Nguyễn Dư
Bạn bè của tôi ơi! Các bạn có còn nhớ mấy kỉ niệm "chữ nghĩa" năm xưa không? Ôi! Cái thời lạy cô đi qua, lạy thầy đi lại. Có đứa độc miệng khấn thêm: Đi mau mau cho bọn con nhờ. Quên làm sao được cái thời ấy nhỉ?
Năm chúng tôi... Thôi, không dám chơi trèo, thấy người sang bắt quàng làm họ, người ta chửi cho thì khốn. Mình làm, mình chịu, đừng vơ thêm, lôi thêm người khác vào. Vậy, xin khiêm tốn sửa lại rằng... Năm tôi học lớp ba trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội, 1952), có một lần cả lớp viết sai chính tả từ giặt gỵa. Sai đủ kiểu. Nhiều đứa viết là giặt dịa. Có đứa viết giặt gịa. Hai ba đứa viết giặt giạ. Thầy bảo phải viết là giặt gỵa. Cả lớp chả hiểu tại sao lại viết như vậy. Ngày sau sẽ hiểu. Hôm nay thầy dạy như vậy thì cứ biết như vậy.
Mãi sau này mới được thấy từ giặt gyạ (Laver ses habits, giặt quần áo) trong tự điển của Génibrel (1898). Thấy cả vua Gyalong (Gia Long) trong báo L'Illustration (1857). Lật Từ điển tiếng Việt (1988) của Hoàng Phê ra xem thì thấy viết là giặt gịa.
Từ đơn gịa không có trong từ điển của Hoàng Phê. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) định nghĩa gịa là đồ đong lúa, tức là từ giạ của Hoàng Phê.
Hôm ấy có đứa hỏi vặn thầy tại sao không viết là giặt dịa? Thầy bảo không được vì giặt gỵa là từ kép, dê dưới (g) phải đi với dê dưới. May cho thầy. Cả lớp không có đứa nào biết trường hợp dê dưới đi với dê trên (d) của giản dị để đưa ra " ăn thua " với thầy.
Muốn cho gyạ giống gịa thì chỉ việc thay một chữ, đặt cái dấu vào đúng vị trí. Có vậy thôi mà cũng không biết! Không biết thì cứ giặt giũ cũng được. Dù sao thì giặt gyạ (Génibrel) hay giặt gịa (Hoàng Phê) cũng là một trường hợp... hơi phức tạp. Còn nhiều trường hợp khác giản dị hơn nhiều nhưng cũng đủ để làm cho trẻ con.... bực mình!
Năm tôi học lớp nhất trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây (Thị Nghè, 1954) gặp mấy chuyện nửa cười nửa mếu. Người lớn gọi là chuyện... ngôn ngữ bất đồng. Này, này, coi chừng vạ miệng bây giờ! Tiếng Việt thuần nhất. Không có chuyện ngôn ngữ bất đồng giữa người Việt với người Việt. Những kẻ có ý xấu muốn kì thị, chia rẽ thì... Chết! Chết! Cái sảy nảy cái ung thì... bỏ mẹ cả đám. Xin sửa lại. Đây chỉ là chuyện... phát âm không giống nhau thôi. Nói như thế được chưa ạ? Được, chúng ta không nên chuyện gì cũng... bé xé ra to!
