Thanh Thủy, RFI
Đầu tháng này 13 tờ báo trên toàn lãnh thổ Trung Quốc đã ký chung một bài xã kuận lên án chế độ hộ khẩu, một chế độ bị xem là mang tính chất kỳ thị trong xã hội.Giờ đây nó đang chia xã hội Trung Quốc thành hai thế giới nông thôn và thành thị.
Báo Le Figaro cho biết là sáng kiến kể trên làm cho nhiều người ngạc nhiên vì chế độ này đã được áp dụng từ hơn một nửa thế kỷ qua.
Với chế độ hộ khẩu, hàng triệu nông dân, đã ùa về thành phố để kiếm việc làm, không được hưởng một số thuận lợi dành cho người dân sống tại thành phố như là chữa bệnh tại nhà thương, ghi tên trường học cho con cái hoặc là mua nhà với giá được chính quyền hỗ trợ.
Ngày mùng 1 tháng ba vừa qua bài xã luận chung của 13 tờ báo khẳng định rằng chế độ hộ khẩu vi phạm nhân quyền và đi ngược lại hiến pháp bằng cách chối bỏ sự bình đẳng giữa các công dân Trung Quốc. Đồng thời bài báo này kêu gọi các đại biểu, nhân khóa họp kỳ thứ 3 của Quốc hội khóa 11 tại Bắc Kinh, phải tìm cách làm cho tình hình này thay đổi.
Theo thông tín viên Arnaud de La Grange của Le Figaro tại Bắc Kinh, chiến dịch của giới báo chí không mang tính chất âm mưu chống chính quyền. Nó đến sau một loạt tuyên bố chính trị chủ trương là phải cải tổ chế độ hộ khẩu. Trong tháng giêng năm nay tài liệu số 1 của chính phủ, liệt kê các vấn đề ưu tiên trong năm, đã giữ lại hồ sơ cải tổ chính sách hộ khẩu.
Tuy nhiên Le Figaro cho biết là nếu như giới báo chí được một số lãnh đạo bật đèn xanh để ký chung một bản tuyên bố thì ngược lại nó cũng gây bực mình cho một số người đang nắm quyền. Đúng ngày hôm đó, một tòa soạn báo đã nhận được một cú điện thoại của ban tuyên huấn trung ương yêu cầu là phải gỡ khỏi trang Internet bài xã luận chung.
Điều này chứng minh là một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra trong bộ máy lãnh đạo trên vấn đề này. Khi được thiết lập năm 1958, chế độ hộ khẩu có tác dụng ngăn chận phong trào nông dân ồ ạt đổ về thành phố. Nhưng ngày nay có khoảng 230 triệu người Trung Quốc không còn sống tại nơi họ đăng ký hộ khẩu. Ngoài ra chế độ hộ khẩu khuyến khích tệ nạn tham nhũng qua việc mua bán giấy phép đăng ký. Đồng thời nó cũng làm cho tình trạng tội ác gia tăng vì công dân không được đăng ký hộ khẩu dễ rơi vào tình trạng phạm pháp.
Nhưng, theo Le Figaro, cũng có một số người lên tiếng tuyên bố rằng cuộc cải tổ phải được tiến hành một cách thận trọng và từng bước một, do các chính quyền địa phương không thể gánh vác những chi phí đến từ việc kể từ nay những nhân công đến từ nông thôn cũng được cấp phát những đặc lợi mà người dân ở thành thị lâu nay đã được hưởng.
Dù sao đi nữa thì chế dộ hộ khẩu nhất thiết phải được sửa đổi vì trong ba thập niên Trung Quốc đã trải qua cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử. Từ nay đến năm 2035 sẽ có hơn 400 triệu người sẽ từ nông thôn dổ về thành thị.
Chính quyền Trung Quốc muốn hạn chế những bất bình đẳng trong xã hội
Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá XI của Trung Quốc vừa bắt đầu hôm qua và sẽ kéo dài 10 ngày.Trong bài diễn văn khai mạc, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh báo là sự phục hồi kinh tế không được vững chắc và ông đặt thành ưu tiên vấn đề giảm những bất bình đẳng trong xã hội để duy trì nền ổn đinh chính trị. Đây là chủ đề mà báo Le Figaro chọn đưa thành tựa.
