Ngô Nhân Dụng
Một lá thư từ trong nước chuyển đi cho biết trong đêm Giao Thừa, năm Canh Dần, có mấy đài truyền hình ở Việt Nam chiếu cảnh liên hoan, với bài “Việt Nam, Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Ðông...” Bài này sáng tác trong thời kỳ Hồ Chí Minh đang cổ võ về “tình nghĩa” giữa hai đảng cộng sản. Cuối bài, một nam ca sĩ người Tầu và một nữ ca sĩ Việt cùng song ca điệp khúc, “Dân Nam ta ca muôn năm Hồ Chí Minh-Mao Trạch Ðông” giống như một khẩu hiệu để ghi nhớ mãi mãi.
Người viết lá thư cho đây là một cảnh rất đau lòng, khó tin nhưng có thật. Trong lúc các sinh viên Việt Nam đã biểu tình chống Trung Cộng chiếm Hoàng Sa và bị đàn áp, nhà trí thức đang báo động đồng bào về mối họa các công ty Trung Quốc sang khai thác bô xít ở Việt Nam, các mạng lưới bị phá và nhiều người bị bắt giam, ngay sau khi hai cựu tướng lãnh cảnh cáo việc cho người Trung Hoa thuê rừng trồng cây gây mối nguy về di dân bất hợp pháp, mà các cơ quan tuyên truyền của chính phủ Hà Nội lại ca ngợi những tình nghĩa của giữa ông Mao và ông Hồ, thì đây là một chuyện khó tin thật. Trong dịp Giao Thừa vừa qua, một nhà khoa học Việt Nam còn cho biết những dự án “thuê rừng” của người Trung Quốc có thể che đậy âm mưu tìm và khai thác uranium ở nước ta!
Tại sao đảng Cộng Sản Việt Nam có thể “vô tri, vô giác” đối với những mối lo của người Việt Nam mà cứ liên hoan Mao Hồ như vậy?
Chỉ có thể đoán đây là một sáng kiến của các đồng chí Trung Quốc và các quan chức cộng sản nước ta không thể từ chối được. Chính phủ Bắc Kinh biết có thể sử dụng hình ảnh Hồ Chí Minh để “động viên” tinh thần của nhiều người Việt Nam thật thà, chất phác, nhiều người sống ở nông thôn vẫn đặt hình ông Hồ lên bàn thờ tổ tiên. Ðem ông Hồ ghép với ông Mao sẽ chinh phục được nhiều người Việt Nam mê ngủ. Vì chính lúc ông Hồ còn sống, ông đã chấp nhận và cho phổ biến những câu Chế Lan Viên viết,
“Bác Mao không ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao.”
Ðem Hồ với Mao ghép chung trong một câu hát, có thể vong linh ông Hồ còn hãnh diện nữa. Ðảng Cộng Sản Việt Nam khó từ chối bài hát giao thừa “hữu nghị” này, vì họ không thể chối cãi được là suốt đời Hồ Chí Minh vẫn nhắc nhở mọi đảng viên rằng họ phải biết ơn đảng Cộng Sản Trung Hoa. Không những thế, còn phải công nhận cả nghĩa lẫn tình với các đồng chí phương Bắc nữa. Xưa nay người Việt Nam thường dùng hai chữ “tình nghĩa” khi nói đến anh em, vợ chồng. Hồ Chí Minh là người thứ nhất sử dụng hai chữ đó trong việc bang giao giữa hai nước.
Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, Hồ Chí Minh viết một bài ca tụng “40 năm vẻ vang, 40 năm thắng lợi”... “viết những trang lịch sử vĩ đại của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc,” đăng trên nhật báo Nhân Dân ở Hà Nội ngày 1 tháng 7, năm 1961.
Trong bài báo đó (in lại trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập X, NXB Chính Trị Quốc Gia, năm 2000, trang 365-368), Hồ Chí Minh đã kể rõ công ơn của Cộng Sản Trung Quốc đối với đảng Cộng Sản Việt Nam. Công ơn đầu tiên là “Ảnh hưởng cách mạng Tháng Mười Nga và lý luận Mác- Lênin phần lớn kinh qua Trung Quốc mà truyền đến Việt Nam.” Nói cách khác, ngay trên mặt lý thuyết căn bản, cộng sản nước ta chịu ơn của cộng sản Tầu dạy dỗ.