Xin phép được lau mồ hôi hột. Và xin bắt đầu lại câu chuyện. Năm tôi học lớp nhất trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây (Thị Nghè), mỗi tuần phải viết một bài chánh tả. Viết xong, cả lớp đổi tập cho nhau. Cô giáo đọc lại, giảng nghĩa, chỉ cách viết các chữ khó. Cả lớp dò theo, sửa lỗi cho nhau. Bạn bè đứa nào cũng khoái bắt lỗi thằng ngồi bên cạnh. Đứa nào cũng chăm chú sửa cho bạn, không bỏ sót một cái dấu phết. Sửa bài như vậy vừa nhanh, vừa kĩ, lại vừa đỡ mệt cho cô. Có lần tôi bị một lỗi vì... một cái lá. Phải nói ngay là không phải cái lá nho úp úp mở mở hay cái lá đa lấp ló lem nhem, mà đây chỉ là cái lá chuối... "nỏn". Cô giáo nhấn mạnh chữ "nỏn" dấu hỏi. Tôi giơ tay xin nói. Cô hất hàm cho phép. "Thưa cô, nõn dấu ngã chớ không phải dấu hỏi".. Cô giáo lắc đầu: "Dấu hỏi chớ không phải... dấu ngả". "Dạ, nõn dấu ngã". "Cãi bậy". Cô đập thước kẻ xuống bàn : "Lên đây coi". Tôi bất đắc dĩ phải lên chỗ cô đứng. Cô cầm thước chỉ vào trang sách. "Sách viết dấu hỏi nè, thấy chưa?". Tôi bắt đầu run. "Dạ thấy". Trong bụng muốn nói thêm "Thấy cả mẹ em rồi, cô ơi". Nói có sách, mách có chứng đàng hoàng, đâu phải chuyện giỡn. Cô có lí trăm phần trăm. Cãi nữa thì ăn đòn. Em chịu thua cô.
Mấy năm sau mới được học câu "Tận tín thư bất như vô thư" (Đọc sách mà quá tin sách chẳng bằng không đọc sách). Thấm thía nhưng hơi muộn. Chỉ tiếc cho cái lá chuối " nỏn ", già héo mất rồi.
Hôm ấy, tôi sốt ruột chờ giờ tan học. Thơ thẩn dạo một vòng sở thú, rồi mới về nhà. Dọc đường, khám phá ra một điều thú vị. Lang thang sở thú sướng hơn ngồi trong lớp học. Đến tối vẫn còn ấm ức. Tức hộc máu vì cái lá chuối " nỏn "... May mà chưa bị hộc máu thật. Thôi mà. Bỗng sực nhớ hình như có lần mẹ khuyên "Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Còn đi học thì phải mặc áo gì đây, mẹ? Mặc sơ mi trắng mau bẩn lắm. Chẳng lẽ ngồi yên chịu trận sao? Ngu vừa vừa thôi chớ! Thua quỷ thua ma chứ ai lại thua cả cái "vớ vẩn" kia? Đã vậy thì... Đi với chánh tả của cô thì mày phải mặc áo... bi- da-ma giáo. A ha! Cái gì mới khó chứ ma giáo thì... dễ ợt cô à. Qua mặt cô cái vèo, khỏi cần bấm còi. Sách không phân biệt hỏi ngã thì mình phải làm cho hỏi ngã... giống nhau. Chu choa, xin lãnh hội những lời vàng ngọc của quới nhơn. Hỏi chỉ khác ngã cái đuôi vểnh cong.. Dạ, đúng vậy. Vậy ta chỉ việc phe phẩy thêm một cái đuôi be bé xinh xinh vào dấu hỏi là xong. Hình dạng hỏi hay ngã sẽ giống nhau như... chị em con Ngọc sinh đôi ở cuối xóm. Xin bái lạy quới nhơn. Nhưng chưa xong! Thông thường thì dấu hỏi phải viết thẳng đứng, dấu ngã viết nằm ngang. Đó là cách viết chân phương. Nôm na gọi là viết rõ ràng. Lối viết của những kẻ không theo tôn chỉ của ma giáo. Muốn theo ta thì từ nay phải viết... mập mờ. Không thẳng, không ngang, mà phải... lửng lơ con cá lóc. Chênh chếch như ánh trăng... một đêm trong rừng vắng! (Ta lạc đề. Thèm sơn nữ quá). Viết nghiêng chênh chếch thế nào để kết quả chắc ăn một trăm phần trăm? Nhà địa lí gọi là nghiêng theo hướng tây bắc, đông nam. Nhà toán học gọi là nghiêng 45 độ âm. Nhà quê gọi là nghiêng từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Đố cô giáo của con hay bất cứ ai phân biệt được hai cái dấu. Lá nõn hay lá nỏn ai muốn đọc thế nào cũng được. Xin đa tạ quới nhơn. Xin khất quới nhơn một li nước đá nhận. Ta thấy con bị nạn thì giúp, ta không nhận thù lao. Chết cha! Chó chê chè! Ngài không thèm ăn thật hay ngài chê chẳng bõ dính răng? Quới nhơn hay là quái nhơn đây?
