Mittwoch, 17. März 2010

Bốn trận đánh lớn của Obama

Khuyết danh (Trung Quốc) - Dương Danh Dy (trích dịch)

Tổng thống Mỹ, Barack Obama.

Nước Mỹ đối phó với Irắc, Afganistan hoặc với Yemen trong tương lai đều là chiến tranh truyền thống, thế nhưng đối với các nước châu Á thì nhất loạt đều là đại chiến tỷ suất hối đoái

Ví dụ như Nhật Bản năm 1985, lúc đó Nhật Bản đặc biệt huênh hoang, Nhật Bản nói GDP phải vượt Mỹ, thậm chí Nhật Bản còn rêu rao muốn mua nước Mỹ, huênh hoang thật. Thực ra họ đã mua 2/3 đất Hawai, thậm chí Nhật Bản còn nói chúng ta có thể nói không với với người Mỹ.

Năm 1985, cuộc đại chiến tỷ suất hối đoái do Mỹ nhằm vào Nhật bắt đầu mở màn. Lúc đó Mỹ liên hiệp với Đức, Anh, Pháp thành 4 nước buộc Nhật phải ký “Hiệp nghị quảng trường”. Hiệp nghị này yêu cầu đồng Yên Nhật phải tăng giá. Từ năm 1985 đến năm 1987 đồng Yên tăng giá 2 lần, đả kích nặng nề vào các thương xã Nhật.

Đến cuối năm 1987 Mỹ lại cho nổ quả bom thứ hai, đó là buộc Nhật giảm lãi suất, lãi suất của Nhật hạ xuống mức thấp nhất lúc đó. Quả bom này quả rất đáng sợ, bởi vì trong hai năm 1985-1987 đồng Yên tăng giá các đại thương xã Nhật đã gặp khó khăn trọng đại. Khi quả bom thứ hai nổ vào năm 1987 phát hiện thấy lãi suất thấp nên các đại thương xã Nhật bắt đầu vay tiền ngân hàng xây nhà, mua cổ phiếu.

Tháng 1 năm 1990, Mỹ ném quả bom thứ ba phá hủy nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản, khiến Nhật Bản lâm vào nạn tiêu điều dài tới hơn hai mươi năm.

Nên nhớ là đại chiến tỷ giá hối đoái nhất định phải phối hợp với bong bóng hóa tiền vốn thì mới có hiệu quả. Không biết nghe câu nói này trong lòng các bạn (tức người Trung Quốc – ở dưới cũng vậy) đã có chút sợ hãi chưa? Bởi vì chúng ta (tức Trung Quốc) đã bong bóng tiền vốn rồi!

Năm 1997 châu Á có 4 con rồng* và 4 con hổ*, 8 nước và vùng lãnh thổ này huênh hoang ghê lắm. Chúng ta chưa có gì, mới có ít tiền, thế là nhân cơ hội trời cho tư sản các nước chấu Á bắt đầu bị bong bóng hóa năm 1995, Mỹ đã đánh mạnh vào tiền tệ châu Á, làm mất giá một nửa, hủy hoại bong bóng, kết quả giết chết 4 con hổ, làm bị thương 2 con rồng. Nếu như năm 1997 Chính phủ Trung Quốc không ra tay cứu đồng bào Hồng Công thì bây giờ Hồng Công vẫn còn tiêu điều.

Tháng 9 năm 2009, Mỹ chính thức bố trí xong trận đại chiến tỷ giá hối suất. Tại hội nghị thượng đỉnh Newyork, Obama yêu cầu tỷ suất đồng Nhân dân tệ phải tăng, xuất khẩu phải giảm. Lời kêu gọi của Obama được nhiều nơi hưởng ứng, tháng 11 năm đó, Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương cũng yêu cầu đồng NDT tăng giá… Từ xưa tới nay chưa bao giờ có chuyện nhiều nước thù địch tỷ suất hối đoái của một nước khác như vậy, ngay Nhật Bản năm 1985 cũng chỉ chỉ chịu sức ép của 4 nước thôi, lần này trừ châu Phi ra hầu như các nước còn lại đều liên hiệp đối phó Trung Quốc. Người ta đặt câu hỏi: vì sao xuất khẩu của Trung Quốc lại có thể tăng trưởng nhanh mạnh như vậy? Câu trả lời là Trung Quốc thao túng tỷ suất đồng NDT, và chỉ chịu tăng giá nhỏ giọt (3%-5%) khi bị thúc ép.

V.v.