Ngoài ra, Cộng Sản Việt Nam bắt đầu hoạt động cũng ở bên Tầu và Cộng Sản Tầu còn giúp họ nhiều dịp khác. Ông Hồ lần lượt kể những mối ơn không thể chối cãi được đó.
Hồ Chí Minh đã tóm tắt những công ơn này với hai câu thơ:
Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình,
Tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời!”
Ông Hồ là người nói năng khôn ngoan, đắn đo, cân nhắc từng chữ. Khi viết trên tờ báo chính thức của đảng thì chắc chắn ông còn thận trọng gấp bội. Khi ông nói Cộng Sản Việt Nam “chịu ơn Trung Quốc 100 phần, nhưng còn nặng nghĩa 1,000 lần và có tình đến 10,000 lần” thì chúng ta phải hiểu ông đã đo đếm, tính toán rất kỹ. Chịu ơn, người ta có thể trả ơn, chịu nghĩa cũng có thể đền đáp được, nhưng mối “tình một vạn” thì suốt đời cũng không bao giờ quên được.
Trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, cuốn số 11, từ trang 64 đến trang 76, có đăng bốn bài diễn văn của Hồ Chí Minh khi đón tiếp Lưu Thiếu Kỳ tới Hà Nội năm 1963. Trong lời chào đón phái đoàn Lưu Thiếu Kỳ và Trần Nghị ở sân bay Gia Lâm, Hồ Chí Minh đã đọc hai câu thơ: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa; Vừa là đồng chí vừa là anh em.” Trong bài diễn văn tại buổi tiệc chiêu đãi phái đoàn nước đàn anh, ông Hồ đã nhắc lại một câu ngạn ngữ của người Tầu để nói tới “...tình đoàn kết như môi mới răng giữa hai nước và hai đảng chúng ta...” Ðây là những bản văn chính thức được Hồ viết ra, đăng trên báo Nhân Dân, đặt tiền lệ cho các khẩu hiệu “đồng chí-anh em” và “như môi với răng.” Hai khẩu hiệu đó được hai đảng cộng sản dùng mãi sau này, chỉ ngưng dùng mươi năm sau cuộc chiến biên giới 1979 khi răng cắn môi chảy máu, nhưng bây giờ lại được các đồng chí Trung Quốc lập lại. Vì chính ông Hồ đã nói những khẩu hiệu đó trước, cho nên đảng Cộng Sản Việt Nam không thể từ chối được!
Vào năm 1961 đó, Trung Cộng vừa mới thất bại trong chiến dịch “Bước Nhẩy Vọt” của Mao Trạch Ðông, một chương trình kinh tế không tưởng làm hai chục triệu người Trung Hoa chết đói, có nơi nông dân phải ăn thịt lẫn nhau, nhưng Hồ Chí Minh vẫn hết lời ca tụng với Lưu Thiếu Kỳ, “Công cuộc vĩ đại xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của đảng Cộng Sản đứng đầu là đồng chí Mao Trạch Ðông đã làm gương sáng cho nhân dân Việt Nam chúng tôi.” Ông Hồ cũng nhắc lại, “những thắng lợi cực kỳ vẻ vang của Trung Quốc đã cổ vũ những người cách mạng Việt Nam phất cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lênin...” Dân miền Bắc Việt Nam thời đó thoát chết vì trong lúc đó Hồ Chí Minh đã bắt đầu chương trình xâm nhập quân đội và vũ khí “chiếu cố miền Nam;” cho nên ông không thể thi hành một “Bước Nhẩy Vọt” ở phía trên vĩ tuyến 17, giống như ông đã theo ông Mao làm cải cách ruộng đất. Nếu ông rảnh tay “xây dựng chủ nghĩa xã hội” theo gương Mao Chủ Tịch thì chắc nhiều nông dân Việt Nam cũng phải chết đói, đoàn kết với các đồng chí Trung Quốc ở dưới suối vàng!
Ðiểm đáng chú ý là Hồ Chí Minh không những ca ngợi tình nghĩa giữa ông ta với cộng sản Trung Quốc, hay tương quan giữa hai đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc; nhưng ông ta còn kéo cả nước Việt Nam vào trong mối quan hệ đó. Ðây là một chủ trương ngoại giao rất nguy hiểm.
Nhưng Hồ Chí Minh có một tình cảm thắm thiết đối với Cộng Sản Trung Hoa, điều này chính ông đã nói ra. Những tình cảm này rất sâu sắc. Chính vì vậy nên ông mới nói đến “trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình.”
