Ông Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, từng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo trong nước rằng Hoa Kỳ có khả năng duy trì ổn định tại vùng Đông Nam Á.
“Việt Nam cần Hoa Kỳ đóng vai trò đối trọng trong việc đương đầu với các tham vọng lẫn thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực,” tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn mạng VietnamNet ngày 17/2.
Chưa đầy một ngày sau bài phỏng vấn này đã bị rút xuống. Tuy một số website khác ở Việt Nam vẫn lưu giữ bài viết này.
Ông Thắng cho rằng nếu đứng trên quan niệm địa chính trị, “một trong những ‘đối tác chiến lược’ hàng đầu của Việt Nam hiện nay phải là Hoa Kỳ.”
Tổng kết của Bộ Ngoại giao Hà Nội cho thấy Việt Nam hiện nay có quan hệ ‘đối tác chiến lược’ với Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Và Tây Ban Nha.
Nhà ngoại giao thâm niên, nguyên trưởng nhóm Tư vấn Lãnh đạo bộ Ngoại giao nhắc đến phát biểu của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt về quan tâm chiến lược chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả việc duy trì quân bình lực lượng ở Đông Nam Á.”
Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Nam Á-TBD, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từng tỏ ý quan ngại Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông thời gian gần đây.
Theo ông Đinh Hoàng Thắng, chính trị gia từ đảng Dân Chủ Mỹ muốn Hoa Kỳ có vai trò rõ ràng hơn trong tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông. Và ông trích phát biểu của Jim Webb: “Hoa Kỳ cần xác định rõ ràng, chi tiết và cụ thể công việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia trong khu vực này.”
Khi nào xảy ra?
Nhu cầu tìm kiếm đồng minh từ phía Việt Nam là có, nhu cầu từ phía Mỹ cũng được xác định, vậy khi nào ‘quan hệ chiến lược’ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới xảy ra?
Ông Đinh Hoàng Thắng đặt kỳ vọng vào 2010, thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ nhân dịp 15 năm hai nước thiết lập bang giao (1995-2010) lại đúng vào thời điểm Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội 11 sẽ là một tín hiệu quan trọng cho thấy tầm nhìn toàn cầu của lãnh đạo hai nước.”
Trong thập kỷ tới, nhà ngoại giao Việt Nam nói, “cục diện thế giới và khu vực có quá nhiều yếu tố bấp bênh.”
Sự trỗi dậy (nhiều mặt) của Trung Quốc và Ấn Độ, theo ông Thắng, sẽ gây ra một số thay đổi lớn, “đến mức diện mạo của cái trật tự được kiến tạo và xây dựng từ sau thế chiến thứ hai sẽ không tồn tại nữa.”
Để đối ứng với tình trạng này, ông Thắng đề nghị Việt Nam khẩn trương “hoàn thiện khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn,” coi các quan hệ này “là nền móng chắc chắn và bền vững trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập.”
“Con thuyền Việt Nam giữa một đại dương mênh mông sóng dữ phải biết tự trang bị cho mình nhiều “phao cứu hộ,” cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói.
“Phải thiết lập cho được “một hệ thống truyền tin” trong suốt để cả khi sóng yên biển lặng lẫn khi hữu sự, chúng ta có bạn bè đối tác, tạo thêm càng nhiều thế và lực cho ta càng tốt.”
Tuy nhiên khơi thông quan hệ Việt Mỹ không phải là chuyện dễ dàng. Trong lúc quan hệ quốc tế diễn tiến một cách nhanh chóng, quan hệ Việt–Mỹ diễn ra một cách chậm chạp, theo phái viên VietnamNet.
“Phải mất 20 năm quan hệ này mới được bình thường hóa hoàn toàn (1975-1995), và đến 2010 này đã là 15 năm rồi nhưng bang giao hai phía vẫn “vó câu khấp khểnh bánh xe gập gềnh,” tờ báo điện tử viết.
‘Quá chậm’
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về Việt Nam và Đông Dương học tại Đại học George Mason ở Washington DC đồng ý với nhận định quan hệ Việt Mỹ diễn tiến quá chậm. Ông cho rằng chậm trễ như vậy trong bang giao là do phía Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Hùng: Từ lâu lắm rồi VN quan tâm đến nước Mỹ như là đe dọa về diễn biến hòa bình. Suốt từ năm 1990 trở đi, Việt Nam coi Mỹ là diễn biến hòa bình thành ra đi sát với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không phải là người dễ chơi. Đến đầu thế kỷ 21, nhất là từ 2001 trở đi đến những năm 2005, 2006 đe dọa của TQ đối với Việt Nam nó lớn hơn diễn biến hòa bình.
Do vậy giới ngoại giao Việt Nam phải quyết định rõ ràng, cái gì là cái đe dọa nhiều nhất cho VN? Đe dọa từ Trung Quốc hay là đe dọa từ diễn biến hòa bình. Khi mà giải quyết vấn đề đó xong rồi thì mới đặt quan hệ ngoại giao giữa VN và Mỹ trên cái căn bản đó được.
Bài trả lời phỏng vấn của ông Hoàng Đình Thắng giống như đưa ra quả bóng thăm dò. Phải nói cái thời điểm này rất quan trọng. Hai bên đã làm đối tác quốc phòng rồi thì bây giờ phải có những định chế rõ rệt đi. Để làm thêm nữa.