Trước 3000 đại biểu ông Ôn Giao Bảo tuyên bố chọn con đường trung dung giữa hai phe chống đối nhau trong ban lãnh đạo Trung Quốc. Một bên là những người e ngại những tác động tiêu cực của kế hoạch kích cầu, như là giá cả bất động sản gia tăng, nguy cơ lạm phát và kinh tế có thể bị hâm nóng. Còn bên kia là những người cho rằng không nên chuyển hướng để sự tăng trưởng không bị đe dọa.
Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh trên sự cần thiết phải « thay đổi phương thức phát triển kinh tế » nhằm đẩy mạnh mức cầu nội địa còn rất thấp. Báo Le Figaro nhận thấy là nếu như ông Ôn Gia Bảo đề ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu là 8% để có thể tạo được công ăn việc làm, thì ông cũng công nhận rằng tài sản quốc gia nhất thiết phải được chia sẻ đồng đều hơn.
Do vậy mà nhiều nỗ lực sẽ được thực hiện trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và phát triển nông thôn. Trích dẫn những con số chính thức Le Figaro cho biết là hố ngăn cách thành thị và nông thôn tiếp tục bị đào sâu với thu nhập của người ở thành thị lớn hơn gấp ba lần thu nhập của người ở nông thôn trong năm 2009.
Trai thừa gái thiếu: một hiện tượng gây lo ngại ở châu Á
Trang nhất của tờ Công giáo La Croix hôm nay đăng một tấm ảnh chụp bốn đứa bé Á đông vừa mời chào đời, mặt mày mũm mĩm trông rất dễ thương.
Trên tấm ảnh là một hàng tựa lớn đề cập đến tình trạng mất cân bằng tại một số nước Á châu, đó là nạn trai thì thừa quá nhiều mà gái thì quá thiếu. Gần đến Ngày quốc tế Phụ nữ, tờ La Croix chú ý đến một hiện tượng đang gây lo ngại ở châu Á vì dân chúng bắt đầu cảm nhận tác động tiêu cực của sự thiếu cân bằng nam nữ.
Đặc biệt là tại hai nước đông dân Ấn Độ và Trung Quốc, nơi mà truyền thống trọng nam khinh nữ còn đè nặng lên xã hội, tỷ lệ đàn ông độc thân tăng quá mạnh có nguy cơ dẫn đến sự phát triển của thị trường mại dâm, nạn buôn bán hay bắt cóc phụ nữ để làm vợ cho nhiều người đàn ông trong một gia đình và của tình trạng bạo lực trong xã hội.
Chiến dịch không ăn thịt để bảo vệ môi trường
Nhân dịp hội chợ triển lãm nông nghiệp Pháp diễn ra từ đầu tuần này tại Paris và sẽ bế mạc hôm nay, trang nhất của tờ Libération được dành cho ngành chăn nuôi ở Pháp đang lo lắng trước hiện tượng việc ăn thịt nói chung và việc ăn thịt bò nói riêng đang giảm sút. Nhất là sáng kiến « một ngày không ăn thịt » để bảo vệ môi trường ngày càng trở nên hấp dẫn khi người ta được biết rằng nếu như một tuần một lần một thành phố 240 000 dân nhịn ăn thịt, thì việc làm này tương đương với việc 20 000 chiếc xe hơi không thải ra khí cacbonic. Là một người ăn chay từ bấy lâu nay, nam ca sĩ Anh, Paul Mc Cartney, thuộc nhóm The Beatles trước đây, đã phối hợp chiến dịch không ăn thịt với trào lưu bảo vệ môi sinh khi tháng 12 năm ngoái ông đến Nghị viện châu Âu cùng với một chuyên gia về biến đổi khí hậu. Nhưng bộ trưởng Nông nghiệp Pháp, Bruno Lemaire, đã tuyên bố, hôm khai mạc Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp, rằng ông không thể chấp nhận « cuộc chiến tranh chống thịt bò ».