Bước thứ hai là đại chiến mậu dịch, và được bắt đầu bằng việc lên án Trung Quốc bán phá giá săm lốp ô tô với cái gọi là “Phương án bảo vệ đặc biệt săm lốp” do Công đoàn Gang thép Mỹ đề xuất. Ở đây lúc đầu người Trung Quốc đã có sự hiểu nhầm do phiên dịch sai, vì đúng ra cái Công đoàn này bao gồm nhiều ngành hàng rất lớn như gang thép, cao su, giấy, lâm nghiệp, năng lượng, chế tạo, dịch vụ v.v., có vai trò rất lớn trong việc giúp Obama thắng được Hilary Cliton trong cuộc tranh chấp nội bộ Đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử Tổng thống vừa qua.

Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2004 đến năm 2008, săm lốp của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đã chiếm tới 12% thị phần của nước này và trong cùng thời gian đó thị phần của các công ty săm lốp Mỹ cũng giảm vừa đúng 12%, chính vì vậy người ta cho là Trung Quốc có tội. Đến đây gọng kìm thứ hai, gọng kìm đại chiến mậu dịch trong hai gọng kìm kẹp vào yết hầu Trung Quốc đã triển khai xong (gọng kìm thứ nhất là đại chiến tỷ giá hối suất). Ngay sau đó Brasil, Argentina, Ấn Độ cũng làm theo, rồi nước Đức lên án bán phá giá điện từ năng lượng mặt trời, Âu Mỹ chống bán phá giá giầy dép, hàng nhôm, ống thép không hàn, Mỹ chống bán phá giá ống thép đường kính 9 tấc, đường ống dẫn dầu, muối của axit photphoric v.v. cũng như một số sản phẩm khác.

V.v.

Bước thứ ba là đại chiến giá thành. Một ví dụ, nếu chỉ nhìn vào phương thức nuôi gà ở Mỹ (phải có chuồng trại rộng rãi theo tiêu chuẩn văn minh) người ta có thể thấy là nuôi gà ở Mỹ không rẻ, nhưng trên thực tế giá gà ở Mỹ vẫn rẻ, đó là vì thức ăn cho gà – chủ yếu là ngô được chính phủ Mỹ trợ giá, trong mười năm qua, tổng cộng chính phủ Mỹ đã trợ giá cho ngô dùng làm thức ăn cho gà tới 29 tỷ USD (tương đương 200 tỷ NDT). Rồi chuyện quặng sắt do bị ép giá, chỉ trong hai năm Trung Quốc tổn thất 700 tỷ NDT.

V.v.

Bước thứ tư là đại chiến khí hậu thay đổi. Một ví dụ: than phiền, đòi hỏi… Trung Quốc phải có biện pháp giảm bớt lượng khí thải mà họ bảo là hiện nay Trung Quốc đang đứng đầu thế giới với 6,5 tỷ tấn CO2/năm.

V.v..

Trên đây là 4 cuộc đại chiến lớn của Obama nhằm vào 3 nguy cơ lớn của Trung Quốc là:
Một, vốn bị bong bóng hóa;
Hai, kinh tế bị trì trệ hóa;
Ba, đất nước bị lạm phát hóa.
Điều đáng lưu ý là ba nguy cơ này chủ yếu là do Trung Quốc tự tạo nên. Do vậy chúng càng nguy hiểm.


Chú thích của người dịch:
Bài viết này có nhan đề “Ba nguy cơ lớn của Trung Quốc và bốn trận đánh lớn của Obama? Đọc xong toát mồ hôi!” được đăng trên “Hỗ liên võng” ngày 7/3/2010 với một bí danh rất dài “Tiểu khẩu tử quân cảng” ngay sau đó được rất nhiều mạng của Trung Quốc, trong đó có mạng Trung Quân (Mil.com) đăng lại trong ngày nhưng không đề tên tác giả.

Người trích dịch đã lược bỏ câu “Ba nguy cơ lớn của Trung Quốc… Đọc xong toát mồ hôi” trên đầu bài vì nghĩ rằng có lẽ chỉ người Trung Quốc nào đó mới thấy rõ ba nguy cơ và sau đó sợ toát mồ hôi chứ đa số người Việt Nam chúng ta thì chưa chắc… đã thấy và chưa chắc đã toát mồ hôi . Tuy vậy cũng phải thưa lại cho rõ đầu đuôi.
Do bài viết rất dài (khoảng gần 10 trang chữ Trung Quốc) có nhiều chỗ lặp đi lặp lại, hoặc có những ý mà nhiều báo chí, phương tiện truyền thông nước ngoài đã đưa và bạn đọc Việt Nam đã rõ, nên chỉ trích dịch, có thiếu sót gì mong được lượng thứ.
Dương Danh Dy