Chưa đầy một năm nữa Việt Nam sẽ họp Đại hội Đảng. Ông Hoàng Đình Thắng có vẻ kêu gọi sự đồng thuận trong Đảng. Đồng thuận xong rồi thì Đảng mới chuẩn bị nhân sự để thi hành quyết định ấy, trong Đại hội sắp tới. Tức là sắp xếp người để vào cái Đại hội đó, sắp xếp người vào chức vụ để thi hành cái quyết định đó.
Vấn đề đặt ra từ giờ đến lúc đó phải có quyết định rõ rệt muốn đi theo đường nào.
BBC: Hà Nội đang đón chờ chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton từ tháng Tư trở đi. Và hy vọng tổng thống Mỹ Barak Obama sẽ thăm Việt Nam trong thời gian nước này giữ chức chủ tịch khối Asean. Chuyện đó có xảy ra không, thưa giáo sư?
Nguyễn Mạnh Hùng: Ông Obama có nhiều quan tâm lắm. Cái nghị trình ngoại giao của Mỹ là rất lớn. Đối với Việt Nam phải có cái gì ghê gớm lắm ông ta mới qua, chẳng hạn như biến chuyển to lớn, VN có cái quyết định gì ghê gớm lắm, hay ở Đông Nam Á có biến chuyển lớn lắm.
Người Mỹ có nói rằng ở Asean, một đằng các anh lo chơi với Trung Quốc, một đằng các anh cứ lo “chống Mỹ cứu nước” thì không thể được. Bây giờ anh muốn chơi với tôi thì anh phải thực tâm hơn. Nếu anh thực tâm hơn thì anh phải giải quyết cho tôi những vấn đề chúng tôi thắc mắc, vấn đề làm cho chúng tôi phiền lòng. Là bởi vì nếu chúng tôi đi với anh, có hai việc sẽ xảy ra đó là Trung Quốc họ sẽ không bằng lòng. Cái thứ hai là Quốc hội Mỹ sẽ không bằng lòng. Thì anh phải làm cho chúng tôi vui vẻ để tôi có thể nói cho Quốc hội của tôi được.
Cho nên nhân quyền sẽ luôn là một vấn đề chứ chẳng phải không, nó sẽ ở đó. Tuy rằng hai bên phải tìm cách “quản lý” cái việc đó. Không phải một trở ngại, nhưng nó sẽ là yếu tố đóng góp tích cực vào việc tăng cường chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam.
BBC: Việt Nam có thể chơi nước cờ tay ba, Việt Nam-Mỹ-Trung Quốc như thế nào để lợi dụng được cả hai, thưa giáo sư?
Nguyễn Mạnh Hùng: Khi người ta làm chiến lược người ta cần biết đâu là đe dọa lớn nhất đối với mình và tìm cách đối phó. Ngày xưa họ nói Mỹ là đe dọa thì bây giờ Mỹ hết đe dọa rồi. Cho nên mình phải quyết định. Và phải chăng Việt Nam cần phải lợi dụng cái mối quan hệ tay ba, giữa VN, Mỹ và TQ để có thể thủ lợi.
Trước hết nói Mỹ quan tâm đến Biển Đông, khi mà Việt Nam lừng khừng thì Hoa Kỳ đã thiết lập xong quan hệ với các nước xung quanh rồi. Những nước này lớn, mạnh và trung thành với Mỹ hơn. Ví dụ như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Hay Singapore. Ngay cả Thái Lan nữa, Hoa Kỳ có quan hệ tốt hơn Việt Nam. Chế độ chính trị thích hợp hơn. Và được Quốc hội Mỹ thoải mái hơn. Cho nên Việt Nam cũng chỉ là thứ yếu tôi. Nếu phải chọn một trong hai nước cộng sản, thì Trung Quốc có cái lợi vì họ là nước lớn. Nhưng vì Việt Nam là nước nhỏ cho nên cũng có cái lợi, đó là Mỹ không coi VN là đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh của họ. Và cũng không thể là kẻ thù của Mỹ được. Cho nên đối với Mỹ, Mỹ thấy thoải mái với VN hơn.
Về phương diện cải tổ chính trị, VN là nước nhỏ cho nên dễ cải tổ chính trị hơn Trung Quốc, thành ra đó là yếu tố tích cực để có thể tác động đến bang giao Việt Mỹ. Như tôi từng nói lịch trình của ông Obama khá bận, chỉ khi nào, chỗ nào có cái gì ghê gớm lắm ông mới sang thôi. Thành ra nó sẽ tùy thuộc vào ba điểm. Thứ nhất là chuyến thăm Việt Nam của bà Clinton, xem cái tác động của khối Asean ra làm sao. Sau này thì ông thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng có thể thăm Mỹ để bàn về vấn đề nguyên tử. Hai cái điểm này, cộng thêm một điểm nữa là xem có cái gì tác động thêm đối với VN không, thì bấy giờ ông Obama mới quyết định sang thăm Việt Nam được. Từ giờ đến lúc đó có nhiều yếu tố xảy ra mình không thể biết được. Mình chỉ có thể đoán rằng nghị trình ngoại giao của Mỹ thì dày đặc. Và cái vấn về Việt Nam thì không ở cao lắm. Thậm chí còn là thấp. Hai yếu tố này cho ta thấy có hy vọng nhưng không hy vọng nhiều. Cả đại sứ Mỹ tại VN, Michael Michalak cũng đã nói, ông sẽ cố gắng nhưng không hy vọng nhiều.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100305_viet_us_partnership.shtml