Cho đến hết năm học tôi không còn bị hai cái dấu hỏi, dấu ngã ám ảnh...Nhưng cái số con rệp vẫn còn bị sao quả tạ chiếu. Một hôm cô bắt viết bài tả một đám đánh nhau đến... mẻ đầu "sức" trán. Trúng tủ! Biết rồi, khổ lắm, viết mãi. Mẻ sứt này thì cũng như "Chớ cười những người đui què mẻ sứt" của thời mặc quần... soọc. Tôi tự tin viết "sứt" trán. Một lỗi! Lại gân cổ lên cãi. "Thưa cô, sứt mẻ là chữ t. Sức mạnh mới là chữ c". Cô giáo liền giở bửu bối "Nói có sách, mách có chứng" để bịt họng đứa con nít. Một lần nữa tôi bị mắng là vừa bướng vừa không chịu nghe lời cô giáo trong lớp. Mấy thằng trời đánh thánh vật lại được một phen cười hô hố. Khoe đủ mấy cái răng... sứt! Một lỗi là một lỗi, không tha thứ được. Tình thầy trò bắt đầu sứt mẻ. Sức mấy mà hàn gắn lại được. Lần này quới nhơn của tôi cũng khoanh tay chịu thua. Cô mày võ nghệ cao quá. Ta không địch lại được. Hoàn toàn bế tắc. Không có mẹo nào để làm cho c cũng như t được.
Cũng may. Những ngày nửa cười nửa mếu rồi cũng qua mau. Đến kì thi tiểu học tôi tự nguyện "hoàn lương". Ngậm ngùi từ giã ma giáo. Vì tin rằng người chấm bài sẽ không dựa vào mấy trang sách "mắc dịch" để hại đám tuổi trẻ mà tài cãi lí lại chưa cao. Tôi nhẹ nhõm trở về với dấu hỏi thẳng đứng, dấu ngã nằm ngang.
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học thừa nhận rằng phát âm của người miền Bắc phân biệt hỏi ngã, chữ cuối là c hay t, có g hay không có g, nhưng lại mắc phải mấy khuyết tật khác. Người miền Bắc uốn lưỡi không khéo như người miền Nam. Không phân biệt s với x, ch với tr, d với r... Thầy nào dùng sách do dáo (giáo) học Ngô Đê Mân chích (trích) lục, cho học trò viết chính tả bài Xự (sự) tích hai chị em, bà Chưng Chắc (Trưng Trắc), bà Chưng Nhị (Trưng Nhị) (Edmond Nordemann, Quảng tập viêm văn (Chrestomathie Annamite, 1898), Hội Nhà Văn, 2006, tr 50-52) thì chắc chắn chẳng có trò nào thoát được con số không to tướng.
Đặc điểm của tiếng Việt là có năm cái dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Muốn doạ người nước ngoài chỉ cần đưa ra mấy câu thần chú : ma, má, mà, mả, mã, mạ.. Ba, bá, bà, bả, bã, bạ. Mỗi chữ một nghĩa khác nhau. Cao siêu hơn thì đưa ra hình ảnh:
Dưới hiên hiển hiện người hiền
Sắc, không, ngã, nghiệp, pháp huyền hỏi ai?
Năm cái dấu sắc sảo, nặng nề, huyền bí... Con trẻ học hỏi vất vả, dễ ngã lòng. Đôi khi người lớn cũng bối rối cười trừ.
