Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 94 (01-03-2010)
Các lãnh tụ Cộng sản là những con buôn không cần vốn. Vốn của họ, nếu có, chỉ là nước bọt. Sử dụng thứ chủ nghĩa Mác-Lê đầy lừa mị, khai thác triệt để các bất công mà xã hội nào cũng có, trưng chiêu bài “đấu tranh cho dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, trâng tráo uốn lưỡi hứa hẹn “những ngày mai ca hát”, “một xã hội không còn cảnh người bóc lột người”, trong đó “ai nấy theo khả năng mà làm, theo nhu cầu mà hưởng”, họ đã quyến rũ được khối quần chúng công nhân hay nông dân vô sản ít học (và cũng không ít trí thức dại khờ hay tham vọng) đi theo làm “cách mạng” lật đổ chế độ cũ, xóa sạch nhiều chính quyền, để xây nên một chế độ mới, thiết lập một chính quyền mới mà trong đó họ trở thành những ông vua chưa từng có trong lịch sử.
Chưa từng có bởi lẽ họ vừa ngồi trên ngai thống trị chẳng cần ai bầu lên và chẳng sợ ai chất vấn, vừa ra luật cho mình sở hữu toàn bộ tài sản đất nước (dưới mỹ từ “quản lý thay cho toàn dân”), vừa kiểm soát được mọi tâm tư, tình cảm và hành động của quốc dân vốn đã bị biến thành bầy nô lệ. Có lúc chơi ngon, họ còn bán trời không văn tự, như qua công hàm Phạm Văn Đồng dâng cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Trường Sa do Việt Nam Cộng hòa quản lý, vơ cả những đồng bào đã chạy trốn họ, đã bị họ gọi là “ma cô đĩ điếm, ôm chân đế quốc, ham bơ thừa sữa cặn tư bản”, làm thành “khúc ruột ngàn dặm thân thương”, “một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc”, chẳng được quyền chống lại họ, một phải góp phần củng cố chế độ ác ôn mà họ đang duy trì.
Chính với não trạng coi mình là những ông chủ tuyệt đối uy quyền (dù miệng luôn leo lẻo là “đầy tớ nhân dân”), chẳng cần hỏi ý kiến ai (dù có dựng lên cả một cơ chế để lấy ý kiến mang tên “Quốc hội”), chẳng sợ trách nhiệm trước ai, trả lẽ với ai, trình bày cho ai, các lãnh tụ CSVN, kể từ Hồ Chí Minh, đã bình thản dâng đất, dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp, bá quyền Bắc phương, quan anh Ba Tàu để củng cố và bảo vệ chiếc ghế quyền lực. Giang sơn mà “vua Hùng và bao thế hệ đã có công dựng, nay Bác và lũ cháu đồng đảng đã cùng nhau… nhờ Trung Cộng giữ giùm”! Ải Nam quan, Thác Bản Giốc, gần cả ngàn km vuông lãnh thổ vùng biên giới, rồi chục ngàn km vuông lãnh hải thuộc Biển Đông, cả trăm đảo lớn nhỏ thuộc Hoàng Trường Sa lần lượt rơi vào tay Anh Cả Đỏ trong thế kỷ XX qua những hiệp định mờ ám, bất chấp xương máu của bao chiến sĩ và phản kháng của bao con dân. Đến đầu thế kỷ XXI, vùng đất chiến lược Tây Nguyên, thắt lưng đất nước, lại ngon ơ dâng cho Đại Đồng Chí qua dự án khai thác bauxite, bất chấp cảnh báo của bao tướng lĩnh, phê phán của bao nhà khoa học và chống đối của bao đồng bào. Biển Đông, nguồn gốc và nguồn sống của dòng giống Lạc Hồng, ngày càng bị thu hẹp, mưu sinh của ngư dân Việt ngày càng khó khăn và nguy hiểm, thủy sản và khoáng sản (trên biển) của Tổ quốc ngày càng vơi cạn hay khó khai thác, hải lộ của Quốc gia ngày càng bị kiểm soát và đe dọa... Trên đất liền thì Trung Cộng xâm lăng về kinh tế (tuôn tràn hàng hóa