Montag, 22. März 2010

Chống tham nhũng để hội nhập quốc tế

(LĐCT) - Việt Nam là một trong 136 quốc gia trên thế giới phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (Công ước UNCAC). Hưởng ứng Công ước UNCAC, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (2005) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng (2007).

Bà Setsuko Yamazaki - Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng là công cụ pháp lý có giá trị ràng buộc đầu tiên trên toàn cầu trong cuộc chiến chống tham nhũng, thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng có hiệu quả, tạo thuận lợi và hỗ trợ hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, thúc đẩy liêm chính, trách nhiệm giải trình và quản lý đúng đắn tài sản công”.


Tại Hội thảo về Thực thi Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020 tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 10 năm 2009, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng khẳng định: “Công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành; thể hiện quyết tâm, khả năng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp, ở Việt Nam, đã xuất hiện những vụ tham nhũng có quan hệ đến quốc gia khác”.

Ngày 12.5.2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết phê duyệt Chiến lược quốc gia về Phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Ngày 30.6.2009, Chủ tịch nước đã có quyết định phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc, và có hiệu lực từ ngày 18.9.2009.

Nghị quyết 21/NQ-CP (12.5.2009) đề ra mục tiêu, cần ngăn chặn, triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Song song với đó là việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch; từng bước xoá bỏ tệ hối lộ trong giao dịch thương mại và giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước; đồng thời hoàn thiện chính sách xử lý, nhất là chính sách hình sự, tố tụng hình sự đối với tham nhũng…

Nghị quyết đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản: Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; Hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện và xử lý tham nhũng; Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng.

Chiến lược quốc gia Phòng chống tham nhũng đến năm 2020 được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ nay đến 2011), thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh việc xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong dân. Giai đoạn thứ hai (từ năm 2011-2016), tiến hành mở rộng các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng làm căn cứ cho việc sửa đổi, bổ sung luật này phù hợp với tình hình mới. Giai đoạn thứ ba (2016-2020), tiếp tục làm tốt các giải pháp đã đề ra và đã thực hiện từ các giai đoạn trước.

Từ nay đến 2012, Chính phủ cũng tập trung nghiên cứu một số đề án phục vụ cho việc phòng chống tham nhũng, điển hình như Đề án Minh bạch hoá quá trình hoạch định, trình, ban hành chính sách pháp luật (thời điểm trình khoảng 12.2011); Kế hoạch rà soát sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính giai đoạn 2011-2020 (6.2011); Thông tư liên tịch về công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (10.2010).

Như vậy là đường lối, chính sách, chủ trương, nghị quyết và pháp luật đều đã rất rõ ràng, minh bạch và có tính kiên quyết cao. Vậy mà khi tiếp xúc với cử tri nhiều địa phương khác nhau tôi vẫn thấy nhân dân kêu ca rất nhiều về hiện tượng chạy bằng tiền để đạt được các quyền lợi chính đáng.

Từ chỗ học cho trẻ em, chỗ làm việc cho sinh viên mới tốt nghiệp, chỗ xin hợp lý hoá đơn vị công tác, chỗ làm các thủ tục hành chính, chỗ thanh quyết toán tài chính, chỗ đấu thầu đề tài hay dự án, thậm chí cả chỗ đề nghị khen thưởng chuyện này, chuyện nọ... ai cũng nói không có phong bì là không xong (!). Thuật ngữ “văn hoá phong bì” đâu có xuất hiện trước đây, trong mấy chục năm kháng chiến gian khổ và anh dũng. Đó là chuyện phản văn hoá.

Để các chính sách và pháp luật này được thực thi có hiệu quả chúng tôi mong các cấp uỷ Đảng và chính quyền cần triển khai sớm các biện pháp sau đây:

- Công khai hoá tài sản (nhà cửa, ruộng đất, tiền bạc) của các cấp cán bộ và để cho nhân dân giám sát.

- Cho phép báo chí đưa ra ánh sáng mọi tố cáo có cơ sở của quần chúng nhân dân và yêu cầu trả lời theo đúng Luật Báo chí.

- Tăng cường vai trò tiếp xúc cử tri theo luật định đối với mọi đại biểu nhân dân (đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp) và yêu cầu các cơ quan cần trả lời thích đáng trong thời gian quy định.

- Thực sự tiến hành cải cách bộ máy quản lý để thực sự giảm biên chế, từ đó có kinh phí để trả lương đủ sống cho những người toàn tâm, toàn ý làm công tác phù hợp với tất cả năng lực của mình

- Trao cho Mặt trận Tổ quốc các cấp những quyền hạn cụ thể để có thể phát động quần chúng giám sát và tố cáo mọi tiêu cực của cán bộ thuộc địa phận của mình.

- Thay đổi nội dung của Bộ luật Hình sự để truy cứu nghiêm khắc những đường dây gián tiếp nhận hối lộ cho người khác và giảm trách nhiệm đối với những người tự giác khai báo các đường dây này.

Nguyễn Lân Dũng
http://www.laodong.com.vn/Home/Chong-tham-nhung-de-hoi-nhap-quoc-te/20103/177794.laodong