Một vài hội đoàn Việt kiều bên Pháp, bên Mĩ kêu gọi bà con đóng tiền cho... thủ quỷ. Cho quỷ giữ quỹ, vì thế mà nhiều người e ngại đóng góp. Bộ sử nổi tiếng của Trần Trọng Kim được in lại bên Mĩ với tựa đề mới Việt Nam sữ lược (Miền Nam).. Dường như từ sữ chưa có trong các từ điển tiếng Việt. Trong nước xuất bản Quốc triều chỉnh biên toát yếu (Thuận Hoá, 1998). Kẻ nào to gan muốn chỉnh cả chính sử của nhà Nguyễn?
Chưa hết. Đôi lúc còn phải chọn chữ i ngắn (i) hay i dài (y). Ngày xưa, Huình - Tịnh Paulus Của viết : Nguít (ngó có nửa con mắt, không muốn ngó). Huinh đệ. Huiên đường. Ngày nay mấy từ này được viết là nguýt, huynh, huyên. I được thay bằng y. Ngược lại, ym (mát mẻ, tư nhuận) được viết là im. Y nhường chỗ cho i. Mọi người vui vẻ chấp nhận mấy thay đổi này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp khó thay đổi. Người này khư khư giữ chữ i. Thưa quí vị, ngân quĩ cúng ma quỉ còn tiền, khỏi phải quịt bọn hàng mã... Người khác lại khăng khăng đòi chữ y. Dài mới đẹp. Bồng bềnh, uyển chuyển, thướt tha. (Lại lạc đề). Thế là khắp nơi nổi lên một loạt nào là ca sỹ, văn sỹ, bác sỹ, thạc sỹ, tiến sỹ, sỹ quan... Ngày xưa dân ta chỉ biết Nhất sĩ nhì nông. Ngày nay sỹ bỵ bán sỷ. Mặt mày bý xỵ.
Cứ theo trường phái ba phải là chắc ăn nhất. Có nhà báo đưa tin: Thượng nghị sĩ McCain thăm viếng Việt Nam... Các quan chức của ta đánh giá cao cuộc thăm viếng của thượng nghị sỹ McCain. Trường kĩ thuật "chất lượng cao" kia tự hào đào tạo được nhiều kỹ sư xuất sắc.
Bên cạnh chuyện i ngắn i dài, lại còn chuyện phải đánh dấu cho đúng chỗ. Cần gì đúng ! Miễn sao trông cho cân đối là được. Cứ đánh vào giữa là xong. (Đóa hoa, lõa lồ...).
Dài ngắn, trước sau, loạn xà ngầu. Mặc kệ quy định và quyết định của bộ Giáo Dục. Bất chấp Từ điển chính tả tiếng Việt (Hoàng Phê, Giáo Dục, 1985), Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Khoa Học Xã Hội, 1988).
Trong chuyến du lịch Tam Đảo tôi nghe lỏm được tại một khách sạn.
- Em làm giấy tờ cho anh để về thanh toán với cơ quan.
- Dạ vâng. Thế tên anh " nà " gì nào ?
- Lê Đức Linh
- Nê Đức Ninh.
- Anh tên là Linh. Không phải Ninh.
- Ninh... Ninh... Thế tên anh viết bằng " nờ " dài hay " nờ " ngắn ạ ?
- Cái nhà cô này thật là ỡm ờ. " Nờ " của anh dài. Vừa ý chưa ?
Cô gái cười giòn tan :
- " Nờ " dài. Tí nữa thì em cắt cụt.
- Tưởng là chỉ có dê trên (d), dê dưới (g), i dài (y), i ngắn (i), bây giờ lại có cả " nờ " dài (l), nờ ngắn (n).. Còn em, tên là gì ? Có trên dưới, ngắn dài gì không ?
- Dạ, em " nà " Xuân.
- Tên hay nhỉ, nhưng phải sờ mạnh (s) hay sờ nhẹ (x) Xuân mới chịu ?
Cô Xuân đỏ mặt, cười duyên :
- Nhè nhẹ thôi anh.