với giá cả rẻ nhưng phẩm chất kém, thắng thầu các dự án xây dựng nhà máy, khai thác nguyên liệu, giết chết vô số công ty, xí nghiệp, sản phẩm địa phương…), xâm lăng về văn hóa (phim Tàu, nhạc Tàu, tiếng Tàu, triết Tàu, hình ảnh Tàu tràn ngập…, trẻ em thuộc sử Việt không bằng sử Tàu…), xâm lăng về dân số (dân Tàu, làng Tàu, khu vực Tàu, con lai Tàu xuất hiện khắp nơi, từ Nam chí Bắc…), xâm lăng về chính trị (điệp viên Tàu, tay sai Tàu có mặt trong nhiều tổ chức quan trọng của đảng, quân đội, công an, nhà nước…. ai phê phán hay chống đối Tàu, dù dưới bất cứ hình thức nào, đều bị trừng trị thẳng tay… luận điệu Tàu, lập trường Tàu được bày tỏ trên chính các trang mạng của nhà nước và đảng). Tất cả chỉ vì sự khiếp nhược đê hèn, nếu không muốn nói là sự đồng lõa tội lỗi của hàng lãnh đạo CSVN.
Và người ta những tưởng như thế là đủ các mặt xâm lăng của Trung Cộng, các mặt nhượng bộ của Việt Cộng rồi. Đùng một cái, bức thư tố cáo của hai tướng CS là Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh hôm 22-01 làm cho tất cả cộng đồng người Việt trong lẫn ngoài nước giật mình kinh hoảng. Hai ông viết: “Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã cử đoàn cán bộ liên ngành trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời tổng hợp báo cáo 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương… Kết quả cho thấy 10 tỉnh đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới”. Tiếp đó hai ông cảnh báo cách mạnh mẽ: “Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn. Cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm họa. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thuỷ lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thuỷ điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao? Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những “làng Đài Loan”, “làng Hồng Kông”, “làng Trung Quốc”. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng”.
Gần tháng sau, ngày 20-02, một nhà khoa học địa chất là Vũ Ngọc Tiến, lại nêu lên một nguy cơ khác: thất thoát tài nguyên khoáng sản. Ông cho biết: Các vùng Việt Bắc, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum -theo các nhà khoa học Pháp, Nga, Việt- đều giàu kim loại màu và kim loại quý hiếm, thậm chí có cả uranium. “Trước năm 1986, quy trình bảo mật của ngành địa chất đối với các mỏ quặng loại này vô cùng nghiêm ngặt. Thế nhưng kể từ khi bắt đầu đổi mới (1986), các quy định về bảo mật tài nguyên bị xâm phạm nghiêm trọng. Các tỉnh đua nhau mời chuyên gia địa chất đo vẽ bản đồ địa chất–khoáng sản cho riêng địa phương mình mà thực chất và chủ yếu là sao chụp lại tài liệu trong lưu trữ quốc gia… Đây là kẽ hở chết người dẫn đến tệ nạn “khai thác thổ phỉ” tại các mỏ quặng diễn ra kéo dài và phổ biến khắp nơi, không loại trừ khả năng bí mật về khoáng sản ở các tỉnh biên giới cũng theo đó mà lọt vào tay người nước lạ! Tôi ngờ rằng, trong 264 ngàn ha rừng đầu nguồn ở các tỉnh biên giới đã cho người nước lạ thuê kia không chỉ có gỗ mà còn có cả khoáng sản và đó mới là mục đích sâu sa, thâm hiểm của ông bạn nước lạ”
