ nhét cái vú to đùng vào miệng thằng bé để cho nó khỏi la lối. Cho nên khi ai đó lấy quyền bề trên để át giọng người khác thì ta gọi là „cả vú lấp miệng em“. Tuyệt cú mèo.
Cậu ngư dân nãy giờ lim dim với chén rượu nghe thế cũng nổi máu văn chương:
- Thế tôi đố các cậu: Một người đàn ông ở truồng nhảy xuống hồ cá thì ta có thành ngữ gì nào?
- Cậu lại chơi trò bác học! Làm quái gì co thành ngữ nào nói về đàn ông cởi truồng!
- Ấy, chớ vội. Nghe cho rõ đây: Một người đàn ông ở truồng nhảy xuống hồ cá thì ta gọi là „chim sa cá lặn“. Đúng không?
Cậu sinh viên cũng không vừa, hỏi thấu cáy:
- Thế khi ông ta lạnh quá leo lên hòn đá ngồi thì ta sẽ có thành ngữ gì nào?
- Chuyện nhỏ! Khi người đàn ông ở truồng ngồi trên hòn đá thì ta gọi là „trứng chọi đá“! Đúng chưa?
- Chết tiệt, cú này chắc tớ hết dám học văn!
Anh nông dân nốc cạn chén rượu rồi dằn xuống bàn:
- Thế khi ông ấy được một người đàn ông cõng về thì ta có thành ngữ nào?
Anh sinh viên bóp trán:
- Chịu. Cái khoản này tớ chưa học tới.
- Quá đơn giản! Khi một người đàn ông cõng người đàn ông ở truồng thì ta có câu: „gậy ông đập lưng ông“! …