Trong bài viết chúc mừng 40 năm thành lập Ðảng Cộng Sản Trung Quốc năm 1961, Hồ Chí Minh đã viết một trang dài “Riêng về phần tôi...” để kể lại những tình nghĩa cũ càng đó. Ông thuật lại trong những năm 1924-1927, ông đến Quảng Châu, “tham gia công việc do Ðảng Cộng Sản Trung Quốc giao phó.” Ông cho biết đã “được tham gia việc dịch tài liệu nội bộ và việc tuyên truyền đối ngoại.” Trong cuốn “Hồ Chí Minh: Những năm còn sót” của bà Quinn Judge, bà cho biết trong khoảng thời gian này, Hồ Chí Minh lấy những tài liệu được phép thông dịch đó để gửi về báo cáo cho Stalin, coi đó là công tác tuyên truyền của chính mình. Ðó cũng là một mánh khóe để xin tiền của Ðệ Tam Quốc tế.
Khoảng cuối năm 1938, Hồ lại sang Trung Quốc lần nữa, và lần này, chính ông kể lại trong bài báo trên, “Là một người binh nhì trong 'Bát lộ quân' tôi làm chủ nhiệm câu lạc bộ của một đơn vị ở Quế Lâm. Sau đó được bầu làm bí thư chi bộ của một đơn vị ở Hành Dương.” Tức là ông Hồ đã từng đi lính cho ông Mao, và làm đến chức binh nhì như ông tự giới thiệu (Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập X, trang 367).
Nhưng công ơn của Cộng Sản Trung Quốc lớn hơn nữa. Cũng trong bài báo trên, Hồ Chí Minh cho biết, “Trong lúc đó, các đồng chí Trung Quốc ra sức giúp tôi chắp liên lạc với trong nước ta. Ðây là một công ơn lớn,” vì ông Hồ kể một đồng chí trong nước đã sang Tầu tìm gặp ông Hồ nhưng đã bị một người bạn xoáy hết tiền, phải quay trở về. May mắn, “Nhưng sau đó, các đồng chí Trung Quốc vẫn giúp tôi chắp được liên lạc để về nước hoạt động.”
Vì vậy cho nên Hồ Chí Minh không những chịu ơn Cộng Sản Trung Quốc mà ông còn cảm thấy có nghĩa và có tình nữa. Có nghĩa, vì chính Cộng Sản Trung Quốc nhận ông làm lính rồi “chắp được liên lạc” cho ông trở về Việt Nam. Có tình, một thứ tình “huynh đệ chi binh” vì ông đã làm binh nhì trong Ðệ Bát Lộ Quân. Một bác sĩ Trung Quốc kể lại nụ cười cuối cùng của Hồ Chí Minh trước khi qua đời là lúc ông yêu cầu được nghe một bài dân ca Trung Quốc, và một cô y tá người Trung Hoa đã hát cho ông nghe. Sau đó, ông mê man, không bao giờ cười nữa.
Trong đoạn kết luận bài báo năm 1961, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh một lần nữa là hai đảng cộng sản “có cảm tình khắng khít thương yêu nhau như anh em một nhà” (Sách trên, trang 368). Ðó chính là nguồn gốc của những mối họa mà các nhà trí thức trong nước, kể cả các vị tướng về hưu, đã báo động.
Trong bang giao quốc tế, một điều ai cũng biết, là các quốc gia không coi nước nào là bạn, mà cũng không coi ai là kẻ thù; họ chỉ nghĩ đến quyền lợi đối với nhau thôi. Khi kéo quốc gia mình, bắt cả nước phải làm bạn “ngàn nghĩa vạn tình” với một quốc gia khác, là tự trói tay trói chân, không cho đồng bào mình tự do hành động nữa. Các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam từ thời Hồ Chí Minh đã mắc phải lầm lỡ nặng nề này. Họ gây ra cuộc chiến Nam Bắc trong 20 năm cũng chỉ vì muốn cộng sản hóa cả nước Việt Nam, theo chương trình của cộng sản quốc tế do Nga và Trung Quốc lãnh đạo. Ngày nay, họ vẫn gắn bó với Trung Quốc bằng “16 chữ vàng” cũng chỉ vì đã bị ràng buộc bởi những “ngàn nghĩa, vạn tình,” di sản do Hồ Chí Minh để lại.