Trước những những lời tố cáo của hai “tướng về hưu” và nhà khoa học nói trên, giới lãnh đạo cao cấp đảng Cộng Sản và bộ máy chính quyền trung ương, như thường lệ, chẳng buồn đáp lại. Giống như họ từng tỏ ra khinh khỉnh, bỏ qua không thèm trả lời mấy ngàn nhà trí thức phản đối vụ Bauxite. Cho tới nay, người ta chỉ mới thấy phản ứng của các lãnh đạo CS địa phương. Chẳng hạn ông Đào Đức Hoan, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn, đã bác bỏ quan ngại về nguy cơ "mất rừng". Ông ta nói với BBC ngày 22-02 rằng khi cấp phép cho các dự án, chính quyền địa phương đã cân nhắc kỹ lưỡng "vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và quốc gia". Ông Lý Vinh Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lạng Sơn, thì khẳng định rằng đất giao cho chủ đầu tư nước ngoài hoàn toàn là "rừng sản xuất chứ không phải rừng phòng hộ" và "không có mua bán đất đai, chuyển nhượng sở hữu mà chỉ có cho thuê". Ông cũng nói cơ quan Tài nguyên-Môi trường tỉnh có cơ chế để giám sát các dự án sao cho bảo đảm về môi trường lâu dài và việc cho thuê đất được thực hiện theo đúng quy trình quy định của Nhà nước. Cuối cùng ông ta bác bỏ quan ngại về yếu tố Trung Quốc trong các dự án, với lý do rằng quá trình thẩm định không phân biệt nhà đầu tư đến từ nước nào. Đây là luận điệu lưỡi gỗ và lường gạt của hầu hết các lãnh đạo CSVN, mà người ta từng nghe thấy trước đó qua dự án khai thác mỏ than Quảng Ninh và mới đây qua dự án khai thác bauxite (lẫn uranium) ở Lâm Đồng. Lối khẳng định chắc nịch và lời đoan hứa mạnh bạo kiểu ấy đã và đang sinh ra hậu quả nào cho nhân dân và đất nước thì ai cũng thấy rõ.
Tất cả các thái độ đó của nhà cầm quyền trung ương lẫn địa phương CSVN ngoài ra còn cho thấy một vấn đề đáng lo ngại. Đó là tình trạng “quân hồi vô lệnh”, “lãnh chúa cát cứ” đối với bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Dưới không dám phê bình trên, để cho trên muốn làm gì mặc ý thì trên cũng thả lỏng cho dưới tha hồ đem tài sản của toàn dân ra “đổi trao bán chác” để kiếm miếng lợi về mình. Ai chịu trách nhiệm ở đây và nhân dân – chủ nhân ông của đất nước – sẽ truy cứu hình sự đối với những kẻ nào? Ngày xưa chính quyền trung ương luôn luôn quan tâm đến chính sách “ky my” (trói buộc) để các vị đầu lĩnh nơi biên ải triệt để phục tùng, không thể làm hao tổn một tấc đất nào của Tổ quốc. Nay thì “ky my” xem ra lại là một sự đổi trao ngầm: anh để cho tôi làm mưa làm gió kiếm lợi ích riêng thì tôi cũng thả lỏng cho anh tự tung tự tác (theo Vũ Ngọc Tiến).
Cái đó tựu trung nằm trong chính quan niệm của Cộng sản về quyền lực và quyền lợi: toàn thể dàn lãnh đạo từ trung ương tới địa phương chỉ là một tập đoàn lợi ích cấu kết với nhau kiểu băng đảng mafia, nắm hết mọi cơ chế quyền lực trong tay để chia chác cho nhau mọi tài nguyên quyền lợi. Chúng bất chấp công lao của tổ tiên, khốn khổ của đồng bào, tụt hậu của đất nước, nguy cơ của giống nòi. Từng nhượng biển nhượng hải đảo cho lân bang không chút e dè, nay chúng tiếp tục nhượng rừng nhượng khoáng sản là điều tự nhiên. Bởi lẽ đối với chúng, ghế quyền lực và gói quyền lợi là giá trị tối thượng trên đời.
BAN BIÊN TẬP