Donnerstag, 4. März 2010

Bất đồng về quĩ bình ổn lúa gạo

Nam Nguyên, RFA
2010-02-25 - Để bảo vệ người nông dân khỏi bị ảnh hưởng bởi giá lúa gạo xuất khẩu, chính phủ Việt Nam đang xem xét việc thành lập Quỹ Bình Ổn Lúa Gạo, nhưng hiện có nhiều bất đồng về nguồn tài chánh để lập quĩ.
Việt Nam cần nhiều kho trữ gạo lớn và hiện đại như kho gạo ở Philippines

Việc hình thành một cơ chế để bảo đảm giá lúa, bảo vệ quyền lợi nông dân được nói tới từ lâu ở Việt Nam. Nhưng cho đến nay, đề xuất thành lập một quỹ bình ổn thị trường lúa gạo vẫn gặp nhiều khác biệt ý kiến, giữa các bộ ngành hữu quan và Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA.

Bước đi đúng hướng?

Theo Bộ Tài Chính qui mô quỹ ít nhất phải đạt 1.000 tỷ mỗi năm, tiền đưa vào quỹ không lấy từ ngân sách nhà nước, mà thu trước 30% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp xuất khẩu. Các chuyên gia Bộ Tài Chính muốn thể hiện sự tái phân lợi tức, qua tính toán theo đó người trồng lúa lao động khó nhọc tới 50% công việc nhưng hưởng lợi rất ít, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ đảm nhận khoảng 10% công việc, nhưng lại hưởng đến 70% giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất chế biến xuất khẩu gạo.

Cho đến nay, nông dân những người làm ra hạt gạo không có tiếng nói hay có đại diện tham gia vào những hoạt động thiết thân chi phối cuộc sống của mình, mặc dù Hội Nông Dân đại diện cho họ là 1 tổ chức có hàng chục triệu hội viên. TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập từ Hà Nội nhận định:

“Hiện nay Hội Nông Dân chưa có vị thế thỏa đáng trong toàn bộ khâu tổ chức cũng như họat động để phục vụ người nông dân. Mới đây Hội Nông Dân đã tổ chức một cuộc hội thảo về xuất khẩu lúa gạo và đưa ra nhiều kiến nghị. Nhưng cho đến nay Hội vẫn chưa được tham gia vào việc điều hành xuất khẩu gạo, chưa phản ánh được ý kiến của người nông dân. Tôi nghĩ rằng Hiệp Hội Xuất Khẩu Gạo và Hội Nông Dân cần ngồi lại với nhau, hợp tác với nhau và Hội Nông Dân nên được có vị thế cao hơn có tiếng nói xứng đáng hơn để phản ánh các nguyện vọng chính đáng của người nông dân.”

Xuất khẩu gạo 20 năm, nhưng mãi đến cuối năm 2009 Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam mới chặng đặng đừng hứa hẹn đóng góp 1 USD mỗi tấn gạo xuất khẩu, thí dụ năm 2009 xuất 6 triệu tấn sẽ giữ lại 6 triệu USD tương đương 114 tỷ đồng để đầu tư trở lại cho đồng ruộng, giúp chi phí khuyến nông. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là hứa hẹn và có thể sẽ chuyển hướng qua quỹ bình ổn lúa gạo.

Kho trữ gạo của công ty lương thực Long An. Photo courtesy of longan.gov.vn TS Lê Đăng Doanh nhận định về vấn đề này:

“Đây là một bước đi nhỏ đúng hướng để tiến tới có sự đầu tư trở lại từ lợi nhuận xuất khẩu gạo, từ lợi nhuận các khâu trung gian, để phục vụ cho kết cấu hạ tầng của nông thôn và đó cũng vì chính lợi ích của các công ty xuất khẩu gạo cho nên đây là 1 đồng đô la phục vụ nông nghiệp cũng là đồng đô la phục vụ lợi ích gián tiếp của các công ty xuất khẩu gạo.”

Khó tháo hầu bao doanh nghiệp

Khi Bộ Tài Chính đề xuất chính phủ lập quĩ bình ổn lúa gạo, cũng đưa giải pháp yêu cầu doanh nghiệp ứng trước 30% lợi nhuận xuất khẩu gạo để sung vào quĩ khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam tuy ủng hộ việc thiết lập quĩ bình ổn lúa gạo, nhưng không đồng ý về việc ứng trước 30% lợi nhuận từ xuất khẩu gạo mà đề nghị được đóng góp trên mỗi tấn gạo xuất khẩu và không quá 1 USD/tấn.

Quĩ bình ổn thị trường lúa gạo được vận dụng như thế nào thì chưa được công bố, chỉ được mô tả chung chung như tài trợ giúp bảo đảm giá lúa cho nông dân lãi tối thiểu 30% khi thị trường mất giá. Tài trợ doanh nghiệp tiêu thụ hết lúa hàng hóa không để tồn đọng trong dân, hoặc tài trợ doanh nghiệp khi giá thị trường xuống thấp hơn giá sàn.

Các chuyên gia nói với chúng tôi để bình ổn thị trường lúa gạo qui mô quĩ 1.000 tỷ đồng/ năm tương đương 53 triệu USD thì phần tiền vốn vẫn quá hạn chế. Khi thị trường xuất khẩu bế tắc hoặc rớt giá, việc mua tồn trữ chờ thời điểm giá tốt, ngoài việc tài trợ vốn các doanh nghiệp cần phải có đủ kho tồn trữ đạt tiêu chuẩn đễ trữ lúa lâu dài chờ giá tốt. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long nhận định:

“Nếu kho tàng không tốt, dự trữ không nhiều thì giá bán không được như mong muốn, như vậy rất thiệt thòi. Nhà nước đã quan tâm tới vấn đề kho tàng, hy vọng sẽ có cải thiện tốt hơn trong những năm sắp tới.”

Sau 20 năm bán gạo ra nước ngoài, vươn lên vị trí quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, nhưng Việt Nam mới đang chập chững thiết lập những cơ chế sơ khởi. Một thí dụ điển hình, bên Thái Lan ngoài việc thiết lập hệ thống kho hiện đại đủ sức chứa 10 triệu tấn gạo, thời cựu thủ tướng Thaksin đầu những năm 2.000, chính phủ Thái Lan đầu tư gần 2 tỷ USD để thực hiện cơ chế bảo đảm giá lúa gạo, theo hình thức chưa có quốc gia nào làm. Theo cơ chế này nông dân có thể bán lúa cho các đại lý của chính phủ theo giá sàn bảo đảm và có thể mua lại tất cả số lúa đó trong vòng 90 ngày và chịu lãi suất 3%. Do giá sàn bảo đảm luôn cao hơn giá thị trường, nên chính phủ đã trở thành người trực tiếp mua lúa gạo cho nông dân và phụ trách luôn việc xuất khẩu thông qua các hình thức, hợp đồng chính phủ, đấu thầu bán cho nhà xuất khẩu hoặc bán theo hợp đồng kỳ hạn trên sàn giao dịch nông sản.

Hiện nay chính sách lúa gạo của chính phủ Thái Lan có một số thay đổi, nhưng lúa gạo vẫn là vũ khí chính trị để đạt sự ủng hộ của nông dân trong các cuộc bầu cử.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Investment-fund-for-stabilizing-rice-price-how-and-when-NNguyen-02252010215428.html